Giới trẻ với văn minh xe buýt
Ông Phạm Vương Bảo trao đổi với các bạn trẻ về việc cải thiện chất lượng dịch vụ xe buýt – Ảnh: T.T.D
Buổi tọa đàm do mạng lưới Những tác nhân thay đổi và ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM thực hiện, diễn ra sáng chủ nhật 16-9 tại ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Đây là một nội dung của dự án “Nào ta cùng buýt” năm 2012.
Không chỉ là dịp để phản ảnh những tồn đọng của dịch vụ xe buýt, buổi tọa đàm “Tiếng nói thanh niên và văn minh xe buýt” còn là cơ hội để hơn 500 bạn trẻ và công chúng nói chung chia sẻ những đồng cảm, kỳ vọng, đề xuất để xe buýt văn minh, thân thiện, tiện lợi hơn.
Tư vấn tâm lý cho nhân viên xe buýt – sao không?
Hầu hết bạn trẻ tham gia chương trình là học sinh sinh viên – những đối tượng mục tiêu của dịch vụ xe buýt. Về phía đơn vị cung cấp dịch vụ xe buýt có ông Phạm Vương Bảo – phó trưởng phòng kế hoạch điều hành Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở Giao thông vận tải TP.HCM), tài xế xe buýt Nguyễn Xuân Quyết và tiếp viên xe buýt Nguyễn Thị Oanh Kiều đều thuộc Công ty TNHH Vận tải TP.HCM.
10 năm tăng 11 lần
“Năm 2002 hệ thống xe buýt phục vụ 36 triệu lượt hành khách. Năm 2012 ước đạt 400 triệu lượt hành khách, tăng khoảng 11 lần so với năm 2002. Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã trình UBND TP.HCM dự án hỗ trợ đầu tư 1.680 xe buýt mới để thay thế các xe buýt hỏng”.
Ông Phạm Vương Bảo (phó trưởng phòng kế hoạch điều hành Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng – Sở Giao thông vận tải TP.HCM)
Video đang HOT
Những câu chuyện ngỡ “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của xe buýt như thái độ phục vụ của các nhân viên có lúc chưa thật thân thiện, lịch sự việc hành khách bị móc túi – rạch giỏ, bị “yêu râu xanh” quấy rối, xe cũ, xe bẩn, nhồi nhét khách… được trao đổi khá sôi nổi.
Bạn Phan Thị Rát – sinh viên ĐH Mở TP.HCM – thắc mắc: “Khi đi xe buýt, không ít lần tôi nghe nhân viên xe buýt nói những lời không hay. Xin hỏi các đơn vị cung cấp dịch vụ xe buýt có thường xuyên mở các lớp đào tạo cho nhân viên về cách phục vụ, cư xử với hành khách?”. Tài xế xe buýt Nguyễn Xuân Quyết cho biết các nhân viên xe buýt có học lớp đạo đức, nghiệp vụ. Nếu hành khách có bức xúc về vấn đề này nên chủ động phản ảnh qua các đường dây nóng của xe buýt.
Một bạn gái tên Bảo Hiền bày tỏ sự đồng cảm phần nào với những áp lực mà nhân viên xe buýt phải chịu như: làm việc trong không gian nhỏ, thường xuyên di chuyển, kẹt xe, phải tuân thủ lịch trình và cả việc có những hành khách chưa thật lịch sự, văn minh… và cô đặt câu hỏi: Có tạo cơ hội để các nhân viên xe buýt gặp gỡ các chuyên gia tâm lý để kịp thời giải tỏa những ức chế, căng thẳng? Ông Phạm Vương Bảo cho biết ông đánh giá cao ý tưởng này và sẽ nghiên cứu vì thực tế đúng là chưa có các chuyên đề tâm lý cho nhân viên xe buýt.
Buýt cho người khuyết tật
Một trong những câu chuyện nóng của buổi tọa đàm là việc tăng cường khả năng tiếp cận của người khuyết tật với xe buýt. Nguyễn Quang Nhị – sinh viên khiếm thị khoa công tác xã hội ĐH KHXH&NV TP.HCM – bày tỏ mong muốn có hệ thống loa thông báo về các tuyến xe buýt tại các trạm dừng và tất cả xe buýt để những người khiếm thị không gặp khó khăn khi đón xe và xuống trạm.
Bà Vũ Thị Kim Hường – 54 tuổi, công tác tại Trung tâm Nghiên cứu tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng (SDRC), là người cao tuổi nhất tại buổi tọa đàm – cho biết: “Tôi đi xe buýt khoảng 10 năm nay, từ khi xe buýt còn có giá 1.000 đồng/vé và chưa bao giờ tôi thấy một người ngồi xe lăn đi xe buýt. Một số bạn trẻ khuyết tật chân, phải chống nạng, đã kể tôi nghe những khó khăn của họ khi đi xe buýt. Có một nghịch lý nho nhỏ là người khuyết tật được đi xe buýt miễn phí nhưng những cơ sở vật chất để người khuyết tật tiếp cận xe buýt thì dường như chưa hoàn chỉnh”.
Không dừng lại câu chuyện ở “thì hiện tại” của xe buýt, các bạn trẻ đưa ra nhiều đề xuất để xe buýt hiện đại hơn. Bạn Nguyễn Bảo Toàn – sinh viên năm 3 khoa môi trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM – đề xuất: “Lượng sinh viên đi xe buýt rất đông, sao không tích hợp thẻ xe buýt thông minh vào thẻ sinh viên? Bên cạnh đó, bản đồ xe buýt online tại trang web www.buyttphcm.com.vn nên có thêm chức năng hướng dẫn hành khách tìm ra lộ trình tối ưu”.
“Tính đến hôm nay 16-9, dự án “Nào ta cùng buýt” đã thu được 16.000 vé xe buýt qua sử dụng – con số này đã vượt qua năm ngoái (12.000 vé). Chúng tôi kỳ vọng sẽ thu được tổng cộng 30.000 vé xe buýt – tính cả trong ngày hội Chuyển động xanh 2012 sẽ diễn ra vào ngày 23-9 tại TP.HCM” – anh Nguyễn Thành Hưng, người chịu trách nhiệm dự án “Nào ta cùng buýt” năm 2012, cho biết.
Theo TNO
Đại lộ Đông Tây - 'con đường di sản' của TP HCM
Với chiều dài 24 km qua địa bàn 8 quận huyện, đại lộ Đông Tây (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) được đánh giá là con đường "dài 300 năm" bởi nó chạy suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Sài Gòn - TP HCM.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín vừa phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị và quy định quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan trục Đại lộ Đông Tây, con đường được cho là đẹp và hiện đại nhất TP HCM. Khu vực nghiên cứu kéo dài từ ngã 3 Cát Lái (quận 2) đến điểm giao cắt quốc lộ 1A với cao tốc TP HCM - Trung Lương, qua khu vực các quận 1, 2, 4, 5 , 6 , 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh với chiều dài hơn 24 km và diện tích hơn 1.500 ha.
Nội dung chính của quyết định nhằm xây dựng không gian đô thị dọc trục đường theo hướng phát triển đô thị hiện đại, phát triển các cụm công trình nhà ở kết hợp chức năng thương mại, dịch vụ, phát huy tốt lợi thế về giao thông, cải tạo không gian và cảnh quan môi trường đô thị.
Đại lộ Đông Tây dài hơn 24 km được đánh giá là "con đường di sản" chạy suốt chiều dài lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn TP HCM. Ảnh: Hữu Công.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM, con đường này đi qua 4 khu vực đô thị với những đặc thù riêng biệt. Đầu tiên là đô thị mới Thủ Thiêm nằm ở phía quận 2, kế đến là trung tâm hành chính văn phòng lâu đời nằm ở quận 1. Tiếp theo là trung tâm buôn bán, kinh doanh mang sắc thái người Hoa ở quận 5 và cuối cùng là vùng cảnh quan sông nước mang đậm dấu ấn "trên bến dưới thuyền" một thời nhộn nhịp kinh doanh sầm uất ở quận 6 và quận 8.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có những kiến trúc hiện đại. Khu quận 1 sẽ lưu giữ lại một số kiến trúc Pháp tiêu biểu cho một Sài Gòn xưa. Một số kiến trúc hiện đại ở đây sẽ được nghiên cứu cho hài hoà với không gian chung. Khu vực quận 5 và cả quận 6, 8 là các hoạt động thương mại nhộn nhịp gắn với kênh Tàu Hũ - Bến Nghé (con kênh chạy suốt trục đường) của cả người Việt lẫn người Hoa. Dự kiến ở đây sẽ hình thành một khu chợ nổi để vừa phục vụ nhu cầu kinh doanh buôn bán hiện tại, vừa tái hiện không gian của những ngày đầu hình thành đô thị Sài Gòn.
Trao đổi với VnExpress.net, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM), tác giả đồ án nghiên cứu thiết kế đô thị Đại lộ Đông Tây cho biết dự án Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ là dự án điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của TP HCM, kết nối trục giao thông chính, hành lang Đông - Tây của thành phố.
Khu nhà cổ bột giặt Net đang bị xuống cấp được đề xuất bảo tồn. Ảnh: Hữu Công.
Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ và hành lang đô thị dọc theo trục đường này, với chức năng quan trọng về giao thông và những giá trị văn hóa, xã hội, kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên đặc thù cần được bảo tồn và phát huy giá trị như trụ sở ngân hàng, Sở Giao dịch chứng khoán, khu nhà cổ bột giặt Net và các đình, chùa, miếu.... Tuy nhiên, không gian kiến trúc cảnh quan hiện nay chưa tương xứng với vai trò của trục đường.
"Nhu cầu phát triển đô thị tại các khu đất dọc trục đại lộ là rất lớn trong khi nhiều quỹ đất dọc trục đường (như các khu vực nhà xưởng, nhà kho sau khi di dời sản xuất ra ngoại thành) chưa được nghiên cứu một cách toàn diện và đồng bộ nhằm phát huy tối đa hiệu quả quỹ đất", ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, nhu cầu xây dựng mới, chỉnh trang nhà ở của nhân dân tại các khu dân cư dọc trục đường chưa có sự hướng dẫn quy định cụ thể của cơ quan quản lý. Công trình, cụm công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc chưa được nghiên cứu cụ thể bảo vệ giá trị. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, môi trường tự nhiên trên trục đường chưa có quy hoạch hoàn chỉnh. Các vấn đề tồn tại này đặt ra sự cần thiết nghiên cứu lập thiết kế đô thị trục Đại lộ Võ Văn Kiệt là cơ sở để UBND các cấp tổ chức lập Quy chế quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan tại từng khu vực riêng của trục đường trong ranh giới hành chính do mình quản lý.
Kênh tàu hủ chạy qua địa bàn các quận 5, 6 và 8, dự kiến ở đây sẽ hình thành một khu chợ nổi để vừa phục vụ nhu cầu kinh doanh buôn bán hiện tại, vừa tái hiện không gian của những ngày đầu hình thành đô thị Sài Gòn. Ảnh: Hữu Công.
Theo nhiệm vụ thiết kế đô thị được UBND thành phố phê duyệt, Đại lộ Đông Tây được xác định là trục đường cửa ngõ của thành phố, yêu cầu là trục đường đẹp, văn minh, hiện đại, khai thác tối đa các yếu tố cảnh quan sông nước...
Đồ án cũng đề xuất tăng cường giao thông công cộng dọc tuyến đường, bao gồm các tuyến đường thủy bộ, (có phục vụ du lịch trên sông), tuyến giao thông vận chuyển hành khách công cộng tốc độ nhanh, số lượng người lớn (tuyến tramway, tàu điện ngầm, hoặc xe buýt nhanh) và các tuyến đi bộ. Nghiên cứu đầu tư hệ thống xe buýt tốc độ cao dọc theo trục đường, với cự ly bến dừng, bãi đậu xe hợp lý - có kết hợp với các trung tâm thương mại dịch vụ, công trình công cộng và nhà ở cao tầng.
Hiện Sở Quy hoạch Kiến trúc đang gấp rút chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc triển khai hoàn tất nội dung đồ án, bao gồm bước làm việc, lấy ý kiến với các Sở Ban ngành và các quận, huyện trên địa bàn liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ và soạn thảo quy định quản lý.
Ngoài Đại lộ Đông Tây, UBND TP HCM cũng đã chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc nghiên cứu thiết kế đô thị 2 tuyến đường quan trọng khác là xa lộ Hà Nội và Tân Sơn Nhất - Bình Lợi. Theo Sở này, xa lộ Hà Nội là cửa ngõ nhộn nhịp vào bậc nhất của TP HCM vấn đề chính ở đây là tìm kiếm ý tưởng thiết kế đô thị có thể làm giảm đi tác động xấu của cường độ giao thông lớn lên cuộc sống của người dân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thuận tiện với giao thông nhưng vẫn an toàn, tiện lợi.Còn đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, đây là trục giao thông quan trọng nối sân bay Tân Sơn Nhất đi ra cửa ngõ phía Đông Bắc của TP HCM. Tuyến đường đi qua nhiều khu vực dân cư chật chội, cũ kỹ, xuống cấp của thành phố thuộc các quận Gò Vấp, Bình Thạnh... nên nhiệm vụ chính của thiết kế đô thị dọc tuyến đường chính là chỉnh trang đô thị, cải tạo đô thị cũ, xây dựng đô thị hiện đại hơn.Theo VNE
Hà Nội nhăm nhe "xẻ thịt" Công viên Thống Nhất Kiến trúc Hà Nội vừa có ý kiến ủng hộ dự án đầu tư xây dựng 2 bãi giữ xe công cộng nằm trong Công viên Thống Nhất. Công viên này cũng đề xuất xây 4 bãi giữ xe nữa. Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP Hà Nội vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của UBND TP...