Giới trẻ lâng lâng với thú nhảy dù
Cảm giác nhảy dù qua mặt biển rất hồi hộp.
Nhiều người đam mê nhảy dù đến mức ví von đó là một thứ gây nghiện, người chơi “vấp” phải món này sẽ có cảm giác lâng lâng, mê mẩn, đến mức không biết và không màng mọi sự xung quanh.
Bởi với thú chơi dù, người chơi sẽ thỏa mãn được cả hai niềm đam mê: Các môn thể thao cảm giác mạnh và ước mơ từ thuở nhỏ được chao liệng như những cánh chim tự do trên bầu trời. Chơi dù tại Việt Nam phổ biến nhất là dù tròn, dù lượn và dù có động cơ.
Không dành cho người…. yếu tim
Mỗi loại hình có những đặc điểm khác nhau, đòi hỏi người chơi những kỹ năng khác nhau. So sánh ba bộ môn dù trên đây, anh Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Vietpipe, một người đam mê thú nhảy dù nhiều năm, cho biết: “Dù tròn (nhảy từ máy bay) là loại hình nhảy dù cảm giác mạnh nhất. Ở Việt Nam, thường người chơi được trực thăng đưa đến điểm “bay”, thả từ độ cao trên dưới 1.000m, thời gian rơi tự do khoảng vài giây, còn tiếp đất trong vòng vài phút tùy độ cao và trọng lượng người nhảy”.
Đối với bộ môn dù tròn, để được bay lên không trung trong khoảng thời gian ngắn ngủi vài ba phút, người chơi phải trải qua hơn 2 tháng rèn luyện nhiều bài tập khác nhau.
Video đang HOT
Nhớ lại thời gian đi học bộ môn này, anh Minh Tuấn tâm sự: Bài học đầu tiên trong bộ môn dù tròn mà người chơi nào cũng phải trải qua là gấp dù. Bài gấp dù tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn và khéo léo, tập trung cao độ của người chơi dù. Để hoàn tất gấp một chiếc dù D5, một đội hai người phải cần đến 3 tiếng đồng hồ loay hoay với đống dây nhợ bùi nhùi mới hoàn tất giữa trời nắng chang chang trên sân đỗ trực thăng.
Bài học tiếp đất không khác nào tập phi thân từ lầu 1 xuống đất, còn bài tập điều khiển dù trên không thì người chơi phải ngồi vào bộ dây dù cũ, treo lửng lơ trên giá dù khiến toàn thân ê ẩm vì đau nhức. Khó nhất phải kể đến bài tập tiền đình vì người học không khác nào một… chú bê thui vì hai tay và hai chân được cột chặt vào lồng sắt quay tít để đạt đến số vòng quay nhất định. Sau bài tập này không ít người bị ói, chóng mặt, về nhà cầm đũa ăn cơm mà hai tay vẫn cứ run run.
Hầu hết người chơi dù đều có cảm giác ban đầu là sợ dù không mở ra trên không bởi như vậy rất dễ ảnh hưởng đến tính mạng. Ngoài ra, người chơi dù cần có quyết tâm và lòng đam mê thực sự để vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình.
Nhiều người chơi dù tròn cho biết dù họ đã được tập luyện và chuẩn bị tâm lý “bung dù” nhưng khi ở trên trực thăng với độ cao 1.000m, nhìn ra khoảng không bao la trước mặt và những luồng gió tạt mạnh thì sợ hãi đến quýnh quáng, chân tay cứng đờ không lê nổi bước hay nhất quyết không chịu nhảy khỏi máy bay.
“Sau lần nhảy đầu tiên, không phải ai cũng có đủ can đảm để tiếp tục tham gia những lần nhảy tiếp theo, lại có người bị gãy chân ngay từ lần nhảy đầu tiên do động tác tiếp đất không chuẩn hay tiếp xuống nền đá cứng, đường băng và từ giã luôn thú chơi này”, anh Minh Tuấn cho biết.
Mặt khác, rào cản của những người chơi dù còn đến từ sự can ngăn của những người thân yêu nhất của người chơi. Thậm chí có người bị gia đình dọa “từ con” hoặc yêu cầu ly dị của người bạn đời. Áp lực là vậy nhưng những người lỡ đam mê cảm giác lâng lâng, được bay lượn tự do trên bầu trời vẫn tiếp tục niềm đam mê của mình.
Lâng lâng… thú chơi dù
Khi nói về cảm giác lần đầu tiên nhảy dù, chị Hải Yến, Giám đốc Công ty Hải Yến Travel, Hà Nội, người có thâm niên 20 năm chơi dù ví von sinh động khiến nhiều người ước ao: “Sướng nhất là lúc dù mở lần nhảy đầu tiên, kể cả đêm tân hôn cũng không bằng…”.
Tuy vậy, đằng sau những sung sướng ấy lại là những lo âu, thấp thỏm, trằn trọc đến mất ngủ của người chơi. Đêm trước ngày “bung dù”, anh Minh Tuấn tâm sự: “Đêm trước ngày nhảy dù, tôi hồi hộp, nôn nao không sao ngủ được”. Khi lên trực thăng ra điểm nhảy anh lại cảm thấy mình như người mộng du vì hồn phách lạc đâu mất nhưng phút giây đầu tiên được “bay” giữa bầu trời anh lại lâng lâng, sung sướng đến tột độ: “Lần đầu tiên rơi tự do từ độ cao khoảng 1.000m, tôi gần như không cảm nhận được những gì đang xảy ra xung quanh. Sau một vài giây, tôi giật mạnh khóa mở dù, bỗng nhiên người giật nhẹ lên phía trên, nhìn lên dù đã mở hoàn toàn, trắng xóa, bồng bềnh như những đám mây, xung quanh hoàn toàn tĩnh lặng. Cảm giác lâng lâng sung sướng ngập tràn, cuối cùng ước mơ được bay bao nhiêu năm qua của tôi đã trở thành sự thật”.
Còn bạn N.H.Minh nhận xét: “Cảm giác nhảy dù lần đầu tiên thật tuyệt. Thích nhất là sau khi nhảy khỏi máy bay, thân thể đang rơi tự do, giật cáp bung dù, thế là dù hoạt động, người chầm chậm bay, yên tĩnh, sung sướng…”.
Bạn Trần Tín (sinh năm 1984) quê miền Tây lại thấy mình như đang bồng bềnh đi xuồng ba lá trên ngã ba sông quê nhà: “Người em trôi lềnh bềnh giống kiểu đi xuồng ba lá ra gặp sóng mạnh ở quê em”.
Chuyên gia nhảy dù Đinh Minh Tuấn
Gấp dù, thao tác căn bản và rất quan trọng trước khi chuẩn bị nhảy dù
Bạn Minh Tâm, học viên nữ duy nhất trong một khóa dù tròn bộc bạch cảm giác ngần ngại, sợ hãi khi đứng trước cửa máy bay chuẩn bị nhảy xuống phía dưới: “Trong mình cảm giác sợ hãi và căng thẳng đan xen, mình nhìn xuống dưới đất, choáng mất một lúc vì sợ hãi nhưng không thể dừng lại được. Bao công sức học 2 tháng trời không lẽ trôi sông và mình quyết định nhảy. Đến tận bây giờ nghĩ lại mình vẫn còn sợ cái cảm giác rời khỏi cửa máy bay khi ấy”.
Nhưng bạn cũng đầy hào hứng mô tả lại những phút giây “bung dù” tuyệt diệu như sau: “Cả không gian xung quanh mình không tiếng ồn ào, gần như im lặng tuyệt đối. Gió thổi nhè nhẹ, bầu trời xanh trong, không gian rộng lớn và mình lại đang lơ lửng. Mặt đất, nhà cửa , cây cối… vừa hiển hiện lại vừa xa xăm trước mặt. Chưa bao giờ mình thấy yên bình đến như vậy. Cảm giác thật khó tả, có lẽ mình sẽ nhớ rất rất lâu sau này”.
Khi nhắc đến dù lượn, chị Hải Yến tấm tắc: “Dù lượn đã giúp chúng tôi, những người đam mê bay có được những giây phút viên mãn trên bầu trời. Leo núi, cất cánh, bay lượn rồi hạ cánh… Quả thực tôi không ngờ lại có ngày hôm nay! Ước mơ ngày nào được bay như chim không còn xa lạ nữa, ai cũng có thể bay, ai cũng có thể lượn hàng giờ đồng hồ trên không trung, an toàn và êm ái trong một chiếc nôi, liệng phải, liệng trái, vút lên, hạ xuống, thỏa sức ngắm nhìn cảnh đẹp phía dưới, biển và trời, rừng và núi, cánh đồng, sông suối, từ mọi góc độ”.
Nếu là người đam mê khoảng không bao la và khám phá bầu trời, sự phóng đạt của những cánh chim, rất có thể một ngày nào đó bạn sẽ thử qua thú chơi này để được lâng lâng, phiêu bồng như họ chứ?
Theo Thanh Niên