Giới phân tích Trung Quốc: Rodrigo Duterte là một món quà “trời cho” Bắc Kinh
Chiến thắng có nghĩa là bạn có được một cái gì đó thông qua nỗ lực của riêng bạn. Chúng tôi không làm gì cả. Đó là một món quà.
The New York Times ngày 24/10 bình luận, sự sốt sắng của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong việc chấp nhận đàm phán trực tiếp với Trung Quốc về các tranh chấp ở Biển Đông và việc ông tỏ lòng biết ơn Bắc Kinh về 24 tỉ USD các thỏa thuận thương mại trong chuyến thăm có thể để lại ấn tượng lớn.
Đó là Trung Quốc có thể đã bắt đầu cấu trúc lại chiến lược trong khu vực Đông Nam Á bằng cách kéo một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ về phía mình.
Món quà chứ không phải chiến thắng
Diêm Học Thông, một giáo sư về quan hệ quốc tế Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc bình luận:
“Trung Quốc đã cải thiện quan hệ với Rodrigo Duterte ngay lập tức, và thiết lập cách giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình.
Nói chung vấn đề ở Biển Đông đã qua, và lúc này Hoa Kỳ không thể làm bất cứ điều gì hơn được nữa.”
Ông Rodrigo Duterte và ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ảnh: The New York Times.
Nhà phân tích này ngạc nhiên trước sự may mắn của Bắc Kinh sau một thời gian dài căng thẳng dẫn đến Phán quyết Trọng tài 12/7 chống lại các yêu sách và hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Đó là một món quà, không phải là một chiến thắng. Chiến thắng có nghĩa là bạn có được một cái gì đó thông qua nỗ lực của riêng bạn.
Chúng tôi không làm gì cả. Đó là một món quà.” Ông Thông bình luận.
Ông Trương Bảo Huy, một giáo sư về quan hệ quốc tế Đại học Kỵ Nam, Hồng Kông nhận định:
“Tôi không nghĩ rằng trong thời điểm này Bắc Kinh muốn có một mối quan hệ đối tác thực sự gần gũi với ông ta (Rodrigo Duterte). Đặc biệt nếu đó lại là hợp tác như một mối quan hệ liên minh chống Mỹ.”
Tuy nhiên chuyến thăm chính thức Trung Quốc của phái đoàn Philippines đã được xem như một thành công trên nhiều mặt trận.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn và đồng ý tăng cường hợp tác hải quân giữa hai nước.
Trung Quốc cũng nhận được món hời lớn: Philippines chấp nhận số lượng lớn các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ giao cho các tập đoàn nhà nước Trung Quốc.
Một trong những giao dịch khiến Trung Nam Hải đặc biệt hài lòng, đó là Manila cam kết cho tập đoàn Nạo vét CCCC tham gia dự án mở rộng cảng quốc tế Cebu và hàng loạt cảng khác.
Giáo sư Diêm Học Thông, ảnh: alchetron.com.
Trong đó tập đoàn Nạo vét CCCC chính là đơn vị được Trung Quốc điều động thực hiện việc bồi lấp các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) mà Philippines đã khởi kiện ra Hội đồng Trọng tài.
Trinh Nguyen, một nhà kinh tế chuyên về khu vực Thái Bình Dương của Ngân hàng Natixits bình luận:
“Các thỏa thuận thương mại không nhất thiết sẽ chuyển thành đầu tư trực tiếp vào Philippines. Đó chỉ là biểu tượng cho thiện chí của chính phủ Trung Quốc.”
Ví dụ tại Indonesia, Trung Quốc đã thắng thầu Nhật Bản để trở thành đơn vị xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc, nhưng dự án đã bị đình trệ và chưa mang lại kết quả.
Video đang HOT
Đàm phán song phương hay đa phương?
Mặc dù Rodrigo Duterte tỏ ra chống đối Hoa Kỳ, nhưng ông chủ Điện Manacanag tự kiềm chế không nói rằng sẽ ngăn Mỹ truy cập 5 căn cứ quân sự của Philippines.
Giáo sư Trương Bảo Huy cho biết, ông Duterte đã khẳng định rằng cách tiếp cận song phương làm việc tốt hơn, điều này hỗ trợ rất lớn cho Trung Quốc.
Ông Huy cũng tin rằng chiến lược của Mỹ đang rất cần một “nạn nhân” của Trung Quốc để tập hợp các nước khác, nhưng Rodrigo Duterte đã rút Philippines khỏi cái bẫy đó.
Giáo sư Alexander L. Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Hawaii bình luận:
“Không có nghi ngờ gì về việc, sự thành công của Rodrigo Duterte với Trung Quốc đang đánh động các quốc gia Đông Nam Á khác, những nước vừa muốn tìm kiếm các lợi ích kinh tế hào phóng, vừa lo ngại tham vọng chiến lược của Trung Quốc.
Việt Nam hiện đang bị buộc phải suy nghĩ lại lập trường của mình nghiêng về phía Hoa Kỳ. Nhưng khả năng nhiều hơn là Việt Nam sẽ tìm cách thuyết phục Washington tăng cường cam kết của mình đối với khu vực.
“Trục” đối ngoại của ông Rodrigo Duterte gây nhầm lẫn, nhưng cũng xác nhận cách tiếp cận hiện nay của Việt Nam đối với Trung Quốc, vừa kết hợp sự hợp tác – tôn trọng với đấu tranh, tránh phụ thuộc vào một cường quốc duy nhất.”
Người viết cho rằng, trước khi ông Rodrigo Duterte lên cầm quyền ở Philippines rất lâu, Việt Nam đã chứng minh sự đúng đắn của mình với chiến lược đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế.
Việt Nam mong muốn làm bạn với tất cả các quốc gia yêu chuộng hòa bình và công lý, không theo nước này chống nước kia.
Theo Giáo Dục
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Nhật Bản, Trung Quốc
Obama phải đối mặt với một viễn cảnh buồn khi rời Nhà Trắng: Chiến lược đối ngoại mang chữ ký của ông - xoay trục sang châu Á bị đánh chìm dưới sóng biển...
Gideon Rachman, Giám đốc đối ngoại của Financial Times ngày 19/9 bình luận trên tạp chí này nhận định, chính sách xoay trục sang châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chìm xuống đáy Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ đang gặp khó khăn thực sự, từ vấn đề Biển Đông cho đến hiệp định TPP. Người đưa ra phép thử trực tiếp với chiến lược xoay trục của ông Obama (không phải ông Tập Cận Bình, mà) là ông Rodrigo Duterte.
Tân Tổng thống Philippines đã khiến dư luận quốc tế thực sự sốc khi ông dùng lời lẽ tục tĩu để chỉ trích Barack Obama. Nhưng điều Rodrigo Duterte khiến Nhà Trắng thực sự đau đầu lại được đưa ra vài ngày sau đó.
Ông thông báo rằng Philippines sẽ không tuần tra chung với Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông. Lý do Rodrigo Duterte đưa ra là: Trung Quốc hiện đang rất mạnh, họ có ưu thế quân sự trong khu vực.
Bình luận này làm Washington đau nhói.
Suốt nhiệm kỳ thứ 2 của ông Obama, Mỹ đã cố gắng trấn an các đồng minh và đối tác châu Á của mình rằng, Hoa Kỳ có đầy đủ phương tiện và ý chí để duy trì sức mạnh quân sự thống trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Gideon Rachman, ảnh: theorwellprize.co.uk.
Trong bài phát biểu mang tính bước ngoặt năm 2011, Obama khẳng định: "Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương và chúng tôi đang có mặt ở đây."
Kể từ đó, Mỹ bắt đầu điều chuyển lực lượng hải quân tới khu vực này nhiều hơn, và ông Obama đã thường xuyên thực hiện các cuộc hành trình dài công du từ Washington đến Đông Á.
Tuy nhiên, ông Rodrigo Duterte hiện đã trực tiếp thách thức ý tưởng rằng, Mỹ vẫn là bá chủ ở Thái Bình Dương.
Nếu những người khác chấp nhận quan điểm này của ông, quyền lực có thể rời khỏi Washington và theo đó, nhiều nước trong khu vực sẽ lựa chọn ngả về Bắc Kinh.
Đánh giá của Tổng thống Philippines về cán cân quân sự Trung - Mỹ là vấn đề. Người Mỹ hiện có 11 tàu sân bay, trong khi Trung Quốc có 1 chiếc và 1 chiếc khác đang đóng.
Nhưng chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng nhanh chóng và liên tục trong nhiều thập kỷ. Bắc Kinh cũng đã đầu tư vào các loại thiết bị bao gồm tên lửa, tàu ngầm, có khả năng làm cho tàu sân bay Mỹ dễ bị tổn thương.
Trong những năm qua, niềm tin mới của Trung Quốc đã được phản ánh trong chương trình xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông.
Nó được thiết kế để củng cố yêu sách gây tranh cãi của Bắc Kinh đòi 90% diện tích vùng biển này.
Người Mỹ đã không thể ngăn chặn sự khẳng định rõ ràng sức mạnh của Trung Quốc.
Nhà Trắng đã rất kiềm chế bản thân, không cho tàu thuyền Hải quân Mỹ qua lại gần các đảo nhân tạo Trung Quốc quân sự hóa ở khu vực (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp để báo hiệu, họ không chấp nhận các yêu sách này.
Tầm quan trọng của Biển Đông trong chính sách của Hoa Kỳ đã nhiều lần được chính quyền Barack Obama nhấn mạnh.
Trong một bài viết về "Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ" xuất bản năm 2011, bà Hillary Clinton khi đó đã chỉ ra rằng, một nửa khối lượng thương mại thế giới đi qua khu vực này.
Mỹ lo ngại Bắc Kinh biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc.
Từ lâu người Mỹ đã khẳng định một cách hợp lý và đầy đủ về vai trò, vị trí của họ trên Biển Đông.
Washington tuyên bố trách nhiệm của mình là, giữ gìn luật pháp quốc tế chứ không phải tham gia một cuộc cạnh tranh quyền lực với Trung Quốc.
Philippines đã quyết định chiến lược sống còn dựa vào nền tảng luật pháp này.
Tháng Bảy vừa qua, Manila giành chiến thắng trong vụ kiện trọng tài Biển Đông thách thức yêu sách (đường lưỡi bò) của Trung Quốc.
Phán quyết Trọng tài được nhiều người coi là một trở ngại đối với tham vọng của Trung Quốc.
Tuy nhiên Mỹ có muốn bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Philippines cũng khó, khi Rodrigo Duterte nguyền rủa Obama công khai, sau đó tuyên bố không tuần tra với Mỹ ở Biển Đông.
Mỹ hiện không có đối tác khác trong khu vực. Tuần trước Nhật Bản thông báo sẽ tiến hành tuần tra chung với hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông.
Nhưng mối quan hệ cạnh tranh gay gắt giữa Tokyo với Bắc Kinh làm cho vấn đề trở nên giống như một cuộc đấu tranh quyền lực với Trung Quốc.
Đặc biệt là cuộc tập trận chung Nga - Trung ở Biển Đông vừa kết thúc, nhiều nước Đông Nam Á có thể sẽ bị cám dỗ phải đứng sang một bên, hơn là chấp nhận bị cuốn vào một cuộc đụng độ giữa những gã khổng lồ trong khu vực.
Cảm giác rằng chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á đang gặp rắc rối, càng trở nên phức tạp thêm, bởi nghi ngờ ngày càng tăng về số phận của Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
TPP do Mỹ khởi xướng, quy tụ 12 quốc gia, bao gồm cả Nhật Bản và Hoa Kỳ, nhưng không có Trung Quốc.
Thỏa thuận này được coi như một công cụ để Mỹ ngăn chặn sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương.
Biện hộ cho TPP trước Quốc hội Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lập luận rằng, giá trị chiến lược dài hạn của TPP là rất tuyệt vời.
Nhưng lời cầu xin của ông Shinzo Abe và ông Barack Obama dường như không thể bảo vệ được TPP.
Cả hai ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton đều chống lại TPP.
Ông Obama vẫn đang cố gắng ép buộc Quốc hội Mỹ thông qua TPP trước khi rời nhiệm sở. Nhưng cơ hội để TPP sống sót trong môi trường hiện tại của chủ nghĩa bảo hộ Mỹ dường như rất nhỏ.
Nếu chính quyền Mỹ không thông qua được TPP, đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Á sẽ cảm thấy tình huống rất xấu.
Họ có nguy cơ làm mất lòng Bắc Kinh bằng cách tham gia vào định chế này.
Bấy giờ Washington có thể bỏ rơi họ.
Trong chuyến thăm Hoa Kỳ gần đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã gọi TPP là một phép thử về độ tin cậy, mức độ cam kết của Mỹ trong chiến lược xoay trục sang châu Á.
Ông chỉ ra rằng, những tác động của nó sẽ vượt xa khỏi phạm vi thương mại, vươn sang cả phạm vi mức độ tin cậy đối với cam kết của Mỹ, đảm bảo an ninh cho các đồng minh, đối tác châu Á.
Thật không may, một tư duy chiến lược dài hạn là gần như không thể có trong cơn lốc chính trị Mỹ hiện nay.
Kết quả là Tổng thống Obama phải đối mặt với một viễn cảnh buồn khi rời Nhà Trắng: Chiến lược đối ngoại mang chữ ký của ông - xoay trục sang châu Á bị đánh chìm dưới sóng biển Thái Bình Dương.
Donald Trump có thể là "cứu tinh" của nước Mỹ?
Người viết cho rằng, nhận định của Gideon Rachman trên đây là rất đáng lưu ý, cần được nghiên cứu một cách thấu đáo, đưa ra dự đoán chính xác.
Bởi lẽ nó ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai khu vực, cũng như mỗi quốc gia, dân tộc ở châu Á, đặc biệt là khu vực Biển Đông.
Dù chiến lược xoay trục của ông Obama có thể chưa "chìm" như nhận xét của Gideon Rachman, nhưng thực tế đã có những dấu hiệu cho thấy nó rất đuối sức.
Không phải đợi đến khi Trung Quốc xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) thì điều đó mới bộc lộ.
Mà kể từ cuộc khủng hoảng Scarborough suốt hai tháng năm 2012, Mỹ đã không muốn hoặc không thể làm gì, dù là đồng minh hiệp ước của Philippines.
Trung Quốc bắt đầu nắm được thực lực của Mỹ và nhanh chóng leo thang ngoài Biển Đông từ đây. 2013 họ bắt đầu công việc xây đảo.
Chính sách xoay trục sang châu Á của ông Obama "hụt hơi" có lẽ là do nội lực Hoa Kỳ đã hao tổn trầm trọng sau 2 cuộc chiến "đốt tiền" ở Iraq, Afghanistan cũng như nhiều điểm nóng khác.
Nhiệm kỳ đầu của ông Obama, Mỹ đã dần từng bước rút khỏi vũng lầy Trung Đông.
Nhưng sang nhiệm kỳ thứ 2, ông chủ Nhà Trắng đã không tập trung củng cố nội lực, vẫn tiếp tục đầu tư vào chiến lược đối ngoại để thực hiện vai trò "cảnh sát toàn cầu".
Sau 30 năm "giấu mình chờ thời", làm giàu nhanh chóng và kiếm bộn tiền từ việc cung cấp hàng giá rẻ cho thị trường toàn cầu, con sư tử Trung Quốc bây giờ đã thức giấc.
Do đó, cá nhân người viết cho rằng, sự xuất hiện của Donald Trump trên chính trường Mỹ hay việc Rodrigo Duterte thắng cử ở Philippines, có thể là dấu hiệu khởi đầu cho một thời kỳ mới của bàn cờ chính trị quốc tế, hơn là những trường hợp "cá biệt" như cách miêu tả của truyền thông.
Dù chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á đang "hụt hơi" trong khi Nga - Trung liên thủ ép Mỹ, không có nghĩa là Hoa Kỳ đã yếu đến mức phải "buông giáp quy hàng" để Trung Nam Hải nối ngôi.
Tuy nhiên khả năng Nhà Trắng phải tìm cách thỏa hiệp với Trung Nam Hải không phải điều không thể xảy ra.
Nếu Hoa Kỳ không có sự hiệu chỉnh chính sách để nhanh chóng khôi phục nội lực, thì viễn cảnh bị Trung Quốc hất khỏi vũ đài chính trị quốc tế cũng chẳng còn xa.
Vì vậy nếu Donald Trump trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ cũng không có gì là đáng ngạc nhiên. Mỹ cần phải thay đổi.
Người viết cho rằng, vị thế của Hoa Kỳ có thể được giữ vững và chiến lược xoay trục của ông Obama sẽ không bị "đánh chìm dưới sóng biển Thái Bình Dương" nếu Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng.
(Theo Giáo Dục)
Vai trò của các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm qua Phán quyết Trọng tài hôm 12/7 Đây là nội dung quan trọng nhất không thể không đề cập và lên án, trước khi luận tội về những vi phạm của Trung Quốc có liên quan đên nội dung và thủ tục... Trung Quốc huy động hàng chục tàu thuyền ráo riết bồi đắp bãi cạn Scaborough LTS: Sau Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và...