Giới khoa học đánh giá nguyên nhân bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi
Bệnh đậu mùa khỉ (mpox) bùng phát mạnh ở châu Phi phần lớn là do sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế trong nhiều thập niên và việc không thể ngăn chặn các đợt bùng phát lẻ tẻ trong một nhóm dân cư ít có khả năng miễn dịch với căn bệnh liên quan đến bệnh đậu mùa.
Tuyên bố trên được các nhà khoa học hàng đầu của châu Phi đưa ra ngày 27/8.
Nốt ban trên tay bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Ảnh: IRNA/TTXVN
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, Tiến sĩ Dimie Ogoina, người đứng đầu Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về bệnh đậu mùa khỉ, cho biết bệnh này đã âm thầm lây lan mà hầu như không bị phát hiện trong nhiều năm ở châu Phi, trước khi bùng phát vào năm 2022 ở trên 70 quốc gia.
Theo ông, diễn biến bệnh hiện nay ở châu Phi khác so với đợt bùng phát toàn cầu vào năm 2022. Trong khi đợt bùng phát dịch này chủ yếu tập trung ở nam giới đồng tính và song tính, thì đợt bùng phát hiện nay ở châu Phi chủ yếu lây lan qua đường quan hệ tình dục cũng như qua tiếp xúc gần giữa trẻ em, phụ nữ mang thai và các nhóm dễ bị tổn thương khác.
Video đang HOT
Đầu tháng này, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) vì bệnh đậu mùa khỉ. Ngày 27/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết có trên 22.800 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 622 ca tử vong. Đáng lưu ý, số ca nhiễm tại châu lục này đã tăng vọt 200% trong tuần qua. Phần lớn các ca mắc và tử vong ghi nhận ở CHDC Congo – nơi hầu hết các ca bệnh ở trẻ dưới 15 tuổi.
Ngoài ra, biến thể mới của virus đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở 4 quốc gia châu Phi khác và Thụy Điển. WHO cho biết chưa có cơ sở khẳng định biến thể mới này nguy hiểm hơn và các nghiên cứu đang được tiến hành.
Các nhà chức trách châu Phi ước tính châu lục này cần khoảng 10 triệu liều vaccine để ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, trong một thông cáo báo chí mới đây, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết nước này sẽ dành 20% số liều vaccine phòng đầu mùa khỉ dự trữ để hỗ trợ các quốc gia châu Phi đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Số lượng vaccine đủ để tiêm chủng cho khoảng 500.000 người.
Chỉ riêng khoản quyên góp của Tây Ban Nha đã nhiều hơn số lượng cam kết của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và công ty dược Bavarian Nordic. Tuần trước, CDC châu Phi cho biết EU và Bavarian Nordic đã cam kết cung cấp 215.000 liều vaccine phòng bệnh trong khi Mỹ đóng góp 50.000 liều vaccine cho CHDC Congo, 10.000 liều cho Nigeria. Pháp và Đức cũng thông báo quyên góp 100.000 liều vaccine cho các quốc gia có dịch bệnh lây lan mạnh. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có tên trong danh sách nước hỗ trợ vaccine.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 28/8, Bộ Y tế Philippines cho biết nước này đã phát hiện thêm 2 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, đưa tổng số ca mắc bệnh lên 5 trường hợp. Theo Bộ trưởng Teodoro Herbosa, giống như 3 bệnh nhân trước đó, 2 ca mới này cũng nhiễm chủng clade II thể nhẹ.
Theo người phát ngôn của bộ trên, kể từ tháng 7/2022, Philippines đã ghi nhận tổng cộng 14 ca mắc. Hiện bộ đang tiếp tục truy vết những người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân mắc bệnh.
Báo động về dịch bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cảnh báo, tình trạng gia tăng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở châu lục này, cộng thêm những hạn chế trong công tác chẩn đoán bệnh và tỷ lệ tử vong cao đang tạo ra những thách thức lớn cho nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh này ở châu Phi.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ tại Nyiragongo, Bắc Kivu, CHDC Congo, ngày 15/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Trong báo cáo cập nhật về tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi công bố hôm 23/8, Tổng Giám đốc của CDC châu Phi, Jean Kaseya, nêu rõ những thách thức này cũng liên quan đến sự lây lan nhanh chóng dịch bệnh đậu mùa khỉ sang các quốc gia khác và làm giảm hiệu quả phối hợp các nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Số liệu thống kê cho thấy từ đầu năm đến ngày 23/8 đã ghi nhận tổng cộng 21.466 ca nghi mắc đậu mùa khỉ ở 13 nước châu Phi, trong số này có 591 ca đã tử vong.
Tuy nhiên, theo ông Kaseya, những con số này có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" vì còn nhiều trường hợp mắc bệnh nhẹ khó phát hiện, những hạn chế trong việc giám sát, xét nghiệm và báo cáo về số ca mắc bệnh.
Tổng Giám đốc CDC châu Phi cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ có tỷ lệ tử vong cao và sự kết hợp giữa căn bệnh này với HIV/AIDS sẽ gây ra quan ngại y tế rất lớn cho châu Phi.
Trong một diễn biến khác, phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn thông tin từ Hãng thông tấn Senegal (APS) cho biết nước này đã triển khai hệ thống giám sát cấp quốc gia để đề phòng khả năng xuất hiện của virus đậu mùa khỉ.
Người đứng đầu Bộ phận giám sát và ứng phó với vaccine thuộc Bộ Y tế và Hành động xã hội Senegal, ông Boly Diop, cho biết nước này hệ thống giám sát được áp dụng trên toàn quốc, đặc biệt tại 46 quận ưu tiên nằm ở khu vực biên giới và các bến cảng, sân bay.
Trước đó, hồi đầu tuần, Bộ Y tế và Hành động xã hội Senegal cũng đã kích hoạt Trung tâm Điều hành khẩn cấp y tế (COUS) sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Ông Diop giải thích các biện pháp trên được triển khai nhằm tăng cường công tác phòng ngừa và kiểm soát để bảo vệ người dân và ngăn bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập nước này.
Trong khi đó, tại Uganda, Bộ Y tế nước này xác nhận có thêm 2 ca mắc đậu mùa khỉ mới, nâng tổng số ca mắc lên thành 4 ca. Hai bệnh nhân mới điều nhiễm chủng virus clade 1b, biến thể có tốc độ lây lan nhanh và đang gây ra mối lo ngại trên toàn cầu. Hiện cả hai bệnh nhân đều đã được cách ly tại một bệnh viện ở thị trấn Entebbe, cách thủ đô Kampala khoảng 50 km về phía Nam.
Virus đậu mùa khỉ gây ra các triệu chứng giống cúm, gây tổn thương da và có thể lây nhiễm qua tiếp xúc gần. Mặc dù triệu chứng bệnh thường là nhẹ nhưng căn bệnh này có thể gây tử vong. Uganda giáp biên với CHDC Congo, một trong những điểm nóng dịch bệnh lớn nhất kể từ khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện hồi tháng 1/2023.
Châu Phi hướng đến tự sản xuất vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ Ngày 20/8, Tổng Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, ông Jean Kaseya cho biết cơ quan này đã khởi động các cuộc thảo luận với hãng công nghệ dược phẩm Bavarian Nordic của Đan Mạch về vấn đề chuyển giao công nghệ để các nước châu lục có thể tự sản xuất vaccine phòng bệnh...