Giới doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam lạc quan về triển vọng phát triển
Ngày 16/5, bà Virginia Foote, Chủ tịch Trung tâm Quốc tế Hoa Kỳ, đồng sáng lập Hội đồng Thương mại Việt – Hoa Kỳ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Bay Global Strategies, cho biết giới doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam lạc quan về triển vọng phát triển tại quốc gia Đông Nam Á.
Bà Virginia Foote đưa ra nhận định trên khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New York bên lề cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại New York trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức tới Hoa Kỳ.
Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông ( Khu công nghiệp Trà Nóc II, thành phố Cần Thơ) là một trong ba doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh (minh họa): Thanh Liêm/TTXVN
Trong cuộc phỏng vấn, bà Virginia Foote đánh giá quan hệ kinh tế thương mại Việt-Hoa Kỳ đã phát triển không ngừng trong thời gian qua; kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đã lên tới hơn 100 tỷ USD. Theo bà, giới doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động ở Việt Nam rất lạc quan, tích cực hoạt động nhằm phát triển mối quan hệ đối tác kinh doanh ở Việt Nam.
Chủ tịch Trung tâm Quốc tế Hoa Kỳ nhận định thuận lợi đầu tiên đối với doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động ở Việt Nam là môi trường kinh doanh tại đây rất khởi sắc, lực lượng lao động dồi dào và rất có khả năng, cơ sở hạ tầng cũng đang ngày càng tốt hơn, vị trí địa lý quan trọng của Việt Nam ở châu Á cũng là một yếu tố thuận lợi. Tuy nhiên, bà Virginia Foote cũng nêu một số thách thức như thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn khó khăn đồng thời hy vọng các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ sớm được tiếp cận và tham gia vào lĩnh vực năng lượng mới ở Việt Nam chứ không chỉ các ngành sản xuất thông thường. Bên cạnh đó, theo bà, hiện nay tất cả các nước, không riêng Việt Nam, đều gặp khó khăn do chuỗi cung bị đứt gãy và nguồn dự trữ nhiều loại hàng hóa bị thiếu hụt, thêm vào đó là tình hình đại dịch COVID-19 chưa được đẩy lui hoàn toàn.
Chủ tịch Trung tâm Quốc tế Hoa Kỳ đánh giá cao cuộc gặp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với giới doanh nghiệp Hoa Kỳ và những chia sẻ của Thủ tướng về đường hướng phát triển nhiều lĩnh vực ở Việt Nam trong tương lai, với một bài phát biểu khá đậm nét. Theo bà, những chia sẻ trong cuộc gặp đã cho thấy Thủ tướng Phạm Minh Chính rất lắng nghe ý kiến của giới doanh nghiệp. Hiện vấn đề này đang được thảo luận để làm sao có thể xây dựng các tiêu chuẩn mang tính toàn cầu và làm sao để mối quan hệ kinh tế, thương mại Việt-Hoa Kỳ ngày càng thêm sâu sắc.
Bà Virginia Foote là người có nhiều đóng góp hiệu quả và tích cực vào việc đàm phán và ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA), thoả thuận về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và việc Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam. Bà từng là Chủ tịch Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ – APEC và Chủ tịch Liên minh WTO Hoa Kỳ – Việt (năm 2006), Phó Chủ tịch của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (2014-2017).
Bà hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam tăng cường xúc tiến thương mại, thông tin cho doanh nghiệp Hoa Kỳ về môi trường kinh doanh tại Việt Nam cũng như chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế.
Ấn Độ tái khẳng định quan hệ kinh tế với Nga trước thềm 'Đối thoại 2+2' với Mỹ
Tờ The Times of India dẫn nguồn tin Chính phủ Ấn Độ cho biết trước thêm cuộc "Đối thoại 2 2" với Mỹ vào tuần tới, Ấn Độ đã tái khẳng định cam kết về quan hệ kinh tế với Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi. Ảnh: hindustantimes.com
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, nguồn tin trên cho biết Chính phủ Ấn Độ hiện tập trung vào việc ổn định các mối quan hệ "đã được thiết lập" trong hoàn cảnh hiện tại khi Moskva đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế. Theo đó, Ấn Độ và Nga đang làm việc để hoàn thiện một cơ chế thanh toán nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại song phương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết trọng tâm của New Delhi là duy trì và ổn định các mối quan hệ kinh tế đã thiết lập với Nga, trong đó có các giao dịch năng lượng hợp pháp. Trả lời các câu hỏi của báo giới liên quan đến tuyên bố của Mỹ cảnh báo các nước về hậu quả nếu tìm cách né tránh các lệnh trừng phạt của Washington đối với Moskva, ông Bagchi nêu rõ các cuộc thảo luận về các biện pháp trừng phạt đang diễn ra, nhưng không bao trùm toàn bộ các hoạt thương mại; nhiều giao dịch vẫn được thực hiện, trong đó có cả giao dịch dầu mỏ.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Bagchi thông báo Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh sẽ dẫn đầu phái đoàn Ấn Độ tham gia "Đối thoại "2 2" lần thứ 4 giữa nước này và Mỹ tại thủ đô Washington vào ngày 11/4 tới. Trong khuôn khổ đối thoại, hai bên tiến hành rà soát toàn diện các vấn đề xuyên suốt trong chương trình nghị sự song phương Ấn Độ - Mỹ liên quan đến chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh với mục tiêu đưa ra định hướng và tầm nhìn chiến lược nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ. Đối thoại cũng sẽ tạo cơ hội để trao đổi quan điểm về những phát triển quan trọng của khu vực và toàn cầu cũng như cách hai nước có thể làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề cùng quan tâm và lợi ích chung.
Bộ trưởng Bộ Công Thương làm việc với Quốc vụ khanh phụ trách kinh tế Thụy Sĩ Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới LB Thụy Sĩ, ngày 26/11 (giờ địa phương), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với bà Marie-Gabrielle Ineichen-Fleisch, Quốc vụ khanh phụ trách kinh tế Thụy Sĩ. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm...