Giới chuyên môn ngành Y lo ngại khi trường Kinh doanh… đào tạo Y dược
Việc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ được đào tạo ngành Y dược đã dấy lên nhiều lo ngại. Không chỉ dư luận xôn xao mà ngay cả lãnh đạo nhiều trường đào tạo chuyên ngành y khoa cũng vô cùng lo lắng.
NGND. PGS TS Trần Quang Phục, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược Hải Phòng: “Lo ngại xuất hiện thế hệ cử nhân Y dược”
Quan điểm của chúng tôi, riêng trong ngành đào tạo Y dược phải được sự thẩm định của ngành y. Đặc biệt là cơ sở thực hành có đảm bảo hay không vì đào tạo ngành y, cơ sở thực hành phải chuẩn. Đấy là chưa nói đến đội ngũ giảng dạy có đáp ứng được hay không.
Ở các trường công lập, phía sau họ có rất nhiều các bệnh viện lớn. Chẳng hạn ĐH Y Hà Nội thì có bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức. ĐH Y dược Thái Bình thì có BV tỉnh. Vì thế, nhiều anh em trong ngành chúng tôi lo ngại, với một trường dân lập như thế, cơ sở thực hành sẽ như thế nào?
Chúng tôi có theo dõi thông tin qua Dân trí thì thấy, trường cho biết đã có các phòng thí nghiệm và bệnh viện thực hành Đức Giang. Tôi nghĩ, xây dựng cơ sở tiền lâm sàng (các phòng thí nghiệm) thì dễ thôi, có thể mua được nhưng có bệnh viện để thực hành mới quan trọng. Bệnh viện này phải chuẩn hóa, là viện hạng I nên một số bệnh viện tuyến tỉnh không thể đáp ứng được.
Việc trường lấy điểm đầu vào thấp quá, năng lực người học có đáp ứng được không, có thành bác sĩ được không còn tùy năng lực đào tạo của trường đó có đáp ứng nổi hay không.
Đào tạo ngành y có đặc thù rất lớn, đó là ngoài kiến thức lý thuyết cần có cả thực hành. Nếu chỉ có kiến thức sách vở mà không có thực hành hoặc thực hành không tốt, chúng tôi lo ngại chỉ đào tạo ra một thế hệ cử nhân y dược đi khám bệnh chứ không phải bác sĩ.
GS TS Lê Quan Nghiệm, nguyên Phó Hiệu trưởng, hiện đang là giảng viên Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh: “ Giới chuyên môn rất lo ngại”!
Không riêng gì công luận mà cả giới chuyên môn chúng tôi cũng rất lo ngại khi trường ĐH Kinh doanh Công nghệ mở chuyên ngành đào tạo Y dược.
Tôi nghĩ, về mặt hình thức trường đã đáp ứng đủ quy định do Bộ GD&ĐT đề ra. Chúng tôi cũng không phản đối chủ trương này của bộ.
Tuy nhiên, tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là năng lực đào tạo của trường đó. Trong cam kết là như thế nhưng trên thực tế, họ có làm đúng hay không mới quan trọng.
Nhiều khi một trường tư thục rất chiều chuộng sinh viên, nhưng do triết lý kinh doanh phải luôn luôn có lãi, họ sẵn sàng “hy sinh” một số nguyên tắc đào tạo nên có thể nói, giữa lý thuyết và thực tế diễn ra sẽ rất khác nhau.
Với điểm đầu vào là 20, tôi cho rằng nó không phải quá thấp, vẫn đạt được nền tảng cơ bản của đào tạo nhưng chắc chắn những em đó sẽ không bằng các trường hợp xuất sắc hơn, dẫn đến sự khác biệt về trình độ giữa thế hệ sinh viên của trường này với sinh viên y khoa của trường khác.
Nhiều người cho rằng, để đào tạo được ngành y, nhiều trường phải đầu tư hàng chục tỉ đồng cho mỗi phòng thí nghiệm nhưng theo tôi, hàng chục tỉ thì vẫn còn rất thấp so với một trường đào tạo ngành y.
Video đang HOT
Thứ nhất, yêu cầu trường đó phải có các phòng thí nghiệm để học ban đầu, sau đó chuyển qua huấn luyện lâm sàng. Đây cũng là điểm khó khăn của các trường đào tạo ngành y công lập chứ chưa nói đến trường dân lập bởi phía sau họ phải có các bệnh viện lớn.
Thường thường, các trường có truyền thống đào tạo ngành y dược, sau lưng họ có các bệnh viện công lập lớn trên địa bàn nhưng một trường dân lập mới mẻ, tôi không biết họ tính toán ra sao với việc này.
Tôi đã từng tham gia thẩm định giúp một số trường mở mã ngành thì thấy có hai phương án: Nếu đầy đủ cơ sở vật chất, đơn vị đó phải đầu tư rất sớm. Thứ hai, các trường có thể cam kết đào tạo tới đâu sẽ đầu tư tới đó.
Vì thế, đáng ra khi vào đào tạo chuyên ngành thì phải đầy đủ cơ sở vật chất nhưng nhiều trường hiện đang nhập nhèm giữa hai phương án này nên mới có chuyện khi được quyết định mở mã ngành nhưng chỉ được vài chục giáo viên, trường đã tuyển ồ ạt hàng trăm sinh viên.
Vì thế, những người trong ngành như chúng tôi rất lo lắng, trường này có tuân thủ các nguyên tắc như đề án mở ngành đã đưa ra hay không?
Ngoài ra, qua theo dõi thông tin trên báo giới, tôi được biết trường hiện chưa có nhà xác. Là người nhiều năm trong nghề tôi thấy, trước hết các em phải học lý thuyết, sau đó đến học trên mô hình, tiếp theo là học trên xác ướp và học trên xác tươi.
Việc học tập trên xác người là chủ yếu và một trong những phần rất quan trọng, không thể thiếu trong ngành y. Từ học giải phẫu sinh lý mới có thể biết được cơ thể người thế nào, khám bệnh ra sao.
Nếu tính tổng chi phí của các học phần/năm thì chi phí cho việc học giải phẫu trên xác thật là đắt đỏ nhất và vô cùng quan trọng.
Ở các trường như chúng tôi, chi phí xây dựng một nhà xác với công nghệ làm lạnh, chi phí để bảo quản các xác sau khi được hiến rồi đưa đi chôn cất còn tốn hơn gấp rất nhiều lần so với một người qua đời và đưa đi chôn thông thường.
Tôi không hiểu những điều này, nhà trường sẽ giải quyết thế nào để đầu năm sau đã có thể mở khóa đào tạo đầu tiên được.
“Không thể mở ngành Y tràn lan”
Chia sẻ với PV Dân trí, một lãnh đạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, tất cả các trường khi được mở ngành đào tạo phải qua một quy trình thẩm định vô cùng chặt chẽ. Trước hết, phải thiết lập một chương trình, có đầy đủ giảng viên, cơ sở vật chất được thẩm định.
“Việc này đã được quy định rất rõ ràng nên tôi nghĩ, một khi họ đã được có quyết định thành lập, nghĩa là họ đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra của Bộ GD&ĐT. Vì thế, chúng tôi không dám có ý kiến gì về quyết định này do chưa tường tận được tất cả mọi việc”, lãnh đạo này cho biết.
Được biết, theo khảo sát trước đây của trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, nhiều em loanh quanh 20 điểm cũng không bị tụt lại nếu em đó biết cố gắng. Vì thế, việc lấy điểm đầu vào thấp không thể kết luận em học sinh đó sau này sẽ có đầu ra kém.
“Tôi không khẳng định trường đó tốt hay xấu nhưng có thể thấy, một học sinh sẽ trở nên tốt hay không tốt, còn tùy thuộc vào việc giảng dạy của trường đó ra sao.
Một em có điểm đầu vào chỉ khoảng 7 điểm/môn nhưng biết cố gắng, nhà trường đào tạo tốt, trong 6 năm học họ vẫn đủ năng lực học rất tốt. Tuy nhiên nếu một em có đầu vào cao nhưng trường đào tạo chưa tốt, chưa chắc học sinh đó trở thành được bác sĩ giỏi”, ông chia sẻ.
Về việc nhiều người lo ngại, nếu quá dễ dãi khi cho phép mở mã ngành sẽ dẫn đến “phổ cập bác sĩ” trong thời gian tới, lãnh đạo này cho rằng để làm đúng quy định khi mở ngành đào tạo Y khoa rất khó. Trước hết, đội ngũ giáo viên của trường phải đủ và đáp ứng được khoảng 80% chương trình.
Về cơ sở vật chất để đào tạo ngành y cũng khác với các trường thông thường, phải có đầu tư vô cùng tốn kém, thậm chí đến hàng chục tỉ đồng trở lên cho mỗi phòng thí nghiệm.
Mỗi trường đào tạo y khoa như vậy, ít nhất phải có 8 phòng thí nghiệm với đầy đủ trang thiết bị trở lên, nên các trường không thể mở ngành này tràn lan.
Quốc Huy (thực hiện)
Theo Dantri
Muốn đào tạo ngành Y, trường phải gắn với người bệnh
GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, các trường ĐH ngoài công lập, công lập có được đào tạo được ngành y dược hay không phải xét đến người bệnh. Còn nếu như coi thường việc gắn với người bệnh và chỉ nghĩ đến đào tạo lý thuyết hoặc đào tạo những kiến thức mang tính hàn lâm, theo tôi chưa đủ để trở thành nơi đào tạo y.
GS.TS Phạm Mạnh Hùng (ảnh) chia sẻ với phóng viên Dân trí quan điểm về việc các trường ngoài công lập tham gia đào tạo mã ngành y dược.
Đào tạo y khoa phải gắn sinh viên với người bệnh!
Thưa GS, mới đây Bộ Giáo dục - Đào tạo đã cấp phép thêm cho một trường dân lập tham gia đào tạo mã ngành bác sĩ đa khoa và dược sĩ đại học. Quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào?
Hiện nay, nhu cầu về số lượng cán bộ y tế là cần thiết bởi nhân lực y tế đang rất thiếu, nhất là cán bộ giỏi, chuyên môn cao. Việt Nam mới có 7,5 bác sĩ/1 vạn dân, con số này thấp hơn rất nhiều các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc khuyến khích các cơ sở tiến hành vấn đề đào tạo, tham gia đào tạo cho ngành y tế là cần thiết, đúng với chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước.
Tuy vậy, vấn đề đào tạo cán bộ y tế, đặc biệt là đào tạo đội ngũ thầy thuốc, bác sĩ, điều dưỡng thì cần phải có các tiêu chuẩn, tiêu chí đặc biệt. Bởi vì sau này khi ra trường người ta thực hiện các công việc trên con người, thao tác trên con người, liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người, do đó nó khác hẳn với nghề nghiệp khác.
Quan điểm của cá nhân tôi, khi đào tạo đội ngũ thầy thuốc, trong đó có bác sĩ, điều dưỡng, các loại hình đào tạo khác như nữ hộ sinh, điều quan trọng nhất ngay từ khi bước vào trường người sinh viên phải gắn bó với nghề nghiệp của mình. Nghề nghiệp ấy chính là phục vụ bệnh nhân.
Cho nên ngay từ ngày đầu bước chân vào ngành y, tất cả mọi sinh viên trong lĩnh vực y phải gắn bó với người bệnh. Gắn bó ở đâu? Chính là môi trường bệnh viện, nơi những người bệnh đang chịu đau đớn và người ta cần sự thương yêu của cán bộ y tế. Cho nên, tiêu chí đầu tiên trong đào tạo nhân lực y tế là gắn với người bệnh.
Như GS chia sẻ, với đào tạo nhân lực ngành y tế, việc gắn bó sinh viên với người bệnh là vô cùng quan trọng. Vậy GS nhìn nhận như thế nào về việc đào tạo y khoa của các trường dân lập, khi họ chưa có "sân sau" là các bệnh viện công lập, nơi mà sinh viên y khoa các trường công lập được thực hành, được thầy giáo là các bác sĩ lâm sàng vừa dạy lý thuyết trên giảng đường, vừa cầm tay chỉ việc khi học tập tại bệnh viện?
Tôi cho rằng, các trường ngoài công lập, công lập có được đào tạo được ngành y dược hay không phải xét đến tiêu chí này. Còn nếu như coi thường việc gắn với người bệnh và chỉ nghĩ đến đào tạo lý thuyết hoặc đào tạo những kiến thức mang tính hàn lâm, theo tôi chưa đủ để trở thành nơi đào tạo y. Môi trường gắn liền với bệnh viện họ có thể tạo ra bằng liên kết, nhưng nó phải có kinh nghiệm và truyền thống, chứ không phải ngày một ngày hai làm được điều này.
Khó "thắt chặt" đầu ra do cơ chế thị trường!
Thưa GS, ông đánh giá như thế nào về quan điểm mở rộng đầu vào, thắt chặt đầu ra của sinh viên y khoa sẽ đảm bảo được chất lượng bác sĩ?
Nếu nói rằng, mở rộng đầu vào thắt chặt đầu ra, tôi cho rằng đó là giải pháp chưa hoàn hảo. Trước hết, những người làm công tác y cần được tuyển chọn theo một tiêu chí nhất định chứ không tuyển chọn chung chung. Thậm chí ở nhiều nước, họ đặt ra tiêu chuẩn tuyển chọn khắt khe.
Trước đây, ngành quân y Việt Nam tiến hành tuyển chọn bác sĩ quân y cùng khắt khe. Bản thân tôi là giáo viên của Học viện quân y đã đi đến từng nhà các cháu có nguyện vọng thi vào quân y để kiểm tra về mặt nhân thân, mặt đạo đức. Không chỉ kiểm tra trực tiếp cháu, mà còn phải nghe ngóng cả hàng xóm, gia đình, nghe các thầy dạy các cháu đánh giá. Trên cơ sở ấy, giáo viên chúng tôi phải bảo lãnh các cháu mới thi được vào ngành quân y. Như thế, công tác tuyển chọn đầu vào hết sức cần thiết.
Tôi thử hỏi, nếu tuyển một thanh niên trước đây đã đánh bạn què tay vào ngành y, liệu người ấy sau này có đủ đạo đức để thương yêu, phục vụ người bệnh hay không? Tính cách, đạo đức là vô cùng quan trọng.
Hơn nữa, nghề y là một nghề thực hành nên cần phải có năng khiếu và tay nghề. Trên thực tế, có người không thể mổ, có người không làm được công tác trong các labo. Vì thế, việc tuyển chọn rất quan trọng.
Hơn nữa phải nhớ, trong cơ chế thị trường hiện nay chúng ta lại cứ tưởng rằng ra trường mới thắt chặt đầu ra là một điều rất khó. Tôi không tin rằng, mở rộng đầu vào, thắt chặt đầu ra là một giải pháp thành công.
Có ý kiến cho rằng, chỉ cần đủ các tiêu chí là có thể mở ngành đào tạo y dược bởi người đào tạo cũng là những nhà khoa học trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, sinh học. Quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng, đối với đội ngũ thầy giáo, nhất là trong đào tạo y dược phải là có truyền thống, kinh nghiệm. Bởi ngoài kiến thức, nhiệt huyết còn phải có phương pháp giảng dạy. Tôi xin ví dụ, nhiều người nói y học cũng sẽ cần những khoa học cơ sở như hóa học, lý học, toán học, vì vậy có thể dạy nó dễ dàng tại các trường đại học tổng hợp? Sự thật không phải vậy. Ngay từ những ngày đầu, các sinh viên y đã phải kết hợp với các kiến thức khoa học liên quan đến các kiến thức y học sau này của họ.
Chẳng hạn ở khoa sinh học, người ta cũng dạy về chu trình Krebs - đó là một kiến thức chung cho người làm sinh học. Nhưng với sinh viên y, thầy dạy phải truyền tải để sinh viên có ý thức liên hệ chu trình Krebs với nhiều bệnh chuyển hóa di truyền, như bệnh đái tháo đường - một bệnh rất phổ biến hiện nay.
Cho nên, đừng nên nghĩ rằng bất cứ thầy nào giỏi về vấn đề khoa học tự nhiên là có thể dạy được những kiến thức khoa học cơ bản cho sinh viên y khoa.
Cơ sở vật chất để đào tạo nhân lực ngành y cũng đòi hỏi những điều đặc biệt. Ngành y có điều đặc biệt, gắn với sự sống và sự chết. Sinh viên y phải được đào tạo để biết cấu tạo cơ thể con người. Nếu như sinh viên chỉ tiếp xúc với các mô hình giảng dạy bằng học cụ nhân tạo mà không tiếp xúc với bệnh nhân, với xác bệnh nhân, tham gia vào những cuộc khám nghiệm tử thi thì khó lòng có được cái tâm do những người thầy vĩ đại nhất của sinh viên y khoa - đó là những bệnh nhân đã dạy họ. Vì vậy, quan điểm cá nhân tôi cần khuyến khích việc đào tạo nhưng đào tạo y cần phải được xem xét một cách cẩn thận.
Xin cảm ơn GS!
Hồng Hải (thực hiện)
Theo Dantri
2 cây đại thụ được công nhận là di tích lịch sử văn hóa 2 cây đại cổ thụ được giới chuyên môn đánh giá là một trong những "Thiên nhiên kỷ thụ"; là "Thần mộc"chứng tích còn lại sau bao thăng trầm của gần một thiên niên kỷ với niên đại 900 năm tuổi. Sáng nay 28/7, tại thôn Tây Lạc, Ủy ban Nhân dân xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định cùng Giáo...