Giới chuyên gia cảnh báo về nguồn cung vũ khí cho Ukraine
Theo các nhà phân tích quân sự, Mỹ sẽ không thể hỗ trợ Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga lâu dài do khó bổ sung vũ khí và đạn dược cho Kiev.
Lính pháo binh dự trữ đạn cho khẩu pháo 155mm. Ảnh: Getty Images
Theo đài CNBC, ông Jack Watling – chuyên gia tại Viện nghiên cứu quân sự Liên hiệp Hoàng gia (RUSI), có trụ sở ở London, Anh – cho biết: “Ukraine sẽ phải thận trọng về chi tiêu và mức độ ưu tiên những loại vũ khí trong xung đột với Nga vì không có nguồn cung vô hạn”.
Vấn đề là do cơ cấu sản xuất quân sự ở các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, chỉ phù hợp cho thời bình và không thể đảm bảo lượng dự trữ đủ cho một cuộc xung đột vũ trang lớn, chẳng hạn ở Ukraine.
Chẳng hạn, ngành vũ khí Mỹ có thể sản xuất khoảng 30.000 viên đạn mỗi năm cho loại pháo cỡ nòng155 mm. Trong khi đó, quân đội Ukraine dùng số lượng đó chỉ trong khoảng 2 tuần. Một ví dụ khác là tên lửa chống tăng vác vai Javelin. Sản lượng sản xuất loại vũ khí này ở Mỹ là khoảng 800 chiếc/năm, nhưng Washington đã gửi khoảng 8.500 chiếc trong kho dự trữ tới Ukraine.
Video đang HOT
Trích dẫn báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nguồn tin cho biết lượng dự trữ bệ phóng tên lửa HIMARS, tên lửa phòng không Stinger và pháo M777 ở Mỹ cũng đang ở mức thấp. Do đó, một số quan chức quốc phòng Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đã phản đối việc rút cạn các kho dự trữ vũ khí.
Ông Dave Des Roches, nhà quân sự cấp cao tại Đại học Quốc phòng Mỹ, nói với CNBC: “Tôi rất lo lắng. Nếu chúng ta không tăng sản lượng sản xuất vũ khí, vốn cần đến nhiều tháng, chúng ta sẽ không có khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine”.
Theo CNBC, tăng cường sản xuất trang thiết bị quân sự đòi hỏi phải đảm bảo nguồn bổ sung các bộ phận thiết yếu – như chip máy tính và lao động có tay nghề cao. Song điều này có thể là thách thức lớn.
Vào tuần trước, Defense News đưa tin nhà thầu quốc phòng L3Harris Technologies của Mỹ đã phải mua lại và tháo những chiếc đài cũ để lấy linh kiện lắp vào các sản phẩm mới. Động thái này được đánh giá là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, trong bối cảnh khủng hoảng chất bán dẫn đang lan rộng trên toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia đề xuất Kiev có thể chuyển sang các nhà cung cấp vũ khí mới, chẳng hạn Hàn Quốc, hoặc chuyển sang sử dụng các loại vũ khí kém hiệu quả hơn mà Mỹ và các đồng minh châu Âu sẵn sàng viện trợ.
NATO triệu tập cuộc họp đặc biệt về cung cấp vũ khí
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 27/9 đã triệu tập những người đứng đầu ngành công nghiệp vũ khí của khối này để thảo luận việc bổ sung kho dự trữ cạn kiệt ở Ukraine.
Một binh sĩ chất vũ khí chở đến Ukraine lên một máy bay vận tải C-17 Globemaster III tại Căn cứ Không quân Dover, Delaware ngày 14/9/2022. Ảnh: Không quân Mỹ
Theo kênh truyền hình RT, tại cuộc họp ở Brussels, Tổng Thư ký Stoltenberg hối thúc các tập đoàn công nghiệp - quân sự tăng tốc sản xuất trong bối cảnh nhiều báo cáo chỉ ra phương Tây đang thiếu hụt nguồn cung vũ khí chủ chốt.
NATO cho biết chủ đề thảo luận trong Hội nghị các Giám đốc Vũ khí Quốc gia (CNAD) tập trung vào khả năng sản xuất và dự trữ vũ khí của khối liên minh quân sự trước cuộc xung đột ở Ukraine.
Ông Stoltenberg nêu rõ: "Tăng cường kho dự trữ của NATO sẽ đảm bảo chúng ta có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Chúng ta cần tiếp tục hợp tác với tư cách là những đồng minh NATO".
Kể từ tháng 2, NATO đã gửi một lượng lớn vũ khí, đạn dược, phương tiện và các thiết bị quân sự khác tới Kiev, với phần lớn nguồn cung đến từ Mỹ. Lầu Năm Góc thừa nhận Mỹ đã gửi hỗ trợ an ninh với giá trị hơn 14,5 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột. Đây là mức viện trợ cao thứ hai sau mức hơn 17,2 tỷ USD mà Mỹ gửi cho Ukraine trong năm 2014.
Dẫn lời các quan chức giấu tên, hãng Reuters ngày 27/9 đưa tin Mỹ chuẩn bị một gói vũ khí khác cho Kiev, trị giá 1,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, tất cả những lần hỗ trợ này đã làm ảnh hưởng đến kho dự trữ vũ khí và đạn dược của Mỹ. Đầu tháng 9, Lầu Năm Góc công bố một hợp đồng trị giá 311 triệu USD cho khoảng 1.800 tên lửa chống tăng Javelin. 624 triệu USD khác đã được phân bổ để bổ sung vào kho tên lửa phòng không Stinger.
Trong khi đó, theo một bài viết đăng trên Tạp chí Phố Uôn hồi cuối tháng 8, lượng dự trữ đạn pháo 155mm đang ở mức thấp báo động. Thời gian để nhận những đơn hàng vũ khí đặt mất từ 13 đến 18 tháng.
Ở các nước khác như Anh, báo Telegraph đưa tin ngành công nghiệp quân sự nước này có thể mất tới hai năm để bắt đầu lại việc sản xuất các loại vũ khí đời cũ, trong khi việc thiết kế và chuyển giao một tên lửa mới có thể mất tới 10 năm.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ chỉ ra rằng quân đội nước này không được xây dựng để chiến đấu hoặc hỗ trợ một cuộc xung đột kéo dài, trong khi ngành công nghiệp quốc phòng chỉ có quy mô phù hợp với tốc độ sản xuất thời bình. Việc mở rộng năng lực sản xuất sẽ mất nhiều năm.
Triều Tiên khẳng định chưa từng cung cấp vũ khí, đạn dược cho Nga Hôm 22/9, Triều Tiên tuyên bố nước này chưa từng cung cấp vũ khí, đạn dược cho Nga và cũng không có kế hoạch làm vậy trong tương lai. Quốc kỳ Nga và Triều Tiên tung bay trên một con phố trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Vladivostok, Nga tháng 4/2019. Ảnh: Reuters Theo Hãng thông tấn...