Giới bất động sản “chất vấn” tiến sỹ Alan Phan
Sau khi Tiến sỹ Alan Phan có bài trả lời phỏng vấn với quan điểm “để thị trường bất động sản rơi tự do”, CLB bất động sản Hà Nội đã có văn bản gửi tới vị doanh nhân này, với 15 nội dung “chất vấn” mong được giải đáp.
LTS: Để góp thêm một góc nhìn trong cuộc thảo luận về quan điểm “cứu hay không cứu bất động sản” vốn được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, chúng tôi xin giới thiệu nội dung bản “chất vấn” mà CLB bất động sản Hà Nội gửi tới ông Alan Phan, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Hà Nội.
Cùng với đó, để bạn đọc có được cái nhìn hai chiều về vấn đề này, chúng tôi cũng mạn phép trích dẫn một bài viết thể hiện quan điểm của Tiến sỹ Alan Phan trên trang mạng quen thuộc của ông.
Thị trường BĐS đang trải qua giai đoạn khó khăn
“Lời đầu tiên, Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội xin gửi tới Ông lời chào trân trọng.
Thời gian vừa qua, các thành viên của Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội trên 64 Tỉnh Thành đã gọi điện và gửi thư yêu cầu CLBBĐSHN trực thuộc HHBĐSVN chuyển tới Ông một số câu hỏi muốn Ông giải thích rõ về một số nhận xét đánh giá của ông về thị trường BĐS Việt Nam, điển hình là bài trả lời phỏng vấn với tiêu đề “Nên để thị trường bất động sản rơi tự do” và các bài “Hãy để chúng chết đi”, “Thị trường sẽ cứu chúng ta” trên trang gocnhinalan.com.
Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm, tâm huyết của Ông với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường BĐS nói riêng, tuy nhiên, trong những đánh giá, quan điểm mà Ông đã nêu tại các bài viết nói trên, chúng tôi có nhiều điểm không đồng tình và mong muốn được chất vấn Ông để làm rõ vấn đề. Trên tinh thần tôn trọng và cầu thị, chúng tôi thống nhất gửi đến ông những câu hỏi mà chúng tôi đã tổng hợp từ các hội viên gửi tới CLB, mong Ông dành thời gian giải đáp:
1. Ông cho rằng, doanh nghiệp BĐS “chết”, nhà băng “chết”, chứng khoán tụt giảm… cũng không sao, miễn là Chính phủ bảo đảm người dân sẽ không mất tiền. Vậy, xin ông cho biết giải pháp mà Chính phủ cần phải làm để bảo đảm người dân sẽ không mất tiền nếu tình trạng nêu trên xảy ra?
2. Hầu hết các dự án nhà ở thương mại, người dân đã đóng một phần tiền, thậm chí là rất nhiều tiền nếu phá sản chủ đầu tư không tiếp tục xây và không thể giao nhà cho họ, cũng không có khả năng hoàn trả tiền vậy ai sẽ là người mất tiền?
3. Hiện nay, các doanh nghiệp BĐS thường chỉ có từ một đến vài chục phần trăm vốn tự có, phần còn lại là vay ngân hàng (mà ai cũng biết ngân hàng là DN kinh doanh từ nguồn tiền gửi của nhân dân). Vậy nếu các doanh nghiệp BĐS phá sản, kéo theo hệ thống ngân hàng có thể sẽ sụp đổ lúc này thực chất, ai sẽ là người mất tiền?
4. Ông đã nhận định rằng, để thị trường rơi tự do, giá nhà có thể giảm thêm 30-50% nữa. Vậy theo ông, khi giảm đến mức đó mới là “giá trị thực” (bằng mức đầu tư của doanh nghiệp) hay đã thấp hơn? Tóm lại là, theo ông, nếu giá BĐS giảm tới 50% thì đã bằng giá thành đầu tư dự án hay còn xuống sâu hơn nữa mới bằng giá thành xây dựng?
5. Theo đánh giá của ông, giá bất động sản tại Việt Nam được hình thành từ những cơ sở nào? Và ông căn cứ vào cơ cấu giá như thế nào để đưa ra nhận định đó?
6. Giá nhà ở Việt Nam hiện nay có thể chưa phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân Việt Nam. Song như chúng ta đã biết, để tạo nên một sản phẩm BĐS, hiện nay chúng ta phải nhập khẩu rất nhiều các nguyên vật liệu, trang thiết bị cao cấp (Việt Nam chưa sản xuất được hoặc có sản xuất cũng chưa đạt yêu cầu của người tiêu dùng), điều này góp phần rất lớn làm đội giá BĐS lên cao. Vậy có phù hợp không khi chúng ta lấy mặt bằng thu nhập của người dân để đòi hỏi giá nhà phải tương xứng?
7. Căn cứ vào cơ sở khoa học nào để ông đưa ra nhận định: Không cần giải cứu, địa ốc sẽ đi lên sau 4-5 năm?
8. Như ông cũng biết, đa phần các doanh nghiệp BĐS tại Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ là động lực phát triển của nền kinh tế và tạo công ăn việc làm. Nếu bây giờ thúc đẩy cho họ phá sản hết thì bao giờ chúng ta mới khôi phục được hạ tầng kinh tế này?
9. Ông có biết, hiện nay tại Việt Nam, có bao nhiêu ngành, lĩnh vực sản xuất và bao nhiêu người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động của thị trường BĐS (công nghiệp phụ trợ, công nghiệp vật liệu, xây dựng, bán hàng, quản lý…) hay không? Nếu để thị trường BĐS “rơi tự do”, phá sản dây chuyền, điều gì sẽ xảy ra và cuộc sống của những người hoạt động trong lĩnh vực này cũng như gia đình họ sẽ ra sao?
10. Ông có thiện chí giới thiệu hoặc tham gia cùng những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính manh ở Mỹ hay Trung Quốc đến Việt Nam đầu tư những dự án nhà ở giá rẻ không? Người dân sẽ đánh giá rất cao tư cách và trách nhiệm của Ông nếu Ông làm được việc này.
Video đang HOT
11. Hạ tầng, cảnh quan đô thị của Việt Nam (ít nhất là 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM) hiện nay như thế nào nếu đem so sánh với các đô thị khác trong khu vực và trên thế giới? Theo ông, nếu không phát triển thị trường BĐS thì chúng ta làm thế nào để cải tạo được diện mạo đô thị, làm sao tiến kịp thế giới?
12. Xin ông cho biết, bài học “Hãy chết đi” mà Tổng thống Ford đã áp dụng cho New York (Mỹ) có được quốc gia nào áp dụng thành công (để khắc phục và vượt qua khủng hoảng thành công, vừa đảm bảo quyền lợi toàn dân, vừa thúc đẩy xã hội phát triển) sau đó nữa không? Lý do gì mà người ta lại không đi theo con đường đó?
13. Ông cho rằng, thị trường BĐS Việt hiện chưa thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại và trong thời gian tới họ sẽ không đầu tư dài hạn, mua đất giải phóng mặt bằng sau đó triển khai dự án… Đây là nhận định cá nhân hay dựa vào khảo sát nào, thưa ông?
14. Được biết đến như một doanh nhân với 43 năm kinh nghiệm tại thị trường Mỹ và Trung Quốc. Nhưng ông đã có nhiều nghiên cứu với thị trường Việt Nam hay chưa? Và kinh nghiệm thực tế của ông với thị trường BĐS Việt Nam là gì?
15. Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp là các hội viên trong CLB BĐS Hà Nội rất mong muốn được tổ chức một hội thảo về những vấn đề ông đã nêu ra cho thị trường BĐS Việt Nam. Ông có sẵn sàng về Việt Nam để tham dự Hội thảo này với vai trò diễn giả, trả lời các câu hỏi của các doanh nghiệp và công chúng trong nước hay không?
Trên đây là những câu hỏi bước đầu mà các thành viên của CLB BĐSHN đặt ra với Ông. Rất mong Ông sớm dành thời gian phúc đáp để chúng ta có thể tiếp tục trao đổi, làm sáng tỏ vấn đề”.
Sau đây là bài viết với tựa đề “Thị trường sẽ cứu chúng ta” của Tiến sỹ Alan Phan đăng trên trang mạng quen thuộc gocnhinalan.com. Bài viết bắt đầu với câu danh ngôn “Con phượng hoàng phải bị thiêu thành đống tro tàn để hồi sinh và bay cao” (Janet Fitch) và đại diện cho quan điểm “Hãy để chúng chết đi” của ông Alan Phan khi nói về thị trường BĐS Việt Nam:
Cứu tôi với…
Gần đây, dư luận bức xức vì kiến nghị của Hiệp Hội Bất Động Sản xin đánh thuế vào các tài khoản tiết kiệm trên 500 triệu VND để lấy tiền hổ trợ các doanh nghiệp khác. Đây là một chiêu thức cố hữu của các nhóm lợi ich, luôn muốn kéo dòng tiền lưu thông trên thị trường về cho phe nhóm mình. Không có gì mới lạ so với các quốc gia khác. Do đó, khi các báo đài phỏng vấn về vấn đề phản cảm này, tôi tránh né bình lụân vì đây chỉ là một kiến nghị cho một chuyện bất khả thi, đòi hỏi nhiều vốn chính trị và tài chánh từ nhiều bộ ngành và sẽ gặp sự chống đối của một nhóm lợi ích khác là phe ngân hàng.
Nhóm lợi ích của ngành ngân hàng cũng đã đưa ra nhiều gói cứu trợ dài dài suốt mấy năm qua, và Ngân Hàng Nhà Nước đã hết sức giúp, nhiều khi quá khả năng mình, nhưng đâu vẫn vào đấy: tỷ lệ nợ xấu vẫn quá cao, các báo cáo tài chánh vẫn che giấu nhiều “bộ xương”, sở hữu chéo vẫn lùm xùm, vốn vẫn teo tóp và tổng số tín dụng vẫn thiếu hụt trầm trọng (không đủ doanh thu để điều hành) .
Lý do phần lớn các gói cứu trợ của chánh phủ thất bại là vì có quá nhiều tay bạch tuộc với quyền thế nhảy vào băm xẻ miếng bánh OPM (tiền người khác) nên mục tiêu ban đầu thường bị lãng quên và mọi người liên quan chỉ cần kéo phần chia càng lớn càng tốt về cho phe ta.
Thực trạng kinh tế hiện tại là một cơ hội vàng cho các nhóm lợi ích, vì nhìn đâu cũng thấy nhu cầu cứu trợ: BDS, ngân hàng, chứng khoán, doanh nghiệp sản xuất, nông hải sản, DNNN, đủ loại công bộc và công nhân…Đây là những nàng công chúa ngày xưa đang biến thể thành những con cóc đợi chờ một nụ hôn của chàng…chánh phủ.
Con cóc trong hang con cóc chui ra…
Nói chuyện cóc, tôi còn nhớ một bài giảng ngày xưa về quản trị tại đại học,” Nếu danh sách công việc phải làm trong ngày bao gồm việc phải nuốt sống một con cóc xấu xí, thì hãy nhắm mắt bịt mũi mà nuốt ngay vào sáng sớm, để còn thì giờ làm việc khác. Ngồi nhìn nó suốt ngày sẽ không làm con cóc đẹp hơn hay ngon hơn.”
Cách đây 4 năm, tôi đã cảnh báo về khủng hoảng hiện nay, 14 tháng trước tôi đã khuyên hãy “để chúng chết đi”. Nhưng đến giờ này, chúng ta vẫn ngồi nhìn con cóc, nói quanh quẩn, không dám nuốt và cứ hy vọng là con cóc sẽ “tự diễn biến” thành một chân dài. Tôi xin thưa,” các ngài đừng mơ. Bong bóng BĐS rồi sẽ nổ hay xì hơi, nợ xấu sẽ kéo sụp phần lớn các ngân hàng, vàng và tỷ giá sẽ điều chỉnh theo đúng giá trị thực của chúng, và các DNNN sẽ tiếp tục lỗ. Vợ nhà vẫn ghen, nhân tình vẫn tốn kém, phong bì vẫn phải lo, và dù không chịu nổi, các ngài sẽ phải nuốt con cóc. Làm ngay bây giờ để còn lo chuyện khác hay là làm sau 5 năm với bao viên thuốc nhức đầu và đêm mất ngủ là…lựa chọn duy nhất.”
Nguy đi liền với cơ…
Tuy nhiên, câu chuyện nào cũng tiềm ẩn những tia hy vọng (silver linings). Cuộc khủng hoảng hiện nay có thể giúp các nhà lãnh đạo kinh tế Việt trở thành “những anh hùng của nhân dân”. Tuyệt vời hơn nữa, các bác không phải làm gì, kể cả nhấc cánh tay để ký một nghị quyết hay văn bản nào.
Giải pháp thật đơn giản: các bác cứ ngồi yên (hay đi chữa bệnh ở nước ngoài) và để giá BDS rớt 30 đến 50% nữa. Khi các doanh nghiệp BDS thấy các bác nói KHÔNG với mọi gói, mọi cách… để cứu họ, qua tiền in hay tiền thuế của dân, qua các biện pháp hành chánh áp đặt…họ sẽ tỉnh ngộ và bỏ chạy.
Dĩ nhiên khi bong bóng BDS nổ, hơn phân nửa ngân hàng thương mại sẽ lăn ra chết vì nợ xấu, chỉ số chứng khoán sẽ rơi tự do và các nhà giàu sẽ thấm thía bài học của thị trường.
Tuy nhiên, phần lớn người dân sẽ vỗ tay reo mừng, vì cơ hội làm chủ một căn nhà đã thành hiện thực. Và những ảnh hưởng tích cực sau đây sẽ quay về giúp nền kinh tế tiến về một định hướng bền vững hơn:
1. Khi đa số người dân sở hữu một căn nhà, tầm nhìn và niềm tin của họ vào tương lai vững vàng hơn. Bây giờ họ có một tài sản gì để mất do đó, sự đóng góp của họ vào nền kinh tế sẽ năng động và tích cực.
2. Niềm tin này mới là “gói kích cầu” quan trọng hơn cả cho thị trường tiêu dùng và nó sẽ kích hoạt các cơ sở công nghiệp cũng như nông nghiệp gia tăng sản xuất, giảm lượng tồn kho và cải thiện năng suất lao động để cạnh tranh. Nên nhớ là tiền dự trữ trong dân nhiều gấp 3 lần tiền dự trữ của chánh phủ
3. Khi các zombies (xác chết biết đi) bị loại bỏ khỏi hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán, những định chế sống sót sẽ mạnh hơn nhờ thị phần gia tăng sẽ chăm chú hơn vào ngành nghề cốt lõi (sau bài học đầu tư đa ngành) và lo trau luyện những kỹ năng cần cho sự cạnh tranh dài hạn
4. Lạm phát hay tỷ giá sẽ không tăng tốc lâu dài, vì chánh phủ không cần in tiền thêm để cứu ai (một thông điệp rất rõ cho các DNNN) và ngân sách sẽ bội thu nhờ thuế phí tăng thu từ sự tăng trưởng GDP cũng như nguồn ngoại tệ sẽ dồi dào hơn với sinh lực mới của khu vực xuất khẩu
5. Khi kinh tế vĩ mô ổn định và khi luật thị trường thay thế luật “hành dân”, niềm tin quay lại với các nhà đầu tư quốc tế và kiều hối. Kênh ngoại tệ này sẽ thâu ngắn sự hồi phục và giúp chúng ta một lợi thế cạnh tranh mới.
Hãy giúp các công chúa hồi sinh…
Không ai muốn nuốt chửng một con cóc vào một buổi sáng đẹp trời, nhất là những quan chức và đại gia đang an hưởng nhà cao cửa rộng, tình đẹp dân ngoan…Không bệnh nhân nào mà không lo sợ khi bước vào phòng mổ óc hay ung thư …Nhưng chúng ta cũng không còn bao nhiêu viên thuốc giảm đau hay thuốc ngủ. Sau bao nhiêu năm, câu nói hãy để chúng chết đi vẫn là một giải pháp “ sáng tạo” và đơn giản nhất.
Theo Dantri
The Voice: Sự dối trá không ngọt ngào
Sẽ chẳng có sự thật nào là sự thật nếu nó còn đang được giấu kín. Và ngay cả khi sự thật ấy bị lộ ra ngoài, vì một nguyên nhân khách quan nào đó thì khán giả cũng chỉ được biết một phần của sự thật.
Khi sàn chứng khoán liên tục phá đáy, TS Alan Phan và cộng sự của ông có một quyết định khá "ngược đời": Tổ chức ngày hội chứng khoán. Khởi nguyên của ý tưởng này là từ câu nói của tỷ phú Warren Buffet: "Nên sợ khi thiên hạ tham vả nên tham khi thiên hạ sợ".
Chia sẻ về hành động "ngược đời" và có vẻ như liều lĩnh này, TS Alan Phan nói: "Người Việt Nam bị tri phối bởi tâm lý đám đông. Chúng tôi hy vọng sẽ giúp cho các nhà đầu tư hiểu thêm về chứng khoán và ý thức rõ hơn về quyền lợi của mình khi tham gia đầu tư".
Ông cũng nói rằng, khi các công ty chứng khoán "làm bậy", nhà đầu tư chỉ biết thụ động chờ sự can thiệp của nhà nước chứ không ngay lập tức tự đứng dậy đòi quyền lợi như nhà đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân của sự yếm thế này, một phần lớn là do thiếu thông tin.
Có vẻ khập khiễng khi so sánh các nhà đầu tư chứng khoán của Việt Nam với những khán giả đang theo dõi chương trình Giọng hát Việt đang phát sóng trên VTV3 bởi khán giả không phải là những người đầu tư tiền của cho The Voice lên sóng mà là VTV và Cty Cát Tiên Sa.
Thế nhưng chính khán giả là những người đã đầu tư thời gian và lòng tin cho chương trình giải trí đang được coi là nóng bậc nhất này. Nếu không có khán giả, liệu chương trình ấy có được lượng rating cao chót vót và những plot quảng cáo nhiều hơn cả thời lượng dành cho nội dung chương trình như vậy không? điều này chính BTC chương trình là những người hiểu rõ nhất.
Kết quả đã được dàn xếp hết rồi, đừng đợi chờ gì nữa!
Mọi thứ vẫn cứ sẽ yên ả nếu không nổ ra scandal bị nghi là dàn xếp kết quả của The Voice. Điều hấp dẫn nhất khi xem một show truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng đó là gì? Đó là việc chờ đợi kết quả cuối cùng. Thế nhưng cái clip ấy đã tiết lộ một sự thật: Kết quả cuối cùng ấy được dàn xếp hết rồi, đừng đợi chờ gì nữa.
Thực ra, việc dàn xếp kết quả ở những chương trình truyền hình thực tế trên toàn thế giới là việc hoàn toàn bình thường bởi những người làm chương trình có quyền tạo nên sự hấp dẫn cho chương trình của mình. Người ta gọi đó là sự dối trá ngọt ngào. Ngọt ngào bởi dù có dàn xếp, thì người chiến thắng cuối cùng phải thỏa mãn được sự mong đợi của công chúng và cũng là tiêu chí của chương trình: Đó phải là người tài năng nhất, người tỏa sáng nhất hay ít nhất là người tổng hòa được các yếu tố ấy nhiều nhất.
Thế nhưng, sự thật được tiết lộ trong clip kia lại là một sự dối trá không hề ngọt ngào với khán giả, mà ngược lại nó đắng ngắt. Là bởi vì, sự thật được tiết lộ qua clip ấy cho thấy, người chiến thắng không phải bằng tất cả những thứ đã được liệt kê ở trên.
Khán giả là những người đang hoang mang. Những thí sinh tham dự cuộc thi ấy cũng hoang mang. Bởi họ không biết đằng sau clip không thiện chí kia là một sự thật hay chỉ là một sự dối trá?
Khi khán giả bị đánh cắp niềm tin
Việc tổ chức một buổi họp báo là một nước cờ sáng suốt của BTC. Bởi trong khi tất cả đang hoang mang, thì việc có được thông tin chính thống từ BTC chuyển đến độc giả thông qua các nhà báo là điều hết sức cần thiết trong lúc này.
Khi một phóng viên đặt câu hỏi: "BTC nghĩ sao khi tôi cho rằng khán giả mới là nạn nhân của scandal này? Làm thế nào để lấy lại niềm tin đã mất?" thì câu trả lời khiến cho tất cả các phóng viên có mặt trong buổi họp báo chưng hửng: "Khán giả mất niềm tin là do phóng viên".
Theo như lý luận ấy, lẽ ra phóng viên hãy đừng đưa tin về cái clip kia thì khán giả sẽ không mất niềm tin. Và phải chăng theo như suy luận ấy, nếu như các phóng viên không quá "cưng chiều" đưa quá nhiều thông tin về chương trình này thì có lẽ khán giả đã không đặt quá nhiều niềm tin, không dành quá nhiều sự ưu ái để rồi bị mất niềm tin như thế, bị thất vọng nhiều như thế?
Không thể phủ nhận, clip mới được tung lên đã khiến cho The Voice phải đối mặt với một sự khủng hoảng về truyền thông. Điều cần làm nhất bây giờ không phải là đổ lỗi ai đúng, ai sai mà là giải quyết cơn khủng hoảng đó.
Và việc mà ngay cả một người không có kiến thức về truyền thông cũng hiểu là cần phải làm ngay đó là: cho khán giả biết clip kia là sự thật hay chỉ là sự ác ý. Nếu trong đó có một phần sự thật, thì sự thật đó chiếm bao nhiêu phần trăm? Cung cấp sự thật trong trường hợp này và giải quyết triệt để nó, lấy lại lòng tin của khán giả là cách thức tốt nhất. Và điều khán giả cần, là một sự thật, chứ không phải là một vở kịch, một sự dối trá được dàn dựng để che lấp cho những sự dối trá khác, nếu có.
Tâm lý đám đông bao giờ cũng có hai mặt của nó. Cách thức mà BTC The Voice đang giải quyết khủng hoảng do clip kia gây ra rõ ràng là vòng vo và không sòng phẳng với khán giả yêu thích chương trình. Phải chăng, chẳng có sự thật nào là sự thật nếu nó còn đang được giấu kín. Và ngay cả khi sự thật ấy bị lộ ra ngoài, vì một nguyên nhân khách quan nào đó, thì khán giả cũng chỉ được biết một phần của sự thật?
Đối đầu với truyền thông và lấp liếm với khán giả chỉ càng làm cho tình hình thêm tồi tệ. Báo chí từng ưu ái chương trình nhưng họ hoàn toàn có thể quay lưng nếu bị động chạm đến lòng tự trọng. Khán giả từng ưu ái, yêu quý chương trình thì họ cũng có thể quay lưng khi bị đánh cắp niềm tin.
Hơn ai hết, BTC là người hiểu rõ rất, họ sẽ được và mất gì nếu điều đó xảy ra.
Tuấn Hải
Theo Vietnamnet