‘Gió thổi ngược chiều’ trên thị trường ôtô Việt
Khi cả thị trường nghĩ tới một năm thất bát vì dịch bệnh thì chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ xuất hiện, khiến mọi thứ quay đầu.
Tháng 10, nguồn tin của Toyota Việt Nam cho biết hãng này nhận tới 4.000 đơn hàng cho Vios, giao được 3.443 chiếc, tức chỉ đáp ứng được khoảng 86%. So với tháng 9, doanh số Vios tháng 10 tăng hơn 500 xe. Số đơn hàng vượt qua cả mục tiêu của hãng, thậm chí một vài nhân sự ở bộ phận làm kế hoạch bán hàng phải thốt lên “không hiểu vì sao Vios bán chạy thế”. Thực tế, đại lý cho biết, khách đang cố mua xe trong 2020 để tận dụng 50% lệ phí trước bạ nên đơn hàng tăng vọt.
Ở một phân khúc xa xỉ hơn, đắt gấp 3-4 lần Vios là Mercedes GLC, mẫu xe sang lắp ráp trong nước cũng đang cháy hàng. Vài tháng trước, người có nhu cầu mua xe hỏi nhau khi nào thì hãng giảm giá nhiều nhất, nhưng một tháng qua, câu cửa miệng chuyển thành “bao giờ nhận được xe”. Nhiều khách hàng thậm chí đổi màu, đổi phiên bản chỉ để được nhận xe trong 2020, trước khi mức giảm lệ phí trước bạ 50% hết hiệu lực.
GLC đang là dòng xe thiếu nguồn cung. Ảnh: MBV
Toyota, Mercedes hay nhiều hãng có xe lắp ráp từ bình dân tới hạng sang ở Việt Nam đang hưởng lợi nhờ chính sách của Chính phủ. Hồi đầu năm, khi Covid-19 mởi ở giai đoạn 1, các hãng đã kêu khó, dự đoán cho một năm kinh danh bết bát. Cuối tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Nghị định 70 quy định mức thu lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50% trong 2020, hiệu lực 28/6-31/12. Tức là với ôtô con, khách hàng Hà Nội chỉ phải trả 6% lệ phí trước bạ, trong khi ở TP HCM là 5%.
Giảm trước bạ là chính sách được các chuyên gia đánh giá là rất hiệu quả, bởi số tiền giảm thực tế rất đáng kể. Nếu xe 400 triệu, khách có thể tiết kiệm 20 triệu, nhưng xe 4 tỷ khách được ưu đãi tới 200 triệu. Ở phân khúc cỡ nhỏ, 20-30 triệu cũng là một vấn đề lớn với những người mua xe lần đầu, tài chính không quá dư dả. Vì vậy, đây là cơ hội vàng, khi kết hợp với những chính sách khác của hãng và đại lý để đẩy hàng tồn.
Video đang HOT
Thị trường không quá thay đổi từ sau khi Nghị định được ban hành, bởi chính sách luôn có độ trễ nhất định. Theo báo cáo của VAMA, doanh số toàn thị trường của xe lắp ráp trong tháng 7 chỉ tăng nhẹ 20% so với cùng kỳ tháng trước đó, đến tháng 8 giảm tới 20% do tháng Ngâu. Sang tháng 9, doanh số xe lắp ráp quay đầu tăng 28%, nhưng lúc này vẫn chủ yếu ảnh hưởng bởi lượng xe dồn từ tháng trước đó. Phải từ tháng 10, bắt đầu quý cuối năm, khách hàng mới nhận ra thời gian không còn nhiều, xe lắp ráp tăng 15% doanh số.
Các hãng lắp ráp cho biết đang có gắng sản xuất để kịp trả đơn cho khách hàng trước khi năm 2020 kết thúc. Nhưng thực tế sản xuất không thể đẩy nhanh ngay lập tức giữa tháng này với tháng khác, chưa kể nguồn cung linh phụ kiện cũng không thể thay đổi ngay được. Nếu thị trường giữ được nhịp mua hàng này, các hãng có xe lắp ráp có thể thở phào về một năm kinh doanh không quá bết bát vì Covid-19. Hồi đầu năm, ngành ôtô dự đoán mất khoảng 15-20% doanh số so với tháng trước, nhưng đến nay, nhiều hãng hy vọng với chính sách này, mức giảm sẽ nhỏ hơn nhiều con số dự đoán, thậm chí có thể ngang bằng số bán năm ngoái.
CR-V không giảm ưu đãi. Ảnh: Lương Dũng
Đây không phải lần đầu Chính phủ cứu các hãng xe lắp ráp trong nước. Năm 2017, khi tất cá các hãng tính tới năm 2018 ngập tràn xe nhập vì thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%, xe lắp ráp sẽ khó cạnh tranh, thì bất ngờ Nghị định 116 ra đời, biến xe nhập khẩu từ lợi thế về bất lợi. Cánh cửa lúc ấy đóng chặt với xe nhập khẩu, vì quy định Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) quá lạ lẫm với nhiều nước. Phải một năm sau đó, các hãng mới giải thành công bài toán giấy tờ để hoạt động trở lại bình thường.
Nhưng nhu cầu khách hàng lên cao không phải lý do duy nhất khiến xe lắp ráp giao chậm trong năm nay. Lý do khác nằm ở mạng lưới cung ứng linh kiện lắp ráp. Các hãng lắp ráp ở Việt Nam chủ yếu nhập linh kiện ở nước ngoài nên khá phụ thuộc vào việc phân chia linh kiện cho các thị trường. Khi sức mua ở Trung Quốc phục hồi, cũng là lúc các nhà máy đại lục hút hết nguồn linh kiện từ các OEM, những nhà máy ở thị trường nhỏ như Việt Nam không còn cách nào khác ngoài việc chờ, sản xuất với bộ linh kiện cầm chừng.
Tổng hoà của các yếu tố này, là một thị trường mà người bán nắm thế chủ động, một bức tranh quen thuộc nhiều năm qua. Nắm bắt tâm lý khách hàng, các đại lý của Hyundai, Toyota, Mazda… đua nhau cắt ưu đãi, đưa giá quay về mức niêm yết, thậm chí mua thêm phụ kiện nếu muốn nhận xe sớm.
Tuy vậy, không phải tất cả đại lý hay tất cả các dòng xe lắp ráp đều có chính sách như vậy. Mitsubishi đang có suy nghĩ khác. Hãng này bán Xpander cả lắp ráp và nhập khẩu. Xpander lắp ráp được hưởng 50% trước bạ, vì vậy bản nhập khẩu cũng được hãng tặng luôn 50% trước bạ cũng như một năm bảo hiểm để cả hai có ưu đãi tương đương. Tổng giá trị khuyến mãi gần 42 triệu đồng. Hãng này cho biết không cắt ưu đãi vì muốn khẳng định không có sự khác biệt giữa bản nhập và bản lắp từ cả mẫu mã, chất lượng đến giá cả, đồng thời chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Mitsbushi Xpander tặng 50% trước bạ cho cả xe nhập khẩu. Ảnh: Lương Dũng
Honda cũng làm tương tự với CR-V. Giá niêm yết giữ nguyên, hãng xe Nhật và đại lý tặng tiếp 50% trước bạ còn lại, tức khách mua xe không mất tiền trước bạ. Đại lý tặng thêm 30-50 triệu đồng tiền phụ kiện, nhưng không được quy đổi ra tiền mặt. Honda muốn CR-V duy trì được vị thế trước các đối thủ CX-5 và Tucson.
Việc Mitsubishi và Honda giữ các mức ưu đãi sẽ khiến khách hàng phải phân vân nhiều khi lựa chọn giữa các mẫu xe trong cùng phân khúc, giữ thị trường cân bằng hơn, người mua không bị thất thế trong cuộc thương lượng giá xe với đại lý.
Chính phủ đã đẩy “gió thổi ngược chiều” trên thị trường ôtô Việt với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp. Từ chỗ tưởng rằng khách hàng lác đác vì kinh tế khó khăn, nay các hãng lại chứng kiến khách tìm đến ồ ạt. Hãng từ người chịu bão, nay trở thành người điều khiển bão, dù trong lòng cơn bão, lại cũng có những cơn gió thổi ngược, như Xpander hay CR-V.
Sở hữu Ford EcoSport chỉ với 455 triệu đồng
Mới đây, các mẫu xe trên thị trường Việt Nam hiện đang được các đại lý toàn quốc 'xả hàng' đời 2019. Trong đó, Ford EcoSport đã mạnh tay giảm giá gần 100 triệu đồng.
Trong bối cảnh EcoSport đang dần đánh mất vị thế trên thị trường Việt Nam Ford đang nỗ lực tìm mọi cách giúp mẫu xe này lấy lại phong độ. Sau những cải tiến về mẫu mã, hãng xe Mỹ cũng như các đại lý đã và đang mạnh tay giảm giá bán các phiên bản cũ của EcoSport với mức giảm gần 100 triệu đồng.
Cụ thể, thị trường ôtô Việt Nam vừa chứng kiến màn giảm giá Ford EcoSport chưa từng có trong lịch sử, mẫu CUV phân khúc B bản Ambiente MT thấp nhất giá chỉ còn 455 triệu đồng (giá niêm yết 545 triệu đồng). Các bản Ambiente AT, Trend AT, Titanium 1.5 AT và Titanium 1.0 AT có giá lần lượt là 489 - 531 - 523 - 664 triệu đồng (mức giá niêm yết tương ứng là 569 - 593 - 548 - 689 triệu đồng).
Ford EcoSport đời cũ đang đạt mức giảm kỷ lục tại Việt Nam
Bên cạnh động thái "xả hàng, dọn kho" đầy bất ngờ này, các đại lý Ford tại Việt Nam cũng tiến hành nhận cọc EcoSport đời 2020 mới. Thực tế, đây chỉ là bản nâng cấp trang bị chứ không phải bản facelift. Dự kiến, xe sẽ về đại lý vào tháng 10 năm nay.
Được biết, Ford EcoSport 2020 sẽ vẫn giữ nguyên thiết kế chủ đạo. Nội thất xe về cơ bản không có gì thay đổi. Chi tiết nâng cấp dễ nhận thấy là vô-lăng có tích hợp cụm điều khiển phụ có 2 chức năng là ga tự động và giới hạn tốc độ, tương tự như mẫu Focus trước đây. Màn hình Sync 3 được cập nhật phần mềm lên bản 3.4 mới nhất.
Ford EcoSport 2020 chỉ là bản nâng cấp trang bị chứ không phải bản facelift
Về truyền động, chưa rõ Ford EcoSport 2020 có sự thay đổi nào về động cơ hay không. Hiện tại, mẫu xe này đang được bán ra tại thị trường Việt Nam với 2 tuỳ chọn động cơ, bao gồm động cơ Ecoboost tăng áp 1.0L và động cơ hút khí tự nhiên 1.5L, đi kèm với hộp số tự động 6 cấp SelectShift.
Ford EcoSport 2020 mới sẽ tiếp tục được lắp ráp trong nước và hưởng ưu đãi 50% lệ phí trước bạ. Theo các đại lý, giá bán của EcoSport 2020 sẽ dao động chỉ từ 470 - 640 triệu đồng, có tặng kèm một số phụ kiện hay bảo hiểm thân vỏ.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ ôtô: Chờ những đột phá về chính sách thuế Hiện cả nước có hơn 350 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ôtô, nhưng có đến 80% là doanh nghiệp nước ngoài... Số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), hiện cả nước có hơn 350 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ôtô, nhưng có đến 80% là doanh nghiệp nước ngoài, số còn lại là của Việt Nam...