Giỗ cha
Ngày cha tôi bỏ mẹ tôi đi lấy người đàn bà khác, nhìn mẹ suy sụp khóc mãi chẳng thiết đến điều gì, lòng tôi tràn ngập nỗi căm hờn với cha mình.
ảnh minh họa
Sau một thời gian long đong tìm chỗ ở không được, lại thêm đứa con nhỏ ra đời, cha tôi dẫn người đàn bà kia quay về, yêu cầu chia căn nhà mẹ con tôi đang sống để có chỗ trú ngụ. Thế là từ đó, hàng ngày tôi phải nghe thấy đủ mọi mùi vị của một cuộc sống gia đình ở bên kia bức vách ngăn mỏng: mùi thức ăn, tiếng trẻ con khóc, những tiếng thì thầm… Mẹ tôi đã lặng câm nay càng câm lặng hơn. Mắt mẹ ráo hoảnh, môi khô, hai bên thái dương hằn lên những đường gân xanh. Tôi nhìn mẹ xót xa, không hiểu vì sao mẹ có thể chấp nhận để cha làm như thế.
Mẹ thường bảo, có những chuyện sau này lớn lên con mới hiểu. Nhưng, làm sao ba chị em tôi có thề kềm chế cảm xúc chờ ngày “lớn lên rồi hiểu” như lời mẹ. Khi đó chúng tôi sống bằng nỗi thương xót mẹ, căm thù cha, căm thù người đàn bà và đứa bé đã cướp cha của chúng tôi.
Ngày đầy tháng của đứa bé, chúng tôi đã có một hành động táo tợn để thỏa mãn nỗi hận của mình: khi gia đình bên kia cúng đầy tháng, bên này chúng tôi lập bàn thờ giỗ cha. Bàn thờ là chiếc bàn học nhỏ ngày xưa ba đóng cho chị em tôi. Bát nhang là cái ống bút. Bức hình cha, chúng tôi cắt ra từ hình chụp đám cưới của cha mẹ ngày xưa treo trên vách, giờ mẹ đã gỡ xuống cất vào tủ. Chúng tôi đặt lên bàn thờ một chén cơm nguội và mấy quả cóc xanh, cho có cái gọi là đồ cúng như những chiếc bàn thờ bình thường.
Nhà chúng tôi ngay mặt tiền đường, nên chẳng mấy chốc cả khu xung quanh đều biết chuyện; đi qua, đi lại nhìn vào. Chắc có người nói lại cho cha tôi nên ông chạy sang, đứng nhìn vào nhà bằng đôi mắt đỏ quạch. Thấy thằng em trai tôi khi đó 12 tuổi đã cao gần ông, đứng trừng trừng nhìn ra, ông im lặng quay về nhà mình. Hơn một tiếng sau, mẹ tôi chắc cũng được ai báo nên chạy vội từ chỗ làm về nhà. Bà lao vào giật tung hết mọi thứ, lấy ảnh cha cất đi, vừa làm vừa khóc. Thằng em trai tôi hét lên với mẹ: “Sao mẹ không để chúng con thể hiện chữ hiếu với cha? Ông chết rồi thì phải thờ cúng cho đàng hoàng chứ”. Lần đầu tiên trong đời, mẹ tôi giáng một cái tát vào mặt nó, rồi bà thụp xuống khóc nức nở. Bà bảo chúng tôi không có quyền phán xét cha, chỉ có bà có quyền; dù sao ông ấy cũng là cha, là người sinh ra chúng tôi. Ông với bà không có hạnh phúc thì ông đi tìm hạnh phúc mới. Chúng tôi làm con, làm như thế là phải tội.
Ba chị em tôi cũng khóc, nhất là con bé út, nó khóc ầm ỹ nên nhà như cái chợ. Bên kia vách lặng thinh như tờ. Một thời gian sau, cha tôi dọn nhà ra đi. Sau sự kiện ấy, dường như mẹ tôi hồi sinh trở lại. Bà lao vào làm việc, phấn đấu, trở thành giám đốc của một công ty. Ngay khi có đủ tiền, bà bán nhà mua căn nhà khác. Bà gửi cho cha tôi nửa số tiền bán nhà nhưng ông trả lại không nhận. Ông cũng không bao giờ về thăm chị em chúng tôi cho đến khi mất đột ngột bảy năm sau đó vì một tai nạn giao thông.
Giờ đây, khi đã trưởng thành, có con có cái, tôi thỉnh thoảng vẫn nhói lòng khi nghĩ về ông. Tuy nhiên, tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao nhiều người trong gia đình bên nội cũng không nhìn mặt chúng tôi. Họ có vẻ e dè ba chị em tôi, dường như chúng tôi là những đứa con bất hiếu, mất dạy. Thật ra, trong lòng chúng tôi như có những vết thương không bao giờ lành. Chúng tôi chưa bao giờ giỗ cha và cũng rất ít khi nhắc đến cha. Thậm chí, đôi khi chúng tôi nghĩ hình như là mình… may mắn khi cha đã mất quá sớm; bởi đó là cách chấm dứt mọi chuyện đơn giản nhất, dễ dàng nhất với cả hai bên.
Ấy thế mà cách đây hai ngày, bất chợt mẹ gọi chúng tôi về nhà. Bà đã yếu lắm rồi. Bà yêu cầu chúng tôi cùng đi thắp nhang cho ông. Hóa ra bà vẫn liên lạc với người đàn bà kia, có đi thăm mộ ông. Giờ đây, trước khi đi xa, bà muốn hòa giải chị em tôi với cha mình. Bà nói, bà chẳng còn bao lâu nữa sẽ đi xa, bà đã tha thứ cho ông và muốn chúng tôi cũng quên đi chuyện ngày xưa. Bà chỉ yêu cầu chúng tôi quên đi vì bà vẫn cho rằng chúng tôi không có quyền căm hận hay tha thứ cho cha mình. Bà giải thích: “Để mẹ có thể thanh thản gặp ông ấy ở thế giới bên kia, để chính các con cũng được thanh thản sống sau này, mẹ muốn các con nhận lại cha của mình. Chắc là ông ấy cũng sẽ được bình yên hơn”.
Em trai tôi lạnh lùng trả lời là nó đã sống và lớn lên không có cha thì bây giờ nó cũng không cần ông ấy. Điều duy nhất ông ấy có ích cho chị em tôi không phải là sinh chúng tôi ra như mẹ nói, mà là giúp chúng tôi sống đúng hơn với con cái của mình. Mẹ tôi khóc rất nhiều và bà vẫn đang chờ quyết định của chị em tôi.
Theo PNO