Giờ cao điểm ngày đầu đổi giờ: Chỗ tắc, nơi thông
Giờ cao điểm buổi chiều nay 1/2, tuy vẫn còn một số điểm ùn tắc nhưng nhìn chung đường phố Hà Nội khá thông thoáng.
Lúc 17h, trước cổng trường tiểu học Khương Thượng (số 8, Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội) số lượng phương tiện tham gia giao thông vẫn quá tải. Rất nhiều em nhỏ vừa sợ hãi vừa len lỏi qua dòng xe cộ ken đặc sang phía bên kia đường.
Trước cổng trường tiểu học Khương Thương, xe và người ken chặt không thể nhúc nhích được.
“Đấy, đổi giờ vẫn tắc sờ sờ ra đấy, đưa xong cháu nhỏ về nhà tôi lại phải đến trường THPT Quang Trung đón đứa lớn đi học thêm tiếng Anh. Bình thường vẫn đón 2 đứa đi luôn thể nhưng phải đến 19h đứa kia mới tan, về cũng dở, đi luôn cũng dở” – anh Nguyễn Hữu Minh (Đống Đa, Hà Nội) than thở.
17h20 trên tuyến đường Cầu Giấy, Xuân Thủy, tình trạng ùn tắc kéo dài lại tái diễn. Các phương tiện chen chúc nhau dưới lòng đường, tràn cả lên vỉa hè. Ách tắc khiến những hành khách ở điểm đón xe buýt lên xe rất khó khăn.
Video đang HOT
Nhiều người tham gia giao thông trên tuyến đường này càu nhàu: “Đổi giờ kiểu gì mà vẫn thế này? Sinh viên mấy trường gần đây còn chưa lên, đã ùn tắc. Mấy hôm nữa thì chắc là chôn chân một chỗ”.
Đến 18h45, các phương tiện mới có thể lưu thông dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Bee.net.vn, trên nhiều tuyến đường, tình hình giao thông đã có nhiều biến chuyển. Tại nút giao thông đường Vành đai 3 – Khuất Duy Tiến, giao cắt với đường Nguyễn Trãi, suốt thời gian giờ cao điểm, giao thông khá ổn định, không xảy ra ùn tắc. Tuyến đường Khuất Duy Tiến kéo dài đến giáp đường Phạm Hùng mọi ngày thường ùn tắc cục bộ, tuy nhiên hôm nay các phương tiện lưu thông khá dễ dàng.
Điểm nóng giao thông trên đường Trường Chinh, chiều nay các phương tiện di chuyển bình thường.
Một điểm nóng nữa là khu vực ngã tư cầu vượt Mai Dịch thì hầu như không xảy ra ùn tắc. Đồng chí Mai Đức Tâm (Phòng CSGT số 6) cho biết: “Ngã tư này luôn xảy ra ùn tắc vào khoảng thời gian này (18h30 – PV) nhưng hôm nay, không có bất kỳ trường hợp ùn tắc nào xảy ra”.
Gần 18h, tại nút giao Tây Sơn – Chùa Bộc tình trạng giao thông cũng không mấy căng thẳng, phương tiện từ các hướng đều có thể lưu thông qua đây với một lần đèn, không phải đợi đến 2, 3 lần đèn đỏ như những ngày trước đó.
Chỉ có hướng từ Nguyễn Lương Bằng – Tây Sơn – Nguyễn Trãi có bị ùn ứ cục bộ đoạn trước cổng Đại học Công đoàn, tuy nhiên cũng chỉ hai lần đèn là có thể qua được nút này.
Đánh giá sơ bộ ngày đầu giải pháp đổi giờ làm, giờ học đi vào thực tiễn, ông Nguyễn Xuân Tân – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong 3 giờ đồng hồ cao điểm buổi sáng, tình hình giao thông Hà Nội khá thông thoáng. Vì phương án đổi giờ đã khiến giờ cao điểm của giao thông Hà Nội được nới rộng.
CSGT làm nhiệm vụ phân làn luồng xe.
“Do giờ cao điểm buổi chiều từ 16h đến 20h nên hầu hết các cung đường không xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài, rõ ràng, giải pháp đổi giờ làm đã phát huy tác dụng và đem lại hiệu quả khá thiết thực” – ông Tân đánh giá.
Với lo ngại do nhiều sinh viên, người đi làm chưa tập trung về Hà Nội nên giao thông Hà Nội mới dễ thở như hôm nay, ông Tân cho rằng: Nếu như lưu lượng người tham gia giao thông có tăng thêm một chút nữa cũng không đáng ngại.
Trước vấn đề nhiều trường chưa thực hiện thay đổi giờ học, ông Tân khẳng định: các trường không điều chỉnh giờ học theo quy định sẽ bị xử lý nghiêm.
“Phương án đổi giờ đã được bàn bạc kỹ lưỡng, đã trình Hội đồng nhân dân thành phố và được thông qua. Vì vậy không có chuyện các trường thực hiện hay không thực hiện mà đây là lệnh buộc các trường phải chung tay cùng thành phố gỡ rối cho giao thông Thủ đô”, ông Tân nhấn mạnh.
Theo Bee.net.vn
Từ ngày mai 1-2-2012: Điều chỉnh giờ học, giờ làm
Theo Quyết định 315/QĐ-UBND của thành phố, nhóm công chức, học sinh, sinh viên, thương mại tại 10 quận nội thành và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì sẽ thực hiện đổi giờ học, giờ làm từ 1-2-2012. Đây là một trong những giải pháp nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc kéo dài, tác động xấu tới kinh tế xã hội Thủ đô.
Tình trạng ùn tắc trước cổng trường liệu có được giải quyết?
Học sinh, sinh viên chịu ảnh hưởng lớn nhất
Với quyết định trên của thành phố, nhóm đối tượng các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các trường THPT bắt đầu giờ học buổi sáng trước 7h, kết thúc giờ học chiều sau 19h. Nhóm các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bắt đầu giờ học buổi sáng từ 8h và kết thúc giờ học chiều vào 17h. Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bố trí giáo viên, cán bộ, công nhân viên để tiếp nhận học sinh từ 7h30 sáng và quản lý học sinh đến 17h30 hàng ngày. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể Trung ương, Hà Nội bắt đầu làm việc từ 8h và kết thúc giờ làm việc buổi chiều vào 17h. Các Trung tâm thương mại, dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính) bắt đầu làm việc từ 9h, kết thúc sau 19h. Việc điều chỉnh giờ học, làm việc sẽ thực hiện ở 10 quận nội thành và huyện Thanh Trì, Từ Liêm kể từ 1-2-2012.
Khảo sát cho thấy, tại 10 quận và 2 huyện trên đang có 124 trường ĐH, CĐ, Trung cấp với hơn 620.000 sinh viên. Trong đó, chiếm đến 78% số sinh viên ở ngoại trú, và có hơn 30% sinh viên các trường trên sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại hàng ngày. Đối với khối THPT, theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, tổng số học sinh THPT phải điều chỉnh giờ học là 90.000 học sinh trong đó có tới 40% học ca chiều sẽ phải về sau 19h. Như vậy, nhóm học sinh các trường THPT, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc điều chỉnh giờ học, làm việc.
Còn nhiều băn khoăn
Lãnh đạo ngành giáo dục cũng như các trường học hiện vẫn băn khoăn với thời gian vào học sớm và kết thúc giờ học ca chiều hơi muộn. Đáng lo ngại là thời gian triển khai sẽ bắt đầu từ ngày mai, trong khi với các trường đại học, TCCN thì lượng sinh viên về quê ăn tết khá đông và việc ổn định lại giờ học chưa thống nhất dẫn tới việc sinh viên có thể chưa nắm bắt được yêu cầu về đổi giờ học. Tuy nhiên, hầu hết đều khẳng định, sẽ áp dụng mọi biện pháp để thông báo cho học sinh, sinh viên cũng như xây dựng kế hoạch thực hiện đúng yêu cầu đổi giờ của thành phố. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Mạnh, Phó Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã yêu cầu các trường chủ động tìm biện pháp thông báo việc điều chỉnh giờ cho sinh viên biết, đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện tốt việc điều chỉnh giờ học để thực hiện từ ngày mai, 1-2-2012.
Riêng với khối THPT ngay sau khi triển khai, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổ chức 5 đoàn kiểm tra về 12 quận huyện để đảm bảo việc thực hiện thay đổi giờ được thống nhất tại các cơ sở giáo dục. "Các trường THPT đang được đốc thúc bố trí đủ ánh sáng trong lớp học và đặc biệt trong khu vực sân trường, lối vào trường để đảm bảo an toàn cho học sinh khi ra về vào thời điểm trời tối" - ông Nguyễn Hiệp Thống khẳng định.
Tăng cường kiểm soát phương tiện giao thông
Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hùng cho biết, việc điều chỉnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến đời sống người dân, nhưng đây là phương án đã được thành phố cân nhắc kỹ lưỡng, được HĐND thông qua, Thủ tướng Chính phủ nhất trí. Không chỉ người dân mà các lực lượng chức năng cũng phải điều chỉnh giờ làm việc. Cụ thể, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông sẽ phải "xuống đường" từ 6h (sớm hơn 30 phút) để điều hành giao thông. Thời gian hoạt động phục vụ giờ cao điểm của hệ thống xe buýt sẽ kéo dài hơn 60 phút so với hiện nay.
Cụ thể, giờ cao điểm sáng sẽ bắt đầu từ 6h đến 9h, cao điểm chiều từ 16h30 đến 19h30. Ngoài ra, trên những tuyến có nhiều trường đại học, lượng phương tiện cá nhân cao như Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Xuân Thủy... sẽ tăng tần suất xe buýt trong giờ cao điểm từ 10 phút/lượt hiện nay đến 7-8 phút/lượt... Sẽ điều chỉnh tăng giờ hoạt động của 17 tuyến xe buýt trong giờ cao điểm để đáp ứng nhu cầu đi lại của sinh viên nói riêng, hành khách nói chung. Ngoài ra, Sở GTVT cũng điều chỉnh giờ chạy và tăng chuyến của 6 tuyến buýt nhanh từ 86 chuyến/ngày hiện nay lên 123 chuyến/ngày. Ông Hùng cho biết, Sở GTVT đang nghiên cứu, tổ chức thêm 6 tuyến buýt nhanh khác gồm: tuyến Long Biên - bến xe Yên Nghĩa, Trần Khánh Dư - bến xe Yên Nghĩa, Cầu Giấy - bến xe Phùng, bến xe Gia Lâm - Viện 103, bến xe Mỹ Đình - bến xe Gia Lâm và Nam Thăng Long - Mai Động với tổng số 97 chuyến/ngày nhằm đáp ứng hiệu quả việc đổi giờ.
Theo ANTD
Xe máy chở trái cây tông xe tải chở bia, kẹt xe Đúng vào giờ cao điểm, xe tải nặng đã gây tai nạn với xe máy làm người điều khiển trọng thương và gây kẹt xe nghiêm trọng trên Quốc lộ 1A. Kẹt xe kéo dài trên Quốc lộ 1A Theo thông tin ban đầu, khoảng 6 giờ 40 phút ngày 10-1, một người đàn ông (chưa rõ danh tính) điều khiển xe máy...