Gìn giữ nghề cho làng mộc nghìn năm tuổi
Nghề mộc nghìn năm tuổi ở xã Yên Ninh (Ý Yên, Nam Định) đang thu hút hơn 90% lao động địa phương. Nhờ gắn bó với nghề mộc mà người dân nơi đây đã có cuộc sống sung túc.
Thị trường tiêu thụ rộng lớn
Ông Ninh Xuân Chiến – Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Yên Ninh cho biết: “Làng nghề mộc ở xã Yên Ninh được hình thành cách đây gần 10 thế kỷ. Người thợ nơi đây từng đi “xứ Đông, xứ Đoài” làm đẹp cho nhiều làng quê với những sản phẩm phong phú và thông dụng như: Sập gụ, đồ trang trí nội thất, đồ thờ cúng, cuốn thư… được chạm khắc khéo léo, tinh xảo”.
Video đang HOT
Anh Phạm Quốc Hùng hướng dẫn công nhân làm việc. ảnh:Thu Hà
Theo ông Chiến, hầu hết người dân Yên Ninh đều gắn bó với nghề mộc từ bé. Cha ông đi trước truyền nghề cho con cháu đi sau. Xã có 2.560 hộ dân thì hơn 2.400 hộ làm mộc, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất bán sang Lào, Campuchia… Nhờ nghề mộc, người dân Yên Ninh có cuộc sống sung túc, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc với những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát.
“Để giúp người dân làng nghề có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, Hội ND xã Yên Ninh thường xuyên tạo điều kiện cho bà con vay các nguồn vốn ưu đãi như Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội…” – ông Chiến chia sẻ.
“Muốn thành công, theo tôi cần khéo léo kế thừa kinh nghiệm làm mộc của ông cha và tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để tăng hiệu suất công việc. Điều quan trọng nhất là luôn đề cao chữ “tín” và đạo đức nghề nghiệp. Có như vậy thì mới sống được với nghề”.
Anh Phạm Quốc Hùng
Tới thăm xưởng mộc của gia đình anh Nguyễn Trọng Thắng (thôn Lũ Phong) thấy anh và công nhân đang tất bật hoàn thiện lô sản phẩm để kịp giao cho khách ở TP.HCM.
Anh Thắng chia sẻ: “Tôi mở xưởng được gần 15 năm, nhưng tổ tiên gia đình tôi đã gắn bó với nghề này hàng trăm năm. Xưởng tôi chuyên làm các mặt hàng nội thất phục vụ cho đền, chùa như câu đối, hoành phi, cửa võng… Giá dao động từ 3 – 15 triệu đồng/sản phẩm, tùy vào chất liệu và kiểu dáng sản phẩm”.
Dạy nghề để giữ nghề
Nhiều năm lăn lội với nghề, giờ đây anh Thắng đã có trong tay khối tài sản lớn về kinh nghiệm, kỹ thuật làm mộc và nhiều bạn hàng lớn. Làm ăn có uy tín nên sản phẩm của xưởng anh Thắng được nhiều bạn hàng khắp nơi đón nhận. Mỗi năm anh xuất bán trên 3.000 sản phẩm, doanh thu gần 2 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi 300 triệu đồng/năm.
“Năm nào tôi cũng “chiêu sinh” lao động trong xã và các xã lân cận về dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho họ. Với tổng diện tích 2 xưởng là 400m2, gia đình tôi đang dạy nghề và giải quyết việc làm cho 20 lao động với mức lương từ 4,5 – 7 triệu đồng/người (tùy theo tay nghề lao động). Một số sau khi có nghề thì về quê mở xưởng, số còn lại tôi nhận vào làm hoặc giới thiệu đến xưởng của các anh em, bạn bè khác” – anh Thắng bày tỏ.
Cách xưởng mộc của anh Thắng không xa là xưởng mộc của anh Phạm Quốc Hùng đang thu hút hơn 30 lao động địa phương. Anh Hùng cho biết, năm 2009, sau khi thành thạo nghề anh tách ra làm ăn riêng. Đến nay anh đã có 2 xưởng sản xuất và cửa hàng trưng bày sản phẩm rộng 500m2, chuyên sản xuất kinh doanh giường, tủ, bàn ghế, doanh thu hơn 5 tỷ đồng/năm.
“Năm nào tôi cũng nhận dạy nghề cho hàng chục lao động, vừa tạo việc làm cho họ vừa giữ được nghề truyền thống của cha ông để lại” – anh Hùng bộc bạch.
Theo Danviet