Giết vợ rồi tự sát để cho cha… hối hận?
Ông bà ta thường nói: “Có lửa thì mới có khói”. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống có đôi lúc, sự việc xảy ra không phải như vậy. Ở tỉnh Vĩnh Long đã xảy ra một vụ án mạng “chồng giết vợ” mà chẳng có mâu thuẫn hay cự cãi gì. Tất cả cũng chỉ vì cha ruột quá khó tính nên chồng giết chết vợ rồi tự sát nhằm làm cho cha hối hận…
Kiện chuyện cũ
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lê Thành Viện cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội của mình. (Ảnh minh họa)
Vào một ngày đầu tháng 11/2011, TAND tỉnh Vĩnh Long mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ kiện dân sự về “Bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại” nguyên đơn là chị Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1973), bị đơn là anh Lê Thành Viện (sinh năm 1969, cùng cư ngụ xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) cũng chính là chồng của nguyên đơn Thủy.
Theo bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), chị Nguyễn Thị Thủy là vợ của anh Lê Thành Viện, do mâu thuẫn gia đình nên vào năm 2005, anh Viện đã dùng dao chém nhiều nhát vào đầu chị Thủy. Trong phần quyết định của bản án hình sự, ngoài án phạt tù bản án có dành quyền khởi kiện của chị Thủy đối với anh Viện về các khoản chi phí điều trị từ ngày 28/8/2006. Vì thế, khi anh Viện chấp hành xong bản án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng, chị Thủy đã làm đơn gửi đến tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu anh bồi thường tiếp cho chị các khoản chi phí tiền thuốc Tây, tiền thuốc Bắc, tiền thuốc Nam, ngày công lao động… tổng cộng là 100.393.200đ.
Sau nhiều lần hòa giải không thành, vào ngày 08/8/2011, TAND huyện Trà Ôn đã đưa vụ kiện ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, bị đơn chồng cho rằng: Đã bồi thường cho nguyên đơn vợ 29.330.000đ. Nay anh không đồng ý bồi thường tiếp cho vợ chỉ vì hiện tại anh không có khả năng để bồi thường số tiền trên.
Xét yêu cầu của chị Thủy buộc anh Viện phải bồi thường tiền thuốc Bắc và thuốc Nam, chi phí tàu xe đi lại điều trị và tiền mất thu nhập do không lao động được là không có căn cứ. Tuy đây cũng là chi phí hợp lý nhưng tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của chị Thủy không đưa được chứng cứ chứng minh… Vì thế, phiên tòa sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Thủy. Buộc anh Viện phải bồi thường cho vợ tiền thuốc tây điều trị là 10.393.200đ.
Video đang HOT
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, chị Thủy đã kháng cáo, yêu cầu anh Viện bồi thường tiền thuốc Bắc và thuốc Nam 10.000.000đ, tiền ăn uống và thuê phương tiện đi lại 20.000.000đ, tiền mất lao động 60.000.000đ. Đồng thời, VKSND huyện Trà Ôn có kháng nghị đề nghị tòa án xử phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm buộc anh Lê Thành Viện phải bồi thường tiền công lao động và tiền chi phí ăn uống, đi lại để điều trị bệnh cho chị Thủy theo quy định của Nghị quyết số 03 ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Tại phiên tòa phúc thẩm, vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố giữ nguyên kháng nghị của VKSND huyện Trà Ôn. Riêng bị đơn trình bày: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhờ tòa giải quyết theo luật, anh không có ý kiến”.
HĐXX phiên tòa phúc thẩm nhận thấy: “Kháng cáo của chị Thủy và kháng nghị của VKSND huyện Trà Ôn đối với bản án của tòa sơ thẩm là có căn cứ nên tòa phúc thẩm chấp nhận một phần. Buộc anh Viện có trách nhiệm bồi thường tiền tàu xe, tiền ăn uống đi tái khám, tiền mất thu nhập, vì các chi phí hợp lệ mà án sơ thẩm không tính là ảnh hưởng cho chị Thủy. Tổng cộng các khoản tiền trên là 49.594.000đ là có thật. Vậy nên chấp nhận và sửa án sơ thẩm”.
Với các chứng cứ và tài liệu thu thập được, HĐXX phiên tòa phúc thẩm quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của chị Thủy. Chấp nhận kháng nghị của VKSND huyện Trà Ôn buộc anh Viện phải có trách nhiệm bồi thường cho chị Thủy các khoản tiền trên. Tổng cộng là 49.594.000đ.
Lật lại vụ án chồng giết vợ
Lần theo vụ kiện này, chúng tôi được biết: Khoảng năm 1997, Lê Thành Viện kết hôn với chị Nguyễn Thị Thủy. Viện là con trai út trong gia đình nên khi cưới vợ, hàng ngày, vợ chồng Viện sống chung với cha mẹ ruột là ông bà Lê Văn Qưới. Mỗi ngày 2 vợ chồng phải thức từ 3 giờ sáng cho đàn heo 30 con ăn, vệ sinh chuồng trại, ra ruộng làm tới tối mịt, rồi còn phải xoay sang cày cuốc 3 công vườn.
Làm việc cực nhọc, lại thường bị cha chồng cằn nhằn, mắng nhiếc, vốn tính hiền lành, cam chịu nên chị vẫn ráng sống với suy nghĩ giản đơn: “Chắc đó là cái số, không thể tránh được”. Không ít lần quá mệt mỏi, chị Thủy bàn với chồng ra riêng nhưng Viện không chịu. Tuy nhiên, chính bản thân Viện cũng không chịu nổi sự hà khắc của cha mẹ nhưng không có cách giải quyết.
Biết cha vốn khó tính, thường hay la rầy vợ chồng mình nên Viện muốn làm một việc gì đó để cho ông Qưới hối hận với sự nhỏ nhen, ích kỷ của ông. Từ suy nghĩ đó, Viện nảy sinh ý định giết chết vợ rồi tự tử.
Chiều ngày 16/12/2005, sau khi phụ vợ làm rẫy, Viện vào nấu cơm chiều. Khi dọn cơm lên và mời cha mẹ cùng vợ vào ăn, Viện nói: “Ăn một bữa cơm chia tay”. Nói xong, Viện cùng cha mẹ ngồi ăn còn chị Thủy vẫn chưa vào. Thấy vợ chưa vào, Viện đi ra vườn kêu chị Thủy lần thứ hai. Kêu xong, Viện vào nhà tiếp tục ăn cơm.
Khi thấy chị Thủy vừa đi vào, Viện liền đi đến kệ giắt dao lấy một con dao (loại cây mác dùng để sắc chuối cho heo ăn) chạy đến chém nhiều nhát vào đầu chị Thủy. Chị Thủy bỏ chạy và kêu la, khi chạy gần đến nhà ông Hồ Tấn Niệm một người cùng xóm thì bị Viện đuổi kịp, Viện tiếp tục chém nhiều nhát vào đầu và cơ thể chị làm Thủy ngã quỵ tại chỗ. Chém vợ xong, nghĩ vợ đã chết, Viện tự vung dao chém nhiều nhát vào đầu, vào cơ thể mình thì bị ông Quới và ông Niệm tước lấy dao.
Thấy việc tự tử không thành, Viện chạy trở về nhà tìm thuốc trừ sâu để uống nhưng thuốc đã hết. Viện tiếp tục cầm lấy một con dao nhọn và đe dọa không cho ai vào ngăn cản Viện tự tử, định để cho máu chảy hết để chết theo vợ, nhưng được một lúc thì Viện bất tỉnh và được mọi người đưa đi cấp cứu.
Theo kết quả giám định y pháp và giấy chứng nhận thương tích thì bị hại Nguyễn Thị Thủy bị nhiều vết thương ở đầu, tay, mặt, bị chấn thương sọ não, teo não thái dương phải. Tỷ lệ thương tích chung là 42%.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lê Thành Viện cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Còn người bị hại như ngây, như dại. Chị chỉ biết yêu cầu HĐXX xem xét buộc bị cáo phải bồi thường cho mẹ của chị các khoản tiền điều trị bệnh cho chị mà mẹ chị đã chi.
Theo nhận định của HĐXX: “Chỉ vì không chịu nổi lời đay nghiến của cha ruột bị cáo, lẽ ra bị cáo phải tìm cách phân giải cho cha bị cáo hiểu hoặc lựa chọn cách xử sự khác cho đúng đắn nhưng do nông nổi, cạn nghĩ bị cáo đã giết vợ rồi tự sát theo vợ; hành vi của bị cáo không phải vì động cơ đê hèn mà thuộc khoản 2 Điều 93 của Bộ luật Hình sự. Việc bị cáo dùng dao chém vào đầu là vùng đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng của con người, hành vi mang ác tính cao, hậu quả để lại cho chị Thủy rất nặng nề, đến nay vẫn chưa bình phục nhất là về sức khỏe tâm thần của chị, gây tổn thất lớn về tinh thần cho người thân…”.
Với nhận định trên, HĐXX phiên tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Lê Thành Viện 10 năm tù về tội “Giết người”. Về bồi thường thiệt hại, ghi nhận và buộc bị cáo Viện phải bồi thường cho bà Trương Thị Sáng (mẹ Thủy) 29.330.500đ. Dành cho chị Thủy một vụ kiện dân sự khác đối với chi phí điều trị từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 28.8.2006).
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, phía người bị hại kháng cáo. Đồng thời, VKSND tỉnh Vĩnh Long cũng có kháng nghị đề nghị phúc thẩm xử theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lê Thành Viện thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội mà bản án sơ thẩm đã tuyên. Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố giữ nguyên quyết định kháng nghị. Đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Viện với mức án từ 12 đến 13 năm tù.
Tuy nhiên, xét thấy trong vụ án này, người bị hại là vợ của bị cáo, giữa bị cáo và bị hại không có mâu thuẫn gì. Chỉ vì mâu thuẫn hàng ngày trong sinh hoạt gia đình giữa bị cáo và cha ruột của bị cáo mà bị cáo đã lựa chọn giải pháp giải quyết mâu thuẫn bằng cách giết vợ rồi tự sát nhằm làm cho cha bị cáo phải hối hận nên đã dùng dao chém người nhát vào người nạn nhân. Xét giữa bị cáo và bị hại hoàn toàn không có mâu thuẫn gì nhưng bị cáo có ý định giết chết vợ trước để trả thù cha ruột của mình thể hiện bị cáo thực hiện hành vi phạm tội mang tính chất côn đồ và quyết tâm phạm tội rất cao.
Với nhận định trên, HĐXX phiên tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM tuyên phạt bị cáo Lê Thành Viện 12 năm tù về tội “Giết người”.
“Mẹ không giống mẹ lúc trước!”
Viện bị kết án 12 năm tù. Thủy may mắn thoát chết nhưng với những vết thương chí mạng khiến chị trở thành kẻ ngây ngây dại dại, không biết mình là ai, không biết cả cha mẹ, không biết cả tên hai đứa con… Bà Sáng kể trong nước mắt: “Nhà bà có 3 công đất đang làm nhưng đã bán, thế chấp vay tiền để đưa con vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Tội nghiệp hai đứa cháu ngoại, từ ngày mẹ lên Sài Gòn chúng nhớ mẹ khóc đòi gặp hoài. Tôi và ông ngoại nó, tuổi cũng đã gần 80, không biết chết ngày nào, thương hai cháu mai đây không biết ra sao”.
Hai đứa con chị Thủy, đứa lớn 14 tuổi, đứa nhỏ 10 tuổi. Khi nghe nhắc đến mẹ, hai em òa khóc: “Mẹ không giống mẹ lúc trước, lúc trước, tối mẹ thường kể chuyện cổ tích cho tụi con nghe, giờ mẹ không kể nữa. Mẹ lạ lắm, cứ ngồi hoài một chỗ, có khi mẹ ôm tụi con vào lòng, có khi xô tụi con ra. Mẹ lên Sài Gòn lâu quá chưa về, con nhớ mẹ quá! “. Rồi hai em lại nói: “Con ghét cha lắm! Cha ác quá, cha chém mẹ”.
Dù được chữa trị căn bệnh chấn thương sọ não, teo não do chồng gây ra đã gần 6 năm nhưng đôi lúc cặp mắt chị ngây dại nhìn vào khoảng không lắc đầu. Mỗi khi có người hỏi tại sao bị chém, chị Thủy khóc trả lời: “Không biết”, rồi đưa cánh tay đầy những vết sẹo dài của những nhát dao oan nghiệt, chị nói: “Tôi không làm sai gì cả, nhưng hổng biết sao ảnh lại chém tôi”.
Theo Phunutoday