Giết mổ lậu tiếp tay uy hiếp giá lợn, cần hình thức xử phạt nặng
Tình hình đối phó dịch tả lợn châu Phi còn chưa bớt căng thẳng thì bệnh lở mồm long móng (LMLM) đi kèm các sai phạm trong giết mổ trái phép tiếp tục uy hiếp thị trường thịt lợn vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Chưa xử lý mạnh tay
Đầu tháng 4, Công an TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) ra quyết định xử phạt ông Nguyễn Việt Hùng (ngụ TP.Biên Hòa), chủ cơ sở giết mổ gia súc nằm trên địa bàn phường Hố Nai) 9,5 triệu đồng với các lỗi vi phạm: không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường, giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan Nhà nước cho phép. Kiểm tra tại cơ sở này, lực lượng công an phát hiện và xử lý 80kg thịt lợn đã giết mổ và 21 con lợn còn sống.
Trước đó, ngày 24.3, Công an huyện Long Thành phối hợp Trạm Thú y huyện tiêu hủy gần 1 tấn thịt và nội tạng lợn có biểu hiện bị bệnh lở mồm long móng (LMLM) tại điểm giết mổ không phép của hộ ông Trần Hữu Cường ở xã Bàu Cạn.
Hành vi giết mổ lậu và tiếp tay tiêu thụ lợn bệnh gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi. ảnh: Nguyễn Vy
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện ở khu vực sau nhà ông Cường có 4 thùng xốp, 2 tủ đông lạnh đang chứa gần 1 tấn thịt và nội tạng chờ đưa ra thị trường tiêu thụ. Toàn bộ số thịt, nội tạng này bốc mùi hôi thối và có biểu hiện bên ngoài của bệnh LMLM. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, tiêu hủy toàn bộ tang vật.
Điều đáng nói là, điểm giết mổ không phép này của ông Trần Hữu Cường đã từng bị kiểm tra, xử phạt với số tiền 14 triệu đồng ngay trước Tết Nguyên đán 2019. Ông Trần Anh Tùng, hộ chăn nuôi ở xã Bình Sơn (huyện Long Thành) cho rằng, mức phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe và cũng chưa có hành vi sai phạm nào bị truy tố, nên nhiều cá nhân cứ tái diễn việc giết mổ không phép, phát tán mầm bệnh.
Đây không phải là lần đầu tiên công an tỉnh Đồng Nai phát hiện, triệt phá các điểm, đường dây mua bán lợn bệnh đưa đi giết mổ, tiêu thụ. Nhưng thực tế, những vi phạm về việc giết mổ lậu, mua bán lợn bệnh chỉ mới bị xử phạt hành chính, không thấm tháp gì so với khoản lợi chủ cơ sở giết mổ lậu thu về.
Những vi phạm trên tuy chỉ do một số đối tượng gây ra nhưng lại đang gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi. “Trong khi chính quyền các cấp, người chăn nuôi cho đến thương nhân đang nỗ lực củng cố lòng tin của người tiêu dùng vì thị trường bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch về dịch tả lợn châu Phi thì những sai phạm tiếp tay cho thực phẩm bẩn như trên chẳng khác nào “con sâu làm rầu nồi canh”, cần có hình thức xử phạt nặng” – ông Tùng đề nghị.
Lo dịch chồng dịch
Theo ông Trần Văn Quang – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Đồng Nai, hiện ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch lợn tai xanh, và LMLM. Mới đây, ở huyện Cẩm Mỹ đã có trang trại quy mô lớn xuất hiện tình trạng lợn chết hàng loạt do vừa bị LMLM vừa bị dịch lợn tai xanh.
Video đang HOT
Nguy cơ dịch chồng dịch trở nên nguy hiểm khi dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu “Nam tiến”, đe dọa đàn lợn của tỉnh Đồng Nai.
Trước đó không lâu, bệnh LMLM được ghi nhận lây nhiễm nhanh tại một số địa phương ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tỉnh này đã lập 6 chốt kiểm dịch để kiểm soát các xe chở động vật ra vào vùng dịch. Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng không nên quay lưng với thịt lợn, mà nên sử dụng thịt có nguồn gốc rõ ràng và từ cơ sở giết mổ uy tín.
Nguy cơ dịch chồng dịch trở nên nguy hiểm khi dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu “Nam tiến”, đe dọa đàn lợn của tỉnh Đồng Nai. Đáng lo ngại là, một số tỉnh của Campuchia giáp ranh với Bình Phước, Tây Ninh cũng đã xuất hiện ổ dịch.
Từ đầu tháng 2, khi công bố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trong nước, tình hình tiêu thụ lợn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có xu hướng giảm, giá lợn hơi trên địa bàn cũng giảm từ hơn 53.000 đồng/kg xuống dưới 40.000 đồng/kg.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân khiến giá giảm mạnh là do tâm lý người tiêu dùng bị ảnh hưởng với thông tin dịch bệnh. Cùng với đó là hiện tượng bán tháo lợn của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, dẫn đến nguồn cung tăng trong khi nhu cầu giảm.
Ông Võ Văn Chánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Sở NNPTNT tập trung rà soát, thống kê lại tổng đàn lợn trên địa bàn vì đây là cơ sở rất quan trọng trong công tác điều hành, nhất là trong trường hợp xảy ra dịch tả lợn châu Phi tại Đồng Nai.
“Các địa phương cần tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ, đặc biệt xử lý mạnh tay, quyết liệt các lò giết mổ ngoài quy hoạch, giết mổ lậu. Công tác thông tin, tuyên truyền cần tiếp tục đẩy mạnh để người dân không quay lưng lại với thịt lợn nhưng cũng không thờ ơ trước dịch” – ông Chánh đề nghị.
Giá lợn hơi đang tăng nhẹ
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 2.4, giá lợn hơi một số địa phương thuộc khu vực miền Bắc và Đông Nam Bộ đã tăng nhẹ từ 500 – 1.000 đồng/kg.
Hiện, tại các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hưng Yên… thương lái đang thu mua lợn hơi ở mức 35.000 – 37.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đồng bằng sông Hồng như Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình…, giá lợn hơi giao dịch ở mức 35.000 – 40.000 đồng/kg.
Đặc biệt, tại Công ty chăn nuôi CP miền Bắc, giá lợn hơi tiếp tục được điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg đối với lợn thịt với trọng lượng dưới 115kg và tăng 2.000 đồng đối với lợn thịt có trọng lượng trên 115kg.
Theo Danviet
Làm giàu ở nông thôn: Phu thê ra giữa đồng làm trang trại
Từ kinh nghiệm chăn nuôi và mong muốn làm giàu, mô hình chăn nuôi trang trại giữa đồng đã giúp vợ chồng anh Hoàng Trọng Tiến và chị Trần Thị Tịnh ( thôn Bình Dương, xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) thu lời 200 - 250 triệu đồng mỗi năm.
Liều với ước mơ làm giàu từ đất
Là hộ nông dân chịu thương chịu khó, vợ chồng anh Hoàng Trọng Tiến và chị Trần Thị Tịnh luôn được biết đến là người làm nông trại giỏi. Xuất phát từ mong muốn thoát nghèo, nhận thấy khu đất có nhiều điểm thuận lợi cho việc xây dựng trang trại, năm 2002 anh Tiến làm liều vay vốn ngân hàng về xây dựng trang trại giữa đồng.
Trên mảnh đất rộng gần 8.000m2, anh Tiến chia thành các khu chăn nuôi riêng để xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín chăn nuôi lợn thịt, nuôi lợn nái, nuôi gà thả rông, vịt đẻ, thả cá,...
Trong thời gian đang diễn ra dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng ở nhiều địa phương, anh Tiến đã chủ động giảm đàn lợn thịt, chưa vội tái đàn mới.
Anh Hoàng Trọng Tiến cho biết: "Trang trại này tôi xây dựng đã gần 17 năm. Trong quá trình chăn nuôi, gia đình anh tự rút ra kinh nghiệm, tự học hỏi, tự sửa sang chuồng trại mới có được thành quả kha khá như bây giờ. Khi nhận thấy mảnh đất có mặt bằng, có ao hồ đủ rộng để có thể nuôi thêm vịt, thả thêm cá, tôi quyết tâm thuê đất và đầu tư. Nuôi lâu thì tích lũy dần được kinh nghiệm chăn nuôi từ đó mạnh dạn đầu tư thêm...".
Trong 8.000m2, anh Tiến quy hoạch dành 6.000m2 để đào ao nuôi cá nước ngọt. Các giống cá chủ yếu anh nuôi gồm: cá mè, cá trắm, cá rô phi,... Giống cá được anh lựa chọn mua ở nơi cung cấp uy tín để đảm bảo cá giống tốt, nuôi năng suất và hiệu quả. Khoảng 2.000m2 đất còn lại anh xây dựng trang trại, khu nuôi lợn và nơi cho vịt đẻ, gà ở trên 1.000m2 và 1.000m2 còn lại anh đào ao thả vịt.
Anh Tiến cho biết, sau nhiều năm giá trứng vịt ở mức ổn định người chăn nuôi có lời thì từ tết Nguyên đán đến nay giá trứng giảm khiến người chăn nuôi gia cầm lấy trứng gặp khó khăn.
"Chăn nuôi phụ thuộc rất nhiều vào thị trường đầu ra, những khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, nguồn vốn,... Đặc biệt là dịch bệnh, như đợt bùng phát dịch tả lợn Châu Phi ở lợn và dịch lở mồm long móng, giá lợn giảm nhiều, đến thời điểm hiện tại vợ chồng tôi vẫn chưa dám tái đàn. Còn nhớ cuối năm 2016 - đầu năm 2017, gia đình vừa tu sửa chuồng trại hết khoảng 160 - 170 triệu đồng thì đàn lợn cũng đồng thời rớt giá do dịch tai xanh, năm đó tính ra tôi cũng phải lỗ trên 300 triệu đồng tất cả", anh Tiến nhớ lại.
Nuôi thành công cho lợi nhuận cao
Cho dù bước đầu gặp nhiều khó khăn và thua lỗ trong chăn nuôi, nhưng vợ chồng anh Tiến vẫn không nản lòng, tiếp tục đầu tư, nâng cao các giải pháp phòng dịch bệnh. Cho đến thời điểm hiện tại, gia đình anh Tiến đang nuôi 1.000 con vịt đẻ, 11 con lợn nái, gà thả khoảng 300 con thả rông, còn lợn thịt anh chỉ còn gần 30 con vì thời điểm hiện tại giá cả đang giảm nên anh chị chưa tái nuôi đàn lợn mới. Mô hình chăn nuôi kết hợp của anh chị, mỗi năm thu lợi nhuận khoảng 200 - 250 triệu đồng.
Ngoài thả cá, khu ao còn là nơi anh Tiến thả nuôi 1.000 con vịt đẻ.
Với đàn vịt đẻ 1.000 con mỗi ngày gia đình anh Tiến thu hoạch được 700 - 750 trứng. Vào thời điểm giá trứng chưa giảm mỗi tháng anh chị thu về 15 - 20 triệu đồng. Chị Tịnh chia sẻ: " Làm chăn nuôi nên cũng tùy vào nhu cầu người tiêu dùng, sau đợt trứng rớt giá thê thảm sau Tết, mặc dù vịt đẻ nhiều nhưng mỗi đêm anh chị vẫn lỗ khoảng từ 700 - 800.000 đồng. Như vậy mỗi tháng lỗ khoảng hơn 20 triệu đồng rồi".
Còn về đàn lợn,mỗi lứa anh chị nuôi trung bình 150 - 160 con, năm nào nhận thấy giá cả ổn định anh chị lại tái đàn với số lượng lớn hơn từ 200 - 220 con. Theo chị Tịnh, năm 2018 có lứa anh chị nuôi 170 con sau khi bán thu lời hơn 140 triệu đồng.
Ao cá của anh chị vừa thu hoạch xong, số lượng thu hoạch được bằng tấn, thu lời khoảng 30 triệu đồng/ vụ. Mô hình chăn nuôi của anh Tiến có sự kết hợp chặt chẽ với nhau, nên nguồn thức ăn chủ yếu để nuôi cá là từ hoạt động nuôi lợn, gà và vịt đẻ. Hiện tại gia đình anh đang xử lí ao cá, phơi đất để chuẩn bị cho công tác thả nuôi vụ tiếp theo.
Tất cả thành phẩm lợn, gà, vịt, cá của anh được các thương lái thu mua ngay tại trang trại. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các huyện Kỳ Anh , Cẩm Xuyên, Thạch Hà và các cùng lân cận trong thôn, xã,...
Bởi những khó khăn nhất định, số lượng chưa cao nên thu nhập còn chưa ổn định giữa các năm. Tuy nhiên tiếp theo anh Tiến vẫn sẽ cố gắng chuẩn bị tốt công tác dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại để tái đàn, tiếp tục phát triển. Bên cạnh chăn nuôi thành công, vợ chồng anh Tiến vẫn theo nghề trồng lúa nước để cung cấp cho nhu cầu gia đình và có phụ phẩm thức ăn cho chăn nuôi.
Theo Danviet
Con số đáng ngại: Lợn, gà ngốn hơn 1.000 tấn kháng sinh/năm Đó là số liệu mà TS Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đưa ra tại Hội thảo "Áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia cầm" do đơn vị này tổ chức tại Hà Nam ngày 29.3. Việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi...