Giết anh trai lĩnh án 7 năm tù giam
Ngày 25/8 tại thành phố Hà Giang, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang đã tổ chức xét xử sơ thẩm vụ án “giết người” đối với bị can Lầu Sìa Dính, dân tộc Mông, trú tại thôn Suối Mèo Ván, xã Lũng Phìn (huyện Đồng Văn). Sau khi tranh tụng và nghị án, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lầu Sìa Dính 7 năm tù giam và bồi thường cho bị hại 2 triệu đồng.
Bị cáo Lầu Sìa Dính thành khẩn khai báo trước Hội đồng xét xử.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hà Giang: Ngày 10/10/2010, Lầu Chá Pó, sinh năm 1968, trú tại thôn Suối Mèo Ván, xã Lũng Phìn (huyện Đồng Văn) có nhờ một số anh em trong thôn đến chặt hộ cây gỗ lát và xẻ dựng lại nhà. Khi Pó và mọi người đang chặt cây gỗ thì Lầu Sìa Dính (là em trai của Pó ở cùng thôn cách nhà Pó khoảng 10m) cho rằng cây gỗ đó là của mình nên Dính đứng ở trước cửa nhà chửi Pó. Sau khi mọi người chặt đổ cây gỗ lát thì Dính một mình đi sang nhà Pó, khi đến nơi Dính nói “Ai cho mày chặt cây gỗ lát đó, chặt sao không hỏi tao, không mua rượu về cho tao uống, mày tham quá mày chỉ đáng chết thôi. Hôm nay tao phải giết mày, tao về lấy dao sang chém chết mày, thà tao đi tù còn hơn”. Ngay sau đó Dính về nhà mình lấy 1 con dao nhọn bằng kim loại (loại dao gấp) dài 21 cm cả chuôi cầm đi sang nhà Pó đâm mạnh 1 phát vào sườn trái của Pó nhằm mục đích giết Pó. Hành vi của Dính bị mọi phát hiện và quả tang bắt giữ Dính và đưa Pó đến Phòng khám Đa khoa khu vực Lũng Phìn (huyện Đồng Văn) cấp cứu. Do được cấp cứu kịp thời nên Pó đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch, bị thương tại đường nách sau ngang hạ sườn trái kích thước 5cm x 1 cm thấu ngực.
Hành vi phạm tội của bị can Lầu Sìa Dính là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến tính mạng của bị hại, xâm phạm đến trật tự xã hội.
Tại phiên tòa bị cáo Lầu Sìa Dính đã cúi đầu nhận tội và tỏ rõ thái độ ăn năn hối cải. Bị cáo đã xin phép Tòa để được nói lời xin lỗi đối với gia đình, đối với anh trai của mình là Lầu Chá Pó, bị cáo xin hưởng lượng khoan hồng của pháp luật để sớm được trở về với cộng đồng.
Theo Báo Tin tức
Video đang HOT
Cảm động chuyện chị dâu lấy em chồng
Mới bước chân về nhà chồng chưa đầy 3 năm, Dủ thành góa phụ. Tuyệt vọng trước mất mát quá lớn, đêm đêm, Dủ trốn gia đình ra bìa rừng bứt nắm lá ngón xanh mượt, có hoa vàng chóe nơi góc rừng rồi lần ra mộ chồng định kết liễu cuộc đời.
Rất may, có một chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái biết chuyện, đã dùng những lời lẽ chân thành khuyên bảo khiến Dủ tỉnh ngộ và thấy cuộc đời này không gì đáng trân trọng hơn cuộc sống. Cuộc đời của Lý Thị Dủ bước sang một trang mới sau buổi nói chuyện đó.
20 tuổi đã thành góa phụ
Lý Thị Dủ là người dân tộc Mông ở bản Thào Sua Chải, xã Nậm Có của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Dủ sinh ra đã không được may mắn như những cô gái khác trong bản Thào Sua Chải. Bố mẹ cô quá nghèo lại đông con nên chẳng bao giờ Dủ và các em được một bữa no mèn mén. Đang học dở lớp 5 thì Dủ phải nghỉ ở nhà lao động để nhường cho các em mình cắp sách tới lớp. Con gái Mông trên Thào Sua Chải hiếm ai được ra trường huyện học cao hơn vì cái nghèo, cái đói đã bao đời dai dẳng bám chặt mấy chục nóc nhà trên mảnh đất này. 17 tuổi Dủ về làm dâu nhà ông Trang A Củ, tưởng cuộc đời cô rồi đây sẽ khác bởi chồng cô là người chăm chỉ, sáng tối chỉ biết vác cày lên nương.
Nhưng rồi số phận nghiệt ngã đã cướp đi người chồng yêu quý khi Dủ vừa bước vào tuổi 20. Căn bệnh trầm kha đã kéo chồng cô về đất, để lại 2 đứa con trai thơ dại cho người vợ trẻ. Một đứa đang tập bò, đứa kia thì vẫn còn tranh bầu sữa của em. Cô thương con, thương người chồng đoản mệnh. Ba năm chung sống cùng nhau, khoảng thời gian đó chưa phải là nhiều nhưng cũng sâu nghĩa, nặng tình. Dủ nhớ mình đã đắm say điệu khèn ngay từ lần đầu gặp anh dưới chợ phiên Tú Lệ. Nhà anh ấy nghèo song bố mẹ hiền lành, chất phác, cuộc sống đầm ấm. Gia đình không nhiều ngô nhưng nhìn vào cái bờm con ngựa buộc ngoài gốc cây lê cũng biết đàn ông nhà này rất chăm chỉ.
Lý Thị Dủ đã được hồi sinh sau mối tình với người em chồng
Đời con gái Mông như cái cày vác trên vai, người tốt thì vác mãi, kẻ xấu thì kéo lê... nghĩ thế nên Lý Thị Dủ đã giấu cái cười vào sau tay áo khi người con trai ấy tấu lên một bản nhạc trong điệu khèn hôm xuống chợ phiên. Anh ấy sau này là chồng Dủ. Nhưng ông trời đã bắt tội để 2 người phải chia đàn, sẻ nghé khi hơi ấm vợ chồng còn chưa truyền hết cho nhau. Dủ kể: "Anh đi đúng hôm trời trở đông, lạnh cóng. Chồng Dủ ốm lâu ngày nhưng gia đình không cho đi viện mà nhờ người đến tiêm. Sáng hôm sau Dủ vào gọi không thấy chồng thưa, người thì lạnh toát, không thở...".
Qua đêm ở nghĩa địa
Từ ngày chồng mất, Dủ sinh ra lầm lũi. Thấy con dâu quá đau buồn, ông Trang A Củ, bố chồng của Dủ bảo: "Ầy dà, con dâu ơi mày khổ quá. Bố mẹ già cũng chẳng giữ được đâu. Nếu có ai thương thật lòng thì cứ đi làm dâu mới con ạ. Bố chẳng trách, chồng mày cũng chẳng trách". Dủ không nói mà chỉ nghĩ đến cái chết. Con gái Mông là thế, khi cuộc sống đã vào bế tắc người ta chỉ nghĩ đến cái chết. Mà cái chết ở vùng cao không khó, một nắm lá ngón cho vào miệng là xong. Thào Sua Chải lá ngón nhiều như lá rừng. Đã bao nhiêu lần ông Trang A Củ giật nắm lá ngón từ đôi bàn tay của cô con dâu. Ông thương nó nhưng cũng chẳng thể làm khác để giúp nó nguôi ngoai phần nào nỗi đau. Có những hôm Dủ bỏ gia đình đi đâu mấy ngày không về, ai hỏi cô cũng không nói. Nhiều đêm bố mẹ đốt đuốc đi tìm, mọi người thấy Dủ đờ đẫn đứng chỗ đoạn đường khuất nơi dẫn vào mộ chồng. Ông Trang A Củ vẫn còn nhớ rõ một chuyện, ông kể: Hôm ấy trời lất phất mưa, nó bỏ nhà đi từ tối, khuya không thấy về, 2 đứa nhỏ thì khóc thét đòi mẹ. Gia đình hốt hoảng đốt đuốc đi tìm và thông báo cho bộ đội ở gần nhà. Đội trưởng Nguyễn Hồng Giang cử chiến sĩ Giàng A Pao giúp mọi người đi tìm. Cuối cùng thấy Dủ đang đứng bên mộ chồng, trên tay vẫn cầm một nắm lá ngón non. Dủ bảo cô phải được ngủ bên chồng và muốn đi theo chồng.
Giàng A Pao cũng là dân tộc Mông, sinh ra ở vùng quê Mù Cang Chải nên anh được chứng kiến quá nhiều những cảnh ngộ như thế. Pao rất hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của Dủ. Anh bảo: Đã 4 lần mình giật nắm lá ngón từ tay nó ra rồi đấy. Lần nào Dủ bỏ đi Pao đều bí mật bám theo, chính vì thế mà anh biết Dủ thường xuyên ra mộ chồng ngồi khóc. Một lần giật nắm lá ngón trên tay cô, anh bảo: Nếu Dủ chết thì còn hai đứa con ai sẽ chăm sóc chúng, ai sẽ nấu mèn mén cho chúng nó ăn khi đói bụng, lại còn đêm đông lạnh giá? Trẻ con có thể thiếu mọi thứ nhưng không thể thiếu hơi ấm của mẹ. Vừa mới chiều qua đứa con trai út của Dủ tìm mẹ khóc lăn lộn trên nền đất, bò ra thềm cửa cạnh cầu ao. Nếu Dủ ăn lá ngón thì nó còn biết ở với ai... Nghe chưa hết câu nói của Pao, Dủ lao vội về nhà rồi ôm con vào lòng khóc như mưa.
Lại làm dâu nhà chồng
Em chồng của Dủ là Trang A Chứ chạy lại dỗ dành, thay chị dâu ẵm cháu. Chứ kém chị dâu 3 tuổi. Nhìn đứa con thiu thiu ngủ trên tay em chồng, Dủ lại nghĩ về một mái ấm gia đình, nghĩ về đời người con gái vùng cao, ước mơ về những đứa con có một tổ ấm, được nằm trong vòng tay yêu thương của người thân.
Một chiều, Lý Thị Dủ vẫn đều tay xe lanh, cô làm mà như không làm, đường lanh rối bời Dủ cũng chẳng biết. Trang A Củ lại gần con dâu, ông nhẹ nhàng đặt bàn tay gân guốc lên đôi vai gầy mỏng manh của nó: "Con ạ, nhà ta không thể tìm đâu được một người con dâu tốt hơn con. Hãy nghĩ lại đi, ở lại làm dâu nhà bố mẹ thêm một lần nữa nhé? Thằng A Của đã làm khổ con rồi, nó bỏ vợ con, cha mẹ mà đi. Bố thấy thằng Trang A Chứ cũng tốt mà... nếu nó và con... được không Dủ... đừng trách bố mẹ và nó nhé...". Dủ lặng im như một cái bóng. Câu nói đó thì bộ đội Pao cũng có lần nói với Dủ như thế. Dủ nhớ anh Pao bảo: Người Mông ta vẫn thường nói như người Kinh dưới xuôi là: "Sẩy cha còn chú" em ạ. Nếu mình lấy người khác thì chắc gì họ yêu thương những đứa con của Dủ.
Dủ lại úp mặt vào hai bàn tay. Dủ không biết mình khóc vì cái gì nữa. Càng khóc lại càng muốn khóc nhiều thêm. Thực ra cô cũng biết ý định đó của gia đình từ rất lâu. Trang A Chứ không nói ra nhưng trong lòng anh cũng rất thương chị dâu, thương những đứa cháu của mình. Vừa mới chiều qua khi Dủ đang nấu nồi cám lợn, Trang A Chứ cũng đứng bên cạnh từ rất lâu, trên môi có một cây khèn. Anh thổi: "Nước chảy được, nước chảy/ Đất không chảy được đâu/ Em ơi nước chảy được nước chảy/ Đất không chảy được thì đất ở lại/Anh đi được anh cứ đi/ Em không đi được thì em ở lại cùng đất...". Dủ về thông báo cho cha mẹ đẻ của mình, mẹ Dủ mừng quá rót rượu cho chồng say mềm cả đêm.
Thế là lại thêm một lần nữa Lý Thị Dủ làm dâu nhà ông Trang A Củ. Vợ chồng cô vừa sinh thêm một đứa con. Ba năm qua Trang A Chứ đã thay anh trai chăm sóc cho các cháu đúng nghĩa là một người cha thực thụ. Các con của Dủ không còn cô đơn, Dủ cũng thấy cuộc đời mình như được hồi sinh. Cô nhận ra rằng, trên cuộc đời này có những điều huyền diệu được lấy ra từ cái vô vọng.
Theo GiađinhNet
Lớp học mùa... chăm con Vẫn là những tâm trạng lo lắng mùa thi, nhưng sự lo lắng không đến từ bài vở, mà là từ... cuộc sống vợ chồng đến sớm. Bạn có giật mình không khi biết đó là những câu chuyện có thật của bạn bè mình ở Mai Châu (tỉnh Hòa Bình)? Bố mẹ teen Tâm sự trên là của bạn Sùng A Khúa,...