Gieo sạ sớm né mặn vụ lúa Đông Xuân sớm trúng mùa được giá
Nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhất là các địa phương vùng ven biển đang bước vào thu hoạch vụ lúa Đông Xuân sớm.
Chính quyền địa phương và bà con nhận định, nhờ tranh thủ xuống giống né mặn cuối vụ, sử dụng giống lúa ngắn ngày nên bà con thu hoạch lúa an toàn, né được mặn xâm nhập, giá cả đạt cao.
Đang thu hoạch 3 công lúa đặc sản ST25 trong vụ Đông Xuân sớm, ông Lê Văn Long, nông dân ở xã Long Đức, huyện Long Phú phấn khởi cho biết, ước năng suất đạt 800kg/công. Hiện nay, thương lái đặt cọc 7.700 đồng/kg, mỗi công ông kiếm lợi từ trên 3 triệu đồng. Ngoài ra, ông Long còn sản xuất 7 công giống lúa Đài Thơm 8, đây cũng là lúa chất lượng cao, chắc chắn cũng sẽ có lời nhiều.
“Bây giờ bình quân Đài Thơm 8 luôn thì mỗi công thu khoảng 800kg. Năm nay không có sâu bệnh, chi phí nhẹ. Tất cả tiền cắt, tiền giống, phân nước … hết khoảng 2 triệu/công” – ông Long nói.
Nông dân Sóc Trăng phấn khởi vì lúa Đông Xuân sớm trúng mùa được giá.
Cách đó không xa, ông Võ Văn Ba, cùng làm giống lúa Đài Thơm 8 trên diện tích 1 ha. Ông Ba cho biết, trà lúa của gia đình khoảng 1 tuần nữa sẽ thu hoạch, hiện thương lái đặt cọc 6.750 đồng/kg, với giá này nếu trừ chi phí xong, ông kiếm lời khoảng 25 triệu đồng/ha. Ông Ba cho biết thêm, lúa trúng mùa nhờ bà con tranh thủ xuống giống sớm để tránh ảnh hưởng của hạn mặn vào cuối vụ.
“Chi phí 1 công khoảng 1,8-2 triệu đồng/công trở lại thôi. Năm nay lợi nhuận cao. Nếu tính 1 công bán ra được trên 5 triệu đồng, là có thể lời từ trên 3 triệu đồng” – ông Ba chia sẻ.
Video đang HOT
Rút kinh nghiệm từ những năm trước xuống giống muộn, mặn xâm nhập đã gây thiệt hại, huyện Long Phú đã tập trung chỉ đạo, khuyến cáo người dân xuống giống sớm để né hạn mặn vào cuối vụ. Bên cạnh đó, phấn đấu tăng diện tích lúa cao sản, đặc sản với trên 70% diện tích được sản xuất để nâng giá trị kinh tế.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Bí thư Huyện ủy Long Phú, cho biết, hiện lúa Đông Xuân sớm tại địa phương đã bắt đầu thu hoạch và kéo dài từ nay đến Tết Nguyên đán. Thật phấn khởi khi bà con trúng mùa, bán được giá.
“Đảng bộ Long Phú tập trung chỉ đạo khuyến cáo người dân xuống giống sớm, để né hạn mặn vào cuối vụ. Trên điện tích của địa bàn Long Phú là trên 16.000ha, đến nay đã thu hoạch trên 1.500ha. Từ giờ đến trước tết Nguyên đán là sẽ thu hoạch khoảng 13.000ha. Còn lại sẽ thu hoạch dứt điểm trong tháng 1 âm lịch. Về cơ cấu giống lúa thì chúng tôi ưu tiên cơ cấu giống lúa chất lượng cao thí dụ như ST25, Đài Thơm 8, một số giống chủ lực”
Vụ Đông Xuân 2020-2021, tỉnh Sóc Trăng xuống giống hơn 100.000 ha, tập trung nhiều ở các giống lúa như: ST25, ST24, OM18, Đài Thơm 8… đây đều là giống lúa đặc sản, chất lượng cao, với năng suất trung bình đạt từ 5-8 tấn/ha. Theo đó, có 40.000ha đang trong giai đoạn thu hoạch.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Cũng đã chỉ đạo quyết liệt tập trung cho bà con xuống giống, để làm sao thu hoạch trước khi hạn mặn về. Như vậy, đối với địa bàn của Sóc Trăng các huyện ven biển có thể thu hoạch trước tết và những huyện vùng trong, hạn mặn về muộn hơn thì có thể sau tết Nguyên đán 10 ngày là con tổ chức thu hoạch”.
Tại chuyến kiểm tra tình hình sản xuất lúa Đông Xuân 2020-2021 tại Sóc Trăng mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền và nông dân các tỉnh ĐBSCL nói chung và Sóc Trăng nói riêng trong chủ động sản xuất, tránh tác động của biến đổi khí hậu.
Đến nay, cả khu vực có từ 30-40% diện tích lúa Đông Xuân sớm đã bắt đầu thu hoạch, né được nước mặn xâm nhập. Có thể khẳng định là các trà lúa sớm vụ Đông Xuân năm nay được mùa, trúng giá./.
Tỉnh vùng cao chủ động chống rét cho đàn gia súc
Do ảnh hưởng của khối không khí lạnh, nhiệt độ tại Lào Cai những ngày qua liên tục giảm thấp, đặc biệt tại các vùng cao như Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai nhiệt độ những ngày qua luôn dao động trong khoảng từ 5-7 độ C.
Rét đậm, rét hại đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và đời sống của người dân địa phương. Ngành nông nghiệp Lào Cai đã và đang tích cực triển khai các phương án chủ động phòng, chống rét cho gia súc và cây trồng vụ Đông Xuân năm 2020-2021, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét hại gây ra.
Củng cố chuồng trại, dự trữ thức ăn
Người dân xã Tả Lèng, huyện Tam Đường (Lai Châu) cắt cỏ voi trồng tại vườn cho trâu ăn trong những ngày giá rét để đảm bảo sự tăng trưởng của đàn gia súc. Ảnh: Quý Trung/TTXVN
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai, thời tiết vụ Đông Xuân năm 2020-2021 tại Lào Cai diễn biến rất phức tạp, khó lường; hiện tượng thời tiết cực doan diễn ra với tần xuất nhiều hơn. Không khí lạnh có xu hướng hoạt động sớm, nhiệt độ trung bình trên toàn tỉnh ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn so với trung bình nhiêu năm trước. Nhiệt độ thấp nhất trong mùa Đông Xuân ở các khu vực vùng thấp từ 6-8C, vùng cao từ 1-3C, vùng núi cao thị xã Sa Pa thấp nhất từ -1 đến -3C. Trước nhận định đó, các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai đã vận động người dân các địa phương đặc biệt địa phương vùng cao chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư sản xuất, thức ăn, chuồng trại, cây giống, con giống thích ứng với thời tiết thiên tai và có khả năng chịu rét tốt.
Để phòng, chống rét hiệu quả nhất cho đàn gia súc hơn 13.000 con; trong đó, có 10.162 con trâu và 3.077 con bò, thị xã Sa Pa tập trung mạnh vào khâu chuồng trại. Tổ 1, phường Hàm Rồng là một trong những "rốn rét" của Sa Pa mỗi khi mùa đông tới, hầu như năm nào cũng phải "căng" ra để chống rét cho gia súc. Trận rét "lịch sử" năm 2015, rét hại và băng tuyết muộn đã làm chết gần 200 con trâu, bò của cả phường; riêng tổ 1 bị chết vài chục con, làm đảo lộn cuộc sống của những gia đình người dân tộc Mông ở đây. Nhờ có Nhà nước hỗ trợ một phần nên bà con xã Sa Pả đã gây dựng lại được đàn gia súc, nhà khá thì có hơn chục đầu trâu, nhà ít thì cũng có 1-2 đầu trâu, bò sinh sản và làm sức kéo, phục vụ trồng trọt.
Mùa đông năm nay, vợ chồng anh Má A Vàng, tổ 1, phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa yên tâm hơn hẳn vì gia đình đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi nhốt mới rộng 15 m2, mái lợp bằng fibro xi-măng kín khít, không còn cảnh thấp thỏm mỗi đêm đến thay phiên nhau bịt khe ván, đậy lại bạt sợ gió lùa. Trong những năm qua, dù có thêm nhiều nguồn sinh kế để làm giàu, nhưng con trâu đối với người dân vùng cao vẫn là tài sản vô cùng quan trọng, "Ba con trâu là tài sản lớn của gia đình, thiếu thì không biết lấy gì cày nương, bừa ruộng để trồng trọt, nuôi sống gia đình", anh Má A Vàng chia sẻ.
Các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân không chăn thả rông gia súc trong những ngày nhiệt độ xuống thấp đặc biệt khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ c và cho ăn đầy đủ để đảm bảo sự tăng trưởng của đàn gia súc. Ảnh: Quý Trung/TTXVN
Anh Lương Đức Quang, cán bộ khuyến nông "cắm chốt" ở tổ 2, cho biết, toàn tổ 2 Hàm Rồng có 71 hộ chăn nuôi gia súc, với 257 con trâu, chiếm 60% số gia súc toàn phường. Đến nay, đã có 95% số hộ làm chuồng trại kiên cố, bảo đảm chống rét cho gia súc trong mùa đông khắc nghiệt. Bà Trần Thị Lan Hương, Phó phòng kinh tế thị xã Sa Pa cho biết, thành quả đó có được là do một mặt, cán bộ Phòng kinh tế, cán bộ khuyến nông, trạm thú y huyện sâu sát đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân làm chuồng trại, nuôi nhốt gia súc; mặt khác thị xã có chính sách hỗ trợ tiền mua vật liệu (hai triệu đồng/chuồng/hộ nghèo) giúp người dân làm chuồng gia súc.
Đàn gia súc tăng nhanh, trong khi diện tích đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp do xây dựng các công trình thủy điện và công trình du lịch, mặt khác, mùa rét kéo dài kèm theo sương muối khiến cỏ lụi tàn, vì vậy, việc tăng cường dự trữ thức ăn cho gia súc ở Sa Pa là vô cùng quan trọng.
Đây cũng là việc làm khó, bởi tập quán, thói quen lâu đời của người dân bản địa thường dựa vào tự nhiên. Thị xã Sa Pa đã tập trung hướng dẫn người dân dự trữ rơm rạ khô, trồng cỏ voi, trồng ngô dày lấy thân lá làm thức ăn xanh và tận dụng phụ phẩm của rau xanh các loại để làm thức ăn cho gia súc vào mùa đông giá rét. Chính quyền đã vận động người dân gieo trồng ngô dày và tận dụng thân lá của diện tích ngô Thu Đông để chế biến làm thức ăn dự trữ cho gia súc trong vụ Đông Xuân; tranh thủ những ngày trời nắng thu gom triệt để rơm rạ, các loại cỏ thân mềm phơi khô, bảo quản, dự trữ ở nơi khô ráo. Người dân tận dụng thân cây ngô, lạc, ngọn mía, bã mía, cỏ trồng và cỏ tự nhiên để chế biến, dự trữ bằng hình thức ủ chua, ủ men vi sinh, số lượng rơm, cỏ khô dự trữ cho mỗi trâu, bò tối thiếu từ 400 kg/con trở lên.
Đưa gia súc "hạ sơn" tránh rét
Do nhiệt độ xuống thấp gây ra rét đậm, rét hại nên người dân xã Tả Lèng, huyện Tam Đường (Lai Châu) đưa trâu về chăm nhốt tại nhà để tránh thiệt hại. Ảnh: Quý Trung/TTXVN
Tuy vậy, không phải người dân nào cũng ý thức được sự quan trọng, cần thiết của việc bảo vệ đàn gia súc trong mùa lạnh. Theo thống kê của UBND tỉnh Lào Cai, tổng đàn gia súc lớn toàn tỉnh hiện có 147.893 con. Vụ Đông Xuân năm 2020-2021, số hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo phòng chống rét chiếm 73,5%; số hộ có chuồng tạm chưa bảo đảm phòng chống rét chiếm 22,4%; số hộ không có chuồng trại chiếm 4,1%, giảm 1% so với năm 2019; trong đó, hộ còn thả rông gia súc là 361 hộ, tăng 54 hộ so với cùng kỳ năm 2019 (chiếm 0,8% tổng số hộ chăn nuôi gia súc lớn).
Bên cạnh đó, tình hình dự trữ thức ăn thô xanh cũng có nhiều điều đáng bàn. Lào Cai chỉ có 20.681 hộ dự trữ đủ nhu cầu thức ăn thô xanh, chiếm 45,2%; gần 19.000 hộ dự trữ thiếu thức ăn, chiếm 41,5%; còn trên 6.000 hộ chưa thực hiện dự trữ thức ăn, chiếm 13,3% số hộ chăn nuôi gia súc lớn (tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong khi đó, diện tích cỏ trồng toàn tỉnh hiện có trên 3.000ha, giảm 38 ha so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt khoảng 800 nghìn tấn, chỉ đáp ứng được trên 50% nhu cầu thức ăn xanh cho đàn gia súc lớn.
Trước thực trạng tồn tại đáng kể số hộ không có chuồng trại và chưa thực hiện dự trữ thức ăn, UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các địa phương, cơ quan đơn vị liên quan vận động người dân chủ động chế biến, dự trữ thức ăn; khẩn trương làm mới chuồng nuôi đảm bảo giữ ấm cho gia súc trong mùa Đông. Những hộ quá khó khăn thì chính quyền hướng dẫn đồng bào "sơ tán" trâu, bò xuống vùng thấp tránh rét.
Năm nay, các địa phương của Lào Cai, đặc biệt là Sa Pa chủ động lập kế hoạch di chuyển đàn trâu xuống vùng thấp tránh rét bằng cách thống kê cụ thể số hộ đăng ký di chuyển, số lượng gia súc cần "sơ tán", để liên hệ với chính quyền các xã vùng thấp như Tòng Sành (Bát Xát), Cốc San (thành phố Lào Cai) tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển gia súc tránh rét, vừa bảo đảm nơi chăn thả, vừa phòng chống dịch bệnh.
Người dân xã Tả Lèng huyện Tam Đường (Lai Châu) quây bạt che chắn giữ ấm cho gia súc nhằm hạn chế thiệt hại khi nhiệt độ trời xuống thấp. Ảnh: Quý Trung/TTXVN
Các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân trước khi di chuyển đàn gia súc đến các địa phương khác tránh rét phải thực hiện tiêm phòng đẩy đủ cho đàn gia súc, xin giấy chứng nhận đã tiêm phòng của UBND xã, thực hiện khai báo với UBND xã nơi di chuyển đến để quản lý dịch bệnh; làm lán trại tạm thời để giữ ấm cho gia súc đảm bảo có mái che, kín gió và cao ráo. Các hộ dân định kỳ tiêu độc, khử trùng khu vực nuôi nhốt gia súc; thường xuyên thu gom phân, rác đảm bảo vệ sinh môi trường. Các xã có gia súc từ địa bàn khác di chuyển đến giao cho thú y viên xã hoặc khuyến nông viên xã thường xuyên kiểm tra theo dõi tình hình dịch bệnh, hướng dẫn nhân dân thực hiện chăm sóc nuôi dưỡng đàn gia súc.
Hậu Giang: Nước rút ra sông, nông dân dùng thứ lưới gì mà kéo bắt hàng tạ ốc bươu vàng, bắt được cả cá lớn? Hiện nay, nước trên ruộng đang có dấu hiệu rút cũng là thời điểm người dân ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) dùng lưới rùng đánh bắt ốc bươu vàng. Ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) lưới rùng đánh bắt ốc có mắt lưới to hơn so với lưới rùng đánh bắt cá. Mỗi tay lưới rùng có chiều dài từ...