Gieo hạt tử tế
‘Cơn bão’ Covid-19 vẫn không ngừng ‘ càn quét’, phủ bóng đen u ám lên toàn cầu.
Giữa lúc ấy, những câu chuyện về sự sẻ chia trong lúc hoạn nạn giống như cơn mưa tưới mát cho mặt đất cằn khô, tiếp thêm niềm tin để nhân loại vượt qua đại dịch.
Hiện không phải là Giáng sinh, thế nhưng ở một khu phố của thành phố Lisbon, bang Iowa (Mỹ), người ta lại thấy một cái cây treo nhiều món quà đầy màu sắc trông không khác gì cây thông Noel.
Những món quà ấy là những chiếc khẩu trang do một người phụ nữ tên Deb Siggins tự làm ra. Nhằm chung tay giúp đối phó với tình trạng thiếu hụt khẩu trang nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội thời Covid-19, bà Deb Siggins đã may hàng trăm chiếc khẩu trang vải với nhiều kích cỡ, kiểu dáng khác nhau, sau đó treo lên một cái cây gần nhà và thông báo trên mạng xã hội Facebook để ai cần thì đến lấy.
Số khẩu trang được treo trên cây thường hết sạch chỉ trong một ngày nên bà Deb Siggins phải liên tục may thêm. Người phụ nữ 55 tuổi còn may khẩu trang tặng các nhân viên y tế, lính cứu hỏa, bệnh nhân cao tuổi… “Tôi là một người cho đi và không nhận lại. Tôi luôn hạnh phúc khi giúp đỡ mọi người”, bà Deb Siggins chia sẻ trên CNN.
Chuyển đồ cứu trợ lên một trực thăng của đội The Covid Flight. Ảnh: THE SUNDAY TIMES.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nhóm tình nguyện mang tên Critical NHS tại thủ đô London (Anh) do vợ chồng ông Niall Barret và bà Janneke Diemel đứng đầu đã lập một dịch vụ vận chuyển các bữa ăn miễn phí cho đội ngũ y sĩ, bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Nhóm Critical NHS nhận thức ăn từ các mạnh thường quân địa phương và trao tận tay các y sĩ, bác sĩ tại Bệnh viện St George ở phía nam thủ đô London 3 lần mỗi ngày. “Không chỉ có thức ăn, chúng tôi còn được tặng cả thiết bị bảo hộ cá nhân, bút đánh dấu, biển tên và cả radio. Thức ăn, radio và biển tên-những thứ nhỏ bé này đã tạo nên một sự khác biệt rất lớn”, Reuters dẫn lời nữ y tá Anthea Allen của Bệnh viện St George bày tỏ.
Virus SARS-CoV-2 không phân biệt giàu nghèo. Cuộc sống của không ít người dân châu Phi vốn đã khó khăn nay lại thêm cơ cực vì Covid-19. Nhiều người dân ở những khu vực xa xôi của “lục địa đen” đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thuốc men trầm trọng do ảnh hưởng của đại dịch. Cũng chính trong thời khắc khốn khó ấy, phi công kỳ cựu Menno Parsons đã khởi xướng thành lập đội bay The Covid Flight, tập hợp một số phi công tự do, trong đó vài người sở hữu trực thăng riêng, với sứ mệnh chuyên chở miễn phí hàng cứu trợ khẩn cấp đến các khu vực vùng sâu, vùng xa của đất nước Nam Phi.
Video đang HOT
Chỉ sau một tuần kể từ khi chuyến bay đầu tiên cất cánh, đội bay The Covid Flight đã đưa hàng chục tấn hàng cứu trợ đến nhiều địa chỉ khác nhau ở Nam Phi. Không chỉ có các tổ chức từ thiện, The Covid Flight còn nhận được sự ủng hộ của nhiều chủ trang trại và hộ nông dân-những người sẵn sàng chia sẻ các nông sản tốt nhất do mình làm ra với người dân đang túng thiếu. “Tôi rất vui khi thấy cộng đồng chung tay đóng góp cho những chuyến hàng từ thiện”, ông Menno Parsons chia sẻ trên tờ The Sunday Times.
Cũng không cần phải nói đâu xa, những ngày vừa qua, cây “ATM gạo” tại Việt Nam đã “gây bão” với dư luận quốc tế. “Một chiếc máy phát gạo miễn phí nghe có vẻ khó tin. Thế nhưng những cây “ATM gạo” đã xuất hiện khắp Việt Nam để giúp đỡ người khó khăn trong đại dịch Covid-19″, CNN viết.
Bình luận bài viết của tờ The Straits Times trên mạng xã hội Facebook, tài khoản người dùng có tên Dele Lux đã nhận xét: “Việt Nam không phải là đất nước phát triển nhất thế giới nhưng chắc chắn là một trong những đất nước nhân ái nhất”. Và còn rất nhiều hình ảnh đẹp khác về tinh thần “tương thân tương ái” của người dân Việt Nam giữa đại dịch. Đó là hàng loạt điểm phát thực phẩm miễn phí cùng lời nhắn nhủ ấm áp: “Nếu khó khăn, xin cứ lấy một phần.
Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”. Đó là những món ngon từ “bếp nhà”, những ly cà phê nóng, những chai nước cam tặng các y sĩ, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch…
Người ta vẫn thường nói tới chuyện cổ tích giữa đời thường nhưng không phải ai cũng để ý rằng, phép màu lại được tạo nên từ những việc làm nhỏ, những con người rất đỗi bình thường. Bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh không có nghĩa là ngừng yêu thương. Sự tử tế, dù nhỏ thế nào, cũng không bao giờ là lãng phí bởi gieo đi một hạt tử tế, nhận về một rừng cây hạnh phúc. Những câu chuyện về sự sẻ chia trong thời điểm dịch bệnh cam go giúp ta tin rằng, lòng tốt chẳng phải là một vài đốm sáng lóe lên đâu đó trong âm u mà thật sự là một nguồn mạch không dứt kết nối nhiều trái tim xung quanh mình.
HOÀNG VŨ
Hiểm họa nCoV bủa vây cửa hàng tạp hóa
Khi nhận làm thu ngân tại một siêu thị, Doug Preszler không lường trước rằng sẽ có ngày ông phải dùng nhiều nước rửa tay đến mức da nứt nẻ.
"Tôi ngày càng cảm thấy lo lắng. Người dân bắt đầu được khuyến cáo đến cửa hàng tạp hóa ít nhất có thể, trong khi tôi vẫn phải tới đó hàng ngày", Preszler, nhân viên thu ngân tại một siêu thị địa phương ở bang Iowa, Mỹ, cho hay. Mọi thứ giờ đây đều trở nên đáng sợ với người đàn ông 51 tuổi, ngay cả những việc bình thường nhất như nhận hóa đơn và trao đổi tiền.
Ngoài đội ngũ nhân viên y tế, khoảng 3 triệu nhân viên tạp hóa cũng là lực lượng lao động vô cùng quan trọng tại Mỹ trong bối cảnh Covid-19 càn quét khắp đất nước. Nhu cầu mua đồ những tuần gần đây tăng gấp đôi, khi người dân hầu hết ở nhà và tự nấu nướng, khiến nhân viên tạp hóa phải nhận những ca trực dài hơn, khối lượng công việc lớn hơn, đồng thời sống trong sợ hãi trước nguy cơ nhiễm bệnh.
Hôm 23/3, Wando Evans, nhân viên 15 năm tại cửa hàng Walmart ở khu vực Chicago, bang Illinois, được quản lý cho về nhà do xuất hiện những triệu chứng giống cúm. Hai ngày sau, người đàn ông 51 tuổi qua đời.
Một nhân viên vận chuyển tìm đồ cho khách trong cửa hàng tạp hóa tại thành phố Tucson, bang Arizona, Mỹ hôm 4/4. Ảnh: Reuters.
Tony Evans, em trai ông, hôm 13/4 đệ đơn kiện hãng bán lẻ lớn nhất thế giới vì không cung cấp khẩu trang và găng tay cho nhân viên, cũng không khử trùng cửa hàng phù hợp, hoặc thông báo cho nhân viên về những đồng nghiệp nhiễm bệnh của họ. Phillip Thomas, nhân viên khác tại cửa hàng, tử vong sau Evans 4 ngày.
Phát ngôn viên của Walmart Randy Hargrove cho biết họ "vô cùng đau lòng" trước những cái chết. "Chúng tôi rất coi trọng vấn đề này và sẽ phản hồi tòa án ngay sau khi giải quyết khiếu nại", Hargrove cho hay. Tập đoàn từ chối công bố tổng số nhân viên dương tính với nCoV hoặc tử vong vì những biến chứng liên quan.
"Như thể lúc nào bạn cũng trong trạng thái phân vân giữa chiến đấu hoặc bỏ chạy. Thật đáng sợ và hỗn loạn. Nỗi sợ hãi rõ rệt bao trùm những người vẫn đi làm. Cảm giác như đang sống trong vùng chiến", một nhân viên giấu tên ngoài 50 tuổi làm việc cho cửa hàng Whole Foods Market tại bang Virginia chia sẻ.
Nỗi sợ hãi đó càng gia tăng hồi tuần trước, sau khi một quản lý liên lạc với bà để thông báo có người trong cửa hàng dương tính với nCoV. Nhiều nhân viên thu ngân cáo ốm vào hôm sau, để lại những hàng người dài trên các lối đi và không phải ai cũng đứng cách nhau 2 m.
Cừa hàng này gần đây đã lắp đặt tấm ngăn cách bằng mica tại quầy thu ngân và phát khẩu trang cho những nhân viên có nhu cầu. Tuy nhiên, người phụ nữ ngoài 50 cho biết cửa hàng vẫn chưa giới hạn số lượng khách mua cùng một lúc, cũng không có chỗ cư trú đặc biệt dành cho những nhân viên cao tuổi hoặc dễ bị tổn thương hơn.
Theo Công đoàn Thương mại và Thực phẩm Mỹ (UFCW), đại diện cho 900.000 nhân viên tạp hóa trên cả nước, hơn 1.500 nhân viên siêu thị đã dương tính với nCoV, gần 3.000 người không thể làm việc bởi đang cách ly hoặc chờ kết quả xét nghiệm. Ít nhất 41 người đã tử vong.
Do đó, các chuỗi cửa hàng tiện lợi giờ đây vô cùng khó khăn trong việc tìm và giữ chân nhân viên. Julia Pollak, nhà kinh tế học làm việc cho nền tảng tìm việc và tuyển dụng ZipRecruiter, cho biết số lượng bài đăng tuyển nhân viên tạp hóa đã tăng 60% trong 4 tuần qua.
"Ngôn ngữ trong các bài đăng ngày càng tỏ ra tuyệt vọng. Các công ty bán lẻ cho biết họ có nhu cầu khẩn cấp và cần người lao động bắt đầu làm việc ngay lập tức. Việc thuyết phục người lao động tự đặt bản thân vào rủi ro đang trở nên khó khăn hơn", Pollak nói.
Giới chuyên gia cho biết các nhân viên y tế có nguy cơ bị phơi nhiễm với nCoV cao nhất. Tuy nhiên, nhân viên tạp hóa cũng tiếp xúc gần với rất nhiều người và thường không có đồ bảo hộ thích hợp. Họ còn ít có khả năng được nghỉ ốm hơn, hoặc không thể nghỉ do khó khăn tài chính. Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ năm 2018, nhân viên thu ngân tạp hóa có mức lương trung bình là 11,43 USD/giờ.
Nhiều hãng bán lẻ như Kroger và Safeway bắt đầu cung cấp khẩu trang và găng tay cho nhân viên. Trong khi đó, Walmart kiểm tra thân nhiệt của họ trước mỗi ca trực. Vô số cửa hàng đã lắp đặt tấm chắn tại quầy thu ngân và biển chỉ dẫn cách biệt cộng đồng.
Chuỗi cửa hàng Shoppers Food ở bang Maryland gần đây quyết định giới hạn số lượng khách có thể mua đồ cùng lúc, đồng thời phát găng tay và trả thêm cho nhân viên 2 USD mỗi giờ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cảm thấy sợ hãi do cửa hàng không thể kiếm khẩu trang cho nhân viên, cũng không cung cấp nước rửa tay cho họ suốt nhiều ngày. United Natural Foods, công ty chủ quản của chuỗi cửa hàng, chưa bình luận về vấn đề.
"Họ có thể làm những việc để bảo vệ chúng tôi tốt hơn và sớm hơn. Tôi cảm thấy sợ hãi khi bị quá nhiều người bao quanh, sau đó lại về nhà với gia đình", Amber Stevens, một nhân viên Shoppers Food sống cùng con gái 9 tuổi và người mẹ 59 tuổi, nêu ý kiến. Dù vậy, cô thừa nhận mình may mắn vì có công việc trong lúc ít nhất 22 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
Nhiều nhân viên tạp hóa khác cũng lên án cửa hàng không làm gì nhiều để xoa dịu nỗi sợ của họ. Jasmine Kapralova cho biết cô liên tục yêu cầu quản lý tại một cửa hàng Trader Joe's ở thành phố Seattle hướng dẫn ứng phó với nCoV kể từ cuối tháng 2. Cô và các đồng nghiệp đã đề nghị được đeo khẩu trang trong giờ làm, sau đó nhận cảnh báo sẽ bị kỷ luật nếu làm vậy.
"Lúc nào chúng tôi cũng cố gắng trao đổi với ban quản lý về dịch bệnh, nhưng họ nói rõ rằng không muốn chúng tôi lên tiếng, đồng thời cảnh báo chúng tôi không được làm nhau sợ và gây hoảng loạn", người phụ nữ 39 tuổi kể lại.
Kapralova cùng ba đồng nghiệp bị nhiễm căn bệnh về đường hô hấp hồi đầu tháng 3 và được nghỉ ba tuần có lương. Tuy nhiên, Kapralova cho biết quản lý cảnh báo cô không được nói về những triệu chứng của bản thân, bao gồm sốt, đau người, ho và khó thở, trên mạng xã hội. Cô vẫn chưa khỏi bệnh và được nghỉ thêm một tuần không lương.
"Dù biết không nên đi làm, tôi cảm thấy áp lực vì cần tiền", Kapralova nói. Cô và con gái 12 tuổi sống cùng họ hàng kể từ khi họ mất nhà trong một vụ hỏa hoạn 5 năm trước. "Tôi sợ chết vì bệnh tật, nhưng cũng sợ không sống nổi nếu mất việc và không có tiền".
Một nhân viên lâu năm giấu tên tại cửa hàng Kroger ở Seattle cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ít nhất hai đồng nghiệp của anh nhiễm nCoV và khoảng 20 người khác đang bị ốm hoặc chờ kết quả xét nghiệm. Công ty yêu cầu nhân viên không tiết lộ chuyện này cho khách hàng.
"Điều đó khiến tôi hoảng sợ, nhưng còn lựa chọn nào khác không? Chúng tôi là những sinh viên hoặc phụ huynh đang cố gắng nuôi con. Chúng tôi cần tiền lương", người đàn ông cho hay, nói thêm rằng anh không ngờ công việc giúp anh kiếm sống 13 năm qua có thể khiến mạng sống của anh bị đe dọa.
"Không ai nói với chúng tôi rằng khi thế giới sụp đổ, gánh nặng sẽ dồn lên vai chúng tôi", anh nói.
Ánh Ngọc
Lấy trực thăng ở nhà đi làm từ thiện Đó là hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ miễn phí do phi công kỳ cựu Menno Parsons khởi xướng, tập hợp một số phi công tự do. Vài người trong số họ có trực thăng riêng đem góp vào hoạt động. Chuyển đồ cứu trợ lên một trực thăng của đội The Covid Flight - Ảnh: THE SUNDAY TIMES The Covid Flight...