Giây phút sinh tử vây bắt nhóm tấn công ở Đắk Lắk: ‘Sợ, nhưng mình phải giúp sức các anh’
‘Quen địa hình, tôi dẫn công an siết vòng vây. Bất ngờ có bốn người đàn ông bắn về phía tôi.
Nhờ phản xạ nhanh nhẹn từ thời còn đi bộ đội nên tôi lộn nhào mấy vòng, thoát được’, người dân ở Đắk Lắk kể.
Nghi can Y Tim Niê trú Buôn Mùi, xã Cư Né, huyện Krông Búk, Đắk Lắk. Theo Công an Đắk Lắk, đây là kẻ dẫn đầu một tốp tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu – Ảnh: T.A.
Khi hay tin vụ tấn công vào trụ sở UBND hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu khiến chín người thiệt mạng và hai người bị thương, người dân huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) do căm phẫn trước tội ác đã bất chấp hiểm nguy tham gia báo tin và vây bắt nghi phạm cùng công an.
Người dân kể phút sinh tử khi tham gia truy bắt nhóm tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk
Ông Nguyễn Thanh Long (57 tuổi, trú thôn 1, xã Ea Bhốk, Cư Kuin) cho biết việc tham gia cùng công an bắt nghi phạm là “chuyện nên làm”.
Sợ nhưng vẫn đuổi bắt
Ông Long nhớ lại, sáng 11-6 ông và người dân được thông báo phải ở trong nhà, hạn chế đi lại, không được đi làm rẫy vì có nhóm người có súng hung hãn mới gây án đang chạy trốn.
Đến trưa, theo tin của anh Dương ở thôn 24, xã Ea Ninh (giáp ranh xã Ea Bhốk – PV) báo có nhìn thấy ba người tình nghi.
“Thấy mấy anh công an đi vây bắt, cơm hộp chưa kịp ăn vẫn để trên xe nên mấy anh em tài xế tụi tui góp người mấy trăm ngàn mua bánh mì, nước rồi chia nhau… đến chỗ vây ráp “nuôi quân”. Công an họ khuyên dân về đi để tránh nguy hiểm nhưng không quen thuộc địa hình, việc vây bắt gặp khó khăn. Thế là anh em tụi tui tình nguyện làm giao liên”, ông Long kể.
Theo ông, tầm giữa trưa, khi phát hiện ba người tình nghi, công an và người dân đã vây nhóm này.
“Công an tiến sát, dân đứng xung quanh rất đông nên hai người buông tay chịu trói. Một người nhanh chân trốn thoát nhưng chiều đó cũng bị dân tóm, bàn giao cho công an”, ông Long nói.
Cũng tham gia tích cực trong việc “toàn dân bắt nghi phạm”, ông Trần Đình Khánh (44 tuổi, công an viên thôn 3, xã Ea Bhốk) nói khi nghe công an xã báo tình hình, ông tập hợp một số anh em trong thôn thành lập hai chốt để đón bắt nhóm tấn công đang trên đường chạy trốn.
“Trong lúc đi tuần, tôi phát hiện dấu vết trốn chạy của nhóm này. Tôi lập tức báo công an để bủa vây, giăng lưới.
Vì quen địa hình, tôi dẫn công an siết vòng vây. Bất ngờ có bốn người đàn ông bắn về phía tôi. Nhờ phản xạ nhanh nhẹn từ thời còn đi bộ đội nên tôi lộn nhào mấy vòng, thoát được loạt đạn. Nếu không bây giờ hoặc chết, chí ít là bị thương”, ông Khánh thở phào.
Phụ nữ cũng nhiệt tình hỗ trợ
Không chỉ thanh niên trai tráng, nhiều phụ nữ và cả những người lớn tuổi cũng đã nhiệt tình hỗ trợ công an bắt nghi phạm. Bà Phạm Thị Vinh (54 tuổi, trú thôn 24, xã Ea Ninh, Cư Kuin) là một trong những người góp nhiều công sức để cùng truy bắt nghi phạm.
Là trưởng thôn, sau khi nhận được thông tin, bà Vinh thông báo cho toàn bộ người dân hạn chế ra ngoài, ai có thông tin thì báo công an.
Bà Vinh nói, khi nghe tin về sự hung hãn của nhóm tấn công trụ sở ủy ban xã, ban đầu ai cũng sợ. Đàn ông, thanh niên lập các nhóm tuần tra để phát hiện, phụ nữ được khuyên ở nhà báo tin, cơm nước phục vụ, tiếp tế.
Theo bà, khoảng 9h sáng 11-6, người dân phát hiện ba nghi phạm nên đã gọi điện báo cho trưởng thôn. Khi đã xác định nhóm lẩn trốn đã vất vũ khí, người dân lập tức kêu gọi nhau bao vây, truy bắt.
“Bà con trong thôn 24 truy đuổi, bao vây và bắt được ba người, sau đó bàn giao cho lực lượng chức năng. Một số người khác trốn chạy sâu vào trong các rẫy cà phê, hoa màu của người dân.
“Để đề phòng nhóm này quay lại tấn công, tôi dặn bà con để người già và trẻ em ở yên trong nhà, chốt khóa cẩn thận, tuyệt đối không ai được ra ngoài. Còn lại toàn bộ thanh niên, người khỏe mạnh, kể cả phụ nữ, cùng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành truy quét.
Hàng trăm người đã đi rà soát từng rẫy cà phê, mương suối, bụi rậm… phát hiện và bắt giữ thêm một số người khác khi đang lẩn trốn trên địa bàn thôn 24″, bà Vinh kể.
Nhiều người gây ra vụ tấn công đang lẩn trốn tại các thôn lân cận cũng bị lực lượng công an và người dân địa phương phát hiện, bắt sau đó.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tư, thôn trưởng thôn 6 (xã Ea Bhốk), không chỉ phụ trách thông tin tình hình, nhận tin báo, tổ chức cho người dân vây bắt mà còn trực tiếp “cảm hóa” được một người.
Ông kể, khoảng 15h chiều ngày 11-6, người dân phát hiện hai người giống như đặc điểm nhận dạng của công an nên đã báo công an. Ông Tư cũng dùng loa thông báo toàn dân để vây bắt.
“Ra tới đường thì thấy bà con cũng đổ ra rất đông và bắt được một người. Một người chạy lên lô cà phê, tôi lấy xe chạy vòng chặn đầu. Tôi khuyên anh này buông dao đầu hàng để nhận sự khoan hồng. Nếu chống trả có nguy cơ bị người dân đánh chết hoặc bị thương.
Anh này đã buông dao, nhưng sau đó thấy người dân xông vào bắt thì hoảng quá bỏ chạy, tuy nhiên sau đó cũng bị bắt trở lại”, ông Tư kể.
Vụ tấn công 2 trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk: Thương các anh hy sinh, nặng nỗi đau người ở lại
Trong vụ 2 trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk bị tấn công, 4 chiến sĩ công an đã hy sinh, để lại bao thương tiếc cho người ở lại...
Đồng đội tiễn biệt thiếu tá Hoàng Trung - Ảnh: MAI VINH
Ngày 13-6, Bộ Công an cùng lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk đang dốc toàn lực để tiếp tục truy bắt nhóm tấn công hai trụ sở UBND xã, đồng thời chia sẻ nỗi đau với gia đình các anh công an hy sinh giữa thời bình.
"Anh nói trực đêm mai về, vậy mà đi mãi mãi..."
Trong cơn mưa nặng hạt đầu giờ chiều, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng có mặt tại gia đình thiếu tá Hoàng Trung (42 tuổi, cán bộ Công an xã Ea Ktur, Cư Kuin, Đắk Lắk) để chia sẻ những mất mát của gia đình.
Mấy ngày nay, hàng trăm lượt người thân, bạn bè, đồng đội đã có mặt tại ngôi nhà nhỏ trong con hẻm nhỏ ở phường Tân Hòa (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) để an ủi mẹ già, người vợ đau bệnh và hai con nhỏ của người cán bộ đã hy sinh.
Suốt mấy ngày sau khi chồng hy sinh, chị Trần Thị Sen (40 tuổi, nhân viên Nhà khách Công an tỉnh Đắk Lắk) vẫn ngất lên xỉu xuống nhiều lần. Mỗi lần đoàn khách viếng thăm, người thân lại dìu chị ra chào hỏi, nói chuyện.
Chị Sen khóc nức nở vì không tin chồng hy sinh, ra đi mãi mãi - Ảnh: MAI VINH
Anh Trung và chị Sen nguyên là cán bộ, nhân viên ở Trường Văn hóa 3 (Bộ Công an), sau đó được điều động về đơn vị mới từ năm 2019. Anh Trung được điều về làm công an xã, thường phải trực đêm, công tác xa nhà để đảm bảo an ninh trật tự nơi công tác.
"Lương của tôi chỉ đủ chi cho việc chữa bệnh nên nhiều lúc thương anh không biết làm sao. Anh là trụ cột chính nuôi mẹ già và hai con", chị Sen nói rồi khóc ngang.
Chị Sen bị suy thận độ 4 nhiều năm nay nhưng vẫn cố đi làm để có đồng lương xoay xở thuốc men. Hai con đang học lớp 9, lớp 11 và mẹ già năm nay 69 tuổi cũng do một tay anh xoay xở.
"Căn nhà này hai vợ chồng chạy vạy mãi mới làm nổi, còn đất thì mượn của ông bà ngoại (bố mẹ chị Sen - PV). Hôm qua anh ấy gọi nói đang có nhiệm vụ trực đêm. Anh nói trực rồi mai về mà anh đi mãi mãi...", chị Sen đau đớn.
Mẹ thiếu tá Hoàng Trung suy sụp khi hay tin con gặp nạn - Ảnh: TÂM AN
Cũng chưa tin chồng đã hy sinh, chị Phạm Thị Như Phương - vợ liệt sĩ, đại úy Hà Tuấn Anh, cán bộ Công an xã Ea Tiêu (Cư Kuin) - khóc ngất mỗi lần có đồng đội, người thân đến viếng. Anh Tuấn Anh và chị Phương quen nhau từ năm 2012, nhưng mãi đến 2019 mới kết hôn và mới có với nhau một con gái 3 tuổi rưỡi.
Chị Phương làm giáo viên gần nhà để tiện chăm sóc bố mẹ chồng vì Tuấn Anh công tác xa nhà. "Cuối năm 2022, Công an tỉnh điều động anh về tại xã Ea Tiêu gần nhà hơn, nhưng công việc nhiều nên anh phải đi suốt. Anh ham làm nên thường tranh thủ làm đêm ở cơ quan, lúc rảnh mới ở nhà phụ bố mẹ làm rẫy, dọn dẹp giúp vợ con", chị Phương kể.
"Cả tuần nay anh ấy phải trực đêm. Tối 10-6, con đau nên anh về nấu cơm, đút cho con ăn, cho uống thuốc. Anh nói tối trực ở cơ quan xong về sẽ cùng đưa con đi tái khám, làm xong mảnh vườn ông bà mới cho để tăng thu nhập. Vậy mà...", chị Phương nức nở.
Đồng đội kề vai, nhân dân sát cánh
Thượng tướng Lương Tam Quang chia sẻ mất mát cùng gia quyến liệt sĩ, đại úy Hà Tuấn Anh - Ảnh: TÂM AN
Tai họa bất ngờ để lại nỗi đau đớn cho gia đình và sự tiếc thương của người thân, đồng đội các liệt sĩ. Trong tang thương, những ngày qua, các gia đình cũng được tiếp hơi ấm bởi luôn có đồng đội các liệt sĩ kề vai, người dân sát cánh.
Chị Thư, một người bạn lâu năm của gia đình anh Hoàng Trung, mấy ngày nay túc trực bên gia đình anh. Chị kể vợ chồng anh Trung khó khăn, đau bệnh nhưng sống rất ngay thẳng, gần gũi.
"Biết tin anh đột ngột ra đi khi mà gánh nặng mẹ già, vợ bệnh, các con còn đang tuổi đi học khiến chúng tôi vô cùng đau xót. Thương mẹ, thương chị và các con của anh ấy rất nhiều. Anh chị em đang bàn nhau sẽ có những quyên góp để giúp gia đình vượt qua", chị Thư nói.
Biết hoàn cảnh gia đình các chiến sĩ gặp khó khăn, nhiều người cũng đã đứng ra vận động hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ. "Số tiền có thể chưa đủ lo cho những gánh nặng về sau của gia đình... Chúng tôi chỉ mong san sẻ một phần đối với sự hy sinh thầm lặng của các anh", một cá nhân vận động quyên góp chia sẻ.
Bạn bè, người thân động viên chị Phương, vợ liệt sĩ Tuấn Anh - Ảnh: MAI VINH
Đến thắp nén hương tưởng nhớ, thăm hỏi tại gia đình, thân nhân bốn cán bộ, chiến sĩ, Thứ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Lương Tam Quang ghi nhận sự hy sinh của các anh khi thi hành nhiệm vụ, vì sự bình yên của nhân dân.
Ông chia sẻ những mất mát to lớn của gia đình bốn cán bộ, chiến sĩ và mong mọi người cố gắng vượt qua nỗi đau, ổn định cuộc sống.
"Đảng, Nhà nước, Bộ Công an luôn quan tâm, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ công an hy sinh, chia sẻ đau thương để thân nhân các chiến sĩ sớm vượt qua mất mát lớn lao này.
Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh Đắk Lắk quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ gia đình các chiến sĩ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, có chính sách phù hợp, kịp thời đối với người có công", Thứ trưởng Quang đề nghị.
Thứ trưởng cũng đã trao Quỹ "Nghĩa tình đồng đội Công an nhân dân" 100 triệu đồng/gia đình thân nhân các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh.
Mẹ liệt sĩ, đại úy Nguyễn Đăng Nhân - cán bộ Công an xã Ea Ktur (quê Yên Thành, tỉnh Nghệ An) - Ảnh: TÂM AN
Hỗ trợ gia đình ba người dân gặp nạn
Bên cạnh thăm hỏi các cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì nhiệm vụ, gia đình ba người dân bị sát hại rạng sáng 11-6 cũng được các ngành chức năng địa phương thăm hỏi, động viên, chia sẻ mất mát. Nhiều nhà hảo tâm cũng đứng ra vận động tiền để hỗ trợ gia đình các nạn nhân, nhất là những gia đình khó khăn.
Trong số này, anh Lê Minh Vương (23 tuổi, trú huyện Cư Kuin) bị sát hại khi đang trên đường chở rau cho siêu thị Bách hóa xanh. Anh Vương là trụ cột gia đình, anh mất đi để lại vợ trẻ và con mới 2 tuổi.
Bắt giữ 6 đối tượng tấn công trụ sở Công an xã tại Đắk Lắk Ngay trong sáng nay (11/6), Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Đắk Lắk, các đơn vị nghiệp vụ triển khai vây bắt nhóm đối tượng. Liên quan đến vụ tấn công trụ sở Công an xã tại tỉnh Đắk Lắk, làm một số Công an xã, cán bộ xã và người dân thương vong, Trung tướng Tô Ân Xô, Người...