Giây phút sinh tử của thợ lặn giải cứu đội bóng Thái Lan
Các thợ lặn tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan bị mắc kẹt đã kể lại những giờ phút sinh tử khi phải đối mặt với những mối nguy hiểm trong hang tối.
Các thợ lặn tiến vào hang Tham Luang trong chiến dịch giải cứu đôi bóng (Ảnh: Reuters)
Một nhóm gồm hơn 150 thợ lặn, bao gồm nhiều thợ lặn nước ngoài, đã tham gia chiến dịch giải cứu đưa 12 cầu thủ nhí và một huấn luyện viên của đội bóng Thái Lan ra khỏi hang Tham Luang. Đây được xem là một chiến dịch nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức cả những thợ lặn chuyên nghiệp nhất.
“Đó là một trong những việc khó khăn, nguy hiểm và rủi ro nhất mà tôi từng làm, không chỉ đối với sự an toàn của bản thân tôi mà còn đối với những người mà tôi chịu trách nhiệm giải cứu”, thợ lặn Anh Jason Mallinson chia sẻ trong chương trình truyền hình Four Corners của Australia được phát sóng vào tối 16/7.
“Tôi chưa bao giờ làm chuyện gì nguy hiểm như vậy và tôi không nghĩ là sẽ có thể làm lại. Nhưng đó là lựa chọn duy nhất của chúng tôi lúc đó, và chúng tôi đã thực hiện nó”, Mallinson kể lại.
Theo Fox News, thợ lặn Mallinson được giao nhiệm vụ đưa các cầu thủ nhí di chuyển qua những lối đi ngập nước nguy hiểm nhất. Khi đó, nước trong hang rất đục do nhiều bùn và có chỗ gần như không nhìn thấy gì.
“Khả năng thành công của chiến dịch giải cứu khi đó rất thấp. Tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý rằng chúng tôi phải chấp nhận có thương vong. Có thể là 3, 4, thậm chí 5 người sẽ thiệt mạng”, Thiếu tá Charles Hodges, chỉ huy của nhóm thợ lặn Mỹ trong chiến dịch giải cứu, cho biết.
Trong suốt hành trình vượt hang kéo dài 3 giờ đồng hồ với nguy hiểm rình rập, mỗi đứa trẻ đều được dùng thuốc an thần để tránh nguy cơ hoảng loạn khi được giải cứu. Chiến dịch giải cứu nguy hiểm tới mức chính phủ Australia đã đàm phán với các nhà chức trách Thái Lan để xin quyền miễn trừ trách nhiệm đối với các công dân Australia có liên quan tới việc dùng thuốc an thần cho đội bóng, trong trường hợp có bất kỳ sự cố đáng tiếc nào xảy ra.
Chia từng giai đoạn
Đội cứu hộ sử dụng ròng rọc để di chuyển các cầu thủ nhí ra khỏi hang (Ảnh: Fox)
Video đang HOT
Hành trình vượt hang của 13 người bị mắc kẹt chia thành 9 đoạn khác nhau và các thợ lặn chuyên nghiệp từ Anh chịu trách nhiệm đưa các cầu thủ đi qua những đoạn phức tạp nhất. Họ sử dụng dây thừng dẫn đường để giúp định vị các lối đi trong hang.
“Chúng tôi lặn xuống nước cùng với từng đứa trẻ. Phụ thuộc vào cách dây thừng được đặt như thế nào, chúng tôi sẽ quyết định giữ chúng ở bên phải hay bên trái, giữ lấy lưng hay lấy ngực của chúng”, thợ lặn Mallinson nói.
Theo mô tả của Mallinson, quá trình giải cứu đội bóng thực sự “kiệt quệ về tinh thần”, đặc biệt vào ngày cuối cùng của chiến dịch khi tầm nhìn của các thợ lặn trong hang bằng 0 do nước quá đục.
“Tôi phải đặt những đứa trẻ ở vị trí rất gần với cơ thể tôi vì nếu không làm như thế, chúng có thể va đầu vào đá. Nếu bọn trẻ va đầu vào đá quá mạnh, mặt nạ sẽ văng ra và nước sẽ tràn vào bên trong mặt nạ, khi đó chúng có thể sẽ thiệt mạng. Đó là lý do khiến chúng tôi phải di chuyển rất chậm và cẩn thận để tránh cho chúng không bị va vào đá”, Mallinson nhớ lại.
Để đảm bảo an toàn cho các cầu thủ nhí, Mallinson cho biết ông đã đưa đầu ra phía trước để nếu có va chạm với đá thì đầu của ông sẽ va vào trước.
“Tầm nhìn khi đó rất kém, vì vậy bạn không thể nhìn thấy đá cho tới khi bạn thực sự va đầu vào nó”, Mallinson cho biết.
Trước khi bắt đầu chiến dịch giải cứu đội bóng, các thợ lặn đã luyện tập các thao tác giải cứu tại một hồ bơi ở địa phương. Họ đã tập cùng những đứa trẻ tình nguyện để đánh giá xem liệu chiến dịch giải cứu rủi ro này có khả thi hay không.
“Tôi tự tin có thể tự đi ra khỏi hang, tôi tự tin không bị mất kiểm soát dây thừng, tôi cũng tự tin có thể đưa bọn trẻ ra khỏi hang. Nhưng tôi không tự tin 100% rằng chúng vẫn còn sống khi ra khỏi hang”, Mallinson chia sẻ.
Đội cứu hộ phải chia làm nhiều giai đoạn trong quá trình giải cứu. Tại một số điểm, các cầu thủ nhí sẽ được tháo mặt nạ lặn và đặt lên những chiếc cáng. Tại một số điểm khác, những đứa trẻ sẽ được chuyển bằng ròng rọc để đi qua những đoạn dốc vì nếu đi bộ qua khu vực bùn lầy sẽ rất nguy hiểm. Mỗi cầu thủ sẽ do hai thợ lặn hộ tống để đảm bảo lúc nào cũng phải có ít nhất một người đi kèm với các em.
Người dũng cảm nhất ra trước
Các cầu thủ nhí cầm ảnh tưởng nhớ cựu đặc nhiệm Thái Lan hy sinh trong lúc giải cứu đội bóng (Ảnh: Bangkok Post)
Bác sĩ Australia Richard Harris được ca ngợi là người hùng khi tham gia chiến dịch giải cứu tại Thái Lan. Ông có nhiệm vụ kiểm tra tình hình sức khỏe của từng đứa trẻ tại các giai đoạn khác nhau của chiến dịch giải cứu, từ đó đảm bảo rằng chúng hoàn toàn ổn định để có thể tiếp tục hành trình.
“Nếu không có ông ấy, chúng tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ông ấy ở bên cạnh bọn trẻ, nói chuyện và giúp chúng bình tĩnh. Ông ấy là nhân tố then chốt của chiến dịch giải cứu này”, thợ lặn Mallinson nói về bác sĩ Harris.
Một số nguồn tin từng nói rằng bác sĩ Harris là người quyết định xem đứa trẻ nào được đưa ra khỏi hang trước và đứa trẻ nào sẽ ở lại hang. Tuy nhiên, thợ lặn Australia Craig Challen nói thông tin này không đúng. Challen cho biết đó là quyết định chung của chính các cầu thủ, huấn luyện viên và đặc nhiệm SEAL của Hải quân Thái Lan. Cả đội được thông báo về chiến dịch giải cứu, và chính họ sẽ tự quyết định ai là người ra khỏi hang trước.
“Harris không lựa chọn họ. Vì thế tôi nghĩ ai dũng cảm nhất sẽ là người được đưa ra trước”, thợ lặn Australia nói.
Sau những nỗ lực bất chấp nguy hiểm của đội cứu hộ, toàn bộ 13 cầu thủ nhí và huấn luyện viên của đội bóng Thái Lan đã được đưa ra khỏi hang an toàn. Hiện sức khỏe của các em đã hồi phục sau thời gian điều trị tại bệnh viện và sẽ trở về nhà trong ngày hôm nay.
Thành Đạt
Theo Dantri
Giải cứu đội bóng Thái Lan: Một cậu bé đang gặp vấn đề sức khỏe
Những cậu bé thoát khỏi hang đầu tiên không phải khỏe mạnh nhất mà lại là những người yếu nhất, theo một chuyên gia y tế.
Mongkhon Bunpiem, 14 tuổi là cậu bé đầu tiên được đưa ra khỏi hang sau hơn 2 tuần.
Theo truyền thông Thái Lan, Mongkhon Bunpiem, 14 tuổi, biệt danh là "Mark", được đưa ra khỏi hang vào khoảng hơn 17 giờ. Bunpiem được kiểm tra nhanh tại bệnh viện dã chiến và sau đó được đưa tới bệnh viện Prachanukraw ở thành phố Chiang Rai bằng trực thăng.
Mongkol Boonpiam là cầu thủ dự bị của đội bóng Thái Lan mắc kẹt trong hang động suốt hơn 2 tuần. Cậu là người đặc biệt yêu bóng đá, gần như ngày nào cũng mặc áo cầu thủ. Boonpiam thần tượng cậu lạc bộ Muangthong United, một trong những đội bóng nổi tiếng nhất Thái Lan.
Thành viên tiếp theo trong đội bóng được cứu là Prachak Sutham, 14 tuổi, theo truyền thông Thái Lan.
Tờ The Nation cho biết, một trong hai cậu bé đầu tiên ra khỏi hang hiện đang gặp vấn đề sức khỏe. Cậu bé này được liệt vào "mức độ đỏ", nghĩa là rất nghiêm trọng. Nhưng không rõ đó là Mongkhon Bunpiem hay Prachak Sutham.
Theo nguồn tin từ chuyên gia y tế Richard Harris, người trực tiếp kiểm tra sức khỏe các cậu bé thoát khỏi hang, các cậu bé ra đầu tiên là những người yếu nhất.
Các thành viên trong đội bóng Thái Lan mắc kẹt suốt 2 tuần ở hang động.
Điều này trái ngược với tuyên bố trước đó của đội cứu hộ, rằng sẽ ưu tiên đưa các cậu bé khỏe mạnh nhất ra ngoài để đảm bảo an toàn.
Cho đến tối ngày 8.7, đội cứu hộ đã đưa 4 cậu bé trong đội bóng ra ngoài, tỉnh trưởng Chiang Rai Narongsak Osotthanakorn thông tin. Ông Osotthanakorn nói chiến dịch giải cứu đầu tiên đã "thành công hơn dự kiến". Chiến dịch giải cứu bắt đầu được thực hiện từ lúc 10 giờ sáng.
Khoảng 90 thợ lặn đã tham gia vào chiến dịch. Nước rút đáng kể cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi là nguyên nhân chính quyền Thái lan khởi động chiến dịch.
Các cậu bé sử dụng mặt nạ che toàn bộ mặt trong quá trình giải cứu. Đội bóng Thái Lan chỉ phải lặn khoảng 1km vì nhiều khu vực ngập nước có thể đi bộ.
Chiến dịch giải cứu hiện đang tạm ngừng vì trời tối cũng như không đủ bình oxy. Nhà chức trách Thái Lan cho biết, chiến dịch sẽ được tiếp tục vào sáng ngày hôm sau để giải cứu 8 cậu bé và một huấn luyện viên 25 tuổi vẫn ở trong hang.
Theo Danviet
Thế giới 24h: Lý do tạm ngừng giải cứu đội bóng Thái Sau khi 4 thành viên đội bóng mắc kẹt trong hang Tham Luang ở miền bắc Thái Lan được đưa ra ngoài an toàn vào tối 8/7, chiến dịch cứu 9 người còn lại tạm ngừng vì cạn oxy. Ông Narongsak Osottanakorn, tỉnh trưởng Chiang Rai giữ vai trò chỉ huy chiến dịch giải cứu, cho biết tại cuộc họp báo rằng chiến...