Giây phút cuối đời của tử tù thi hành án tiêm thuốc độc đầu tiên tại Nghệ An
Ngay từ nhỏ, cha bỏ đi, mẹ không đủ khả năng nuôi con nên gã được chuyển vào chùa sinh sống.
Tử tù Lê Văn Tuấn lúc còn sống
Lớn lên, gã từng có ý nghĩ sẽ xuất gia nhưng vì tình duyên hồng trần chưa hết nên lại trở về. Nỗi đau mẹ mất chưa nguôi, gã lại nhận được tin mình bị bệnh nặng. Vì mong muốn có tiền cưới vợ, gã đã ra tay sát hại chính người bạn thân của mình.
Vào chùa hai lần nhưng vẫn chưa hết duyên đời
Lê Văn Tuấn (SN 1980) sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ngay từ nhỏ, gã thường xuyên chứng kiến những cuộc cãi vả, đánh nhau giữa cha và mẹ. Khi gã lên năm cũng là lúc cha từ bỏ ba mẹ con, bước theo tình nhân ở Thanh Hóa. Thưở đó, còn quá nhỏ, gã chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra với tổ ấm của mình.
Ở vùng Diễn Châu, thời tiết khắc nghiệt, đôi ba sào ruộng không đủ để nuôi ba con người. Mẹ dứt ruột đưa Tuấn lên chùa gửi với hy vọng con trai sẽ được các sư thầy chăm bẵm tốt. Nhớ mẹ, thương chị, những đêm dài nghe tiếng chuông vang vọng khiến trái tim của gã như rụng rời. Thế nhưng, trẻ thơ dễ xúc động và cũng dễ quên. Không lâu sau, gã làm quen với nhịp sống ở nhà chùa.
Tuấn được các sư sãi dạy nhiều điều về cuộc đời. Gã tụng kinh suốt ngày đêm và giác ngộ dần những giáo lý của đạo phật. Gã từng nghĩ, trong tương lai sẽ xin các sư phụ được nối nghiệp kinh kệ. Tuy nhiên, trong thâm tâm, gã vẫn thường tự hỏi, tại sao cha lại nỡ bỏ ba mẹ con ở lại một mình trong sự đói kém. Nghi vấn này cứ lặp đi lặp lại trong suy nghĩ của gã.
Tám năm trôi qua, gia đình Tuấn vẫn rất khó khăn, nhưng người mẹ thương con, không muốn tình mẫu tử chia lìa nên xin chùa được rước gã về. Gã lại về, chung tay làm nông, phụ giúp mẹ. Gã vẫn giữ được sự hiền lành, ít nói lúc ở chùa. Thế nhưng, trong thâm tâm, những nghi vấn về cha ruột vẫn không thôi day dứt. Đôi ba lần, gã giấu mẹ, bắt xe ra Thanh Hóa tìm cha. Đáp trả khao khát của con trai, người đàn ông này chỉ lạnh lùng xua đuổi. Ê chề, gã lấy cớ sống ở chùa quen nên xin mẹ được quay trở lại chốn tịnh không. Người mẹ thương con nên đồng ý.
Quay trở lại chùa, đôi mắt Tuấn trở nên u uất. Gã sợ chốn hồng trần. Sợ cái nghèo cứ đeo đẳng mẹ và chị gái. Sợ sự vô tâm của cha. Sợ phải đối mặt với những câu hỏi của mình về người thân. Gã từng cầu nguyện, đôi ba năm nữa sẽ khoác lên người chiếc áo tu hành để phục vụ cho nhà chùa trọn cuộc đời còn lại.
Cứ ngỡ Tuấn sẽ tịnh yên với cuộc sống đã chọn, nhưng một biến cố lớn đã xảy ra. Gã đặc biệt chú ý đến một người thiếu nữ mỗi ngày rằm, mồng 1 lại lên chùa cúng bái. Chưa một lần trò chuyện, nhưng gã vẫn mong ngóng cô gái này mỗi ngày lễ. Lắm đêm, gã nằm mơ thấy thiếu nữ. Gã không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Vào một ngày cuối năm 2005, thấy cô gái đến thắp hương, cầu khấn, gã mon men đến gần bắt chuyện. Cô gái cho biết mình buôn bán nhỏ ở chợ. Vì sự sân si trong thương trường nên mỗi dịp lễ lại vào chùa với mong muốn được giảm bớt tội lỗi chốn hồng trần.
Từ ngày đó, cứ độ nửa tháng, Tuấn và cô gái lại trò chuyện vui vẻ trong khuôn viên chùa. Gã cũng dần “trút” hết cuộc đời của mình cho cô nghe. Điều đặc biệt, chính những chi tiết cuộc đời gã đã khiến trái tim xiêu lòng, cô nói lời hẹn ước. Ban đầu, gã vẫn còn nghĩ suy giữa đi, ở với nhà chùa. Thế nhưng, tiếng kinh kệ không hấp dẫn bằng tình cảm lứa đôi, gã quyết định quay về nhà với ước mong sẽ cưới người yêu làm vợ.
Video đang HOT
Tình cảm giữa Tuấn và thiếu nữ này càng ngày thắm thiết. Bỗng dưng, mẹ gã lâm bệnh nặng. Lòng hiếu thảo vượt lên cả tình cảm trai gái, gã cố chạy chữa cho mẹ. Nhiều lần, người yêu muốn giúp đỡ, nhưng gã nghĩ, chưa cho một danh phận thì không thể để cô vướng bận khổ thân nên khước từ. Thiếu nữ cứ thế âm thầm cùng gã chăm sóc mẹ. Tiền tích lũy bao nhiêu năm không chi trả đủ cho hai năm nằm viện. Cuối cùng, người mẹ trút hơi thở cuối cùng, để lại những giọt nước mắt mặn đắng của đứa con trai.
Trở thành tử tù đơn độc
Trong lúc đau khổ nhất, Tuấn cảm nhận cuộc đời mình vẫn còn may mắn khi còn có người yêu bên cạnh. Cô chính là chỗ dựa tinh thần lớn nhất của gã. Năm 2007, ngày giỗ đầu tiên của mẹ cũng là ngày gã biết được thông tin mình mang bệnh viêm cầu thận mãn tính. Gã nghe bác sĩ bảo để chữa bệnh này cần một số tiền khổng lồ. Tuy nhiên, đối với gã, cái ăn, cái mặc vẫn còn rất khó, lấy đâu ra tiền để chống chọi với bệnh tật.
Chính lúc này, gia đình người yêu chấp nhận cho Tuấn cưới. Khổ thay, gã không đồng xu dính túi, chỉ có căn nhà rách bươm mẹ để lại. Nghĩ đi, suy lại, gã quyết định sang nhà bạn ở xã bên để mượn tiền về lo liệu đám cưới và sẽ làm để trả nợ sau. Hôm đó, bạn gã đi vắng, chỉ có mẹ là bà Trần Thị Hồng ở nhà. Thấy vẻ mặt thiếu sức sống của gã, người phụ nữ này không có chút cảm tình. Bên cạnh đó, gã lại còn gợi chuyện mình sang để mượn tiền bạn nên bà lại càng ghét hơn.
Qua thái độ đón tiếp, Tuấn nhận ra tình cảm của bà Hồng dành cho mình. Nhưng, vì muốn có tiền cưới vợ, gã vẫn nán lại kể chuyện bệnh tật của mình với mong muốn gợi lòng thương cảm. Bà Hồng nghe xong bảo: “Mày bệnh tật thế, cưới con gái họ làm gì cho khổ. Tao sẽ kể chuyện này lại cho người yêu mày nghe”. Từ trước đến nay, gã vẫn giấu nhẹm chuyện mình bị bệnh vì sợ người yêu bỏ. Nay, bà Hồng lại dọa kể cho vợ sắp cưới nghe nên gã hoảng sợ xen lẫn nỗi tức giận. Gã quát tháo và bị mẹ bạn đuổi.
Trong lúc mâu thuẫn, Tuấn xô bà Hồng ngã. Nạn nhân ngồi dậy hét lớn: “Cứu tôi với, có kẻ muốn giết người”. Hoảng loạn, gã cầm cái rựa để gần đó chém vào phía sau gáy khiến nạn nhân chết ngay tại chỗ. Trước khi bỏ đi, gã không quên giật đôi bông tai rồi bán lấy tiền. Gã bắt xe ra Thanh Hóa tìm cha nhưng bị khước từ gặp mặt. Buồn bã, gã lê xác trở lại huyện Diễn Châu đến xin lỗi người yêu rồi ra công an đầu thú.
Tại cơ quan điều tra, Tuấn khóc như mưa và khai nhận toàn bộ hành vi của mình đã gây ra. Trong hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm vào năm 2008, gã luôn ngóng về phía khán phòng với hy vọng tìm được ánh mắt cha ruột và chị gái nhưng đành phải quay lên trong vô vọng. Hai lần gã bị tuyên án tử hình về tội giết người và cướp tài sản. Sau đó, gã nhờ quản giáo viết đơn xin ân giảm lên chủ tịch nước nhưng không được chấp thuận.
Sau hơn 2000 ngày bị tuyên án tử, cuối tháng 10/2013, Tuấn đã được đưa đến phòng thi hành án, nằm trên giường, tự đưa tay cho cán bộ tiêm thuốc độc. Gã ra đi trong sự cô độc, chấm dứt chuỗi ngày dằn vặt, hối hận và chấm dứt cả những hy vọng cha ruột lẫn chị gái đến thăm. Gã nhắm mắt một cách thanh thản.
Theo một cán bộ có mặt lúc thi hành án cho hay, từ ngày vào trại, tử tù này không bao giờ lớn tiếng quậy phá. Gã thường ngồi một mình trong bóng tối, nhìn ra ánh sáng với hy vọng cha và chi gái đến thăm dù chỉ một lần. Tuy nhiên, gần 6 năm trong tù, hai người gã mong ngóng nhất không hề đến, chỉ có hai người vào thăm và số lần cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Người vào thăm Tuấn nhiều nhất là mợ. Trong hai phiên tòa đưa gã ra xét xử, cũng chỉ có một mình người phụ nữ này là người thân đến tham dự. Được biết, vì cuộc sống mưu sinh, cậu của gã phải sang Lào kiếm sống. Khi hay tin đứa cháu bị bắt vì hai tội giết người và cướp tài sản, cậu Tuấn đã nhờ vợ thăm non cháu. Từ đó, đến tháng, mợ lại gửi vào đôi ba gói mì tôm, gói muối, nói đôi lời động viên. Gã bị tuyên án tử trong khoảng giao thời giữa thi hành án tử bằng bắn súng và tiêm thuốc độc nên phải chờ đợi suốt 6 năm ròng. Thời gian quá lâu, cái nghèo đeo đẳng, mợ gã cũng không chờ đợi được nên đã sang Lào theo chồng. Từ đó, gã mất mối liên hệ với người thân.
Vợ “hụt” của Tuấn cũng có vào thăm một lần. Hôm đó, gã khóc rất nhiều, không thôi xin lỗi, đồng thời nhắn gửi: “Cuộc đời anh đến đây là hết. Anh sống trên đời 30 năm, em là người anh yêu đầu tiên và cũng là người cuối cùng. Hai ta có duyên nhưng vô phận thôi thì hẹn lại kiếp sau. Lúc em trở về, hãy tìm hạnh phúc mới cho mình”. Đó cũng là lần duy nhất cô vào thăm gã.
Nhận được ân huệ trước khi thi hành án, Tuấn gửi lời cảm ơn đến những quản giáo đã chăm lo cho mình suốt 6 năm ròng. Sau đó, gã nhờ một cán bộ viết thư cho cha, cho chị và cho người thân để gửi lời xin lỗi mong được thứ tha. Ngoài ra, gã cũng nhờ viết một bức thư thống thiết đến cậu, mợ và nhờ hai người này hương khói bát hương của mẹ mình trong khoảng thời gian còn lại.
Theo Xahoi
Câu chuyện cuộc đời tử tù bị tiêm thuốc độc
Cả cuộc đời Lê Văn Tuấn là chuỗi ngày dài buồn thảm, cô độc và đắng cay. Có cha, có mẹ nhưng Tuấn dường như sống cuộc sống của một kẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Khi tưởng chừng đã có một mái nhà đúng nghĩa trong tay thì hạnh phúc mong manh ấy vụt tắt bởi Tuấn vướng vào vòng lao lý. Cái cô độc ấy còn bám lấy Tuấn cả đến khi lìa khỏi cõi trần.
Tử tù Lê Văn Tuấn
Lê Văn Tuấn (sinh năm 1980, quê xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Nghệ An) là tử tù đầu tiên trong số 17 tử tù được thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc ở Nghệ An. Cái chết của Tuấn là điều tất yếu, để trả giá cho tội danh giết người, cướp tài sản mà Tuấn phạm phải lúc chưa đầy 30 tuổi. Một cái chết nhẹ nhàng (so với những tử tù trước đây) nhưng cô độc. Sự cô độc đã được báo trước...
Tuổi thơ dữ dội
Tuấn sinh ra và lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn. Tuổi thơ của Tuấn là chuỗi ngày dài chứng kiến sự bất hòa sâu sắc của cha mẹ. Cha Tuấn ngoại tình rồi bỏ nhà theo nhân tình. Một mình mẹ Tuấn nuôi hai đứa con đang còn trong trứng nước. Ở vùng đất Phủ Diễn này, mấy thước ruộng không đủ cho 3 mẹ con đắp đổi qua ngày. Thuở ấy, Tuấn chưa đủ lớn để hiểu nỗi đau của một gia đình đổ vỡ, nhưng cái đói dai dẳng, triền miên thì trở thành nỗi ám ảnh suốt đời của gã. Cực chẳng đã, mẹ Tuấn phải gửi con cho nhà chùa nuôi hộ. Tuấn chính thức "mồ côi" từ đấy. Năm đó, Tuấn 5 tuổi, chỉ biết khóc ròng vì nhớ mẹ, nhớ chị nhưng khi bụng đã no thì nỗi nhớ ấy cũng chỉ thoảng qua.
Ở chùa, được các sư sãi bao bọc, thằng bé Tuấn còi cọc ngày nào đã có da có thịt hơn. Tám năm ở chùa, Tuấn đã gần như quên hẳn những hỉ - nộ - ái - ố của đời người thì mẹ Tuấn đến thăm. Lúc này, gia cảnh của gia đình chưa khá hơn nhưng bà không muốn mẹ con phải chia lìa. Vậy là Tuấn được trở về nhà, được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ, dù rằng cuộc sống vẫn nghèo khổ và thiếu đói triền miên.
Về nhà, mẹ con đùm bọc lấy nhau nhưng trong thâm tâm, cậu bé ấy vẫn khao khát tình phụ tử. Dù nhớ cha, muốn được cha ôm trong vòng tay, dẫu chỉ một lần thôi nhưng Tuấn không dám tâm sự với mẹ điều khao khát cháy bỏng ấy. Mấy lần Tuấn trốn mẹ bắt xe ra Thanh Hóa thăm cha là bao nhiêu lần ê chề quay về khi người đàn ông ấy luôn lạnh lùng chối bỏ. Tuấn không hiểu nguồn cơn nào để đến nỗi cha con không còn sợi dây tình cảm gắn bó. Và nỗi đau đớn, dằn vặt ấy đã ám ảnh Tuấn đến lúc lìa cõi trần...
Chính những lời chối bỏ của cha đã khiến Tuấn muốn quay lại chùa với ý muốn xuống tóc quy y, sống những chuỗi ngày thanh thản, không vướng bận, nhưng định mệnh không như Tuấn nghĩ. Khi tưởng chừng như mình hoàn toàn là người của cõi Phật thì tình yêu đến với Tuấn.
Bi kịch của bảo vệ tình yêu
Người con gái ấy tên Hồng. Một cô gái hiền lành, chân chất, ngày rằm, ngày lễ, Tết vẫn đến dâng hương nơi ngôi chùa Tuấn trú ngụ. Tưởng rằng chỉ có Phật pháp mới có thể giúp Tuấn tìm niềm vui sau những chuỗi khổ đau mà một chàng trai mới lớn đã phải trải qua. Nhưng rồi khi gặp cô gái ôm bó hoa sen tới lễ chùa, trong tâm trí của chàng trai ấy bắt đầu rung động. Hồng cùng quê Diễn Châu, làm nghề buôn bán. Sau những ngày căng thẳng trên chốn thương trường, Hồng đến cửa Phật để tìm chút bình yên. Rồi chẳng hiểu sao, Tuấn chỉ mong tới ngày rằm để được gặp Hồng. Và chàng trai to cao, khuôn mặt vuông vắn nhưng đôi mắt u uất như chứa đựng nhiều nỗi niềm đã hút hồn cô gái đồng hương. Đặc biệt, sau khi biết hoàn cảnh của Tuấn, Hồng không ngần ngại gật đầu đồng ý làm bạn gái của người đàn ông cô độc ấy.
Có được tình yêu, sự sẻ chia từ Hồng, Tuấn quyết định rời cửa chùa, bắt đầu bươn chải để vun đắp cho cuộc sống sắp tới - cuộc sống có Hồng, có một gia đình đúng nghĩa. Khi hai người tính đến chuyện hôn nhân cũng là lúc Tuấn nhận được tin mẹ ốm nặng. Tạm gác mọi chuyện, Tuấn về quê lo chạy chữa, thuốc thang cho mẹ. Chị gái lấy chồng xa, chẳng thể giúp đỡ gì được cho mẹ và em trong cơn sóng gió. Tài sản cả đời ky cóp của mẹ Tuấn không đủ cho những ngày tháng liên miên đi viện. Cầm cự được 2 năm thì bà mất, để lại cho người con trai độc nhất căn nhà rách nát và một khoảng trống không thể bù đắp về mặt tinh thần.
Sau cú sốc lớn này, Tuấn thấy mình may mắn bởi vẫn còn Hồng bên cạnh. Những ngày mẹ Tuấn bị bệnh, cô cũng muốn chung tay cùng chăm sóc mẹ nhưng bị gạt đi. Tuấn không muốn mình trở thành gánh nặng của cô khi chưa thể cho cô một danh phận. Cô cứ lẳng lặng đến bên Tuấn, chia sẻ những nỗi đau, làm chỗ dựa khi Tuấn chông chênh nhất.
Vậy nhưng cuộc đời một lần nữa lại giáng nhát búa chí tử vào Tuấn. Khi nỗi đau mất mẹ đã nguôi ngoai được phần nào thì cũng là lúc Tuấn phát hiện mình bị viêm cầu thận mãn tính. Không còn một xu dính túi để chữa bệnh, Tuấn như rơi xuống hố sâu của cuộc đời. Lúc này Tuấn thấy sợ. Sợ bệnh tật, sợ đói khổ và nhất là sợ Hồng sẽ bỏ rơi nếu cô biết mình đang mang trọng bệnh - một thứ bệnh không dễ chữa và cực kỳ tốn kém.
Khi Tuấn đang tuyệt vọng thì gia đình Hồng cho phép hai người làm đám cưới. Đó là một ngày cuối năm 2007. Khỏi phải nói Tuấn hạnh phúc đến nhường nào. Xen lẫn niềm hạnh phúc, hy vọng ấy là nỗi lo: tiền đâu mà làm đám cưới? Tuấn quyết định đi vay đứa bạn ở xã bên. Nhưng thật không may, người cần gặp lại đi vắng, chỉ có mẹ của bạn tiếp Tuấn. Chẳng hiểu sao, bà không có thiện cảm với Tuấn, chì chiết cảnh nghèo hèn của Tuấn và yêu cầu tránh xa con trai bà. Vừa nghe Tuấn trình bày lý do muốn vay tiền, bà khinh khỉnh buông một câu: "Bệnh tật rứa, có sống nổi mà trả nợ được không?". Máu nóng dồn tới mặt nhưng Tuấn vẫn cố nhẫn nhịn, ngồi đợi bạn về. Tức mắt, bà đuổi thẳng cổ Tuấn, không quên đe "sẽ cho con Hồng biết hết bệnh của mi (mày). Khi đó có cưới nữa không mà phải vay tiền".
Vừa bị xúc phạm, lại sợ Hồng biết sẽ từ hôn, Tuấn xô ngã bà ấy. Bị ngã xuống, bà hét lên: "Cứu với. Có kẻ giết người cướp của". Hoảng sợ, Tuấn vơ con dao rạ (cái rựa) đập vào gáy bà. Thấy bà nằm bất động, "ma xui quỷ khiến" thế nào Tuấn giật luôn đôi bông tai của nạn nhân rồi tìm cách trốn chạy. Người duy nhất gã nghĩ tới lúc đó là cha mình chứ không phải Hồng... Nhưng người mà Tuấn cả đời khao khát được che chở ấy đã thẳng tay đuổi con trai ra khỏi nhà. Đau đớn, tủi hổ, Tuấn quyết định trở về nhà để nhận sự khoan hồng của pháp luật.
Bà cụ bị vỡ sọ não và tử vong sau đó. Tuấn bị truy tố tội giết người, cướp tài sản và chịu khung hình phạt cao nhất: tử hình! Trong phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 31.7.2008, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân Tối cao vẫn quyết định giữ nguyên án sơ thẩm. Trong cả 2 phiên tòa ấy, Tuấn vẫn chỉ có một mình khi cha và chị gái không đoái hoài đến.
Cô độc một phận tử tù
Sau phiên tòa phúc thẩm tối cao, Lê Văn Tuấn được chuyển tới phòng biệt giam. Không nguôi hy vọng được sống, Tuấn nhờ cán bộ quản giáo giúp viết đơn xin Chủ tịch nước ân xá nhưng không được. Một mình trong phòng biệt giam, Tuấn thấm thía hơn những đắng cay của phận người.
Hồng vào thăm Tuấn. Cuộc gặp gỡ chỉ có nước mắt và buồn đau. Tuấn xin Hồng quên mình đi, đừng oán hận gì ai và tìm lấy một người đàn ông tốt. Gã mong cô đừng vào thăm mình nữa, như thế chỉ làm Tuấn đau đớn hơn mà thôi. Đó là lần duy nhất Hồng vào thăm Tuấn và cũng là lần cuối cùng Tuấn được nhìn thấy người con gái mình yêu.
Người thân duy nhất vào thăm Tuấn không phải cha, không phải người chị gái mà là người mợ, vợ của cậu Tuấn. Những ngày thơ ấu khó khăn, chính cậu mợ đã san sẻ cho mẹ con Tuấn những củ khoai, những bát cơm độn sắn. Ngày Tuấn bị tuyên án tử, người cậu đang đi làm thuê bên Lào không về được, mợ thay cậu vào động viên Tuấn mấy câu, tiếp tế cho cháu mấy gói mì tôm. Rồi khó khăn chồng chất, mợ cũng theo chồng sang Lào. Tuấn hoàn toàn mất liên lạc với người thân từ đó.
Việc thi hành án đối với Tuấn diễn ra vào thời điểm giao thời giữa bắn và tiêm thuốc độc, bởi vậy không biết may mắn hay bất hạnh là quãng đời biệt giam của Tuấn dài hơn những bạn tù khác, những gần 6 năm trời. Nghĩa là hơn 2.000 ngày đằng đẵng chỉ có bóng tối và nỗi đau đớn thể xác, đau đớn về tinh thần giày vò. Thương Tuấn ngoan ngoãn, không quậy phá, các cán bộ quản giáo cũng thường động viên, giúp đỡ và tiếp tế thêm thức ăn. Một cán bộ quản giáo cho biết, những ngày gần thời điểm thi hành án, dù sức khỏe rất kém do bệnh tật hành hạ nhưng Tuấn vẫn hết sức bình thản. Thời gian ít ỏi còn lại của đời người, Tuấn vẫn khắc khoải chờ cha vào thăm và bày tỏ ước nguyện được cha đưa về quê an táng trong phần đất của dòng tộc. Vậy nhưng, ước mơ đó chẳng bao giờ trở thành hiện thực.
Sáng ngày 30.10.2013, tử tù Lê Văn Tuấn được dẫn tới nhà thi hành án, kết thúc cuộc đời đầy đắng cay, tủi nhục và cô lẻ. Phải chăng, việc lựa chọn một buổi sáng trong lành để Tuấn trả nợ đời là để giúp Tuấn có cơ hội tái sinh ở một cuộc đời mới - không còn đau đớn, không còn đắng cay, không oán hận và nhiều tình yêu thương hơn?
Diễn biến vụ án: Ngày 24.11.2007, tại xã Diễn Xuân, Diễn Châu, Nghệ An, xảy ra một vụ án mạng. Nạn nhân là bà Trần Thị Hồng. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, nạn nhân bị chấn thương sọ não do bị vật cứng tác động. Ngày 29.11.2007, Lê Văn Tuấn bị bắt giữ và bị truy tố tội danh giết người, cướp của. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 18.4.2008, Lê Văn Tuấn bị Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt án tử hình cho cả 2 tội danh trên. Trong phiên tòa phúc thẩm tối cao diễn ra vào ngày 31.7.2008, Tòa án Nhân dân Tối cao đã bác đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm đối với Lê Văn Tuấn.
Theo Mốt & Cuộc Sống
Chuyện kể của người canh giữ tử tù Bị chửi rủa, thậm chí bị ném cả chai dầu rửa bát vào người là chuyện như cơm bữa của những chiến sỹ công an làm người quản giáo buồng tử tù. Đại úy Phan Viết Phúc: "Nghề quản giáo là nghề nghe chửi đến bạc cả đầu". Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An hiện quản lý, giam giữ hơn 1.000...