“Giấu tên người mua dâm là không công bằng”
Danh tính người bán dâm bị công khai nhưng người mua dâm được giấu đi là không công bằng.
Các luật sư cho rằng, xét về đạo đức, công khai danh tính người mua dâm về cơ quan, chính quyền địa phương là không nên. Nhưng về pháp lý và hiệu quả phòng chống, đề xuất của Hà Nội vẫn cần được nghiên cứu, xem xét.
Không công bằng
Luật sư Phạm Thanh Bình (Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc – Hà Nội) phân tích: Pháp lệnh Phòng chống mại dâm từ năm 2003 và những hướng dẫn kèm theo đều không quy định công khai danh tính người mua dâm.
Pháp lệnh chỉ quy định, nếu người mua dâm là cán bộ, công chức hoặc thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, ngoài việc bị xử phạt còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để giáo dục và kỷ luật.
LS Phạm Thanh Bình cho rằng, nhìn ở góc pháp lý và xã hội, đề xuất công khai danh tính người mua dâm cho cơ quan, chính quyền địa phương là có cơ sở.
Vị luật sư phân tích: Mại dâm cũng như hoạt động kinh doanh, có cả bên mua và bên bán. Lâu nay, danh tính người bán dâm vẫn bị công khai nhưng người mua dâm thì không. Như vậy là không công bằng.
Công khai danh tính phụ nữ mà giấu tên nam giới là không phù hợp với nguyên tắc bình đẳng giới trong pháp luật.
Rất nhiều người mua dâm là đàn ông đã có gia đình. Họ không những vi phạm Pháp lệnh Phòng chống mại dâm mà còn vi phạm Luật Hôn nhân & Gia đình. Như vậy, công bố danh tính những người này không những phòng ngừa mà còn có tính răn đe cao.
“Nếu anh sợ hạnh phúc gia đình tan vỡ, anh đừng đi mua dâm.” – Ông Bình nói.
Theo luật sư Bình, đây là đề xuất của Hà Nội nhằm nâng Pháp lệnh Phòng chống mại dâm lên thành Luật Phòng chống mại dâm. Đề xuất này nên được Quốc hội nghiên cứu, xem xét.
Luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng Luật Ánh sáng công lý – Hà Nội) nhận định, công khai danh tính người mua dâm về cho người đứng đầu cơ quan, chính quyền địa phương có thể sẽ phát huy hiệu quả. Nhưng Hà Nội muốn đưa việc công khai danh tính người mua dâm vào luật, phải nghiên cứu quy định cụ thể. Trong đó, luật phải nói rõ trách nhiệm của người gửi và nhận thông báo.
Video đang HOT
“Sau khi gửi thông báo về cơ quan, hoặc địa phương, ai dám chắc thông tin không bị công bố rộng rãi hoặc vô tình lọt ra ngoài, đến tai những thân. Điều này sẽ gây ra hậu quả khôn lường.” – Luật sư Kiên e ngại.
Trừng phạt hay ngăn chặn?
Theo LS Phạm Thanh Bình, về mặt đạo đức, việc công khai danh tính người mua dâm về cơ quan, địa phương là không nên. Thông tin này có thể đến với người thân, quen, bạn bè và gây mất danh dự, tan vỡ hạnh phúc gia đình. Chưa kể, vợ con họ bị sốc và điều đó dẫn đến những hành vi đáng tiếc.
Ông Bình lấy ví dụ về vụ việc một cán bộ có chức vụ khá cao đi mua dâm, bị công khai danh tính. Ông này mất chức là xứng đáng. Nhưng con gái ông ta vì xấu hổ quá nên đã tự sát.
Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga (Trưởng Văn phòng Luật Hằng Nga) còn cho rằng, không nên công khai danh tính kể cả người mua dâm lẫn bán dâm.
Bà luật sư giải thích, mại dâm là sự thỏa thuận giữa hai bên. Luật hiện nay quy định chỉ phạt hành chính chứ không xử lý hình sự. Nộp phạt hành chính nghĩa là người mua dâm hay bán dâm đều đã chịu trách nhiệm về hành vi đó rồi. Người mua dâm không nhất thiết phải chịu một hình thức xử lý về mặt danh dự.
Công khai danh tính rất dễ gây ảnh hưởng hạnh phúc gia đình. Công khai danh tính người mua dâm chỉ phát huy tính trừng trị nhưng hạn chế tính giáo dục. Có người sẽ tiếp thu được cách giáo dục đó. Nhưng nhiều người không tiếp thu được. Việc công khai sẽ tác động rất xấu tới tâm lý. Người đó sẽ cảm thấy xấu hổ với người khác và dễ dẫn tới con đường tội lỗi khác.
Danh tính người bán dâm bị công khai nhưng người mua dâm thì không (Ảnh minh họa).
Ở nhiều nước, mại dâm được hoạt động hợp pháp. Ở Việt Nam, hành vi này chưa được hợp pháp hóa nên cơ quan chức năng vẫn phải xử lý hành chính. Điều đó đã cho thấy sự răn đe, không cần thiết có thêm hình thức nặng nề hơn nữa.
“Nhưng muốn xử lý, nâng mức phạt tiền lên là hiệu quả nhất. Mức phạt như hiện nay không ăn thua gì.” – LS Hằng Nga đề xuất.
Nhưng luật sư Hằng Nga cũng cho rằng, trong xã hội, nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt như: đàn ông chết vợ, đàn bà chết chồng, đi làm ăn xa, vợ không làm thỏa mãn,…
Để giải quyết triệt để vấn đề này, Nhà nước nên thành lập một tổ chức hợp pháp dành cho hoạt động này. Như vậy, Nhà nước vừa dễ quản lý lại thu được thuế, làm lợi cho ngân sách nhà nước. Cũng như nhiều nước, mại dâm nên được hoạt động theo tổ chức, có cơ sở, địa điểm, có chế độ quản lý, khám bệnh, kiểm tra định kỳ,… Người nào hoạt động không theo tổ chức, quy định sẽ bị xử lý nghiêm.
Theo Khampha
Công khai danh tính người mua dâm: "Vợ, con cũng nhục"
"Người đàn ông đi mua dâm bị công khai danh tính, vợ và con họ sẽ tổn thương lắm. Đối với văn hóa Á đông, công khai người mua dâm là bêu xấu cả gia đình, dòng họ. Điều này vi phạm quyền con người".
Sau khi UBND Thành phố Hà Nội đề xuất công khai danh tính người mua dâm đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục, đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.
Tình cảm gia đình rạn nứt
Bà Đỗ Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hành động vì cộng đồng, không đồng tình với đề xuất công khai danh tính người mua dâm. Bà Nhàn cũng là người đề xuất công nhận mại dâm là một nghề.
Bà Nhàn cho rằng, lý do công khai danh tính người mua dâm của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội đưa ra không thuyết phục. Công khai danh tính người mua dâm không thể giảm tệ nạn xã hội, đảm bảo hạnh phúc gia đình.
Theo bà Nhàn, đề xuất công khai danh tính người mua dâm không xuất phát từ thực tiễn. Đây chỉ là ý kiến chủ quan của một số người làm luật. Đề xuất không dựa trên nền tảng thực tế. Những người đề xuất quy định này không nghĩ đến hệ lụy đằng sau nó.
Người đàn ông đi mua dâm bị công khai danh tính, vợ và con họ sẽ bị tổn thương. (Ảnh minh họa)
Bà Nhàn lý giải, công khai danh tính người mua dâm sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Nếu người mua dâm bị công khai danh tính, chắc chắn gia đình sẽ bị rạn nứt, tìm cảm sứt mẻ. Người vợ nhìn nhận người chồng cũng khác. Gia đình, vợ con xấu hổ với những người xung quanh.
"Người đàn ông đi mua dâm bị công khai danh tính, vợ và con họ sẽ tổn thương lắm. Đối với văn hóa Á đông, công khai người mua dâm là bêu xấu cả gia đình, dòng họ. Điều này vi phạm quyền con người", bà Nhàn nói.
"Người làm luật chỉ cần đánh giá 1, 2 trường hợp sẽ thấy tác động của nó với xã hội, gia đình, cộng đồng. Đề xuất phải thận trọng, đừng để đưa ra thực hiện, sau đó mới sửa sai, rất khó cứu vãn", bà Nhàn bày tỏ.
Đồng quan điểm với bà Nhàn, ông Phạm Hoài Thanh, Trưởng phòng Truyền thông - Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng - cũng không đồng tình với đề xuất công khai danh tính người mua dâm.
Theo ông Thanh, công khai danh tính người mua dâm để lại hệ lụy nặng nề hơn mục đích của những người làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội mong muốn.
Công khai danh tính không thể ngăn được mại dâm
Theo bà Đỗ Thị Thanh Nhàn, người đàn ông tìm đến chị em mại dâm có thể do nhu cầu tình dục không được đáp ứng. Họ tìm đến mại dâm để giải quyết nhu cầu sinh lý. Nếu chỉ vì lý do này, người đó bị nêu tên trong làng xã, cơ quan thì danh dự, uy tín của họ sẽ bị tác động.
"Nếu cho rằng đó là những người ăn chơi, sa đọa, phá hoại hạnh phúc gia đình, rồi công khai danh tính họ là không đúng", bà Nhàn nói.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hành động vì cộng đồng chia sẻ: Tôi cũng đau xót với chị em mại dâm, không đồng tình với người mua dâm nhưng chỉ vì lý do đó mà công khai danh tính người ta sẽ không ổn. Trước kia, chỉ bắt mỗi gái mại dâm rồi công khai chụp ảnh, tôi thấy cũng bất công. Tất nhiên, công khai cả danh tính người mua dâm sẽ tạo sự bình đẳng, nhưng để công khai phải có nghiên cứu.
Bà Nhàn dẫn chứng: Cơ quan chức năng bắt được hai đôi đang mua bán dâm, trong đó, một đôi dùng biện pháp tuyên truyền. Đôi mua dâm khác bị công khai danh tính, thử hỏi, 2 cách can thiệp này, cách nào hiệu quả hơn, tác động nhiều hơn?
Bà Nhàn lo ngại nếu đề xuất này có hiệu lực, việc kiểm tra sẽ khó khăn. Cán bộ quản lý không thể kiểm tra được suốt ngày, suốt đêm trừ khi nhà nghỉ có camera quay và dọa sẽ công khai danh tính. Hơn nữa, người mua dâm sẽ tìm cách lách luật, các cô gái mại dâm có nguy cơ bị bóc lột, bạo hành tình dục nhiều hơn.
"Thử hỏi 1 đêm có 1 triệu người đi mua dâm, cơ quan quản lý bắt và công khai danh tính được mấy người?", bà Nhàn đặt câu hỏi.
Bà Nhàn cho rằng, công khai danh tính không ngăn mại dâm mà cơ quan quản lý nên giáo dục đạo đức, phong cách, cung cấp kiến thức kỹ năng về tình dục cho cộng đồng.
"Dù cơ quan quản lý không muốn nhưng nhu cầu về mại dâm vẫn tồn tại hàng triệu năm nay, nên làm thế nào tốt nhất giảm tác hại cho xã hội. Thay vì công khai danh tính người mua dâm nên cần kết hợp với giáo dục, xây dựng ngọn lửa yêu thương và tình dục tới các đôi vợ chồng để họ không tìm đến gái mại dâm nữa", bà Nhàn bày tỏ.
Bà Đỗ Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hành động vì cộng đồng (REACOM), luôn kiên quyết giữ quan điểm ủng hộ đề xuất mại dâm thành một nghề. Ở bất kỳ hội thảo nào bàn về lĩnh vực này, bà Nhàn cũng tranh thủ đứng lên bảo vệ quan điểm của mình. Theo bà Nhàn, dù gọi tên dưới hình thức nào thì hoạt động mại dâm cũng vẫn đã, đang diễn ra. "Không xét tới yếu tố vi phạm đạo đức, dù muốn hay không thì nhu cầu tình dục vẫn diễn ra không chỉ bây giờ mà đã có từ thời xa xưa. Có thể không bậc làm cha mẹ nào muốn con mình làm nghề vốn dĩ được coi không trong sạch ấy, nhưng chính họ cũng không thể phủ nhận thực tế đó", bà Nhàn khẳng định.
Theo Khampha
Hà Nội đề xuất công khai danh tính người mua dâm - Mới đây, Hà Nội đã có đề xuất kiến nghị tăng mức phạt hành chính đối vớingười mua dâm, đồng thời công khai danh tính của những người này để địa phương giáo dục, kiểm điểm. Tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, lãnh đạo UBND Hà Nội vừa đề nghị Quốc hội nghiên cứu thay thế...