“Giấu” bằng Đại học để làm công nhân: Việc có bình thường?
Người dân mong ngành chức năng có những giải pháp cụ thể chấn chỉnh tình trạng mất cân đối trong đào tạo và sử dụng nhân lực cho đất nước.
Hiện đang có rất nhiều cử nhân thất nghiệp, hoặc đang làm nhiều việc khác nhau không đúng với chuyên môn mà họ được đào tạo, nhiều người phải “giấu” bằng đại học để làm công nhân. Đành rằng có việc làm vẫn hơn là thất nghiệp, nhưng thực trạng này không thể nói là bình thường. Đại biểu Quốc hội và cử tri đang mong ngành chức năng có những giải pháp cụ thể chấn chỉnh tình trạng mất cân đối trong đào tạo và sử dụng nhân lực cho đất nước.
Thí sinh tham gia phỏng vấn trong đợt tuyển sinh của Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist (ảnh: Dân trí)
Học tập để nâng cao tri thức, kỹ năng và có một việc làm để nuôi sống bản thân, gia đình là một nhu cầu chính đáng của mọi người. Vì thế, 174.000 cử nhân, thạc sĩ không có việc làm nghĩa là có chừng ấy niềm mơ ước, sự kỳ vọng của sinh viên, phụ huynh bị dập tắt. Đó là sự lãng phí không nhỏ thời gian, tiền bạc, công sức của người học, gia đình và xã hội. Đặt trong bối cảnh đất nước đang trên đà phát triển, rất cần nguồn nhân lực trình độ cao thì sự lãng phí này thật khó chấp nhận.
Việc tăng nhanh số lượng các trường đại học thời gian qua đã tạo thêm nhiều cơ hội cho người học. Nhưng vì công tác phân luồng giáo dục chưa tốt, việc định hướng nghề nghiệp còn lệch lạc và tâm lý sính bằng cấp đã vô hình chung làm học sinh xem đại học là con đường vào đời duy nhất.
Đổ xô và ođại học, ra trường không có việc làm, tiếp tục học lên cao, lại không xin được việc, đội quân thất nghiệp được bổ sung thêm nhiều thạc sĩ, nhất là các chuyên ngành kế toán, quản trị kinh doanh… Bất đắc dĩ, nhiều cử nhân, thạc sĩ phải chấp nhận làm việc trái ngành nghề đào tạo, thậm chí có người phải giấu bằng cử nhân, thạc sĩ để xin làm công nhân. Cần phải nhìn nhận thực trạng này là rất không bình thường, là minh chứng đầy đủ và chua xót cho tình trạng nguồn nhân lực cung vượt quá cầu và chất lượng đào tạo đang có vấn đề.
Video đang HOT
Đào tạo trình độ cử nhân thì phải để người tốt nghiệp có tri thức, kỹ năng, phẩm chất làm được những công việc tương ứng trình độ họ được đào tạo, chứ không phải để làm công nhân.
Thay đổi quan niệm học tập và việc làm vốn đã ăn sâu trong tâm thức của mỗi ngành, mỗi người là điều khó thực hiện trong một sớm một chiều. Vì vậy, bên cạnh việc quy hoạch lại mạng lưới đào tạo, cải tiến chương trình giảng dạy, ngành nghề phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước, nâng cao hiệu quả dự báo và thông tin thị trường lao động, thì bản thân học sinh cũng cần ý thức hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho mình. Bởi một công dân tốt, trước hết là người biết suy nghĩ và hành động có trách nhiệm với chính mình./.
Theo VOV
Thạc sĩ, cử nhân ồ ạt học... trung cấp
Tại các trường trung cấp, số thạc sĩ, cử nhân theo học ngày càng đông. Quá trình "liên thông ngược" này cho thấy một sự lãng phí rất lớn trong đào tạo đại học hiện nay.
Lê Thu Hòa, quê Nghệ An, tốt nghiệp hệ CĐ ngành kế toán tại một trường ĐH ở TPHCM nhưng sau nhiều tháng chờ việc, cô quyết định đăng ký học ngành quản trị nhà hàng của Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist. Cũng dự tuyển vào trường này, thí sinh Nguyễn Hồng Phước cho biết đã tốt nghiệp hệ CĐ ngành quản trị kinh doanh tại một trường ĐH, tuy đã nộp hồ sơ vào nhiều công ty nhưng không có hồi âm nên quyết định chuyển hướng.
30% liên thông ngược
Ở Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, trong số 2.000 học sinh trường tuyển mỗi năm, khoảng 600 người có bằng ĐH, CĐ, thậm chí thạc sĩ - chiếm khoảng 30%. Ông Trần Văn Hùng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết hầu như những người đã có bằng ĐH, CĐ quay lại học trung cấp đều đang thất nghiệp và không thiếu ngành nghề nào.
Thí sinh tham gia phỏng vấn trong đợt tuyển sinh của Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist.
Tại nhiều trường trung cấp khác, tỉ lệ những người đã có bằng ĐH, CĐ cũng chiếm 20%-30%. Ông Lê Lâm - Chủ tịch HĐQT, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đại Việt - cho biết năm 2011 có 1.812 học sinh thì 308 người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ và thạc sĩ. Năm 2012 có 1.607 người học thì 304 có bằng ĐH, CĐ.
Ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng, cho biết mỗi năm, trường chỉ tuyển 1.000 học sinh nhưng tới 30% trong số đó đã có bằng ĐH, CĐ. Họ đã tốt nghiệp ở đủ ngành nghề và rất nhiều học viên tốt nghiệp các trường ĐH công lập...
Đại diện nhiều trường cho biết những người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ chưa có việc làm quay lại học trung cấp ở những ngành nghề phù hợp hơn, dễ tìm việc làm hơn.
Hiện chưa có thống kê cụ thể từ phía ngành chức năng nhưng thực tế, những người đã có bằng ĐH, CĐ quay lại học trung cấp, học nghề ngành càng nhiều. Hiện tượng này được ví von là quá trình "liên thông ngược" hoặc "học viên sau ĐH".
Hệ quả của đào tạo ĐH, CĐ tràn lan
Theo công bố của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quý IV/2013, cả nước có thêm 72.000 lao động trình độ ĐH, CĐ thất nghiệp. Trong khi đó, chỉ tiêu vào ĐH tăng theo từng năm. Thực tế này khiến không ít người xót xa.
Ông Đặng Văn Sáng tính toán chi phí cho một người học ĐH bình thường không dưới 100 triệu đồng, bao gồm học phí và các chi phí khác. Bốn năm đèn sách ra trường thất nghiệp rồi lại tiếp tục học một nghề để mưu sinh là sự lãng phí rất lớn. Nhiều người trong số đó đang ôm theo cả một khoản nợ lớn mà chưa biết khi nào mới trả được.
Sở dĩ có tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng hệ ĐH, CĐ tăng quy mô tuyển sinh khiến số lượng người theo học hệ này ngày càng nhiều nhưng không cần tính đến nhu cầu nhân lực thật sự mà xã hội đang cần. Ông Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn, chỉ ra rằng năm 2014, chỉ tiêu vào ĐH là trên 400.000, CĐ trên 280.000 và hệ TCCN dự kiến 300.000. Nếu tính thêm chỉ tiêu các hệ vừa làm vừa học, liên thông ở các trường ĐH, CĐ và chính quy trong các trường CĐ, trung cấp nghề... thì có gần 1,1 triệu chỉ tiêu. Như vậy, với tỉ lệ 70% ĐH, CĐ và TCCN 30% thì tỉ lệ cơ cấu này hoàn toàn không hợp lý, dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ.
Ngoài ra, tâm lý chuộng bằng cấp và công tác hướng nghiệp chưa hiệu quả cũng là nguyên nhân của sự lệch hướng. Ông Lê Lâm cho rằng chính công tác hướng nghiệp thời gian qua chưa tốt nên trong việc chọn ngành nghề, học sinh vẫn chạy theo ngành "hot", ngành dễ học chứ không phải chọn theo năng lực. Tình trạng ngồi nhầm ĐH xảy ra nhiều năm, với nhiều sinh viên nên chuyện những cử nhân, kỹ sư thất nghiệp rồi quay lại học trung cấp với quyết tâm làm lại cuộc đời ngày càng phổ biến và trở thành vấn đề nhức nhối.
Ông Đặng Văn Sáng nhìn nhận ở tầm vĩ mô, trong tương lai gần phải xây dựng được cơ cấu nhân lực, từ đó xác định chỉ tiêu các ngành nghề, loại hình để Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ xây dựng chiến lược nguồn nhân lực cho phù hợp, tránh sự lãng phí như hiện nay.
"Học tập là chuyện suốt đời nhưng việc có đến hàng chục triệu người tốt nghiệp ĐH, CĐ thất nghiệp rồi quay lại học trung cấp, học nghề hẳn chỉ có ở Việt Nam" - một chuyên gia giáo dục nhận định.
Theo Huy Lân
Người Lao Động