Giật mình nhận định “ly hôn làm gia tăng xâm hại tình dục trẻ em”
Đây là nỗi lo lắng của bà Hoàng Tú Anh – Giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khỏe dân số. Chia sẻ ngày 17.4, bà Tú Anh cho rằng, nhận định như vậy làm gia tăng định kiến với người ly hôn, đồng thời lại “gỡ tội” cho kẻ thủ ác.
Trước đó, theo tin báo chí đưa, tại hội nghị tiếp xúc cử tri tại Đà Nẵng, chuyên đề Xâm hại tình dục trẻ em, một đại biểu đã nhận định, ly hôn hiện nay cũng đang là nguyên nhân làm gia tăng mối nguy hại đối với trẻ em khi hạnh phúc gia đình bị rạn nứt, trẻ thiếu đi sự quan tâm của cha mẹ, không được giáo dục đầy đủ.
“Việc một vị chức sắc lại cho rằng “ly hôn khiến trẻ thiếu sự quan tâm của cha mẹ, không được giáo dục đầy đủ” và là nguyên nhân làm gia tăng mối nguy hại về xâm hại tình dục cho trẻ là rất thiếu nhạy cảm, rất “lạc đề”, thậm chí khoét sâu nhiều định kiến cho người ly hôn, đặc biệt là phụ nữ” – bà Hoàng Tú Anh nhận định.
Theo bà Tú Anh, cho dù hiện nay, Luật pháp cũng như nhận thức của mọi người cũng cởi mở, tiến bộ hơn, nhưng ly hôn vẫn là lựa chọn khó khăn, nhất là phụ nữ. Thậm chí, trong nhiều hoàn cảnh, phụ nữ không được lựa chọn. Họ chấp nhận chịu đựng người chồng bạo lực, ngoại tình chỉ vì để “được tiếng” là phụ nữ có chồng, con có bố. Nhiều phụ nữ rất sợ nếu họ ly hôn thì con cái họ sẽ bị đánh giá là “nhà không nóc”, “con không được dạy dỗ đầy đủ”. Họ sợ con gái của họ sẽ không lấy được chồng vì có mẹ ly hôn. Vì trong mắt nhiều người, ly hôn là do phụ nữ không biết cách giữ gìn, chăm sóc gia đình, lăng nhăng, phù phiếm nên mới bị “chồng bỏ”. Còn đứa con có bố mẹ ly hôn thì bị đánh giá là không nhận được sự giáo dục, chăm sóc đầy đủ của bố mẹ nên thường hư hỏng hoặc ngu ngơ.
Đổ lỗi cho nạn nhân bị xâm hại tình dục thiếu hiểu biết là “gỡ tội” cho kẻ thủ ác.
“Nếu một đứa trẻ phải sống trong cảnh bố mẹ đánh chửi nhau thì sẽ tổn thương hơn nếu như hai bố mẹ chia tay nhau trong bình tĩnh. Cũng không có bằng chứng gì trong việc, trẻ có bố hay mẹ ly hôn lại không được chăm sóc, giáo dục đầy đủ. Không lý gì hai người không yêu nhau lại miễn cưỡng chấp nhận cuộc sống chung đầy bất hạnh, dối lừa “chỉ vì con”" – bà Tú Anh chia sẻ.
Bà Tú Anh kể, trong quá trình làm việc về bạo lực giới, bà đã gặp nhiều phụ nữ có cuộc sống tốt hơn sau khi ly hôn. Trải qua mất mát, họ trân trọng hơn những gì mình có và dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc cho con và bản thân. “Tôi cũng biết nhiều người mẹ trò chuyện, chia sẻ với con nhiều hơn khi họ ra khỏi cuộc hôn nhân đau khổ. Mối quan hệ của họ với con không chỉ là “mẹ con” mà còn là sự gắn bó tôn trọng, bình đẳng giữa những người bạn tâm giao. Vì bản thân đã chịu nhiều tổn thương nên họ cũng lường trước được nhiều nguy cơ, chú trọng giáo dục kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân…”
Video đang HOT
Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong Mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam GBVNet, nguy cơ các vụ xâm hại tình dục trẻ em gia tăng là do hiện nay chúng ta có quá nhiều định kiến và coi nhẹ tội phạm này. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em dù đã có bằng chứng rõ ràng, kẻ thủ ác đã nhận tội nhưng lại được xử lý theo cách “hòa giải”, trong khi ở các nước khác, tội phạm này sẽ bị xử lý hình sự, dù nạn nhân có tố cáo hay không.
Ngoài ra, quy trình tố tụng ở nhiều nơi còn có kẽ hở và thiếu nhạy cảm, gây thêm tổn thương cho nạn nhân và gia đình. Điều này khiến nhiều người đã “giấu nhẹm” việc mình hoặc con cái mình bị xâm hại tình dục vì sợ bị “ném đá”. Không ít cán bộ trong các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, thay vì thực hiện trách nhiệm của mình lại đổ lỗi cho nạn nhân là thiếu hiểu biết hoặc không hành xử đúng mực.
“Giống như việc nạn nhân có thể bị đổ tội là “thiếu giáo dục do bố mẹ ly hôn” – bà Tú Anh cho biết.
Những rảo cản về thể chế như vậy, trong bối cảnh một nền văn hóa coi tình dục là điều không đáng bàn và đổ lỗi cho nạn nhân của bạo lực tình dục càng khiến cho vấn nạn này không những giảm mà còn gia tăng với diễn biến ngày càng phức tạp.
“Như vậy, nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em đến từ sự dung túng của pháp luật với các hành vi bạo lực và xâm hại tình dục; sự không có kiến thức và sự bàng quang không chịu lắng nghe con trẻ của người lớn nói chung. Đừng đổ lỗi cho ly hôn, quy chụp tội “thiếu giáo dục” cho trẻ khiến cho tội phạm tình dục lại lần nữa được “gỡ tội”- bà Tú Anh nói.
Theo Danviet
29.000 chữ ký của người dân đề nghị chống xâm hại tình dục trẻ em
Ngày 17.3, 24 tổ chức xã hội đã thu thập 29.000 chữ ký của người dân để cùng nhau ký tên kiến nghị Thủ tướng và Chủ tịch Quốc về nạn xâm hại tình dục trẻ em.
Kiến nghị viết: "Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, từ năm 2010 đến năm 2013, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi từ 867 vụ lên đến 1544 vụ vào năm 2014. Như vậy, nếu trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục, thì cứ 8 giờ trôi qua lại có ít nhất một đứa trẻ bị xâm hại tình dục. Nạn nhân thường bị đe dọa để không dám tố cáo thậm chí bị giết chết để bịt đầu mối.
Theo một nghiên cứu tổng hợp gần đây của chúng tôi từ 322 vụ xâm hại tình dục được đưa tin trên báo trong 5 năm từ 2011 - 2016 , có tới 21,2% nạn nhân dưới 10 tuổi, thậm chí có bé chỉ mới 2 tuổi. 60% nạn nhân ở độ tuổi 11-25. Số trường hợp bị bạo lực kép (nạn nhân vừa bị cưỡng hiếp, bị cướp tài sản vừa bị hành hụng thậm chí bị giết chết) chiếm 32%. Số vụ hãm hiếp tập thể với phần lớn do 3-5 thủ phạm chiếm 13,5%.
Qua phản ánh của báo chí và nghiên cứu thực tế của chúng tôi cho thấy, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, dù có bằng chứng rõ ràng, thậm chí có dấu hiệu hình sự lại được xử lý theo cách "hòa giải". Các bộ luật liên quan còn có những khoảng trống khiến cho các công cụ pháp lý kém hiệu lực, có nguy cơ bỏ sót tội phạm.
Thư kiến nghị
Điển hình là vụ 9 cháu bé ở Vũng Tàu bị một người đàn ông cao tuổi xâm hại kéo dài hơn 1 năm mà thủ phạm vẫn nhởn nhơ.... Hay vụ cháu bé 3 tuổi ở Ba Vì và vụ cháu bé 8 tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội) bị xâm hại cuối năm 2015. Gia đình hai cháu đều đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm.
Ngay sau Tết Đinh Dậu, một cháu bé 13 tuổi đã tự vẫn vì bị hàng xóm xâm hại nhiều lần nhưng không được các cơ quan chức năng xử lý dù gia đình đã báo cáo. Cách đây không lâu vụ cháu bé 8 tuổi ở Hoàng Mai bị xâm hại nhiều lần bởi người đàn ông 34 tuổi. Gia đình đã tố cáo nhiều lần nhưng kẻ ác vẫn không bị xử lý. Gần đây nhất là vụ cháu bé 7 tuổi ở Thủ Đức (Tp HCM) bị kẻ xấu xâm hại ở trường dẫn đến tổn thương, gia đình tố cáo vụ việc lên các cơ quan chức năng nhưng kẻ xấu vẫn không bị vạch mặt mà còn được che giấu...
Kiến nghị cũng bày tỏ sự vui mừng vì những dấu hiệu tích cực khi Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã chỉ đạo cho Viện KSND Vũng Tàu và cơ quan điều tra ran gay quyết định khởi tố bị can đối với thủ phạm dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu, đồng thời yêu cầu các tỉnh rà soát lại các vụ án về xâm hại tình dục trên toàn quốc. Cùng đó, vụ án trẻ 8 tuổi bị xâm hại tình dục ở Hoàng Mai cũng đã bắt giam thủ phạm...
Cần có các giải pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em
Theo các nhà xã hội, một số lý do khiến các vụ xâm hại còn chậm chễ và ít được tố cáo là do:
Quy trình tố tụng ở một số nơi có nhiều kẽ hở và thiếu nhạy cảm, gây nên tổn thương và thiệt thòi cho nạn nhân và gia đình. Không ít cán bộ trong các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em thay vì thực hiện trách nhiệm của mình lại đổ lỗi cho nạn nhân là thiếu hiểu biết hoặc hành xử không đúng mực.
Sự chậm chễ giải quyết, thậm chí thái độ tắc trách, làm ngơ trước các vụ xâm hại tình dục trẻ em ở một số địa phương càng khiến cho nạn nhân và gia đình của họ mất lòng tin vào công lý và chịu tổn hại nặng nề hơn, đồng thời gây ra sự bức xúc cao trong dư luận xã hội.
Từ ngày 13.3 đến 17.3, Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó với Bạo lực giới GBVNet đã tổ chức lấy chữ ký của người dân thông qua mạng xã hội bày tỏ sự ủng hộ phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Trong chưa đầy 4 ngày ngày đã lấy được 29.000 chữ ký.
Tuy nhiên, để tăng cường ngăn chặn sớm các vụ xâm hại tình dục trẻ em, 24 tổ chức xã hội, đã kiến nghị các giải pháp: 1.Quốc hội và các cơ quan pháp luật rà soát hệ thống pháp luật, chính sách liên quan nhằm tăng cường quyền lực cho công cụ pháp lý bảo vệ tính mạng, nhân phẩm và quyền lợi của công dân, đặc biệt là trẻ em. 2. Quốc hội và các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật để đảm bảo tất cả các vụ xâm hại tình dục trẻ em phải được đưa ra ánh sáng và giải quyết thấu đáo. Đồng thời chấm dứt cách xử lý theo kiểu hòa giải đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em. 3. Các cơ quan chức năng được tăng cường năng lực để vào cuộc nhanh chóng, giải quyết kịp thời và hiệu quả ác vụ xâm hại tình dục... 4. Các cơ quan có chức năng giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em như Bộ GD ĐT, Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế cần nhanh chóng xây dựng mới hoặc cập nhật nội dung giáo dục giới tính, tình dục và kỹ năng sống cho trẻ em trong và ngoài trường học để các em có kiến thức tự bảo vệ mình... 5. Các cơ quan liên quan cũng cần phối hợp với các đoàn thể xã hội tổ chức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, tinh thần và xã hội cho nạn nhân và gia đình để họ vượt qua cú sốc tâm lý... 6. Bộ tư pháp và cơ quan truyền thông tăng cường phổ biến giáo dục các quy định của pháp luật liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, quy trình tố tụng điều tra trường hợp xâm hại tình dục và cơ quan có trách nhiệm tham gia điều tra và hỗ trợ 7.Thiết lập số điện thoại đường dân nóng quốc gia báo cáo trường hợp xâm hại tình dục trẻ em...
Theo Danviet
Cha mẹ không biết con 13 tuổi mang bầu suốt 9 tháng Khi bé lớp 7 đau bụng dữ dội, gia đình đưa đi cấp cứu mới hay con đã đến lúc sinh, vài tiếng sau một đứa trẻ chào đời. Ngày 12/4, Công an tỉnh Thanh Hoá lấy mẫu giám định ADN của bé gái mới sinh con và một thanh niên tình nghi nhằm truy tìm thủ phạm xâm hại tình dục trẻ...