Giật mình cán cân thương mại Việt Nam – Trung Quốc: Nhập siêu tăng 100 lần trong 10 năm
Dù được lý giải là gần, hợp trình độ của ta, song việc nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc (TQ) đang biến Việt Nam (VN) thành nền kinh tế “ sao chép”, lạc hậu mà hậu quả là không nhập khẩu được các hàng hóa tốt, công nghệ nguồn, công nghệ mới…
Ngành hàng có thế mạnh, vẫn nhập khẩu
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2001, VN bắt đầu nhập siêu từ TQ với mức 210 triệu USD. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn 10 năm, nhập siêu từ TQ của VN đã tăng khoảng 100 lần.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2013, VN xuất khẩu sang thị trường TQ đạt 13,1 tỷ USD trong khi đó nhập khẩu từ quốc gia này ước tính đạt 36,8 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương 7,8 tỷ USD). Như vậy, TQ là thị trường nhập siêu lớn nhất của VN với mức 23,7 tỷ USD năm vừa qua.
Phần lớn dưa hấu Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (trong ảnh – Anh Trương Ngọc Hùng ở thôn 11, xã Ea Rôk (huyện Ea Súp) Đăk Lăk). Ảnh Nguyễn Hiếu.
Hàng hóa của TQ đang thâm nhập và phân hóa mạnh mẽ nguồn hàng được sản xuất trong nước, khiến thâm thụt thương mại giữa VN và TQ ngày càng lớn. Bộ Công thương cũng nhận định, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa VN và TQ tăng mạnh qua từng năm với ưu thế nghiêng về hàng hóa TQ và khoảng cách nhập siêu của VN cũng liên tục nới rộng.
Hiện sản phẩm VN xuất sang TQ thường dưới dạng thô, nguyên liệu và nhập về sản phẩm hoàn thiện. Ví dụ, chúng ta đang xuất khẩu mủ cao su để nhập về vỏ ruột xe của TQ; xuất than, khoáng sản và nhập về sắt thép; xuất gỗ dăm, gỗ nguyên liệu và nhập về các sản phẩm gỗ ép, giấy làm từ nguyên liệu gỗ…
Video đang HOT
Điều đáng nói hiện rất nhiều mặt hàng VN có thế mạnh, như nông sản, thủy sản vẫn được nhập ồ ạt từ TQ về VN. Số liệu từ các cơ quan xuất nhập khẩu cho thấy, gần một nửa rau quả nhập từ nước ngoài vào VN là từ TQ. Không chỉ nhập khẩu các loại trái cây, rau củ mà cả nguyên vật liệu, tư liệu đầu vào như máy gặt, lúa giống… cũng lệ thuộc vào TQ.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), VN có khoảng 700.000ha trồng lúa lai (chủ yếu ở miền Bắc và Bắc Trung bộ) nhưng nguồn giống lúa lai lại chủ yếu nhập của TQ (chiếm khoảng 60-70% diện tích). Mỗi năm VN chi khoảng 40 triệu USD để nhập khẩu 13.000-15.000 tấn lúa giống từ TQ, tương đương với xuất khẩu 100.000 tấn gạo cao cấp (5% tấm).
VN có hơn 100 công ty, đơn vị đăng ký sản xuất lúa lai nhưng phần lớn các đơn vị này lại làm chức năng thương mại, tức là mua giống lúa từ TQ về bán cho nông dân. Theo Tổng cục Hải quan, mỗi năm, VN lại nhập khẩu nhiều hơn các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, trong đó phần lớn từ TQ.
Nhập khẩu phân bón từ TQ vẫn chiếm khoảng 50% tổng lượng phân bón nhập khẩu của VN. Tương tự, thuốc bảo vệ thực vật nhập từ TQ cũng chiếm tới 50% tổng lượng nhập của VN mỗi năm.
Không bình thường
Có thể nói, trong quan hệ thương mại toàn cầu của VN, kim ngạch 2 chiều giữa VN và TQ tăng mạnh nhất trong hơn thập niên qua. Tuy nhiên, kim ngạch càng tăng, thâm hụt của VN càng lớn, phần lợi nghiêng hẳn về phía TQ.
Ông Bùi Huy Sơn – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho rằng, với xu thế hội nhập hiện nay, VN đang đối mặt với nguy cơ trở thành “thị trường tiềm năng” cho xuất khẩu hàng hóa của các nước, trong đó có TQ.
Lý giải cho tốc độ tăng nhập siêu một cách phi mã từ TQ của VN, ông Sơn cho rằng, do năng lực sản xuất hàng tiêu dùng trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu, sức cạnh tranh yếu, hiệu quả đầu tư và năng suất lao động yếu… Quan trọng hơn, do chúng ta thiếu một nền công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp (DN) phải nhập đến 80-90% nguyên phụ liệu cho sản xuất và TQ là thị trường cung ứng dồi dào, giá rẻ.
Chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Minh Phong cũng nhận định, nhập siêu từ TQ với quy mô lớn như hiện nay là hiện tượng không bình thường. “Nhập siêu triền miên nhưng lại phân bổ không đều cho các thị trường. Nhập siêu chỉ dồn vào mấy thị trường ở châu Á, đặc biệt là nước láng giềng TQ, chiếm chủ yếu trong tổng số nhập siêu của cả nước.
Hậu quả là chúng ta không nhập khẩu được công nghệ nguồn, kỹ nghệ mới mà chỉ là công nghệ sao chép, lạc hậu. Dù được lý giải là gần, hợp trình độ của ta, song không ai quên được bài học từ những nhà máy ximăng công nghệ lò đứng TQ”-ông Phong nói.
Đồ họa – HS Việt Anh.
TS Nguyễn Minh Phong cho rằng giải pháp căn cơ hiện nay là VN cần phải làm tốt những mặt hàng thế mạnh của mình để nâng cao sức cạnh tranh cả về giá và chất lượng khi hàng TQ tràn vào. Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ đường nhập khẩu tiểu ngạch, luật hóa hoạt động mua bán 2 bên để tăng cường yếu tố pháp lý, bảo vệ người dân, DN VN khi có tranh chấp xảy ra.
Thực tế, theo các chuyên gia, VN đang đi ngược lại mục tiêu giảm nhập khẩu từ thị trường TQ. Hàng TQ vẫn bị đánh giá là chất lượng kém và máy móc thiết bị TQ nhập về VN không phải là công nghệ hiện đại. Tham tán thương mại VN tại TQ, ông Đào Trần Nhân cũng nêu rằng, về lâu dài, VN cần giảm nhập siêu từ TQ bằng cách tăng xuất khẩu hoặc đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở các ngành công nghiệp đầu vào, bởi phụ thuộc vào một thị trường là không có lợi.
Cũng lên tiếng về giải pháp giảm nhập siêu từ TQ, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, phải có một giải pháp tổng thể, đồng bộ và sự thực thi tích cực, chủ động của tất cả các bộ, ngành, các địa phương, DN và người tiêu dùng.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã nghiên cứu đề án giảm nhập siêu từ một số thị trường chủ yếu. Theo đó, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu được coi là giải pháp chính, lâu dài để giảm nhập siêu. Bộ Công Thương đã chủ động đàm phán và ký kết với phía TQ các thỏa thuận hợp tác nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng, minh bạch và ổn định cho hàng xuất khẩu của VN, đặc biệt là các nhóm hàng có thế mạnh như nông sản, thủy sản.
Ngoài ra, để tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập khẩu từ TQ, Bộ Công thương cũng đề ra biện pháp thu hút nguồn đầu tư vào VN đối với các lĩnh vực đang yếu và thiếu, đặc biệt là các ngành sản xuất nguyên liệu đầu vào cho phát triển kinh tế trong nước và gia công xuất khẩu giảm dần và thay thế nguốn nguyên nhiên liệu vẫn phải nhập từ nước ngoài (xăng dầu, phân bón, sắt thép, vật liệu xây dựng, nguyên phụ liệu dệt may, da…).
Cho đến nay, tình hình nhập siêu từ TQ vẫn đang ngày một gia tăng: 4,4 tỉ năm 2006; 11,5 tỉ năm 2009; 12,7 tỉ USD năm 2011; 16,4 tỉ USD năm 2012; và 23,7 tỉ USD trong năm 2013. Các chuyên gia kinh tế đang lo ngại, nhập siêu của VN từ TQ sẽ trên 25 tỉ USD trong năm 2014 này.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tốc độ tăng nhập siêu giai đoạn 2001-2008 là 85%, đến giai đoạn 2009-2013 đã giảm còn 17%. Tỉ lệ giá trị nhập siêu/xuất khẩu cũng có chuyển biến lớn, nếu năm 2008 tỉ lệ trên đạt 255% thì đến năm 2012 còn 133%. Tỉ trọng các nhóm hàng xuất khẩu công nghiệp có giá trị gia tăng lớn được nâng cao, nhóm nguyên nhiên liệu và khoáng sản xuất sang TQ giảm dần. Cụ thể, giai đoạn 2009-2012, nhóm tỉ trọng hàng công nghiệp giá trị cao đã tăng từ 10%-40%, nhóm hàng nông sản tỉ trọng tăng từ 20%-30%, nhóm hàng nguyên nhiên liệu giảm từ 55% còn 18,7%. Trong đó, việc nhập khẩu nguyên – nhiên – vật liệu sản xuất như máy móc, thiết bị, phân bón, hóa chất, xăng dầu, vải vóc… chiếm tới 70%-80% kim ngạch nhập khẩu. Điều đáng nói hiện rất nhiều mặt hàng VN có thế mạnh, như nông sản, thủy sản vẫn được nhập ồ ạt từ TQ về VN. Số liệu từ các cơ quan xuất nhập khẩu cho thấy, gần một nửa rau quả nhập từ nước ngoài vào VN là từ TQ. Không chỉ nhập khẩu các loại trái cây, rau củ mà cả nguyên vật liệu, tư liệu đầu vào như máy gặt, lúa giống… cũng lệ thuộc vào TQ.
Theo Mai Hương
Dân Việt
Giao thương Việt - Trung vẫn bình thường
Ngày 2-6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường. Về việc Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc, Bộ Công Thương đã nhiều lần đề cập đến tình trạng này và có biện pháp khắc phục. Hiện có 2 cách để giảm nhập siêu từ Trung Quốc.
Một là tăng cường xuất khẩu, trong 4 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh, tới 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều mặt hàng của Việt Nam có giá cả cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Hai là giảm nhập khẩu bằng cách tăng cường sản xuất trong nước. Nhiều mặt hàng trong nước đã được tăng tỷ lệ nội địa hóa. Mặt khác, nếu cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được đẩy mạnh trong bối cảnh hàng Việt Nam đã khẳng định được chất lượng tại nhiều thị trường như: EU, Mỹ... sẽ góp phần tích cực vào việc hạn chế nhập siêu. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng lưu ý, cả người dân và doanh nghiệp không nên để tâm lý về sự kiện Biển Đông tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ANTD
Vì sao người Việt nghèo mà không 'thắt lưng buộc bụng'? "Người Việt nghèo mà xài sang", thoạt nhìn hiện tượng đó, có người lạc quan coi đó là dấu hiệu đáng mừng vì xã hội tiêu dùng phát triển. Tuy nhiên, nếu suy ngẫm kỹ một chút thì không phải như vậy, thậm chí hiện tượng này phản ánh một thực tế hoàn toàn ngược lại. Hiệp hội Bia - Rượu - Nước...