Giáo viên xoay xở mùa dịch – Kỳ 1: Đợt nghỉ tết… nhớ đời!
Dịch bệnh COVID-19 hoành hành làm nhiều giáo viên ’sảy trường ra thất nghiệp’. Nhiều thầy cô lâm cảnh khó, phải về quê ‘lánh nạn’ bằng ruộng vườn, hoặc trụ lại thành phố làm shipper, gia sư online, bán đồ qua mạng, thậm chí làm cả ‘vú em’…
Được dạy online cho sinh viên, học sinh là mong muốn của nhiều giáo viên lúc này, nhưng nhiều nơi đang gặp khó – Ảnh: DIỆU QUÍ
“Đây là một kỳ nghỉ tết đáng nhớ nhất của nghề giáo và sẽ được kể lại qua nhiều năm sau nữa trong lịch sử ngành giáo dục”, thầy Ngô Hoàng Huy (27 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) mở đầu câu chuyện những ngày tạm thất nghiệp chưa biết bao giờ mới được trở lại giảng đường.
Lo chồng lo
Khi trường thông báo nghỉ thêm 1-2 tuần đầu, anh Huy thấy vui “tưởng được nghỉ ngơi thêm ít hôm”. Nhưng càng về sau anh càng thấy có gì đó “sai sai” rất không bình thường.
“Cứ ngỡ nghỉ 1-2 tuần nên hào hứng lắm vì vẫn được trả lương. Giờ được nghỉ hơn cả tháng mà lại vui không nổi” – Huy cho biết.
Thầy giáo trẻ cho hay anh chỉ biết dạy học, chưa từng nghĩ đến làm việc khác. Nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, anh sẽ thất nghiệp.
Nơi anh làm việc nghỉ đến đầu tháng 4, thời gian này anh tìm đến vài trung tâm đang tuyển giáo viên online để được dạy học, đỡ nhớ nghề và cũng có đồng ra đồng vào.
“Nhưng chắc tôi có duyên với việc dạy truyền thống hơn nên đâu vẫn hoàn đấy, tới giờ vẫn được rảnh rang nè”, anh cười méo miệng.
Huy có bốn năm đứng lớp tại Trung tâm Anh ngữ quốc tế Việt – Úc (Q.10, TP.HCM), việc dạy đã chiếm hết cả ngày. Phụ trách tiếng Anh giao tiếp và luyện thi IELTS, mỗi tuần Huy dạy sáu ngày, nếu không lên lớp thì cũng ở nhà chuẩn bị giáo án, chấm bài. Giờ tự nhiên ở không, Huy không quen nổi.
Nhớ học trò và để các bạn không quên bài vở, Huy cung cấp tài liệu nghe – đọc tiếng Anh trong thời gian nghỉ, sửa bài cho học viên có nguyện vọng muốn học.
“Thời gian này tôi vẫn sẵn sàng hỗ trợ các bạn nào có nhu cầu trao đổi bài vở. Thấy nhiều bạn ham học, mình cũng mừng”, thầy Huy tâm sự.
Huy cho biết dù phải chịu cảnh thất nghiệp nhưng anh đồng ý với việc không cho học viên đến lớp những ngày này.
“Dịch bệnh kéo dài làm mọi người hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng tâm lý chung khá nhiều. Để đảm bảo an toàn cho tất cả chúng ta thì trường buộc phải đóng cửa, dù con số tổn thất không hề nhỏ”.
Video đang HOT
“Buồn lắm nhưng đành chịu thôi!” – Huy nói từ lúc mất việc “bất đắc dĩ” tới giờ, thu nhập của anh giảm gần như 70-80%. Mặc dù trường có hỗ trợ một phần lương nhưng nghỉ dạy quá lâu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến gia đình Huy, bởi phần lớn lương nghề giáo của anh dùng để lo cho cả nhà.
Tâm sự với chúng tôi, Huy cho biết anh đã chuẩn bị sẵn tâm lý nếu chẳng may trường phải cắt giảm nhân sự vì không kham nổi thiệt hại.
“Nếu trường hợp đó xảy ra cũng sẽ buồn chứ! Nhưng mình khó khăn, người ta cũng vậy nên tôi rất thông cảm với trường. Tôi nghĩ quyết định cắt đi công việc của một cá nhân là bước đi cuối cùng của doanh nghiệp trong thời điểm này, dù thật lòng họ không muốn làm như vậy.
Cho nên nếu nằm trong số người bị cắt giảm biên chế, mình cũng phải chấp nhận và tiếp tục tìm kiếm cơ hội mới thôi…”, thầy giáo trẻ bộc bạch.
Thầy Hoàng Huy (bìa trái) từng ngày mong có lại buổi dạy vui vẻ như thế này – Ảnh: NVCC
Trở tay không kịp
Chỉ mấy hôm sau khi nhận được thông báo học sinh phải nghỉ học vì dịch, Linh Chi, cô giáo mầm non ở phường Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội), dán mắt suốt vào smartphone để tìm việc trên mạng.
Khi còn dạy học, chỉ buổi tối cô mới có thời gian cầm điện thoại. Bây giờ hễ thấy điện thoại rung hay màn hình sáng là cô vồ lấy, đọc ngấu nghiến, hi vọng kiếm được việc làm.
Chi tham gia gần 30 fanpage, group trên mạng xã hội để tìm việc. Cô mong muốn được làm theo giờ, không xa nhà quá và đúng sở trường là nuôi dạy trẻ mẫu giáo. Linh Chi nhà ở Hà Đông, nhưng từ khi lập gia đình, vợ chồng thuê nhà riêng để sống tự lập.
Chồng cô làm việc cho một công ty chuyển phát. Dịch COVID-19 hoành hành, Chi phải nghỉ không lương, công ty của chồng cũng khó khăn không kém. Vài tuần tới, chồng cô có thể cũng phải nghỉ luân phiên vì công ty cắt giảm lao động.
Chi được đào tạo chuyên ngành mầm non, việc chăm vài đứa trẻ, cho chúng ăn, chơi, dạy kỹ năng… với cô nhẹ tựa lông hồng. Nhiều tin nhắn, nhiều cuộc điện thoại trao đổi, người thuê cũng trả công hậu hĩnh nhưng có điều kiện là cô phải ở lại nhà với họ, làm lâu dài.
Như vậy quá khó cho cô. Chi có con nhỏ, cô phải tranh thủ chăm con, lo việc nhà. Ròng rã hơn tháng trời, Chi chưa kiếm được công việc như mong muốn.
“Cũng may nhà bố mẹ em ở gần, thỉnh thoảng ông bà còn “cứu trợ” chứ ở xa thì vợ chồng em không biết xoay xở thế nào”, Chi trải lòng nỗi lo. Mấy tuần đầu tiên nghỉ sau tết, mẹ chồng cô gửi rau sạch ở quê lên, cô trở thành cô bán rau online. Được đồng nào, vợ chồng cô “túc tắc qua ngày” đồng đó.
Chi kể chị em đồng nghiệp ở trường cô cũng lâm vào cảnh tương tự. Nghỉ không lương, nhiều người về quê lánh dịch, người ở nhà được chồng nuôi nhưng phần lớn tự đi tìm việc.
Hết nghỉ tết lại nghỉ dịch, mà chỗ nào cũng nghỉ, công việc của cô càng ngày càng khó tìm. Chi làm việc quanh quẩn ở nhà, cô tìm được một chân phụ việc ở kho hàng gia dụng gần nhà.
“Thỉnh thoảng thiếu người, họ gọi thì em chạy sang làm. Công việc khá nặng, công thấp, nhưng có còn hơn không, thêm được đồng nào hay đồng đó anh ạ”, cô tâm sự…
Trong khi đó, Trương Ngọc Tuyền – giáo viên một trường tư thục ở Gò Vấp (TP.HCM) – cũng đang chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm việc. Tuyền tốt nghiệp, đi làm được hai năm. Cô chưa lập gia đình nhưng còn đứa em gái đang học năm nhất đại học.
“Từ sau tết, trường thông báo nghỉ một tuần, tôi chủ quan không tìm việc mới vì cho rằng nay mai sẽ dạy lại bình thường thôi. Rồi cứ mỗi tuần lại nhận được tin “chấn động” như thế, đến giờ thì đóng cửa vô thời hạn khiến giáo viên dân lập ở tỉnh xa đến như tôi không biết bấu víu vào đâu để sống”.
Trước khi phải nghỉ vì dịch COVID-19, Tuyền kiếm được 5 triệu đồng mỗi tháng. Hai chị em cô gái Đồng Tháp sống chật vật ở đất Sài thành. Sau khi nghe tin nhà trường khuyên giáo viên nên đi tìm việc mới xoay xở, Tuyền tham gia một số group tuyển việc thời vụ trên mạng theo hướng dẫn của bạn bè. Từng bán hàng online nhưng thất bại nên Tuyền không có ý định quay lại nghề cũ.
“Tôi có xin giúp việc nhà và giữ trẻ nhưng người ta không chịu vì sợ tiếp xúc với người lạ trong lúc này”. Cảm giác như ngồi trên đống lửa, cách đây ba tuần Tuyền tìm đến phục vụ tại một quán ăn trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Bình Thạnh). “Vắng khách lắm, bà chủ còn đang tính đóng cửa quán luôn”. Và bây giờ thì quán đã đóng cửa thật rồi.
Chiếc áo dài xinh xắn Tuyền mặc suốt hai năm giờ đây đã thay bằng màu áo nhân viên phục vụ.
“Nếu dịch bệnh còn kéo dài chắc tôi về quê làm ruộng với cha mẹ, chứ thế này tôi sắp không cầm cự nổi nữa rồi”, cô giáo 25 tuổi trầm giọng rồi quay mặt đi. Tấm kính hào nhoáng của quán nước kế bên phản chiếu, tôi thấy mắt Tuyền ướt long lanh.
Nghỉ dạy dài ngày, chưa biết khi nào mới được trở lại trường, nhiều giáo viên gốc tỉnh đã về quê “lánh nạn”. Sống cùng cha mẹ, không tốn tiền nhà trọ, họ tiết kiệm chi phí và có thể kiếm được việc gì đó phù hợp.
Kỳ tới: Về quê “lánh nạn”
DIỆU QUÍ – VŨ TUẤN
Học sinh nghỉ học đến 16-2: Ngăn giữ trẻ "chui"
Học sinh TP HCM được nghỉ thêm một tuần để phòng chống dịch; vì thời gian nghỉ dài nên Sở Giáo dục và Đào tạo lưu ý việc an toàn của trẻ phải đặt lên hàng đầu
Trước nguy cơ lây nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM tiếp tục cho học sinh nghỉ thêm 1 tuần. Theo văn bản chỉ đạo của Sở GD-ĐT, trong thời gian nghỉ, các trường tự chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh.
Dạy bù vào buổi thứ hai
Ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Trung học Sở GD-ĐT TP, cho biết trong 2 tuần nghỉ học, các trường và giáo viên phải có trách nhiệm rà soát kế hoạch dạy học để có sự điều chỉnh, bổ sung hợp lý.
"Với trường dạy 2 buổi/ngày, buổi thứ hai sẽ được sử dụng để dạy bù. Với những trường dạy một buổi, giáo viên có thể tận dụng thời gian ở các buổi học khác một cách linh động, bảo đảm chương trình" - ông Tân nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong lúc các em được nghỉ, thầy cô có thể dạy online, sử dụng phần mềm giáo dục trực tuyến giảng bài, giao bài tập để học sinh tự học tại nhà. Nếu Bộ GD-ĐT đồng ý kéo dài thời gian học kỳ II, TP cũng thực hiện theo kế hoạch đó, năm học sẽ có thể kéo dài. Nếu không, các trường sẽ tận dụng thời gian khác nhau để dạy bổ sung.
Giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp, TP HCM) vệ sinh trường lớp trong thời gian nghỉ dạy - học Ảnh: NGUYỄN THUẬN
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP, cũng nhận định tuy thời gian nghỉ học kéo dài nhưng phụ huynh cũng không nên lo lắng ngay cả khi thầy cô không giao bài ôn tập kiến thức cũ cho học sinh trong thời gian nghỉ. Bởi, các trường sẽ có kế hoạch bổ sung kiến thức ngay khi các em quay trở lại trường. Nếu trường nào có điều kiện giao bài tập cho các em thì tốt, còn không thì sau khi các em trở lại trường sẽ có kế hoạch bồi dưỡng.
Ngoài ra, bà Thu cũng cho biết từng phòng GD-ĐT quận, huyện sẽ kiến nghị với doanh nghiệp chia ca như thế nào đó để người lao động có thời gian trông con, vì thời gian nghỉ hơi dài, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến công việc của phụ huynh nhưng an toàn của trẻ phải được đặt lên hàng đầu. "Nếu không tạo điều kiện cho người lao động có thời gian trông con thì tôi lo sẽ xuất hiện những điểm giữ trẻ "chui". Như thế càng đáng lo, việc kiểm soát dịch bệnh sẽ rất khó khăn" - bà Thu khẳng định.
Hàng hoạt trường ĐH tiếp tục cho sinh viên nghỉ
Ngày 6-2, hàng loạt trường ĐH tại TP HCM ra thông báo cho sinh viên tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 16-2, điều chỉnh lịch học và thi. Trong thông báo gửi đến sinh viên, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính nêu rõ: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm phổi đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, trường quyết định cho học viên, sinh viên dời lịch học tập sau Tết đến ngày 16-2. Song song đó, trường đã và đang triển khai các công tác để phòng ngừa dịch bệnh nCoV nhằm chủ động ứng phó hiệu quả với tình trạng diễn tiến ngày càng phức tạp của dịch bệnh này.
Ban giám hiệu nhà trường đã thành lập ban phản ứng nhanh phòng ngừa nCoV. Ban này có nhiệm vụ xây dựng chương trình hành động cụ thể, kịch bản ứng phó; thông tin kịp thời tình hình, chủ trương đến giảng viên, nhân viên, học viên và sinh viên; chủ động phối hợp với cơ sở y tế và cơ quan chức năng để phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập, lây lan của dịch bệnh trong nhà trường.
Ngoài ra, nhà trường cũng tiến hành vệ sinh toàn trường, trang bị máy đo thân nhiệt, nước rửa tay diệt khuẩn, khuyến khích thầy cô mang khẩu trang khi làm việc
Trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH) cũng ra thông báo cho sinh viên tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 16-2. Đồng thời, trường điều chỉnh thời khóa biểu học và thi, tổ chức học bù cho sinh viên để bảo đảm kế hoạch đào tạo.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng ra thông báo cho sinh viên tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 16-2. PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường, đăng thông báo tiếp tục dời ngày tập trung học kỳ 2 đến ngày 17-2. Ông căn dặn sinh viên nhớ ăn uống đầy đủ và nghỉ ngơi thật tốt, tập thể dục đều đặn, không nên thức khuya và tránh tụ tập đông người và cho biết sáng 6-2, nhà trường đã họp cán bộ chủ chốt và thống nhất là sẽ liên lạc các em và tổ chức học online, e-learning tùy theo điều kiện từng khoa, viện.
Sáng cùng ngày, Trường ĐH Kinh tế TP HCM cũng đã ra thông báo cho sinh viên tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 16-2.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều trường ĐH, CĐ cho sinh viên tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 16-2 để phòng ngừa dịch nCoV. Tại TP HCM, có thể kể thêm các trường như Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, Trường ĐH Luật TP HCM, các trường thành viên của ĐHQG TP HCM (Trường ĐH Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Bách khoa TP HCM, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH An Giang, Khoa Y), Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM, Trường CĐ Quốc tế TP HCM...
NGUYỄN THUẬN - HUY LÂN
Theo nld.com.vn
Thanh Hóa: Học sinh nghỉ Tết từ ngày 26 tháng Chạp đến hết ngày 5 tháng Giêng Sở GD-ĐT Thanh Hóa vừa có hướng dẫn thực hiện tổ chức đón Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Theo đó, học sinh các trường mầm non, phổ thông và TTGDNN-GDTX sẽ nghỉ học từ ngày 20-1-2020 đến hết ngày 29-1-2020 (tức từ ngày 26 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến hết ngày 5 tháng Giêng năm Canh Tý). Sở GD-ĐT Thanh...