Giáo viên trường mầm non tư thục chật vật vượt qua đại dịch
Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do tác động của đại dịch covid-19.
Học sinh tạm dừng đến trường đồng nghĩa với việc trường học không có nguồn thu, đội ngũ giáo viên phải nghỉ dạy không lương, thậm chí phải chuyển nghề để duy trì cuộc sống.
Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5.2021, trường học trên toàn thành phố Hà Nội tạm đóng cửa để ưu tiên nhiệm vụ phòng chống dịch. Điều này ảnh hưởng đến không ít giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non ở các trường tư thục. Nhiều người phải gác phấn bảng tìm việc mưu sinh, thậm chí bỏ nghề về quê kiếm kế sinh nhai.
Nghỉ việc không lương, nuôi 2 con trong độ tuổi đến trường và mang bầu bé thứ 3 sắp đến tháng sinh nở, mọi chi phí sinh hoạt của gia đình chị Lưu Thị Luyến (giáo viên mầm non một trường tư thục ở Hoài Đức, Hà Nội) chỉ trông đợi vào đồng lương ít ỏi của chồng.
“Tôi bụng mang dạ chửa nên cũng không nhận thêm được việc ngoài như các bạn đồng nghiệp khác. Chồng tôi làm bảo vệ, cố gắng làm thêm ngoài giờ thì thu nhập cũng chỉ hơn 7 triệu/ tháng.
Nghỉ dịch từ tháng 5 thì tới hôm qua tôi mới được khoản tiền hỗ trợ thất nghiệp hơn 2 triệu đồng. Mấy tháng trước, tôi phải đi viện phẫu thuật 10 ngày, về cũng làm giấy tờ để hưởng chế độ ốm đau nhưng đã vài tháng rồi chưa nhận được. Vợ chồng tôi phải chi tiêu tiết kiệm, vay mượn bạn bè để cố duy trì cuộc sống. Bí bách kinh khủng nhưng cũng phải cố gắng vì con” – chị Luyến buồn bã nói.
Cùng chung hoàn cảnh thất nghiệp do đại dịch COVID-19, chị Nguyễn Thị Thanh Hương, giáo viên tại cơ sở mầm non tư thục ở Đông Anh (Hà Nội) cho biết: “3 năm làm giáo viên, tôi phải nghỉ vài đợt theo quy định phòng chống dịch của thành phố. Song, đây là đợt nghỉ dài nhất, phải xa các con, xa trường lớp”.
Dù không phải chịu cảnh thuê nhà như một số giáo viên khác, song với đồng lương eo hẹp làm công chức xã của chồng cũng khó gồng gánh được những chi tiêu cho cuộc sống của chị và 2 đứa con.
Vì thế, cả gia đình buộc phải dè sẻn mọi thứ. Mảnh vườn trong nhà được xới xáo liên tục, trồng đủ các loại rau, chị chỉ phải mua thịt, cá… Thay vì đóng bỉm cho con cả ngày, chị quyết định cắt giảm và cũng thừa nhận: “Tôi còn không dám tiêu tiền”.
Tận mắt chứng kiến từng đồng nghiệp “dứt áo bỏ nghề” vì nỗi lo cơm áo gạo tiền, cô Nguyễn Thanh Lan – giáo viên mầm non một trường tư thục ở quận Ba Đình (Hà Nội) không khỏi xót xa:
Video đang HOT
“Thời gian đầu chúng tôi có thể bảo nhau cố gắng duy trì, nhưng dịch bệnh kéo dài, nguồn thu nhập bị triệt tiêu, không có tín hiệu trở lại trường, buộc giáo viên phải tìm công việc khác để duy trì cuộc sống. Một người xin nghỉ, rồi hai người, ba người quyết định rời đi. Vào nghề đã 11 năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy khó khăn như lúc này”.
Không chỉ giáo viên, phụ huynh cũng rơi vào tình huống “dở khóc dở cười” khi công ty, doanh nghiệp mở cửa đi làm trở lại nhưng học sinh vẫn tạm dừng đến trường. Ai cũng mong dịch bệnh chóng yên, trường học sớm mở cửa, con được đi học trở lại.
Trước thực trạng giáo viên gồng mình duy trì cuộc sống, phụ huynh tha thiết trường học mở cửa để gửi con, an tâm đi làm, thời điểm đầu tháng 10, Trường Liên cấp Mầm non – Tiểu học – THCS Capitole (Sóc Sơn, Hà Nội) đã liều mình “phá rào” đón học sinh đến trường sớm, bất chấp quy định của Hà Nội.
Tuy nhiên, quan điểm của Hà Nội là không mở cửa ồ ạt các hoạt động, vừa mở vừa đánh giá thận trọng, nên hành động “phá rào” để học sinh được trở lại trường của Trường Liên cấp Mầm non – Tiểu học – THCS Capitole là vi phạm các quy định về phòng, chống dịch của Hà Nội và phải chịu mức xử phạt theo quy định.
Và thế là, chưa kịp tận hưởng niềm vui trở lại trường học, toàn bộ giáo viên trường Trường Liên cấp Mầm non – Tiểu học – THCS Capitole lại trở về với những tháng ngày cơ cực, bế tắc vì không có thu nhập.
Là một trong số nhiều giáo viên công tác tại Trường Liên cấp Mầm non – Tiểu học – THCS Capitole (Sóc Sơn, Hà Nội), cô Nguyễn Thị Thái phải vật lộn với nỗi lo cơm áo, gạo tiền để nuôi con nhỏ.
“Trong thời gian nghỉ dịch, giáo viên trường tư như chúng tôi không có thu nhập. Tôi lại phải nuôi con nhỏ, lo đủ loại tiền như bỉm sữa, thức ăn, thuốc men… Chưa bao giờ tôi thấy cuộc sống cơ cực như lúc này” – cô Thái buồn bã nói.
Dịch bệnh kéo dài, trên cả nước, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đứng trước nguy cơ giải thể bất cứ lúc nào. Cô Lê Bích Liên – Chủ Trường Mầm non Việt Mỹ và Trường Mầm non Hoa Anh Đào (Hà Nội) phải thốt lên rằng “khó khăn chồng chất khó khăn” khi kể về những ngày tháng vừa qua.
“Chúng tôi rất muốn hỗ trợ để đời sống giáo viên ổn định, các cô bám trường, bám lớp đợi ngày trường học mở cửa. Nhưng dịch bệnh kéo dài quá lâu, bản thân chủ trường chúng tôi cũng đang rơi vào cảnh bế tắc.
Học sinh nghỉ học, nguồn thu không có nhưng trường vẫn phải gánh đủ các loại chi phí từ tiền thuê địa điểm, phí dịch vụ, điện nước, internet,… Tính sơ bộ mỗi tháng cũng phải tốn vài chục triệu đồng. Chúng tôi không biết còn đủ khả năng để tồn tại đến khi đón học sinh trở lại trường hay không?” – cô Liên thở dài ngao ngán.
Cô Liên cho biết thêm, hiện nhiều giáo viên không thể chờ đợi được nữa vì gánh nặng cơm áo gạo tiền đang ghì chặt lên vai, buộc họ phải tìm cách để sống, để trang trải. 2 cơ sở có hơn 10 giáo viên nhưng đến nay, cô đã nhận đơn xin nghỉ việc của 3 giáo viên vì “họ không thể chờ đợi được nữa”.
Trao đổi với Lao Động, bà Nguyễn Thị Hậu – Chủ tịch Hội đồng trường Liên cấp Mầm non – Tiểu học – THCS Capitole nói rằng, thời gian qua, đơn vị cũng đưa ra nhiều phương án nhằm hỗ trợ giáo viên. Đầu tiên là bám sát vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước, chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, thủ tục cho giáo viên. Nhưng thực tế, khoản hỗ trợ không thấm vào đâu.
“Nhà trường cũng đã cố huy động nguồn vốn, đi vay mượn và tính toán để hỗ trợ cho giáo viên 500 nghìn đồng/tháng, duy trì đóng bảo hiểm xã hội, ủng hộ các nhu yếu phẩm,… Thế nhưng, trong khả năng của mình, chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ 1 phần giáo viên, cán bộ cốt cán chứ không thể cáng đáng được toàn bộ giáo viên, cán bộ nhân viên trong nhà trường. Bản thân tôi cũng không dám tiêu tiền, dè sẻn và tính toán, căn ke mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình” – bà Hậu nói.
Cô Nguyễn Phương Ngân – Chủ Hệ thống Mầm non Ngôi Sao Xanh (Hà Nội) cho biết, trong thời gian nghỉ dịch, dù không hỗ trợ được giáo viên nhiều về kinh tế, nhà trường cũng đã cố gắng tạo ra các tiết học online để các cô không quên nghề và đồng thời giữ chân học sinh.
“Mỗi tuần sẽ có 1 vài tiết các cô quay video hoặc tương tác với các con qua zoom và toàn bộ kinh phí là do nhà trường chi trả. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức các buổi tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, tổ chức các câu lạc bộ để các cô nhớ nghề và không bị mai một kiến thức.
Thế nhưng, đa số giáo viên đều phải tìm thêm các công việc khác để duy trì cuộc sống. Do đó, bên cạnh việc để bám trụ, đại dịch qua đi, chúng tôi còn phải đối diện với câu chuyện thiếu hụt nguồn nhân sự” – cô Ngân nói.
Cô Nguyễn Thị Hiếu – Chủ Trường Mầm non Ánh mặt trời 1 (Hà Nội) trải lòng rằng bản thân rất muốn hỗ trợ giáo viên vượt qua giai đoạn khó khăn này nhưng… “lực bất tòng tâm”. Chính cô cũng phải gánh trên lưng rất nhiều khoản chi phí, cố trụ lại đến ngày trường học được mở cửa.
Bà Nguyễn Thị Hậu – Chủ tịch Hội đồng trường Liên cấp Mầm non – Tiểu học – THCS Capitole tha thiết mong đợi nhà nước ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ thỏa đáng để giáo viên trường tư cảm thấy mình được đối xử công bằng, có động lực để bám nghề và thoát khỏi tình cảnh “khổ chất chồng khổ” như hiện nay.
Nhìn nhận thực trạng giáo viên các trường mầm non tư thục rơi vào cảnh khó khăn khi trường học đóng cửa, mất đi nguồn thu nhập, phải bỏ nghề kiếm kế sinh nhai, bà Phạm Thị Mai Hương – Phó phòng GDĐT huyện Sóc Sơn (Hà Nội) mong rằng nhà nước sớm cân nhắc để có giải pháp phù hợp.
“Thực tế, các chính sách hỗ trợ cũng đã có mức quy định cụ thể và bao phủ được tới tất cả đối tượng người lao động ảnh hưởng bởi đại dịch. Tuy nhiên, tôi mong muốn nhà nước xem xét, cân nhắc nâng mức hỗ trợ cao hơn để đáp ứng nhu cầu cuộc sống của giáo viên mầm non tư thục thất nghiệp hiện nay” – bà Hương bày tỏ quan điểm.
Theo ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí để chi trả cho đội ngũ và các chi phí khác để duy trì hoạt động của trường. Điều này dẫn tới nguy cơ giáo viên mầm non chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ việc, nhiều đơn vị phải dừng hoạt động, thậm chí đứng trước khả năng phải giải thể.
Để hỗ trợ cơ sở mầm non tư thục, giữ chân giáo viên mầm non bám trụ với nghề, ông Minh cho biết, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực phối hợp với các bộ ban ngành, các thành phố lớn, lấy ý kiến doanh nghiệp, cơ sở mầm non tư thục để xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể cho cơ sở mầm non và giáo viên thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Sóc Sơn phản hồi về việc trường học "phá rào" đón học sinh trở lại trường
Sau loạt bài Báo Lao Động phản ánh về việc Trường Liên cấp Mầm non - Tiểu học - THCS Capitole (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) "phá rào" mở cửa trường học đón học sinh, UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản phản hồi, cảm ơn Báo Lao Động đã đưa tin kịp thời, giúp địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19.
Trường học "phá rào" đón học sinh đến trường bị phạt 60 triệu đồng. Ảnh: Thiều Trang
Trong văn bản phản hồi đến Báo Lao Động, UBND huyện Sóc Sơn cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc Trường Liên cấp Capitole tổ chức cho học sinh đến trường học trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, ngày 8.10.2021, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GDĐT phối hợp với Phòng Y tế, các đơn vị liên quan, UBND xã Tiên Dược kiểm tra, làm việc với Trường liên cấp Capitole để xác minh và làm rõ sự việc.
Theo UBND huyện Sóc Sơn, tại thời điểm kiểm tra, bà Nguyễn Thị Hậu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ham Việt Nam - chủ đầu tư trường mầm non báo cáo, nhà trường tổ chức cho học sinh tới trường từ ngày 27.9.2021 theo nhóm nhỏ, khi học sinh đến trường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: Đo thân nhiệt, khử khuẩn cho học sinh, giáo viên, nhân viên.
Theo đó, 100% cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh thực hiện khai báo y tế, quét mã QR; có 8 giáo viên được tiêm 2 mũi và 2 giáo viên tiêm 1 mũi vaccine phòng dịch COVID-19.
Tại khu trường mầm non có 4 lớp với 24 học sinh và 5 cô giáo. Tại khu trường tiểu học có 4 lớp với 22 học sinh và 5 giáo viên. Số học sinh và giáo viên trong 1 lớp học không quá 8 học sinh/lớp, khoảng cách đảm bảo theo quy định phòng chống dịch. Để tránh việc kiểm tra của cơ quan chức năng nhà trường đón trẻ bằng cổng phụ, cổng chính không mở.
UBND huyện Sóc Sơn cũng thông tin, ngay sau thời điểm kiểm tra, UNBD huyện đã yêu cầu Phòng GDĐT, xã Tiên Dược chỉ đạo nhà trường dừng ngay việc tổ chức các hoạt động cho học sinh tại trường, liên hệ ngay với phụ huynh học sinh đến đón học sinh về để chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại gia đình. Yêu cầu 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh, học sinh thực hiện khai báo y tế.
Đồng thời, lập danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh gửi Trung tâm y tế điều tra dịch tễ. Khuyến cáo cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh tự theo dõi, tự cách ly tại nhà theo quy định. Và giao cơ quan y tế thực hiện ngay việc khử khuẩn toàn bộ trong và ngoài trường.
Đặc biệt, UBND huyện Sóc Sơn yêu cầu nhà trường tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và tổ chức dạy và học theo đúng chỉ đạo của Sở GDĐT Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị của UBND thành phố.
Hiện tại, UBND huyện Sóc Sơn đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với Trường Mầm non Capitole và Công ty TNHH Ham Việt Nam.
Hà Nội có nên mở cửa trường học vùng xanh? Sau thời gian dài học trực tuyến, được quay lại trường là mong mỏi của cả nhà trường, phụ huynh và học sinh, nhất là tại các vùng xanh của Hà Nội. Trường ở vùng xanh... dạy "chui" Về sự việc trường học vùng xanh đón học sinh quay lại trường "chui" gây xôn xao dư luận, ông Hồ Việt Hùng, Phó chủ...