Giáo viên: Nghề “chạy bữa”
Đồng lương ít ỏi khiến một số giáo viên bỏ nghề, số khác trụ lại với nghề phải làm cùng lúc nhiều việc để kiếm thêm. Nhà trường biết nên cũng du di để thầy cô đứng lớp.
Cô Đoàn Hồng Hải Vân, giáo viên dạy nghề may tại Trường trung cấp nghề Đông Sài Gòn, cho biết lương giáo viên dạy nghề của cô chỉ chiếm 3/10 tổng thu nhập hằng tháng. Ngoài công việc tại trường, cô Vân phải thuê nhân công may đồ tại nhà. Đây mới là phần chính trang trải cho cuộc sống.
Cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh, giáo viên dạy nghề bánh và bếp tại Trường Nghiệp vụ nhà hàng TP.HCM, cho biết đang dạy thỉnh giảng ở một số trường khác ngoài công việc chính. “Mình đi giảng còn làm đúng chuyên môn chứ một số đồng nghiệp khác phải làm thêm cho công ty này, công ty nọ. Phải làm thêm chứ đồng lương không đủ sống” – cô nói.
Thầy Đỗ Văn Bắc, phó hiệu trưởng Trường trung cấp Nghề và xây dựng FICO, than: “Trường tuyển về năm kỹ sư silicat, được một thời gian đã đi hết ba người”. Thường các công ty thích tuyển giáo viên xây dựng làm chuyên viên công trình hoặc giám sát. Thầy cô dạy nghề ngoài bị các công ty “rước đi”, còn tự đầu quân lên cấp cao hơn: một số học lên thạc sĩ rồi đầu quân vào các trường đại học. “Cứ 3-4 năm trường lại có một đợt thay đổi về nhân sự do sự ra đi này” – thầy Bắc nói.
Đồng lương nghề giáo không đủ trang trải, cô Đoàn Hồng Hải Vân (đứng) phải làm thêm ở nhà
Cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – phó trưởng phòng đào tạo Trường Nghiệp vụ nhà hàng TP.HCM, chia sẻ: “Trường lúc nào cũng treo bảng tuyển vì thiếu giáo viên. Cứ hễ tuyển được giáo viên mới lại có giáo viên cũ rời trường. Vấn đề chủ yếu vẫn là lương”.
Video đang HOT
Lương thấp do đủ nguyên nhân nhưng quan trọng vẫn do đầu vào. Thầy Trương Minh Tuấn, trưởng phòng đào tạo Trung tâm Dạy nghề Q.11, cười khổ: “Trung tâm mỗi năm chỉ thu hút hơn 1.000 học viên. Học phí từ số lượng học viên này không đảm bảo thu nhập cho đội ngũ giáo viên. Vậy nên đôi khi giáo viên bận rộn với các vị trí thỉnh giảng mà chưa chuyên tâm vào công việc của trường thì trường phải thông cảm”.
“Tôi từng nhận được nhiều lời mời về đứng bếp ở các khách sạn với mức lương gấp ba lần công việc hiện tại. Tôi biết nhiều giáo viên trong nghề khác cũng có những lời mời như vậy. Cho nên, chỉ những ai còn yêu nghề mới cố trụ lại” – cô Hoàng Oanh chia sẻ.
Để ứng phó với tình trạng biến động trên, nhiều trường nghề đã có những nỗ lực để giữ và bổ sung giáo viên, ổn định tình hình đào tạo của trường.
Nhiều trường chủ động gia tăng loại hình dịch vụ, chất lượng đào tạo để thu hút học viên và thu hút các gói đào tạo liên kết. Trung tâm Dạy nghề Q.2 song song với công tác đào tạo trực tiếp các nghề sơ cấp, đã mở thêm các dịch vụ đào tạo liên kết với các trường đại học, đào tạo nghề ngắn hạn cho các công ty, tận dụng điều kiện sân bãi để đào tạo lái ôtô… tăng nguồn thu.
Nhưng tất cả chỉ là giật gấu vá vai. Để ngành dạy nghề mạnh, thầy cô dạy nghề phải sống được. Như vậy cần có chính sách hợp lý bền vững chứ không thể để họ “chạy bữa” như thế này.
Theo tuổi trẻ
Anh phụ hồ quyết không để con bỏ học giữa chừng
"Dù có vay tiền cho con đi học tôi cũng quyết không để đứa nào phải bỏ học giữa chừng" - anh Nguyễn Xinh (35 tuổi), tổ 1, thôn 4, xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, bộc bạch.
Vợ chồng chị Xuân bên những tấm giấy khen của các con
Anh Xinh là một trong những hộ nông dân nghèo tiêu biểu của huyện Tiên Phước được trao vốn trong chương trình "Tiếp sức nhà nông cho con đến trường" ở Quảng Nam.
Phụ hồ nuôi con ăn học
Anh Xinh có bốn đứa con đang tuổi ăn học. Hằng ngày anh phụ hồ, kiếm tiền lo cho gia đình và nuôi con ăn học. Tuy nhiên đồng lương phụ hồ khoảng 80.000-100.000 đồng/ngày chỉ giúp anh trang trải cuộc sống gia đình chứ không đủ lo tiền học cho con. Để nộp học phí anh Xinh phải vay 15 triệu đồng tiền chính sách diện hộ nghèo trong xã.
Không đầu hàng cái nghèo, những lúc không phụ hồ anh Xinh lên rừng phát rẫy, trồng keo, hồ tiêu, quế để cải thiện cuộc sống. Hiện giờ anh đang trồng khoảng 5 sào keo với hi vọng vài năm nữa bán kiếm tiền lo cho con.
Biết ba cực khổ, các con của anh luôn ngoan ngoãn, nỗ lực học tập. Các bé Vy, Trinh, Quỳnh liên tục mấy năm liền đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Nguyện vọng lớn nhất của anh Xinh là có một số vốn cho vợ mua thêm heo, bò phát triển chăn nuôi, lấy tiền nuôi con ăn học đến cùng.
"Căn nhà của tôi đã cũ kỹ không có tiền sửa, mái ngói bị dột khi trời mưa... Nhưng mặc kệ, miễn có tiền lo cho mấy đứa con học hành đàng hoàng, nên người, cực khổ mấy tôi cũng vui" - anh Xinh nói.
Gia tài cho con chỉ có đàn gà
Đã nhiều năm qua chị Ngô Thị Xuân, thôn 5, xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, là lao động chính trong nhà. Chồng mắc bệnh hiểm nghèo không làm ăn được, mình chị lo cho bảy đứa con ăn học nên người. Hằng ngày, sau khi làm xong việc nhà, chị Xuân lại phải làm thuê, làm mướn để kiếm thêm tiền lo cho gia đình. Nhà đã nghèo lại càng nghèo hơn khi phải gánh số nợ hàng trăm triệu đồng tiền chữa bệnh cho anh Liêm - chồng chị Xuân.
Thời gian trước chị Xuân đã vay mượn tiền để làm chuồng gà, mua mấy chục con gà giống với hi vọng đàn gà sẽ giúp chị có tiền nuôi con ăn học. Một tay chị mua tre về sửa sang chuồng, chăm sóc chu đáo cho đàn gà. Bởi chị biết đó là tất cả gia tài mà chị dành cho con. Chị Xuân còn sửa sang lại vườn nhà, trồng thêm cây ăn quả như cam, bưởi, có thêm đồng ra đồng vô... Ngoài ra chị Xuân còn học cách chăm sóc keo, trồng hơn 1.000 cây keo gần một năm tuổi trên 2 sào đất.
Hết chăm keo chị Xuân lại xoay qua làm 4 sào lúa, rồi phụ hồ, phát keo thuê cho hàng xóm... Cực khổ là vậy nhưng chị Xuân rất hạnh phúc vì con cái học hành chăm chỉ, gặt hái nhiều kết quả tốt. Ngoài hai đứa con lớn đã ra trường, làm việc ở TP.HCM, chị còn năm đứa con đang theo học các trường đại học, trung học phổ thông. Cả Khả, Luyến, Khởi, Khẩn, Khôi đều học khá, giỏi.
Mỗi tháng chị Xuân lại chắt mót gửi gần 8 triệu đồng sinh hoạt phí cho năm đứa con. Chị mong có một số vốn để mở rộng chuồng gà, mua thêm gà giống để lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Dù làm việc quần quật, chị quyết không để con mình phải bỏ học giữa chừng. Ước mơ lớn nhất của đời chị là nhìn thấy con cái ăn học thành tài. Với ước mơ ấy chị càng vững tin làm lụng, tất cả vì tương lai của đàn con.
Theo Tuổi Trẻ
Giá cả tăng, sinh viên bươn chải làm thêm Việc giá cả mọi thứ tăng liên tục như hiện nay khiến cho khoản trợ cấp từ phía gia đình không đủ trang trải cho sinh hoạt và học tập tại thủ đô của các sinh viên. Cũng vì vậy mà không ít sinh viên phải tất tả làm thêm kiếm tiền. Năm trước, cô học trò nghèo vùng cao Đỗ Minh Phương...