Giáo viên lớn tuổi, việc thăng hạng không có nhiều ý nghĩa
Hàng năm, việc đánh giá thi đua viên chức bao giờ cũng có tiêu chí tự trau dồi nâng cao kiến thức. Nói giáo viên lớn tuổi cần được xét miễn ngoại ngữ là vô lý.
Bài viết: Thi thăng hạng cần đặc cách thi ngoại ngữ cho thầy cô già của tác giả Phan Tuyết đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 3/1/20, bày tỏ quan điểm cấp trên nên đặc cách (tức là miễn thi) đối với môn Ngoại ngữ cho các giáo viên lớn tuổi khi đăng ký dự thi thăng hạng vì lý do tuổi tác, thời trước đây không được học hành bài bản môn Ngoại ngữ.
Thi thăng hạng giáo viên (Ảnh minh họa: baotintuc.vn).
Tuy nhiên, nhiều độc giả bình luận ở dưới bài viết lại không đồng tình với đề xuất trên của tác giả.
Tài khoản THĂNG cho rằng: “ Đã già không biết tiếng anh thì cần gì thăng hạng. Hay vì lương thôi“.
Bạn đọc TRẦN TOÀN THẮNg chỉ rõ: “ Những năm 80 thế kỷ XX đã có nhiều cơ sở dạy ngoại ngữ ban đêm rồi, chủ yếu là dạy cho những người đi làm ban ngày nhưng ham học và nhìn thấy yêu cầu trong tương lai.
Bởi vậy, những giáo viên có tuổi thời 6x, 7x mà trông chờ vào sự đào tạo chính thống của ngành về ngoại ngữ là thụ động, trì trệ (không tự nâng cao trình độ).
Hàng năm, việc đánh giá thi đua cán bộ, viên chức bao giờ cũng có tiêu chí tự trau dồi nâng cao kiến thức. Bởi vậy giáo viên nói lớn tuổi cần được xét miễn ngoại ngữ là vô lý“.
Độc giả MẠNH CƯỜNG biện luận: “ Câu hỏi đặt ra, tại sao phải đặc cách? Với những giáo viên già khác nhưng có tinh thần liên tục trau dồi năng lực, họ đủ kiến thức ngoại ngữ, thi đạt yêu cầu không cần phải đặc cách. Vậy đặc cách có phải là hình thức khuyến khích trì trệ hay không?“.
Thực ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cụ thể các trường hợp được miễn thi môn Ngoại ngữ và Tin học tại Thông tư số 20/2017/TT- BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về các tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học có hiệu lực từ ngày 03/10/2017 như sau:
Giáo viên tính đến ngày 31/12 của năm tổ chức thi thăng hạng, có tuổi đời từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nam và từ đủ 50 tuổi trở lên đối với nữ.
Giáo viên ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi hoặc ở các trường phổ thông dân tộc nội trú/bán trú, có chứng chỉ bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào tạo cấp theo thẩm quyền.
Đã học tập, nghiên cứu toàn thời gian ở nước ngoài và được cấp bằng đại học, bằng thạc sĩ hoặc bằng tiến sĩ của cơ sở đào tạo nước ngoài sử dụng một trong các ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc trong đào tạo; văn bằng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo quy định hiện hành.
Video đang HOT
Có bằng tốt nghiệp đại học thứ hai là bằng ngoại ngữ thuộc một trong các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc.
Có chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương đương cấp B1 trở lên theo Khung tham chiếu chung Châu Âu) hoặc có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế TOEFL PBT 450 điểm, TOEFL CBT 133 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, IELTS 4,5 điểm trở lên đối với thi thăng hạng giáo viên từ hạng IV lên hạng III;
Có chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương đương cấp B1 trở lên theo Khung tham chiếu chung Châu Âu) hoặc có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế TOEFL PBT 450 điểm, TOEFL CBT 133 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, IELTS 4,5 điểm trở lên đối với thi thăng hạng giáo viên từ hạng III lên hạng II;
Có chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương đương cấp B2 trở lên theo Khung tham chiếu chung Châu Âu) hoặc có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế TOEFL PBT 500 điểm, TOEFL CBT 173 điểm, TOEFL iBT 61 điểm, IELTS 5,5 điểm trở lên đối với thi thăng hạng giáo viên hạng II lên hạng I.
Miễn thi tin học đối với giáo viên dự thi đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành tin học hoặc công nghệ thông tin trở lên.
Theo tôi, quy định miễn thi như vậy của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đã đầy đủ, hợp lý với các trường hợp, thể hiện tính nhân văn đối với trường hợp các giáo viên nam (55 tuổi), giáo viên nữ (50 tuổi).
Thực tế cho thấy, khi thi hoặc xét thăng hạng, cũng hiếm có trường hợp thầy giáo ở tuổi 55, cô giáo ở tuổi 50 đăng ký tham gia.
Bởi vì, qua tính toán kỹ, các thầy cô giáo gần hết khung, bậc lương hoặc đang hưởng phụ cấp vượt khung, bậc lương, nếu được thăng hạng hưởng ngạch, bậc lương mới thì tổng lương hằng tháng cũng thay đổi không đáng kể, chỉ thêm được vài chục ngàn đồng đến hai trăm ngàn đồng là cùng.
Việc thăng hạng chỉ có ý nghĩa và giá trị đối với diện giáo viên trẻ, khi ngạch, bậc lương đang hưởng còn thấp.
Ví dụ, cô giáo A, giáo viên trung học phổ thông hạng 3, mã số: V.07.05.15, đang hưởng bậc: 3.0 (3/ 9).
Nếu, cô giáo đó trúng tuyển thăng hạng 2, mã số: V.07.05.14 thì sẽ được hưởng bậc: 4.0 (1/8). Tổng lương ở ngạch, bậc mới sẽ cao hơn 2 triệu đồng so với tổng lương ở ngạch, bậc cũ.
SÔNG TRÀ
Theo giaoduc.net
Thi thăng hạng cần đặc cách thi ngoại ngữ cho "thầy cô già"
Thi lên hạng phải qua cửa ải ngoại ngữ là điều nên làm. Có quy định này, buộc những ai thi vào sư phạm sẽ phải biết trang bị cho mình vốn ngoại ngữ cần thiết.
Câu chuyện giáo viên thi thăng hạng rớt như sung ngay ở môn thi Anh văn đầu tiên đang nhận được sự quan tâm rất nhiều của độc giả trên các diễn đàn.
Hội đồng thi nâng ngạch công chức và xét thăng hạng, ảnh chỉ mang tính chất minh họa (nguồn: thaibinhtv.vn)
Người cho rằng, đã là thầy cô giáo thì phải biết ngoại ngữ, muốn thăng hạng phải học. Không biết ngoại ngữ thế nên có thi rớt cũng đừng kêu ca gì.
Người tỏ ra đồng cảm, bắt giáo viên thi ngoại ngữ trong khi hằng ngày thầy cô không phải sử dụng đến vốn kiến thức này thì chẳng khác gì đang làm khó chính họ.
Ý kiến nào đưa ra cũng có cái lý, thế nhưng đã nói thì phải nói cho hết. Chúng tôi xin được trao đổi sâu hơn về vấn đề này dưới góc nhìn của người trong cuộc để độc giả có cái nhìn toàn diện hơn.
Vì sao giáo viên 6x, 7x lại mù ngoại ngữ?
Giáo viên muốn thăng hạng để làm gì? Trước hết cũng phải khẳng định với nhau một điều, mục đích lớn nhất của thầy cô thăng hạng chính là được cải thiện bậc lương.
Vì thế, muốn thăng hạng thì phải đáp ứng được những yêu cầu quy định nếu không thì phải chịu và không được phép kêu ca.
Nhưng đó là nói về lý, nói về tình chưa thực sự phù hợp.
Bởi, thế hệ giáo viên 6x, 7x làm gì được học ngoại ngữ trong nhà trường, làm gì được nhà nước ưu ái như đưa ngoại ngữ vào dạy trong trường học?
Đã thế, do tình hình giáo dục thời bấy giờ, khan hiếm giáo viên nên nhiều học sinh mới học xong lớp 7, 8, 9...đã được huy động đi học cấp tốc về giảng dạy.
Thậm chí có thời kỳ một số vùng sâu vùng xa, những em chỉ học xong lớp 5 cũng được tổng động viên đi đào tạo cấp tốc 5 1, 5 2... để ra đứng lớp, giải quyết cấp bách việc thiếu trầm trọng giáo viên.
Những giáo viên này theo thời gian, cũng đã có bằng 12 và học lên đại học. Nhưng chủ yếu cũng chỉ học chuyên ngành phục vụ cho việc dạy hằng ngày, còn môn ngoại ngữ hầu như vẫn bỏ ngỏ.
Thế nên, đối với họ mà nói, vốn tiếng Anh xem như bằng không. Nay quy định, muốn thăng hạng phải thi môn Anh văn chi bằng nói thẳng, có thi cũng chẳng bao giờ đỗ được.
Nên đặc cách môn Anh văn cho giáo viên thế hệ 6x, 7x
Khác với thế hệ trước, nhiều năm trở lại đây, nhà nước đã tạo nhiều điều kiện cho ngành giáo dục dạy ngoại ngữ trong các trường học.
Không chỉ học hệ 3 năm, 9 năm mà học luôn 12 năm.
Không chỉ học 1-2 tiết/tuần mà các em được học ngay 4 tiết/tuần.
Bên cạnh đó, nhiều trung tâm ngoại ngữ ra đời, nhiều hình thức học ngoại ngữ trực tuyến vô cùng hiệu quả.
Vì thế, lớp trẻ hiện nay nếu không giỏi ngoại ngữ thì chí ít cũng phải biết. Dù không dạy ngoại ngữ nhưng việc các thầy cô có ngoại ngữ sẽ không bao giờ thừa.
Việc quy định thi lên hạng phải qua cửa ải ngoại ngữ là điều nên làm. Có quy định này, buộc những ai thi vào sư phạm sẽ phải biết trang bị cho mình vốn ngoại ngữ cần thiết.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng cần có chính sách đặc cách những giáo viên thế hệ 6x, 7x trở về trước được miễn thi môn ngoại ngữ.
Vì xét cho cùng, nhiều thầy cô giáo cũng chỉ còn thời hạn công tác trong ngành gần chục năm.
Nhiều thầy cô trong số đó, đã có một thời hy sinh khi ngành thiếu nhân lực trầm trọng, khi điều kiện sống của giáo viên còn vô cùng khó khăn họ đã không từ nan, khi điều kiện học ngoại ngữ trong và ngoài nhà trường hoàn toàn không có.
Còn nếu cứ ép kiểu này, nhiều giáo viên sẽ phải tốn tiền bổ sung chứng chỉ, tiền học ôn, mua tài liệu để rồi cứ liên tục trượt "vỏ chuối" thì cũng thật bất nhẫn.
Phan Tuyết
Theo giaoduc.net
TPHCM: Tăng cường chăm sóc, bảo vệ trẻ em, chống bạo lực học đường Ngày 9-10, Sở GD-ĐT TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục trực thuộc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn. Theo đó, nhằm chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đảm bảo cuộc sống an toàn cho các em, phòng ngừa và xử lý có hiệu quả các vụ việc bạo lực và xâm...