Giáo viên hợp đồng Hà Nội: Mong “lì xì” trước Tết
Dù tất cả các quận, huyện, thị xã đã công bố danh sách các giáo viên đủ điều kiện được xét tuyển đặc biệt, nhưng gần 3.000 giáo viên hợp đồng (GVHĐ) tại Hà Nội vẫn… đứng ngồi không yên vì TP chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chỉ tiêu cụ thể đến từng quận, huyện, thị xã và các trường.
Gần 3.000 GVHĐ tại Hà Nội đang mong chờ được xét tuyển đặc cách
Hi vọng vào chính sách nhân văn
Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội khóa 15, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội sẽ dành 2.692 chỉ tiêu biên chế để xét tuyển đặc cách GVHĐ theo đúng chỉ đạo của Bộ Nội vụ. Theo đó, những giáo viên được ký hợp đồng từ năm 2015 trở về trước có đóng bảo hiểm xã hội và trong chỉ tiêu biên chế sẽ được ưu tiên xét đặc cách mà không phải qua thi tuyển.
Ngay sau khi nắm bắt được chủ trương của TP, cô Đinh Thị Minh Thúy – GVHĐ huyện Sóc Sơn không giấu được niềm phấn khởi. Bởi sau hơn 20 năm gắn bó với nghề, nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, cô Thúy tự tin mình sẽ đủ điều kiện xét tuyển.
Cô Thúy chia sẻ: Chúng tôi là những GVHĐ đã có 20 năm công tác cảm thấy rất phấn khởi, vui mừng trước chủ trương nhân văn của Đảng và Nhà nước. Đây là cơ hội để chúng tôi được xét đặc cách sau một thời gian dài công tác và có thể yên tâm để cống hiến hơn nữa cho ngành.
Huyện Sóc Sơn hiện có 189 giáo viên trong diện lao động hợp đồng đều được đóng bảo hiểm xã hội, có năng lực trình độ phù hợp với yêu cầu vị trí cần tuyển dụng. Giống cô Thúy, khi biết chủ trương của thành phố, các giáo viên nhiều năm cống hiến và tâm huyết với nghề đang tràn trề hi vọng.
Những ngày qua, với sự lên tiếng mạnh mẽ của các GVHĐ, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã công khai danh sách giáo viên đủ điều kiện được xét đặc cách. Điều đáng mừng là những giáo viên đã bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trong năm 2019 cũng có tên trong danh sách này.
Video đang HOT
Đây được xem là tin vui đối với nhiều GVHĐ tại Hà Nội sau một thời gian dài đấu tranh đòi quyền lợi. Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều vướng mắc trong việc xét đặc cách khiến giáo viên lo lắng. Nhiều quận, huyện, thị xã cũng đang lúng túng chưa biết xử lý thế nào, chỉ biết chờ vào hướng dẫn, quyết định cuối cùng của lãnh đạo TP.
Theo đó, 256 GVHĐ huyện Sóc Sơn, dù đã được gia hạn thời gian hợp đồng nhưng đang bị rơi vào thế khó. Kỳ thi tuyển viên chức giáo dục ở huyện đã có kết quả, những người trúng tuyển được phân công về các trường để nhận nhiệm vụ. Khi biên chế đã tuyển đủ, vị trí việc làm còn trống đã được lấp đầy, còn cơ hội nào cho GVHĐ nữa?
Cô Đào Thị Nga – một GVHĐ huyện Sóc Sơn đặt câu hỏi: Tất cả GVHĐ đều đủ điều kiện được đặc cách, nhưng TP lại làm ngược quy trình theo Công văn 5378 của Bộ Nội vụ, khi tổ chức thi tuyển trước rồi mới xét tuyển đặc cách. Giờ tuyển đủ rồi, liệu TP có bổ sung biên chế để xét tất cả GVHĐ đủ điều kiện hay lại xét cho có?
Mong quà “lì xì” đến trước Tết
Cô Khuất Thị Phúc – GVHĐ huyện Phúc Thọ chia sẻ: “Tôi đã tham gia kỳ thi viên chức vài lần nhưng kết quả luôn đứng sát người đỗ. Năm 2019, kỳ thi viên chức của TP Hà Nội đòi hỏi thí sinh phải thi qua vòng 1 mới được thi vòng 2. Tôi và những GVHĐ lâu năm rất vất vả trong quá trình ôn thi, đặc biệt đối với môn Tiếng Anh.
Tại kỳ thi, tôi đã cố gắng hết mình và vượt qua vòng 1 khi đạt 27/30 điểm môn Tiếng Anh, 56/60 môn kiến thức chung. Nhưng sang vòng 2, mặc dù tôi đạt 70,25 điểm môn thi chuyên ngành Ngữ văn, tôi vẫn bị trượt vì kém một chút điểm so với người đỗ. Với số điểm đó, ở trường khác, tôi sẽ đỗ, nhưng lấy chỉ tiêu theo trường nên tôi lại trượt”.
Cô Phúc tiếp tục câu chuyện với giọng đượm buồn: “Giờ chúng tôi chỉ có nguyện vọng sẽ được xét tuyển đặc cách theo Công văn 5379 của Bộ Nội vụ, vì đây là “phao cứu sinh” duy nhất để giúp chúng tôi tiếp tục gắn bó với nghề. Chúng tôi mong được xét tuyển đặc cách sau nhiều năm gắn bó với trường lớp, được yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến cho nền giáo dục Thủ đô.
Theo thông báo của UBND huyện Phúc Thọ, đến hết ngày 31/12/2019, tôi đã bị đơn phương chấm dứt hợp đồng. Bản thân tôi hết sức lo lắng vì đã cống hiến hết tuổi thanh xuân cho giáo dục, giờ chấm dứt hợp đồng, không làm nghề giáo, tôi biết theo nghề nào, biết làm công việc gì cho phù hợp”.
Cùng chung nỗi lòng với nhiều GVHĐ khác, cô giáo Khuất Thị Ngọc Hoa chia sẻ: “Suốt 20 năm qua, tôi luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Bao năm qua, mặc dù đồng lương ít ỏi, nhưng tôi vẫn bám trụ với nghề, chưa từng nghĩ đến việc sẽ rời xa bục giảng.
Hiện tại, bản thân tôi cảm thấy rất lo lắng, vì theo Công văn 5379 của Bộ Nội vụ về việc xét đặc cách đối với GVHĐ từ năm 2015 trở về trước, nêu rõ, xét tuyển đặc cách cho toàn bộ GVHĐ trước, nếu còn chỉ tiêu mới tổ chức thi tuyển.
Tuy vậy, TP Hà Nội lại tổ chức thi tuyển trước khi xét tuyển khiến chúng tôi rất lo lắng về chỉ tiêu viên chức đã được tuyển dụng. Liệu sau đó có còn chỉ tiêu xét tuyển đặc cách cho toàn bộ GVHĐ nữa hay không? Lãnh đạo TP sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?”.
Cô Hoa bộc bạch: “Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến gần. Gần 3.000 GVHĐ Hà Nội đang mong chờ lãnh đạo TP sớm có văn bản hướng dẫn các quận, huyện, thị xã xét đặc cách cho GVHĐ lâu năm với các tiêu chí nhân văn; có chỉ tiêu cụ thể để xét đặc cách hết số GVHĐ lâu năm của TP. Đó như quà “lì xì” đầu năm mới của TP Hà Nội dành cho GVHĐ chúng tôi – những người vốn đã bị quá nhiều thiệt thòi”.
Vân Anh
Theo giaoducthoidai
Hà Nội: Vừa thi tuyển viên chức vừa xem xét tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản yêu cầu GĐ các Sở: Nội vụ, GD&ĐT; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã về việc tiếp tục thực hiện thi tuyển và xét tuyển kỳ tuyển dụng viên chức của cơ sở giáo dục công lập. Như vậy, đến thời điểm này, Hà Nội vẫn tổ chức thi tuyển viên chức giáo viên theo đúng kế hoạch.
Trước đó, Bộ Nội vụ chính thức có công văn đề nghị UNBD các tỉnh, TP thực hiện xét tuyển đặc cách với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng BHXH bắt buộc từ năm 2015 trở về trước. Như vậy, mong mỏi của nhiều giáo viên hợp đồng lâu năm muốn được gắn bó với nghề sẽ được xem xét, cơ hội được của các thầy cô được mở rộng hơn.
Tuy nhiên, tại Hà Nội, theo như lịch thi tổ chức thi tuyển, xét tuyển viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã năm 2019, ngày 17-11-2019, đồng loạt 22 quận, huyện, thị xã tổ chức thi tuyển vòng 2 và 8 quận, huyện còn lại bắt đầu thực hiện việc xét tuyển viên chức giáo dục năm 2019. Như vậy, TP đã tổ chức thi tuyển viên chức xong vòng 1, thì Bộ Nội vụ mới có văn bản về việc xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng.
TP Hà Nội vừa có yêu cầu về việc tiếp tục thi tuyển, sau đó sẽ xem xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng theo đúng chỉ đạo của Bộ Nội vụ. Ảnh: P.T
Riêng vấn đề tuyển viên chức giáo viên của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khi trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội đã nói: "Tôi đề nghị Hà Nội phải nghiêm túc như thế. Bây giờ nếu đủ điều kiện, vấn đề này có ý kiến của Bộ Chính trị rồi, Thủ tướng đã chỉ đạo rồi cứ làm. Còn nếu trường hợp sau khi tuyển dụng mà còn thiếu nữa thì chúng ta thực hiện tuyển dụng không qua thi hoặc thi tuyển theo đúng tinh thần Nghị định số 161, trường hợp còn dôi dư chúng ta phải giải quyết theo chế độ".
Đến nay, Hà Nội đã rà soát 3 lần số giáo viên hợp đồng, tính từ tháng 3-2019, trong đó thống kê số giáo viên có thời gian HĐLĐ liên tục từ 5 năm trở lên tại các quận huyện TX là 2.730 người.
Theo văn bản số 5119/UBND-NC gửi GĐ Sở Nội vụ, GĐ Sở GD&ĐT, Chủ tịch UBND các quận huyện thị xã về việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Nội vụ về tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm từ năm 2015 trở về trước, UBND TP chỉ đạo yêu cầu: Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT, UBND các quận huyện thị xã và đơn vị liên quan thực hiện nội dung Văn bản số 5378/BNV-CCVC ngày 5-11-2019 về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng BHXH từ 2015 trở về trước; Tạm dừng việc thi tuyển và xét tuyển kỳ tuyển dụng viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã để thực hiện theo nội dung của văn bản nêu trên, báo cáo UBND TP trước ngày 20-11-2019.
Tuy nhiên, ngay sau đó, UBND TP tiếp tục ra văn bản 5130/UBND - NC chỉ đạo tiếp tục giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan tiếp tục triển khai tổ chức thi tuyển và xét tuyển kỳ tuyển dụng viên chức các cơ sở giáo dục công lập theo đúng kế hoạch.
Chính vì thế, theo phản ánh của một số giáo viên tại các hội đồng thi tuyển viên chức giáo dục ở vòng 2, sự chuẩn bị cho kỳ thi đã gặp một số vướng mắc về thời gian như: Các thí sinh phải đợi hơn 3 tiếng đồng hồ mới đến giờ vào làm bài thi. Lý giải về vấn đề này, một số hội đồng thi cho rằng đề thi đến muộn.
Sau khi thi vòng 2 chuyên môn ngày 17-11, từ ngày 18-11 đến 24-11-2019 sẽ là giai đoạn tổ chức chấm thi và công bố điểm bài thi viết. Như vậy, số giáo viên hợp đồng lâu năm chưa dự thi đợt tuyển dụng này, phải đợt đến sau đợt thi mới được xem xét tuyển dụng đặc cách.
Duy Linh
Theo PLXH
Có nhiều giáo viên hợp đồng đủ điều kiện nhưng không được đặc cách Số lượng giáo viên hợp đồng đủ điều kiện theo công văn của Sở Nội vụ nhiều hơn chỉ tiêu biên chế hiện có là lý do nhiều thầy cô không được xét đặc cách. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được tâm tư, nguyện vọng của gần 100 giáo viên hợp đồng huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Ngày 2/1/2020, đại...