Giáo viên hợp đồng bồng con lên Hà Nội níu kéo chút hy vọng mong manh
6 giờ sáng, chị N.T.T dắt díu đứa con gái nhỏ (4 tuổi) lên chuyến xe cùng các giáo viên hợp đồng về Thủ đô nhằm níu kéo một chút hi vọng mong manh.
Níu kéo hy vọng mong manh
12 giờ trưa, ngày 9/10/2019, gần 100 giáo viên hợp đồng có mặt tại trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội.
Những giáo viên bị mất việc sau hàng chục năm giảng dạy đang cố gắng níu kéo một chút hi vọng kéo họ ra khỏi “vũng lầy” trong suốt 6 tháng qua.
Thế nhưng, giáo viên càng vùng vẫy càng bị chôn chân, lún sâu hơn.Trong “vũng lầy” đó dù nhiều lần đã có đơn thư gửi các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, nhiều lần lên thành phố Hà Nội.
Hai mẹ con chị N.T.T, giáo viên hợp đồng Ba Vì, dắt díu nhau theo đoàn xe xuống Thủ đô.
Gần 10 năm công tác trong ngành giáo dục, cô T. vui vẻ khi nói về nghề: “Tôi dạy ở trường nhiều lần còn đứng Nhất trong hội thi giảng dạy”.
Thế nhưng khi nhắc đến vế sau, cô T. buồn hẳn: “Vậy mà mình vẫn bị cắt hợp đồng. Bây giờ không có việc làm, phải ở nhà chăm con”.
Đứa bé vẫn hồn nhiên cười đùa, đối với em đây chỉ đơn thuần là một chuyến đi chơi xuống Thủ đô.
Nhưng đối với chị T. – mẹ em cùng nhiều giáo viên hợp đồng tại các huyện đây thực sự là một việc “cực chẳng đã”.
Nói về cuộc sống khó khăn sau khi bị cắt hợp đồng, chị T. tâm sự: “Trước kia đi dạy, cách nhà 18-20km, lương 1.3 triệu đồng/ tháng. Nói thật không đủ cả tiền xăng, tiền lương đúng chỉ đủ tiền mua bỉm cho con.
Nhưng bây giờ mất việc rồi phải ở nhà trông con. Trước đây cũng cho cháu đi học nhưng bây giờ mẹ ở nhà trông con luôn, tiết kiệm mỗi tháng mấy trăm nghìn tiền đi lớp”.
Hai mẹ con chị T. có mặt tại Hà Nội để kêu cứu (Ảnh:V.N)
Những lời tâm sự thật lòng của cô T. khiến những người làm báo giáo dục như chúng tôi không khỏi xót xa.
Trước đây khó ai có thể nghĩ được rằng: Cuộc sống của giáo viên tại Hà Nội lại éo le và khổ sở như vậy.
Năm học này, cô T. không còn được đến trường khai giảng, ra đường bà con ai cũng hỏi: Sao hôm nay (5/9) không đến trường. Nhiều người hiểu chuyện họ lảng đi: À chị hiểu rồi.
Mất việc, nhiều giáo viên hợp đồng phải làm thuê, làm mướn hoặc ở nhà. Từng này tuổi, thầy Tăng, giáo viên hợp đồng Ba Vì phải đi làm nghề thợ hàn, lắp đặt điều hòa… để có thêm thu nhập.
Cô T. ở nhà trông con, ai thuê gì thì làm lấy, nhiều khi người ta trả công vài chục nghìn cũng quý. Có cô Thủy phải ở nhờ nhà người khác, cô H. đi làm giúp việc.
Trong chuyến đi của những giáo viên hợp đồng, cô L.T.V.T, chửa “vượt mặt” (tháng thứ 8) cũng vác bụng bầu lên Thủ đô. Cô T. lo lắng cho đứa con ra đời, bao nhiêu khoản phải chi tiêu còn mẹ thì thất nghiệp.
Ngồi trước trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội là những gương mặt hốc hác và mệt mỏi.
Video đang HOT
Gần 6 tháng từ thời điểm giáo viên hợp đồng Sóc Sơn kêu cứu, đã có rất nhiều công văn, phát biểu của các lãnh đạo hứa sẽ giải quyết và có chế độ ưu tiên dành cho giáo viên hợp đồng tại Hà Nội.
Thế nhưng, đến nay, hy vọng về một chính sách nhân văn gần như tắt ngấm khi đại diện Sở Nội vụ thành phố Hà Nội trả lời thẳng thừng: Gần 3000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội không một ai có đủ điều kiện để xét đặc cách.
Giáo viên hợp đồng trong tình cảnh hiện tại như những con thiêu thân, dù chỉ thấy một đốm lửa, một tia ánh sáng nhỏ nhoi cũng bấu víu lấy chút hi vọng.
Cô V.T. bụng bầu 8 tháng cũng lên Hà Nội kiến nghị (Ảnh:V.N)
Cô Thủy cũng tâm sự thật: “Gấn 6 tháng nay chúng tôi không có tâm trí nào mà làm việc mà lo cho gia đình. Công tác gần 20 năm, lương thấp đến nay bị mất việc coi như trắng tay.
Ngay cả trong giấc mơ cũng có lần tôi mơ thấy mình được tiếp tục đi dạy. Khi tỉnh lại mới biết hiện thực nó quá phũ phàng”.
Trong ngày 9/10/2019, gần 100 giáo viên hợp đồng các huyện đến Bộ Nội vụ, trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội nhằm níu kéo một chút hy vọng.
Thầy Phùng Đức Tăng, giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì nói: “Chúng tôi mong sẽ có một cơ chế tháo gỡ những điều kiện xét đặc cách trong Nghị định 161.
Vì hiện nay tại Hà Nội không có một trường công nào tự chủ tài chính. Và nếu Hà Nội không giáo viên nào được xét đặc cách thì tôi tin cả nước không có ai có đủ điều kiện. Vì sao từ chính sách đến thực tiễn lại cách xa đến vậy?”.
“Khó” như thành phố Hà Nội
Bộ Nội vụ đã có công văn chỉ đạo cho các địa phương chủ động trong việc tuyển dụng viên chức giáo dục.
Mặc dù thành phố Hà Nội là Thủ đô, được cả nước nhìn vào nhưng có thể nói đến thời điểm này rất khó có cơ hội cho giáo viên hợp đồng.
Gần 3000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội không một ai có đủ điều kiện để xét đặc cách.Bởi đại diện Sở Nội vụ thành phố Hà Nội đã nhiều lần khẳng định:
Đồng nghĩa giáo viên hợp đồng cũng không được hưởng bất kỳ ưu tiên nào, nếu không tham gia thi coi như sẽ bị mất việc.
Trong khi đó đến nay, thành phố Hà Nội cũng đã rục rịch chuẩn bị tổ chức kỳ thi viên chức trong thời gian từ tháng 10 – tháng 12.
Đối với các Quận, huyện không tổ chức xét tuyển, số giáo viên hợp đồng buộc phải lựa chọn: thi không đỗ mất việc, nghỉ cũng mất việc.
Điều này có trái với phát biểu của Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung. Cụ thể, trong phiên giải trình tại kỳ họp thứ 9 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội chiều 9/7/2019.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung có nói: “Điều kiện được xét tuyển là các giáo viên này có hợp đồng và đóng bảo hiểm trong suốt thời gian qua.
Thứ hai là kiểm tra sức khoẻ, và trình độ năng lực phải phù hợp với điều kiện mô tả vị trí việc làm.
Cụ thể là giáo viên dạy môn gì, khoa gì phải phù hợp với môn đó, khoa đó của trường định tuyển dụng.
Trên cơ sở đó, chúng tôi giao cho các quận, huyện thành lập hội đồng để xét tuyển.
Thành phố dự kiến chỉ xét tuyển đối với giáo viên có hợp đồng trên 5 năm, số còn lại phải thi tuyển. Sau khi xét tuyển hết mới thi tuyển số còn lại”.
Một số giáo viên hợp đồng tại huyện Ba Vì (Ảnh:V.N)
Tuy nhiên, theo thông báo số: 2239 – Lịch tổ chức thi tuyển, xét tuyển viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Ủy ban Nhân dân Quận, huyện, thị xã năm 2019: Ngày thi tuyển viên chức sẽ diễn ra từ 15/10/2019 đến ngày 17/11/2019 (vòng 1 vòng 2). Ngày xét tuyển từ 17/11/2019 đến 30/11/2019.
Như vậy không đúng theo tiêu chí: Xét tuyển hết số giáo viên hợp đồng rồi mới thi tuyển.
Đối chiếu với một số địa phương như Quảng Nam. Địa phương này đã ban hành quyết định số 3166 về việc thành lập Hội đồng xét tuyển viên chức ngành giáo dục.
Tại tỉnh Hải Dương, hơn 3800 giáo viên hợp đồng, nhân viên hợp đồng phấn khởi khi tỉnh cho phép các trường kéo dài hợp đồng đến khi tổ chức tuyển dụng xong.
Như vậy có thể thấy mỗi địa phương sẽ có một cách làm khác nhau. Về cơ bản Hà Nội đã không thực hiện được 2 cam kết:
Thứ nhất: Giải quyết xong vấn đề giáo viên hợp đồng trước thềm năm học mới
Thứ hai: Xét tuyển hết số giáo viên hợp đồng rồi mới tổ chức thi tuyển viên chức.
Bên cạnh đó mặc dù nhiều lần đã có chỉ đạo từ Trung ương nhưng tại huyện Mỹ Đức, giáo viên hợp đồng vẫn đang hưởng lương 1.2 triệu đồng và không được đóng bảo hiểm xã hội.
Sự mệt mỏi lộ rõ của giáo viên hợp đồng lên Hà Nội (Ảnh:V.N)
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã từng phân tích: Vướng mắc về điều kiện xét đặc cách cho số giáo viên hợp đồng tại Hà Nội nằm ở điều kiện – giáo viên làm việc trong các trường công lập tự chủ tài chính.
Nhưng thực tế lại không có giáo viên hợp đồng nào đủ điều kiện (như trả lời của đại diện Sở Nội vụ). Điều này đặt ra vấn đề: Khi chính sách xa rời và không phù hợp với thực tiễn.
Trong thời gian này, những giáo viên như cô T. vẫn hy vọng một chính sách nhân văn, hợp lý, hợp tình dành cho họ.
Liệu họ có thể lách qua khe cửa ngày càng hẹp? Điều này rất cần các chính sách nhân văn, ưu tiên đến từ Thành phố.
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Hàng nghìn giáo viên không được xét đặc cách: Sở Nội vụ Hà Nội lên tiếng
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội khẳng định có xét tuyển đặc cách đối với giáo viên hợp đồng, tuy nhiên qua rà soát không giáo viên nào đáp ứng đủ điều kiện xét đặc cách trên địa bàn.
Hàng nghìn giáo viên lâu năm ở Hà Nội lo lắng trước nguy cơ mất việc
Ngày 20/9, sở Nội vụ Hà Nội chính thức ban hành thông báo kế hoạch lịch tổ chức thi, xét tuyển viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã 2019.
Cùng với đó là thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu: Qua rà soát của các quận, huyện, thị xã, không ai trong số gần 3.000 giáo viên của Hà Nội đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt vào viên chức theo quy định tại Khoản 7, Điều 2, Nghị định 161/2018/NĐ-CP.
Theo đó, tất cả các giáo viên hợp đồng ở Hà Nội không được xét tuyển đặc cách do vướng quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 14, Nghị định 161/2018/NĐ-CP.
Thông tin này khiến hàng nghìn giáo viên lâu năm ở Hà Nội lo lắng, bởi họ có nguy cơ mất việc khi phải thi trong tình trạng tự biết mình khó đáp ứng được các tiêu chí để được trúng tuyển, đặc biệt là trong sự cạnh tranh với những người trẻ.
Đối với 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn, sau nhiều năm cống hiến, có người đã đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thành phố... giờ đang không khỏi thấp thỏm, lo lắng.
Những danh hiệu phấn đấu hàng chục năm không giúp cho giáo viên hợp đồng Sóc Sơn có một vị trí trong viên chức ngành giáo dục. Ảnh: Nghiêm Huê.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng khẳng định sẽ xét tuyển số giáo viên hợp đồng này nếu đáp ứng đủ ba tiêu chí: có hợp đồng từ 5 năm trở lên, có đủ sức khỏe và có chuyên môn phù hợp với vị trí cần tuyển dụng.
Tổ chức xét tuyển đặc cách nhưng không ai đủ điều kiện???
Lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết, thực hiện yêu cầu của UBND thành phố, huyện đã cho rà soát kỹ càng các đơn vị. Qua đó không có trường hợp nào đủ điều kiện xét tuyển đặc cách. Theo đó, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn đã có báo cáo Sở Nội vụ Hà Nội về việc rà soát xét tuyển đặc biệt và đăng ký hình thức tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019.
Theo đó, UBND huyện Sóc Sơn không có giáo viên hện đang hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy tại các trường công lập (đã nộp phiếu đăng ký dự thi đến hết ngày 13/4/2019) đủ điều kiện theo quy định Nghị định 161/NĐ/CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ, để thực hiện việc tuyển dụng đặc biệt vào viên chức.
Đồng thời, UBND huyện Sóc Sơn cũng đăng ký hình thức tuyển dụng là thi tuyển viên chức.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, sau khi có hướng dẫn, Thành phố đã có công văn hỏi Bộ Nội vụ. Sau đó, Bộ Nội vụ có văn bản phản hồi nêu rõ việc tuyển dụng thực hiện theo Nghị định 161/NĐ-CP. Từ văn bản này, Sở yêu cầu tất cả các quận huyện trên địa bàn thành phố rà soát các giáo viên hợp đồng theo đúng quy định tại Khoản 7, Điều 2, Nghị định 161.
Theo báo cáo mà các quận huyện đã rà soát và gửi lên thì tất cả đều không có giáo viên đủ điều kiện xét tuyển đặc cách.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, theo Nghị định 161, điều kiện 5 năm giảng dậy chỉ là một trong nhiều điều kiện yêu cầu. Điều kiện tiếp theo phải là các trường công lập tự chủ chi thường xuyên hoặc là các trường ngoài công lập. Đối chiếu theo nội dung quy định thì không có trường hợp nào đáp ứng.
"Thành phố có tổ chức xét tuyển đặc cách nhưng không có đối tượng đáp ứng chứ không phải là không làm", lãnh đạo Sở cho hay.
Bên cạnh đó, việc thi tuyển hay xét tuyển do các đơn vị tự lựa chọn, thống nhất hình thức, đề xuất lên Sở, rồi tổ chức theo hình thức đó.
Một trong những điều kiện để được xét đắc cách: giáo viên có ít nhất 5 năm công tác, phải làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập...
Theo Tiền phong
Bộ Nội Vụ: Trả lời về việc 3000 giáo viên hợp đồng có nguy cơ "mất việc" tại Hà Nội Ngày 20/9 tại trụ sở, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin và trả lời một số vấn đề báo chí, dư luận quan tâm trong thời gian qua. Trong đó, vấn đề tuyển dụng biên chế giáo viên thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức Trương Hải...