Giáo viên cấp 2 nào đứng lớp có cơ hội hưởng lương mới kịch khung?
Cho dù bằng cấp, chứng chỉ có đầy đủ nhưng nếu không đảm bảo các “nhiệm vụ” thì cơ hội trở thành giáo viên trung học cơ sở hạng I là không thể.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập ngày 02/2/2021 vừa qua tạo nên rất nhiều ý kiến tranh luận về việc thăng, giữ, xuống hạng, tăng lương giáo viên trong thời gian tới.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng có nhiều bài viết đề cập đến mức lương giáo viên hạng I có hệ số lên đến 6,78, hạng II có hệ số lương cao nhất là 6,38. Trong khi, hệ số lương kịch khung hiện hành đối với giáo viên trung học cơ sở là 4,98…
Bao giờ giáo viên được xếp hệ số lương là 6,78 và có bao nhiêu giáo viên trung học cơ sở có thể trở thành giáo viên hạng I trong những năm tới đây?
Chúng tôi sẽ phân tích một số điều kiện, tiêu chí khi trở thành giáo viên trung học cơ sở hạng I để thấy được những khó khăn mà những giáo viên nếu không đảm nhận chức vụ thì cửa để xét (thi) thăng hạng là cực thấp.
Trên các diễn đàn giáo viên đang có rất nhiều thầy cô quan tâm về chuyện lương mới sau khi Thông tư 03/2021 được ban hành (Ảnh: Nhật Duy)
Giáo viên hạng I lương cao nhưng nếu không đảm nhận chức vụ thì khó có cơ hội
Theo hướng dẫn của Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập thì rất hiếm giáo viên đạt được đủ các tiêu chí để xét (thi) và trở thành giáo viên hạng I.
Bởi, tại khoản 1 và khoản 3 của Điều 5 của Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT đã hướng dẫn về “nhiệm vụ” và “tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng” rất khó, những giáo viên không đảm nhận chức vụ thì sẽ không được cơ cấu tham gia các nhiệm vụ như hướng dẫn của Thông tư này.
Đối với nhiệm vụ của giáo viên hạng I:
“Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên trung học cơ sở hạng II, giáo viên trung học cơ sở hạng I phải thực hiện những nhiệm vụ sau:
a) Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên;
b) Làm báo cáo viên, chia sẻ kinh nghiệm hoặc dạy minh họa ở các lớp tập huấn, bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên từ cấp huyện trở lên hoặc tham gia dạy học trực tuyến;
c) Chủ trì triển khai, hướng dẫn đồng nghiệp triển khai các chủ trương, nội dung đổi mới của ngành;
d) Tham gia công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp huyện trở lên; tham gia đánh giá hoặc hướng dẫn các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp huyện trở lên;
đ) Tham gia ban tổ chức hoặc ban giám khảo hoặc ban ra đề trong các hội thi (của giáo viên hoặc học sinh) từ cấp huyện trở lên (nếu có) “.
Với nhiệm vụ như thế này thì giáo viên mà không đảm nhận chức vụ, chỉ dạy lớp đơn thuần gần như “không có cửa” để đủ điều kiện trở thành giáo viên hạng I.
Bởi các nhiệm vụ được hướng dẫn như vậy thì chỉ có một “số ít” tổ trưởng chuyên môn đảm nhận vai trò trong hội đồng bộ môn của cấp huyện hoặc một số thầy cô nằm trong Ban giám hiệu nhà trường mới có thể được cơ cấu để tham gia vào các nhiệm vụ này.
Còn lại, phần lớn tổ trưởng chuyên môn, thậm chí nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường cũng không bao giờ có cơ hội tham gia các nhiệm vụ như quy định tại khoản 1, điều 5 ở Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT.
Về ” Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng ” của giáo viên trung học cơ sở hạng I được hướng dẫn tại khoản 3, điều 5 như sau:
” a) Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I “.
Như vậy, nếu so với dự thảo trước đây thì “Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng” của giáo viên trung học cơ sở hạng I đã được bỏ đi 2 tiêu chí là: có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT và có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT nhưng vẫn yêu cầu “có bằng thạc sĩ trở lên”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, đối với giáo viên trung học cơ sở trước đây chỉ yêu cầu trình độ cao đẳng sư phạm, sau ngày 01/7/2020 thì mới bắt buộc có trình độ đại học…
Thực ra, ở cấp học này thì cũng có giáo viên có trình độ thạc sĩ nhưng rất hiếm và chỉ thường ở những tỉnh (thành) có điều kiện. Phần lớn giáo viên trung học cơ sở trên cả nước hiện nay được đào tạo ở bậc cao đẳng, sau đó hàm thụ lên đại học bằng các hình thức học từ xa, tại chức…
Những thầy cô mà có trình độ thạc sĩ rất ít khi dạy cấp trung học cơ sở mà thường là sau khi học xong thì họ sẽ xin chuyển hoặc sẽ được cấp trên điều động lên dạy cấp trung học phổ thông hoặc làm cán bộ quản lý…
Ngoài ra, Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT còn quy định về thời gian giữ hạng từ hạng II lên hạng I cũng khá lâu, cụ thể tại khoản 4, điều 5 hướng dẫn như sau:
” Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên, tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng “.
Trong khi, giáo viên từ hạng III lên hạng II cũng phải trải qua 9 năm trời, Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT cũng đã hướng dẫn:
” Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng “.
Như vậy, chỉ tính sơ sơ thời gian thì dù có đủ điều kiện để thi (xét) giáo viên trung học cơ sở hạng I cũng đã phải mất gần 20 năm trời…
Đó là chưa kể các tiêu chí về đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học và các danh hiệu thi đua từ cấp tỉnh trở lên hoặc danh hiệu giáo viên dạy giỏi…
Vẫn biết, để trở thành giáo viên trung học cơ sở hạng I đương nhiên là sẽ khó nhưng với hướng dẫn của Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT thì những giáo viên dạy lớp đơn thuần, không đảm nhận chức vụ sẽ rất khó có cơ hội, thậm chí để trở thành giáo viên trung học cơ sở hạng II cũng đã là vấn đề nan giải.
Cho dù bằng cấp, chứng chỉ có đủ nhưng nếu không đảm bảo các “nhiệm vụ” thì cơ hội trở thành giáo viên trung học cơ sở hạng I là không thể.
Vì thế, giáo viên trung học cơ sở hạng I, mã số V.07.04.30 và hưởng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,4 đến hệ số lương 6,78 là rất cao nhưng có lẽ vẫn là một giấc mơ dài của đại đa số giáo viên trung học cơ sở không đảm nhận chức vụ.
Tài liệu tham khảo:
//thukyluat.vn/vb/thong-tu-03-2021-tt-bgddt-xep-luong-vien-chuc-giang-day-trong-truong-trung-hoc-co-so-cong-lap-7160f.html
Giáo viên được chuyển xếp lương như thế nào theo thông tư mới?
Vấn đề mà hầu hết giáo viên quan tâm lúc này là kể từ 20/3/2021, giáo viên ở các cấp học, bậc học được chuyển xếp lương như thế nào?
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm xếp lương giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông tại các thông tư:
Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT quy định cách xếp lương đối với viên chức là giáo viên Mầm non; Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT quy định cách xếp lương đối với viên chức là giáo viên Tiểu học; Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định cách xếp lương đối với viên chức là giáo viên Trung học cơ sở; Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định cách xếp lương đối với viên chức là giáo viên Trung học phổ thông công lập.
Các thông tư có hiệu lực từ 20/3/2021.
Theo các thông tư trên, lương giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông được xếp theo các hạng từ hạng I đến hạng III.
Giáo viên chúng tôi biết ơn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giữ đúng lời hứa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, vấn đề mà hầu hết giáo viên quan tâm lúc này là kể từ 20/3/2021, giáo viên ở các cấp học, bậc học được chuyển xếp lương như thế nào?
Giáo viên rất quan tâm đến vấn đề xếp lương giáo viên. (Ảnh minh hoạ: Lã Tiến)
Trong phạm vi bài viết, xin được chia sẻ các văn bản quy định việc xếp lương mới như thế nào?
Đối với giáo viên mầm non
Chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non bao gồm:
1. Giáo viên mầm non hạng III - Mã số V.07.02.26 có hệ số lương từ 2,1 đến 4,89;
2. Giáo viên mầm non hạng II - Mã số V.07.02.25 có hệ số lương từ 2,34 đến 4,98;
3. Giáo viên mầm non hạng I - Mã số V.07.02.24 có hệ số lương từ 4,0 đến 6,38.
Tại Điều 7. Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non nêu rõ:
"1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BDGĐT-BNV nếu đạt các tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non như sau:
a) Giáo viên mầm non hạng IV hiện nay có hệ số lương từ 1.86 đến 4.06 có mã số V.07.02.06 được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III mã số V.07.02.26 có hệ số lương từ 2.1 đến 4.89 ;
b) Giáo viên mầm non hạng III hiện nay hệ số lương từ 2.1 đến 4.89 (mã số V.07.02.05) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26) có hệ số lương 2.1 đến 4.89 ;
c) Giáo viên mầm non hạng II hiện nay có hệ số lương 2.34 đến 4.98 (mã số V.07.02.04) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II hệ số lương 2.34 đến 4.98 (mã số V.07.02.25).
2. Giáo viên mầm non hạng II hệ số lương 2.34 đến 4.98 (mã số V.07.02.25) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I có hệ số lương từ 4.0 đến 6.38 (mã số V.07.02.24) khi được xác định là người trúng tuyển trong kì thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non.
3. Giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.04) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo quy định tại Điều 4 Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26).
4. Giáo viên mầm non mới được tuyển dụng sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đánh giá đạt yêu cầu thì được bổ nhiệm vào đúng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non đã trúng tuyển."
Đối với giáo viên tiểu học
Chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học bao gồm:
1. Giáo viên tiểu học hạng III - Mã số V.07.03.29 có hệ số lương từ 2,34 đến 4,98;
2. Giáo viên tiểu học hạng II - Mã số V.07.03.28 có hệ số lương từ 4,0 đến 6,38;
3. Giáo viên tiểu học hạng I - Mã số V.07.03.27 có hệ số lương từ 4,4 đến 6,78.
Tại Điều 7. Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học quy định:
1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nếu đạt các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học như sau:
a) Giáo viên tiểu học hạng IV hiện nay có hệ số lương từ 1,86 đến 4,06 (mã số V.07.03.09) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98 (mã số V.07.03.29);
b) Giáo viên tiểu học hạng III hiện nay có hệ số lương 2,1 đến 4,89 (mã số V.07.03.08) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98 (mã số V.07.03.29);
c) Giáo viên tiểu học hạng II hiện nay từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98 (mã số V.07.03.07) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38; (mã số V.07.03.28).
2. Giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I (mã số V.07.03.27) khi được xác định là người trúng tuyển trong kì thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học.
3. Giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.07) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo quy định tại Điều 4 Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29).
4. Giáo viên tiểu học mới được tuyển dụng sau khi hết thòi gian tập sự theo quy định và được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đánh giá đạt yêu cầu thì được bổ nhiệm vào đúng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học đã trúng tuyển."
Đối với giáo viên trung học cơ sở
Chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở bao gồm:
1. Giáo viên trung học cơ sở hạng III - Mã số V.07.04.32 có hệ số lương từ 2,34 đến 4,98;
2. Giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số V.07.04.31 có hệ số lương từ 4,0 đến 6,38;
3. Giáo viên trung học cơ sở hạng I - Mã số V.07.04.30 có hệ số lương từ 4,4 đến 6,78.
Tại Điều 7. Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở quy định:
1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nếu đạt các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở như sau:
a) Giáo viên trung học cơ sở hạng III hiện nay có hệ số lương từ 2,1 đến 4, 89 (mã số V.07.04.12) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III có hệ số lương từ 2,34 đến 4,98 (mã số V.07.04.32);
b) Giáo viên trung học cơ sở hạng II hiện nay có hệ số lương từ 2,34 đến 4,98 (mã số V.07.04.11) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II có hệ số lương từ 4,0 đến 6,38 (mã số V.07.04.31);
c) Giáo viên trung học cơ sở hạng I hiện nay có hệ số lương từ 4,0 đến 6,38 (mã số V.07.04.10) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I có hệ số lương từ 4,4 đến 6,78. (mã số V.07.04.30).
2. Giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.11) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo quy định tại Điều 4 Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32); giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo quy định tại Điều 5 Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31).
3. Giáo viên trung học cơ sở mới được tuyển dụng sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đánh giá đạt yêu cầu thì được bổ nhiệm vào đúng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở đã trúng tuyển."
Đối với giáo viên trung học phổ thông
Chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông bao gồm:
1. Giáo viên trung học phổ thông hạng III - Mã số V.07.05.15 có hệ số lương từ 2,34 đến 4,98;
2. Giáo viên trung học phổ thông hạng II - Mã số V.07.05.14 có hệ số lương từ 4,0 đến 6,38;
3. Giáo viên trung học phổ thông hạng I - Mã số V.07.05.13 có hệ số lương từ 4,4 đến 6,78.
Tại Điều 7. Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông quy định :
"1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông theo quy định tại Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nay được xếp hạng chức danh nghề nghiệp tương đương theo quy định tại Điều 2 Thông tư này.
Theo quy định này thì giáo viên trung học phổ thông hạng III, II, I hiện nay được chuyển xếp lương tương ứng hạng III, II, I mới có hệ số lương tương ứng ở trên.
2. Giáo viên trung học phổ thông mới được tuyển dụng sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đánh giá đạt yêu cầu thì được bổ nhiệm vào đúng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông đã trúng tuyển."
Trên đây là quy định về cách xếp lương giáo viên theo Thông tư mới áp dụng tù 20/3/2021, hướng dẫn cách quy đổi cụ thể và xếp lương giáo viên chưa đạt chuẩn như thế nào, người viết sẽ chia sẻ trong các bài viết tiếp theo, mời quí đọc giả đón đọc.
Hệ số lương giáo viên trường cấp 3 công lập thay đổi từ 20.3 Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định về xếp lương viên chức là giáo viên giảng dạy trong các trường trung học phổ thông (THPT) công lập. Hệ số lương giáo viên trường cấp 3 công lập thay đổi từ 20.3. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ 20.3.2021...