Giáo viên bị kiểm điểm vì dạy thêm có bị cắt thi đua không?
Nếu bạn vi phạm bị kiểm điểm sau thời điểm tháng 10/2020 thì phải áp dụng quy định tại Thông tư 21/2020.
Hiện nay có một số địa phương áp dụng các văn bản không phù hợp để không xét thi đua hoặc khen thưởng gây bức xúc cho giáo viên. Bày tỏ thắc mắc về Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một bạn đọc có tên H.D gửi thư về Tòa soạn có nội dung như sau:
“Tôi là một giáo viên đang công tác tại một trường Trung học phổ thông tại B.D, trong năm học 2020 – 2021 này, do không hiểu biết cụ thể quy định của pháp luật, tôi mắc một số lỗi chủ quan nên tôi đã có một số vi phạm về dạy thêm học thêm, nhưng lỗi được xác định là chưa đến mức kỷ luật, nên tôi được yêu cầu viết kiểm điểm và rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên, hiệu trưởng trường nêu dựa vào Thông tư 22/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nếu có vi phạm về dạy thêm, học thêm sẽ bị cắt thi đua vào cuối năm.
Xin kính nhờ Tòa soạn tư vấn, việc tôi có vi phạm về dạy thêm, bị viết kiểm điểm, rút kinh nghiệm bị cắt thi đua năm học là đúng hay sai? Xin trân trọng cám ơn!”
Giáo viên bị kiểm điểm rút kinh nghiệm, có bị cắt thi đua không? (Ảnh minh hoạ: vietnammoi.vn)
Xin cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về Tòa soạn.
Bằng hiểu biết cá nhân, căn cứ các cơ sở pháp lý người viết cung cấp một số quy định liên quan đến trường hợp bạn hỏi, như sau:
Thứ nhất, các trường hợp không được xét thi đua
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng sửa đổi 2005; Luật Thi đua, Khen thưởng sửa đổi 2013; Nghị định 91/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi đua, Khen thưởng; Theo Khoản 6, Điều 5, Nghị định 65/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013: Không xét tặng danh hiệu thi đua “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” đối với một trong các trường hợp sau: Mới tuyển dụng dưới 10 tháng, nghỉ từ 40 ngày làm việc trở lên, bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên.
Do đó, chỉ khi giáo viên bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên mới không được xét thi đua.
Về kỷ luật, đối với giáo viên không giữ chức vụ quản lý thì theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, chỉ có 3 hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo và buộc thôi việc.
Do bạn vi phạm chưa đến mức kỷ luật mà chỉ yêu cầu viết kiểm điểm, rút kinh nghiệm thì đó không phải là hình thức kỷ luật nên không có cơ sở để không xét thi đua cho bạn.
Thứ hai, bị kiểm điểm rút kinh nghiệm sẽ không bị cắt thi đua
Theo thông tin bạn cung cấp thì do bạn vi phạm dạy thêm nhưng chưa đến mức kỷ luật nhưng trường bạn đang công tác áp dụng Thông tư 22/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục để cắt thi đua của bạn là không đúng vì:
Trong Thông tư 22/2018/TT-BGDĐT tại “Điều 3. Yêu cầu đối với việc xét thi đua, khen thưởng
Video đang HOT
[...] 4. Không xét khen thưởng các tập thể, cá nhân, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu có tập thể hoặc cá nhân thuộc quyền quản lý vi phạm một trong các điểm sau: kê khai không đúng thành tích đạt được; vi phạm đạo đức nhà giáo, đạo đức người học; vi phạm quy chế tuyển sinh, quy chế thi, dạy thêm, học thêm; thu chi sai quy định làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục của đơn vị, địa phương, của ngành [...]”
Theo quy định của Thông tư 22 trên thì chỉ áp dụng không xét khen thưởng nếu có hành vi vi phạm dạy thêm, học thêm, các hình thức khen thưởng gồm:
Huân chương;
Huy chương;
Danh hiệu Vinh dự Nhà nước;
Kỷ niệm chương, Huy hiệu;
Bằng khen;
Giấy khen.
Còn các danh hiệu thi đua như chiến sĩ thi đua cơ sở, lao động tiên tiến,… thì không có quy định.
Do đó, hiệu trưởng trường bạn áp dụng quy định trên không xét thi đua cuối năm cho bạn là không hợp lý, không phù hợp, bạn nên có kiến nghị về Chủ tịch công đoàn để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp và chính đáng nếu bạn đủ tiêu chuẩn để xét thi đua.
Do bạn không trình bày rõ bạn bị kiểm điểm rút kinh nghiệm ở tháng nào của năm 2020 hay năm 2021 vì đến năm 2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 21/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục, Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2020, thay thế Thông tư số 22/2018/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục.
Do đó, nếu bạn vi phạm bị kiểm điểm sau thời điểm tháng 10/2020 thì phải áp dụng quy định tại Thông tư 21/2020 trên, tại Thông tư trên việc vi phạm dạy thêm, học thêm cũng không còn quy định không được khen thưởng hay không được xét các danh hiệu thi đua.
Một số quan điểm và thông tin trao đổi cùng bạn.
Phần tư vấn có tính chất tham khảo, tùy từng trường hợp khác nhau sẽ có cách giải quyết khác nhau.
Giáo viên không ngại làm 8 tiếng ở trường, vấn đề là điều kiện đảm bảo
Ngành giáo dục đang hướng tới họp trực tuyến, dạy và học trực tuyến, tập huấn trực tuyến... thì cớ gì giáo viên lại phải vào trường làm việc theo giờ hành chính?
Thời gian qua, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có một số bài viết của tác giả Nhật Khoa, Bùi Nam đề xuất giáo viên làm việc 8 tiếng tại trường và những bài viết này đã nhận được khá nhiều ý kiến từ độc giả cả nước.
Theo dõi các bài viết, chúng tôi nhận thấy chỉ có một số rất ít ý kiến đồng tình với quan điểm này còn đa số những phản hồi của độc giả sau mỗi bài viết được đăng tải trên tạp chí và một số trang facebook của giáo viên chia sẻ lại thì thấy các ý kiến đều phản đối đề xuất này.
Sự phản đối của đa phần đội ngũ giáo viên không phải là họ ngại khó, ngại khổ mà với thực tế công việc ở các nhà trường phổ thông hiện nay, cùng với thực tế phòng ốc làm việc, điều kiện đi lại của các giáo viên...không dễ gì thực hiện được đề xuất này.
Đề xuất giáo viên làm việc 8 tiếng/ ngày tại trường trong bối cảnh hiện nay khó phù hợp - (Ảnh minh họa: Lã Tiến)
Theo tác giả Bùi Nam tổng hợp 3 luồng ý kiến của độc giả sau bài viết Rất nhiều giáo viên phổ thông làm việc không đủ 8 giờ/ngày tại trường thì luồng ý kiến thứ 3 cho rằng :
" Những ý kiến đồng tình hoan nghênh với đề xuất trên cho là ý kiến khá hay, sẽ hạn chế được phần nào vi phạm dạy thêm trái phép tràn lan tốn nhiều thời gian, tiền bạc của nhân dân, bạo lực học đường, vi phạm trật tự giao thông, vi phạm khác ,...".
Vấn đề này thì tác giả Nhật Khoa cũng đã nêu trong bài viết của mình và tác giả Nhật Duy cũng đã phản biện lại bằng bài viết Giáo viên bức xúc với so sánh viên chức làm 8 tiếng/ngày! nên chúng tôi không đề cập lại tất cả các nội dung.
Chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh một số vấn đề như sau:
Thứ nhất : tác giả Nhật Khoa, Bùi Nam cũng là giáo viên phổ thông nên chắc tác giả sẽ hiểu vấn nạn dạy thêm, học thêm không nằm ở chỗ giáo viên dạy theo định mức số tiết/ tuần hay làm việc hành chính 8 tiếng/ ngày.
Cho dù giáo viên làm việc theo giờ hành chính 8 tiếng/ ngày thì sau giờ làm việc hành chính mà họ muốn mở lớp dạy thêm thì vẫn cứ dạy như thường, thậm chí còn dạy thêm nhiều hơn.
Bởi, làm việc theo định mực tiết/ tuần thì Ban giám hiệu còn có thể triệu tập giáo viên hội họp, tham gia các hoạt động của nhà trường vào các ngày trong tuần, có thể tham gia hội họp, ngoại khóa vào ngày Chủ nhật.
Nhưng, một khi làm việc theo giờ hành chính từ thứ Hai đến hết ngày thứ Sáu thì sẽ còn nguyên 2 ngày cuối tuần sẽ là cơ hội tốt để bố trí lịch dạy thêm cố định.
Đó là chưa kể hết giờ hành chính thì từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối, giáo viên có dư dả thời gian để dạy được 2 ca vì mỗi ca dạy thêm hiện nay đều có thời gian là 90 phút.
Vì vậy, nói giáo viên làm việc hành chính 8 tiếng ở trường để hạn chế tình trạng dạy thêm sẽ không khả thi mà còn tạo cơ hội cho những giáo viên dạy thêm có thêm lịch cố định để dạy thêm.
Suy cho cùng, mấu chốt của việc dạy thêm, học thêm không nằm ở chỗ dạy theo tiết hay làm việc hành chính mà nó nằm ở chương trình, sách giáo khoa và lợi ích từ việc dạy thêm của giáo viên, nhà trường và một phần nhu cầu của phụ huynh, học sinh hiện nay.
Hơn nữa, việc dạy thêm hiện nay chỉ tập trung vào một số môn chính, tập trung vào các trường ở khu vực đô thị và những lớp học cuối cấp. Đa phần học sinh nông thôn cấp tiểu học và trung học cơ sở (trừ lớp 9) rất ít học thêm.
Nhiều trường ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay phụ đạo miễn phí mà học sinh còn không vào học thì nói gì đến chuyện dạy thêm thu tiền. Điều này, chắc tác giả Bùi Nam, Nhật Khoa hiểu hơn ai hết...
Thứ hai : khi bàn về việc giáo viên làm việc theo giờ hành chính thì cũng đồng nghĩa với việc nhà nước phải đầu tư rất nhiều cơ sở vật chất đi kèm. Bởi, chẳng lẽ một khi giáo viên làm việc hành chính tại trường mà nhà trường lại không trang bị máy tính, bàn ghế làm việc cho giáo viên đầy đủ hay sao?
Nhưng, nếu đầu tư phòng ốc cho khoảng 1,5 triệu giáo viên phổ thông làm việc, nghỉ ngơi tại trường giống như những công chức, viên chức ở các ngành nghề khác trong bối cảnh kinh tế đất nước hiện nay là không thể.
Như bây giờ dạy theo số tiết thì giáo viên có thể ngồi tạm ở ghế đá hay phòng giáo viên để chờ đợi đến tiết dạy hoặc ngồi họp ở phòng giáo viên. Tuy nhiên, một khi đã áp dụng luật làm việc hành chính chẳng lẽ giáo viên lại không được trang bị những điều kiện tối thiểu nhất cho một viên chức nhà nước?
Hơn nữa, để so sánh tính hiệu quả công việc giữa ở nhà và ở trường thì giáo viên chấm bài, soạn giáo án ở đâu tốt hơn?
Bây giờ, chỉ khi kiểm tra học kỳ, một số trường tổ chức chấm tại trường mà còn không có nơi để giáo viên ngồi chấm thì một khi toàn bộ giáo viên làm việc ở trường sẽ kéo theo rất nhiều thứ phải đầu tư đi kèm.
Giáo viên trường tư làm tại trường được nhưng hãy nhìn về cơ sở vật chất giữa hai loại trường này xem thế nào, đa số trường công hiện nay không có nhà công vụ, không có hội trường, thậm chí các phòng chức năng còn chưa có.
Thứ ba : là người trong ngành giáo dục, chắc tác giả Bùi Nam, Nhật Khoa cũng nhìn ra vấn đề là tại mỗi trường học hiện nay có bao nhiêu phần trăm giáo viên là người địa phương? Đa phần giáo viên các trường phổ thông hiện nay là người từ các xã, huyện khác đến công tác.
Chúng ta thử hình dung mỗi trường chỉ cần một nửa giáo viên là người địa phương khác đến công tác thì hết giờ hành chính họ ở lại sẽ ăn uống, nghỉ ngơi ở đâu?
Hiện nay, mỗi buổi chỉ vài giáo viên ở lại còn có thể vào nghỉ ngơi tạm trong phòng thư viện hoặc ra ngoài quán ăn cơm rồi ngồi vạ vật ở các quán nước chờ đến buổi chiều để dạy.
Một khi cả trường làm việc theo giờ hành chính kéo theo việc ăn uống, nghỉ ngơi nữa chứ. Chỉ riêng chuyện phòng ốc cho giáo viên nghỉ trưa cũng đã là chuyện rất đáng bàn rồi.
Đối với các cán bộ, công chức, viên chức thì họ có phòng nghỉ ngơi riêng, hoặc có phòng làm việc riêng, hết giờ hành chính họ có thể đóng cửa nghỉ ngơi, đến giờ hành chính lại là phòng làm việc bình thường.
Còn giáo viên thì sao? Cả trường có 1 phòng giáo viên được lấy từ 1 phòng học để chuyển thành phòng chức năng, trong khi học sinh buổi sáng chưa tan thì học sinh buổi chiều đã có em vào. Vậy, giáo viên sẽ nghỉ ngơi ở đâu bởi hiện nay chỉ có những trường chuẩn quốc gia mới trường có hội trường.
Mà nếu không có nơi nghỉ trưa, liệu giáo viên nhà xa trường có đủ sức để ở trường vừa làm việc hành chính, vừa lên lớp đi dạy suốt đời được hay không?
Còn rất nhiều những bất cập chứ không hề đơn giản như tác giả Nhật Khoa, Bùi Nam thể hiện trong bài viết của mình và điều này cũng đã được hàng trăm độc giả cả nước phản hồi sau bài viết.
Bản thân người viết bài này không ngại khó, ngại làm việc hành chính và có lẽ hàng triệu thầy cô trên cả nước cũng vậy bởi những áp lực công việc, những vất vả của nghề giáo thì những ai trong nghề đều thấu hiểu.
Vì thế, nếu làm việc 8 tiếng /ngày tại trường mà trường học vẫn còn điểm phụ, học sinh vẫn còn bỏ học, áp lực về hồ sơ sổ sách vẫn còn thì đề xuất này sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.
Những năm tới đây, chỉ riêng việc soạn giáo án theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH mà Bộ vừa ban hành ngày 18/12/2020 và việc tập huấn chương trình mới cũng đủ cho giáo viên mệt mỏi.
Hơn nữa, ngành giáo dục cũng đang hướng tới họp trực tuyến, dạy và học trực tuyến, tập huấn trực tuyến, hồ sơ sổ sách điện tử thì cớ gì giáo viên lại phải kéo nhau vào trường làm việc theo giờ hành chính?
Nhà giáo bị mặc định không được giàu, phải nghèo mới "thanh cao"? Chuyện giáo viên đi dạy thêm không phải là hiếm, thế nhưng cứ mỗi khi nhắc đến chuyện dạy thêm là nhiều người chỉ nhìn vào các mặt tiêu cực. Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Với nhiều giáo viên, ít có công việc nào thu nhập cao như dạy thêm", nhiều bạn đọc đã...