Giao tranh dữ dội ở Gaza khi Israel đẩy mạnh tấn công trên bộ
Phía Palestine đã báo cáo các cuộc không kích và pháo kích dữ dội ở Gaza vào sáng 30/10, khi quân đội Israel dùng xe tăng yểm trợ tiến vào khu vực này.
Chiếc xe ủi bọc thép dọn đường ở Gaza. Ảnh: Lực lượng Phòng vệ Israel/Reuters
Theo hãng tin Reuters (Anh), quân đội Israel tuyên bố tấn công khoảng 600 mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza trong vài ngày qua khi tiếp tục mở rộng chiến dịch trên bộ tại vùng lãnh thổ này.
“Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tiêu diệt hàng chục tay súng cố thủ trong các tòa nhà, đường hầm và cố gắng tấn công các binh sĩ”, quân đội Israel cho biết.
Truyền thông Palestine cho biết các cuộc không kích của Israel nhằm vào các khu vực gần bệnh viện Al-Shifa và Al-Quds của Gaza. Các tay súng Palestine đã đụng độ với lực lượng Israel ở khu vực biên giới phía đông thành phố Khan Younis.
Giới chức y tế ở Gaza cho biết ít nhất 20 người Palestine đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong đêm khi lực lượng mặt đất của Israel tiến vào vùng đất ven biển từ nhiều hướng.
Người dân cho biết họ có thể nghe thấy tiếng súng và tiếng nổ suốt đêm. Nhóm Hamas và Thánh chiến Hồi giáo Palestine cho biết các thành viên đã tham gia chiến đấu với lực lượng Israel ở Gaza cũng như thành phố Jenin ở Bờ Tây.
Israel đã công bố hình ảnh xe tăng chiến đấu ở bờ biển phía tây của vùng lãnh thổ này, báo hiệu nỗ lực bao vây thành phố chính của Gaza hai ngày sau khi chính phủ Israel ra lệnh mở rộng các cuộc tấn công trên bộ.
Xe tăng của Israel tiến vào Gaza từ miền nam hôm 29/10. Ảnh: AFP
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết quân đội nước này đã phát động giai đoạn thứ 2 của cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Gaza và cảnh báo người dân chuẩn bị cho một cuộc xung đột lâu dài phía trước.
Đường dây liên lạc viễn thông và Internet đã được mở lại hôm 29/10. Tuy nhiên, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Paltel cho biết các cuộc không kích của Israel một lần nữa đã làm gián đoạn dịch vụ Internet và viễn thông ở các khu vực phía bắc Gaza, nơi đặt trung tâm chỉ huy của Hamas. Tình trạng mất liên lạc đã cản trở nghiêm trọng các hoạt động cứu hộ thương vong trong các cuộc tấn công.
Người dân Palestine cũng đang phải sống trong tình trạng thiếu nhiên liệu, thực phẩm và nước sạch khi cuộc xung đột bước sang tuần thứ 4.
Video đang HOT
Theo Reuters, các cuộc tấn công đã diễn ra ở gần các bệnh viện sau khi Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine cho biết hôm 29/10 rằng họ đã nhận được cảnh báo từ Chính quyền Israel yêu cầu sơ tán ngay lập tức bệnh viện Al-Quds, nơi có khoảng 14.000 người đang tìm nơi trú ẩn.
Israel đã cáo buộc Hamas đặt các trung tâm chỉ huy và cơ sở hạ tầng quân sự khác trong các bệnh viện ở Gaza. Tuy nhiên, lực lượng này đã phủ nhận cáo buộc trên.
Giới chức Palestine cho biết khoảng 50.000 người cũng đã đến trú ẩn tại Bệnh viện Al-Shifa, đồng thời nói thêm rằng họ lo ngại về các mối đe dọa từ Israel đối với cơ sở này.
Tên lửa từ phía bắc Gaza bắn về phía Israel ngày 30/10. Ảnh: AFP
Israel đã thắt chặt phong tỏa và bắn phá Gaza trong 3 tuần kể từ cuộc tấn công của phong trào Hamas hôm 7/10. Số người thiệt mạng của cả hai bên đã lên tới cả chục nghìn người. Hiện người dân ở Dải Gaza đang phải đối mặt với tình trạng mất liên lạc gần như hoàn toàn. Cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn chưa từng có tại Gaza đang khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.
Theo một nguồn tin giấu tên, các cuộc đàm phán do Qatar làm trung gian giữa Israel và Hamas vẫn đang diễn ra từ hôm 29/10, bao gồm các cuộc thảo luận về khả năng thả con tin. Nguồn tin cho biết Hamas muốn Israel tạm dừng các hoạt động trong 5 ngày để cho phép viện trợ và nhiên liệu vào Dải Gaza, đổi lấy việc thả tất cả con tin dân sự do lực lượng này bắt giữ.
Theo chính phủ Israel, hơn một nửa số con tin bị Hamas bắt giữ có hộ chiếu nước ngoài từ 25 quốc gia, trong đó có 54 công dân Thái Lan.
Ngày 30/10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ được thông báo ngắn gọn về tình hình nhân đạo ở Gaza. Trong 2 tuần qua, cơ quan gồm 15 thành viên này đã 4 lần bỏ phiếu không thành công về các dự thảo nghị quyết hành động trong cuộc xung đột. Trong khi đó, cuối tuần trước, Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 thành viên đã bỏ phiếu áp đảo kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc giục Thủ tướng Israel Netanyahu kêu gọi bảo vệ dân thường ở Gaza và tăng cường viện trợ nhân đạo ngay lập tức.
Đại tá Elad Goren của COGAT, cơ quan của Bộ Quốc phòng Israel phối hợp với người Palestine, cho biết Israel sẽ cho phép tăng đáng kể viện trợ cho Gaza trong vài ngày tới. Đồng thời, ông kêu gọi người dân Palestine nên tới khu vực nhân đạo ở phía nam của lãnh thổ này.
Những chiến thuật đằng sau cuộc tấn công trên bộ ban đầu của Israel
Quy mô hạn chế ban đầu của cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza giúp Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tận dụng lợi thế về hỏa lực trước phong trào Hamas, đồng thời giảm thiểu rủi ro.
Các xe tăng Merkava của Israel di chuyển ở Dải Gaza ngày 29/10. Ảnh: Getty Images
Israel đã đáp trả vụ tấn công tàn khốc của Hamas vào ngày 7/10 bằng cuộc huy động lớn nhất trong lịch sử quốc gia. Nhưng theo tờ Financial Times, khi xe tăng và binh sĩ nước này tiến vào Gaza vào cuối tuần này, đó không phải là một cuộc tấn công toàn diện quy mô lớn như nhiều người dự báo. Thủ tướng Benjamin Netanyahu gọi đây là "giai đoạn thứ hai" của cuộc chiến với Hamas.
Về vấn đề này, một số quan chức đương nhiệm và nghỉ hưu nhận định phạm vi hạn chế của cuộc tấn công ban đầu của Israel đã phản ánh nhiều yếu tố phức tạp. Nhưng trên hết, Israel muốn tối đa hóa lợi thế về hỏa lực trước Hamas và giảm thiểu thương vong cho chính mình, đồng thời cố gắng tránh lôi kéo các đối thủ khác vào cuộc chiến.
Ở cấp độ chiến thuật, cuộc tiến quân nhỏ hơn dự kiến có nghĩa là lực lượng mặt đất có thể dễ dàng được hỗ trợ từ trên không. Sự hỗ trợ này là rất quan trọng để IDF tiến vào các khu vực phía Bắc Gaza, nơi Hamas đã dành nhiều năm để xây dựng thành lũy phòng thủ.
Ông Amir Avivi, cựu Phó chỉ huy Sư đoàn Gaza của quân đội Israel, nói: "Chúng tôi sẽ không mạo hiểm. Khi điều động binh lính, chúng tôi sẽ tấn công với lượng pháo khổng lồ cùng 50 máy bay trên đầu sẽ tiêu diệt bất cứ thứ gì chuyển động".
Các quan chức cho biết giao tranh ở Gaza sẽ rất căng thẳng. Hamas đã được huấn luyện để chiến đấu trong môi trường đô thị và đã xây dựng một mạng lưới đường hầm khổng lồ mang tên "Tàu điện ngầm Gaza", giúp di chuyển máy bay chiến đấu và vũ khí mà không bị phát hiện. Phong trào Hồi giáo này cũng có một kho vũ khí chống tăng và các thiết bị nổ tự chế.
Để chuẩn bị cho trận chiến sắp tới, quân đội Israel ngày 29/9 đã giao chiến với các tay súng Hamas chạy ra từ một đường hầm gần cửa khẩu biên giới Erez.
Ông Eyal Hulata, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Israel lưu ý rằng điều tồi tệ hơn chiến đấu ở địa hình đô thị là chiến đấu trên đống đổ nát của địa hình đô thị. Có rất nhiều vị trí thích hợp để ẩn nấp và phục kích.
"Khi quân đội Israel đứng yên, họ dễ bị tổn thương hơn. Đó là lý do tại sao họ di chuyển chậm nhưng liên tục, rất cẩn thận trong việc bảo vệ những nơi họ đã có mặt", ông kết luận.
Lực lượng Phòng vệ Israel đã rất kín tiếng về vấn đề triển khai chính xác cho một trong những chiến dịch quan trọng nhất hàng thập kỷ. Nhưng giới chức địa phương cho biết việc xây dựng lực lượng dần dần nhằm mục đích làm giảm khả năng nhóm Hezbollah ở Liban tham gia cuộc xung đột ở Gaza lần này.
Theo một nhân vật nắm rõ kế hoạch chiến đấu của Israel, việc đưa ít quân hơn vào Gaza đồng nghĩa với quân lực có thể được triển khai dễ dàng hơn ở phía Bắc nếu Hezbollah tham chiến.
Một nhà ngoại giao phương Tây cho biết: "Tôi nghĩ thông điệp gửi đến người Israel về cuộc tấn công trên bộ là rất có chủ ý. Họ lo ngại rằng Hezbollah và Iran có thể coi cuộc tấn công trên bộ là nguyên nhân gây ra một sự leo thang nào đó, đó là lý do tại sao họ không gọi đây là một cuộc tấn công trên bộ".
Quân đội Israeli pháo kích vào các mục tiêu ở Gaza ngày 29/10. Ảnh: EPA-EFE
Ông Yakov Amidror, thành viên Viện An ninh Quốc gia Do Thái của Mỹ, lại cho rằng cuộc tấn công giới hạn ban đầu này cũng phản ánh cam kết của Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong việc xóa bỏ Hamas khỏi Dải Gaza là một mục tiêu quá lớn, không thể hoàn thành trong một sớm, một chiều.
Theo chuyên gia trên, mục tiêu đó không phải là chiến thuật có thể đạt được ngay nay mai. Ông dự kiến chiến dịch này sẽ kéo dài từ sáu tháng đến một năm. Ông Amidror nhận định về chiến thuật, sự thận trọng đó là nhằm bảo toàn lực lượng khi mục tiêu cuối cùng quá lớn nên dù thế nào đi nữa, nó cũng không thể nhanh chóng đạt được.
Một số nhà quan sát khác lại cho rằng quy mô của cuộc tấn công ban đầu là dấu hiệu cho thấy Israel đang hướng tới một điều gì đó ít tham vọng hơn là lật đổ Hamas.
"Có vẻ như mục tiêu của họ không phải là loại bỏ hoàn toàn Hamas khỏi Gaza. Thay vào đó, có vẻ như họ đang muốn làm suy thoái cơ sở hạ tầng quân sự và tiêu diệt giới lãnh đạo. Nhưng trung thực mà nói, họ vẫn chưa thực sự nói rõ mục tiêu cuối cùng là gì, có thể vì họ chưa thực sự tìm ra nó", một nhà ngoại giao phương Tây nói.
Chính phủ Israel đã khẳng định sẽ không bị ảnh hưởng bởi áp lực quốc tế về kiềm chế lực lượng vũ trang trước khi họ đánh bại Hamas. Các bộ trưởng Israel cũng cho rằng các cuộc tấn công trên bộ ban đầu sẽ làm tăng áp lực buộc lực lượng Hamas phải thả trên 230 con tin bị bắt ngày 7/10.
Ngày 28/10, ông Benny Gantz, thành viên nội các chiến tranh của Israel, nói rằng: "Trong cuộc chiến này không có 'đồng hồ cát ngoại giao' mà là một chiếc đồng hồ chiến dịch cùng với lời cam kết đưa những người bị bắt cóc trở về. Chúng tôi sẽ lắng nghe các đối tác nhưng chúng tôi sẽ làm những gì phù hợp".
Những người khác thì ít chắc chắn hơn. Cựu Thủ tướng Ehud Olmert, người giám sát các hoạt động quân sự lớn trên bộ ở Gaza và Liban, cho biết Israel có lẽ còn ít thời gian hơn so với dự tính của nội các chiến tranh để hiện thực hóa các mục tiêu, dựa trên những hình ảnh về sự tàn phá trên diện rộng ở Gaza.
Theo các quan chức Palestine, các cuộc tấn công của Israel đã khiến trên 8.000 người thiệt mạng và trên 20.000 người bị thương. Liên hợp quốc cảnh báo rằng quyết định của Israel trong việc ngừng cung cấp điện, nhiên liệu, nước và hàng hóa cho Gaza đã đẩy dải đất này đến bờ vực sụp đổ nhân đạo.
Cuộc đột kích ban đầu của Israel vào Gaza diễn ra gần khu vực Beit Hanoun ở phía Bắc Gaza và khu vực Bureij ở trung tâm của dải đất này. Các nhà phân tích cho rằng cách tiếp cận này cho thấy Israel đang cố gắng dần dần bao vây thành phố Gaza, nơi mà Tel Aviv tuyên bố là căn cứ tập trung phần lớn cơ sở hạ tầng quân sự của Hamas.
Ông Amos Harel, phóng viên quân sự và là tác giả cuốn sách về xung đột Israel-Palestine, cho biết lực lượng Israel đã di chuyển 3 - 4km vào bên trong Gaza, nhưng chưa chiến đấu trong đô thị. Và mục đích của họ dường như là gây áp lực, buộc các tay súng Hamas ra khỏi đường hầm để tấn công.
Người nắm rõ kế hoạch chiến đấu của Israel cho biết tính đến sáng 29/10, sức kháng cự mà Israel gặp phải không "lớn" và không rõ tại sao Hamas không bắn thêm tên lửa chống tăng vào xe bọc thép của IDF khi họ tiến vào Gaza.
Tuy nhiên, nhiều nhân vật khác cảnh báo không nên chủ quan về phản ứng của Hamas ở giai đoạn đầu này, đặc biệt là khi tình báo Israel đã không phát hiện ra âm mưu tấn công xuyên biên giới của nhóm này vào hồi đầu tháng.
Ông Eyal Hulata, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, kết luận: "Mọi thứ xảy ra kể từ ngày 7/10 là một bất ngờ lớn. Vì vậy, tôi sẽ rất cẩn thận khi đánh giá những gì Hamas có thể và không thể làm".
Giao tranh tiếp diễn giữa Israel và các tay súng ở Dải Gaza Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 12/5 tuyên bố đã thực hiện một số cuộc tấn công đánh trúng các địa điểm chỉ huy của lực lượng Thánh chiến Jihad Palestine (PIJ) ở Dải Gaza. Rocket được phóng từ Dải Gaza xuống lãnh thổ Israel khi căng thẳng leo thang giữa Israel và Palestine, ngày...