Giao thừa thơm khói trấu
Nhà mình nhỏ, bốn bề thông thống gió. Tường ve bạc phếch, loang lổ, bung từng mảng. Mái ngói mục, nâu xỉn.
Mùa mưa, nghênh ngang mọc cả vài nhánh cỏ, ít mầm mạ lơ thơ. Nếu gặp kì ẩm trời kéo dài còn trổ cả bông, li ti trắng. Hoa nở trên mái ngói. Cảnh ấy, mãi về sau mình chẳng thấy lại bao giờ.
Nhà bé như nắm tay lọt thỏm giữa bốn bên vườn rộng. Qua vườn là ao Cả, mênh mông như hồ. Đi gần hết cuộc đời vẫn có lúc lẩn thẩn, xòe bàn tay đếm rồi tự hỏi: “Không biết bao nhiêu mùa xuân thơ bé thấy cỏ dại về nở hoa trên mái ngói và không biết bao nhiêu năm mình thức với giao thừa?”
Ảnh: IT.
Ao Cả không phải của nhà mình, mẹ xin tát thuê chỉ cốt được trả công bằng cá. Gàu dai đôi, giai ba, gàu sòng ròng rã. Thâu đêm. Nước mênh mông lùi xuống, những cọc ao, cọc chà nhô dần lên, ốc vặn bám đầy. Đã thấy sóng nước cuồn với những lưng cá quẫy. Con đứng trên bờ, háo hức, chẳng để ý đến lưng áo mẹ ướt đẫm giữa trời đông.Bố đi công tác xa, một năm chẳng về qua mấy bận. Nhà mình nghèo, bốn mùa mùa nào cũng là mùa giáp hạt, thức ăn quanh năm là cà muối mặn, là nước tương, và ít dừa già ủ trong hũ muối, nhưng tết đến, bao giờ mẹ cũng có tiền mừng tuổi cho các con. Ấy là tiền bòn mót từ cây vườn cằn cỗi bởi đất bạc màu chỉ còn cặn sỏi. Vài quả bưởi, mấy quả cam chấp chua như chanh, mớ rau hay quả bầu, quả mướp còi queo quắt. Toàn tiền lẻ, mẹ cất kĩ trong cái túi vải tự khâu, giắt cạp quần, mỗi năm, chỉ dịp tết con mới được nhìn tận mắt. Và cũng chỉ mỗi năm, vào dịp tết, cả nhà mới quây quần bên bếp, xem mẹ làm món cá bồi vì cữ ấy những chủ ao trong làng bắt đầu tát ao ăn tết.
Mẹ con mình về đến sân bao giờ cũng là lúc trời sập tối vì còn ở lại, lần từng góc ao, sót những con cua, con ốc cuối cùng. Mớ cá, ốc hỗn độn, lục sục trong lượt bùn non được chia từng loại. Bọn cá rô đen trùi trũi sống dai, để vào ang, chờ ra giêng bố về nấu cải. Còn lại mẹ làm món cá bồi.
Lũ cá bồi của mẹ lớn lắm cũng chỉ bằng ba đầu ngón tay, đủ loại, vì ít cá rộng được trả công mẹ dành biếu ông bà. Tất cả làm sạch, ướp muối cho đanh rồi rửa lại, chờ ráo nước, xếp vào nồi đất, ở dưới là khúc mía chẻ nhỏ hoặc vài lát giềng kẻo sát đáy, cháy nồi. Mỗi lớp cá, một duộc tương – tương nếp nâu vàng mịn, ngọt mùi đỗ được mẹ tự tay múc ra từ cái chum đậy mấy lần nắp, đội thêm cái nón rách đứng chầu hẫu góc sân, không khiến đứa nào lấy, sợ hỏng cả chum thì quanh năm ăn nước muối. Cá đầy, phủ lượt tương cuối cùng, chờ cho ngấm rồi bắc lên bếp. Lửa rơm bùng bùng. Chúng con xúm xít đứng quanh vướng víu nhưng mẹ chẳng nỡ đuổi đứa nào. “Mẹ ơi! Sôi rồi đấy”. “Ừ! Đưa mẹ tấm lá chuối”.
Video đang HOT
Cái vung đất mở ra. Nước tương lục bục, khói phủ mờ. Mấy cái đầu trẻ con châu lại. Hít hà. Tấm lá chuối tươi xìu xuống, ôm khít lấy miệng nồi. Đậy như thế, chốc nữa ủ, tro không lọt được vào trong, lại giữ hơi, thơm mùi lá. Một góc tro bếp đã được thằng út nhanh nhảu dọn sẵn. Nó xí phần đốt rơm, rắc ít trấu cho bén. Mẹ cẩn thận bưng nồi cá đặt vào giữa, rắc chút tro nguội lên vung, đốt thêm vài mồi rơm nữa. Cái nóng bừng bừng làm lũ con dạt ra ngoài. Than rơm hồng rực, lớp trấu được rắc lên từ từ, dần phủ kín cả nồi cá, khói trắng nghi ngút, âm ỉ cháy. Nồi cá cứ thế để qua cả đêm giao thừa, trong nỗi thao thức, băn khoăn của con. “Mẹ ơi! Mèo nó có ăn mất cá không?”. “Ăn sao được, lửa đang cháy.”. “Mẹ ơi! Con mèo kêu”; “Nó gọi con nó đấy!”; “Mẹ ơi! Cẩn thận kẻo nồi cá cháy mất”; “Không cháy được đâu. Mẹ ủ trấu đủ rồi”.
Ảnh: IT.
Bữa cơm mùng Một tết bao giờ cũng có món cá bồi. Miếng cá còn nguyên, con cá cũng còn nguyên, màu nâu sẫm, cứng mình nhưng chỉ cần dùng đũa bẻ là gẫy đôi, thịt cá chắc mà nục không còn chút xương, đậm đà ngọt vị tương, vị cá, một miếng là đủ một bát cơm. Kể cả cái tương đáy nồi dẻo quánh, mặn mà ngọt cũng ngon hơn mọi thứ trên đời. “Mẹ ơi! Miếng này ngon, mẹ ăn đi!”; “Mẹ ăn rồi!”.
Lúc nào mẹ cũng trả lời chúng con một câu như thế. Và lúc nào mẹ cũng chỉ ăn cơm trộn với chút tương còn lại cuối cùng…
Lâu quá rồi mẹ nhỉ! Mẹ đi, món cá bồi cũng theo mẹ về nơi nào tít tắp. Tết này, con ngồi đây, cầm trên tay cái túi vải sờn đựng mấy đồng bạc lẻ của mẹ, biết hỏi ai để được trở về ngôi nhà nhỏ giữa vườn cây thông thống gió, có hoa nở trên mái ngói, có lửa rơm, rạ trấu, có lũ trẻ nghèo lấm lem bùn đất, xúm xít quanh mẹ, dụi khói cay toét mắt, đêm giao thừa trong ổ rơm thao thức không ngủ được, lắng nghe từng tiếng mèo kêu?
ANH PHAN
Theo thegioitiepthi.vn
Nhớ da diết những chiều 30 Tết
Tôi nhớ da diết những chiều 30 Tết, khi nhà đã không còn hột bụi, khi khói đốt đống lá cây cuối cùng bay lên bảng lảng, tivi phát chương trình Chiều cuối năm, ba tôi đốt một nén hương trầm trên ban thờ tổ tiên, má tôi làm cơm cúng tất niên.
Tôi hay ngóng Tết về từ độ gió chướng cuối năm. Gió chướng, đúng như tên gọi của nó: khó chịu, ngang ngạnh, khô và lạnh. Gió đùng đùng cả ngày theo từng cơn thốc đám lá cao su, lá điều tứ tung đầy nhà đầy sân. Nhỏ em cầm chổi quét đằng trước gió lại quẩn lá về phía sau, những sáng thức dậy sớm, chúng tôi tranh nhau đốt lá cao su hơ tay sưởi ấm. Thỉnh thoảng, vài hạt điều sót lại nổ lép bép và dậy mùi thơm béo ngậy.
Gió chướng về, rau muống ra hoa, mía trổ cờ, ngoài đồng những con cá rô béo núc ngược dòng nước từng đàn.
Từ trước khi gió về là má đã làm đất gieo rau xà lách, thì là, rau mùi. Có gió xuống đám xà lách vừa vặn kịp cuộn lại, búp non mơn mởn. Rau này mà nấu canh cá với cà chua rồi chấm, hay cuộn chả giò chiên chấm nước mắm thì ngon hết sẩy.
Từ độ đưa ông Táo về trời là thời gian như cứ trôi vèo vèo, ba tôi vặt lá cho mấy gốc mai rồi sáng chiều chắp tay đi quanh ngó nghiêng tính toán xem thời tiết này mai có nở kịp không. Có khi ngủ nửa đêm thấy trời trở lạnh, ba còn lật đật trở dậy lấy bóng đèn ra thắp ủ ấm cho cây mai. Với ba, có cây mai mới ra Tết, mà còn phải là mai do chính tay ba chăm sóc.
Mấy anh chị em họ chúng tôi có thói quen đi chợ Tết cùng nhau vào những ngày 30. Từ khi chúng tôi còn là những đứa bé đạp xe đạp hẹn nhau ở đầu chợ, xin ba má được ít tiền đi chợ Tết, đến khi đã là những đứa trẻ lớn đầu thì chợ Tết luôn là một điều đặc biệt. Đó là phiên chợ rộn ràng và đầy sắc màu, người mang ra những xếp lá dong, lá chuối, người mang ra mấy con gà trống, những cây phát tài, những rổ trái cây hái từ vườn nhà.
Ở một góc chợ, có những người bán cả những cành mai rừng to đùng và rất dài thu hút cánh đàn ông đứng xem và bàn tán. Phụ nữ thì khỏi phải nói, các chị các mẹ ai cũng khệ nệ xách hai ba giỏ đầy ắp thị thà rau củ. Chợ quê mà, nghỉ Tết cũng phải ra mùng mới bán lại chứ không như ở thành phố có sẵn siêu thị mở cửa xuyên Tết.
Tết cuốn cả nhà vào sự bận rộn không rõ ràng, làm xong việc này lại thấy phải làm việc kia. Những bận rộn mà người ta than thở đó nhưng rồi lại ngóng chờ trong nhớ thương, chộn rộn. Phải chợ ngó nghiêng hoa cỏ, mấy chậu quất kiểng, bông cúc rồi ỏng eo chê mắc xong rồi vẫn mua "mua về sớm chưng cho có không khí Tết, chờ chi tới chiều 30, hết Tết mất rồi còn đâu"- má nói vậy.
Phải đi tới đi lui mấy nhà trong xóm hỏi nhau một câu "Sắm Tết tới đâu rồi", nghe người ta trả lời mới thấy không khí Tết. Phải lôi hết chén dĩa, ly tách ra rửa, lôi chăn lôi mền ra giặt phơi kín bờ rào, lau ban thờ, lau bát nhang, quét mạng nhện sạch bóng nhà cửa, cho có không khí Tết. Phải bày ra mấy trái dừa nạo làm mứt, sên đường, bày ra mấy ký gạo gói mấy cái bánh chưng, làm ít dưa hành củ kiệu đau muốn gãy cái lưng rồi đắp mền mở Táo quân, chuẩn bị sẵn đống củi chờ giao thừa châm lửa cho có không khí Tết.
Tết mà!
Tôi nhớ da diết những chiều 30 Tết, khi nhà đã không còn hột bụi, khi khói đốt đống lá cây cuối cùng bay lên bảng lảng, tivi phát chương trình Chiều cuối năm, ba tôi đốt một nén hương trầm trên ban thờ tổ tiên, má tôi làm cơm cúng tất niên. Cái mùi hương trầm ba tôi đốt những chiều đó không lẫn vào bất cứ ngày nào khác.
Bởi thế những chiều 30 khi nắng chếch sau hè, tôi hay ngồi ở mé hiên nhà tận hưởng từng phút giây như gần như xa. Bởi phải mất 364 ngày sau mới lại được gặp một chiều bình yên ấm cúng như thế, với những đổi thay chẳng ai đoán định.
HUYỀN TRẦN
Theo thegioitiepthi.vn
Tết này tự làm giò lụa vừa ngon vừa sạch để cả nhà thưởng thức Thưởng thức từng miếng giò dai giòn, thơm nức mũi do chính tự tay mình làm thì còn gì thích thú bằng nhỉ. Nguyên liệu: - 700 gr thịt heo xay (mua có mỡ lẫn thịt) - Gia vị: 1 muỗng cà phê bột tỏi (bạn có thể dùng nước ép tỏi) - 1/2 muỗng cà phê bột tiêu trắng - 1 muỗng...