‘Giáo sư Nộm’ kiếm tiền triệu với xe hàng rong
“Tách… Tách… Tách…” nghe tiếng kéo vang lên, người dân phố cổ Hà Nội lại kéo nhau ra chờ được ông Hào làm cho đĩa nộm. 30 năm, ông lão 70 tuổi miệt mài đẩy xe hàng rong và coi đây là thú vui hơn là vì tiền bạc.
16h hàng ngày, ông già tóc bạc, dáng người đậm, đeo kính lại rong ruổi xe nộm dọc khu phố cổ. Trên tay ông lão 70 tuổi này là chiếc kéo to đập lưỡi vào nhau kêu tanh tách thay tiếng rao. Nghe tiếng kéo, người dân kéo nhau ra kiên nhẫn chờ ông làm cho đĩa nộm ăn chơi. Cứ như vậy, công việc bán hàng của ông Lưu Văn Hào (Lò Sũ, Hà Nội) kéo dài đến 1-2h sáng, suốt 30 năm nay.
Quen thuộc với tiếng kéo rao và hương vị nộm xưa, các “fan” gọi ông Hào là “ông Nộm” hay “ giáo sư Nộm”. Nghe cái tên đó, ông lão móm mém cười hiền rồi gật gù khoái chí. Đợi khách thưởng thức xong đĩa nộm, ông lại thong thả dắt chiếc xe có gắn tủ đựng đồ trộn nộm rong ruổi. Tiếng kéo lại vang lên lách tách…
Tối nào ông Hào cũng đi bán nộm tới 1-2h sáng. Ảnh: Bình Minh.
7h sáng, trong căn nhà thuê ở sâu trong con ngõ nhỏ trên phố Lò Sũ, vợ chồng ông Hào bắt đầu tất bật chuẩn bị đồ cho buổi đi chợ chiều. Trước đó, Bà Dung (vợ ông Hào) dậy từ 4h sáng ra chợ tự tay chọn nguyên liệu. Trong khoảng sân nhỏ, bà Dung bận rộn rán thịt bò, nhặt rau thơm còn ông Hào cặm cụi nạo 10 kg đu đủ. Mọi công đoạn hoàn tất vào buổi trưa để ông ngủ giấc dài tới chiều trước khi đi bán hàng.
Vừa luôn tay làm việc, ông Hào vừa cởi mở, từ tốn trò chuyện. Năm 1972 sau khi “về một cục” từ Viện Lao Trung ương, ông ở nhà chơi dài vài năm. Thất nghiệp, ông Hào chẳng biết làm gì để nuôi vợ và hai đứa con. Gia đình ông có cửa hàng bánh kẹo trên phố Hàng Đường nhưng sau đó, bố ông bán đi chia cho mỗi con một ít. Vợ chồng ông Hào mua được căn nhà nhỏ trong ngõ nhưng nhà nước thu hồi để xây đình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, gia đình ông chuyển đi nơi khác.
Trước khi đến với nghề bánh kẹo, bố ông Hào làm nộm bán. Quê Bình Lục (Hà Nam) nổi tiếng với những nghề phụ như thêu, làm bánh kẹo và làm nộm, bố ông lên Hà Nội mang theo “kế sinh nhai” này. Ông Hào kể, ngày ấy, món nộm được xem là thứ quà vặt dân dã mà ngon. Khách ăn không chỉ là người lao động, còn cả nhà giàu. Người bán nộm thời đó cũng chỉ nghĩ kiếm đủ bữa và không giấu giếm nghề. Họ thường đứng trước các cổng trường bán cho học sinh.
Video đang HOT
Ông Hào chuẩn bị nộm cho khách. Mỗi đĩa nộm này có giá 30.000 đồng. Ảnh: Bình Minh.
Nhắc đến món nộm ngày xưa, ông Hào cho biết, khác bây giờ rất nhiều. “Món nộm hồi đó được chế biến bằng má bò, da bò, thậm chí da trâu bởi lương thực hiếm hoi. Mua được cái đầu bò, thợ làm nộm sẽ chế món ăn từ phần thịt lọc ra. Nguyên liệu làm nộm là những thứ rất rẻ”.
Khi mới làm nộm, ông Hào phải theo học mất nửa tháng. Ban đầu vợ chồng ông chỉ mong thu về đủ vốn để có tiền mua nguyên liệu cho buổi chợ sau chứ chưa hy vọng lãi lời. Mới bán nên ông chưa có nhiều khách, lắm hôm bán không hết, đu đủ và rau thơm phải bỏ đi.
Từ một công chức nhà nước quần áo chỉnh tề, ông Hào chuyển sang bán hàng rong. “Lúc đầu tôi xấu hổ lắm, không dám đi qua phố Hàng Đường nơi mình sống trước kia vì sợ gặp người quen, họ sẽ chê cười. Tôi cũng chẳng dám rao vì ngại nên cầm theo cái kéo. Mãi tới vài năm sau khi bắt đầu sống được với nghề nộm, tôi mới tự tin”, ông Hào tâm sự.
Những ngày mới vào nghề, bàn tay ông chi chít những vết đứt khi nạo đu đủ. Mỗi khi làm công đoạn này, ông phải đặt sẵn bông băng bên cạnh. Lâu dần, ông băng tay trước những chỗ hay đứt. Sau này, ông tự sáng chế ra đồ bảo hộ cho 10 ngón tay. Lúc nạo nộm, hai bàn tay của ông được đeo ngón cao su, nhôm.
Để đu đủ luôn giòn, dai, ông Hào giữ lạnh đu dủ ở nhiệt độ nhất định. Sau khi nạo, ông rửa đu đủ cho hết nhựa rồi vắt ráo nước. Thịt bò được luộc trước khi ngâm tẩm với các gia vị, hương liệu rồi cho vào rán. Gân bò cũng được rán kỹ trước khi dùng với đu đủ. Theo “giáo sư nộm”, món nộm ngày xưa được ngâm tẩm với nhiều vị thuốc bắc và khi có khách mới nạo đu đủ rồi trộn cùng rau, gia vị.
Chia sẻ về nghề, ông tâm huyết: “Quan trọng nhất khi làm nộm là khâu vệ sinh, sau mới tới tẩm ướp. Món này ăn cả thịt chín lẫn rau sống dễ bị đau bụng nên cần phải cẩn thận. Mình làm không kỹ sẽ dễ khiến khách bị đau bụng”.
Bán nộm đã 30 năm, đến giờ ông Hào có lượng khách hàng lâu đời và thu nhập ổn định. Tuy nhiên để có được khoản lãi hơn 1 triệu đồng mỗi buổi đi bán, vợ chồng ông Hào phải mất 15 tiếng chuẩn bị mỗi ngày. Mỗi đĩa nộm của ông được bán giá 30.000 đồng. Hiện, mỗi ngày xe nộm rong của ông Hào bán được 10 kg đu đủ và 20 kg thịt bò.
Suốt nhiều năm đi bán rong, ông chưa từng bị ai chê ăn nộm đau bụng và hiện mới chỉ gặp hai trường hợp quỵt tiền. Có cậu bé ngày còn đi học ăn nộm không trả tiền, nhiều năm sau gặp lại, cậu dẫn theo cả bạn gái tới ăn và xin phép được trả tiền lần ăn chịu trước đây. Không ít nhóm khách ăn một mạch hết 500.000 đồng tiền nộm. Cũng có lần, thấy khách bỏ lại nhiều, sợ nộm của mình không ngon, ông Hào hỏi và được biết, vì đã ăn nhiều món no nên đôi bạn không ăn được hết.
Đôi tay của ông Nộm được ‘mặc áo giáp’. Ảnh: Bình Minh.
“Tôi nhớ mãi hình ảnh một Việt kiều Pháp đã lớn tuổi, sau khi ăn nộm xong, ông ấy trịnh trọng đưa tiền cho tôi bằng hai tay. Ông ấy bảo ‘lâu lắm tôi mới được ăn món ngon đúng hương vị ngày xưa như thế này”, “giáo sư Nộm” chia sẻ.
Lúc về Pháp, vị Việt kiều ấy đặt mua hơn 10 đĩa nộm để mời bạn bè bên đó. Sau này người khách này biên thư về cho ông Hào nói rằng có người bạn của ông ấy đã khóc khi món nộm gợi nhớ về hương vị Hà Nội. Họ đều xa Hà Nội đã nhiều năm, được ăn món ngày xưa, ai cũng bùi ngùi nhớ quê.
Giờ, con cái đã trưởng thành và kinh tế khá giả, vợ chồng “ông Nộm” chẳng còn áp lực về kinh tế. Nhưng nếp thức khuya, dậy sớm làm nộm vẫn được vợ chồng ông Hào giữ gìn. Không muốn thuê cửa hàng hay người giúp, hai ông bà muốn tự mình làm, phần vì muốn thảnh thơi, phần vì cẩn thận.
Cậu con út của ông Hào cũng muốn tiếp tục công việc của bố và dự định sẽ mở cửa hàng bán nộm. Còn “giáo sư Nộm” vui vẻ khoe: “Tôi tự tin với nghề bán nộm rong và tự hào với công việc của mình”.
Theo VNE
Phố cổ Hà Nội sẽ có 28 ha 'hạn chế xây dựng'
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, khu vực bảo tồn tôn tạo, quản lý hạn chế xây dựng của phố cổ sẽ có diện tích 28 ha. Sở cũng đề xuất các không gian đặc trưng, giá trị của phố cổ cần được bảo tồn, gìn giữ.
Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội vừa báo cáo UBND thành phố việc xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ. So với quy định tạm thời trước đây, quy chế này có một số điểm mới như, ngoài phạm vi, ranh giới khu phố cổ 82 ha (như quy hoạch được duyệt trước đây), quy chế này đề xuất không gian vùng đệm có quy mô 55,7 ha nhằm bổ trợ chức năng, bổ sung hạ tầng cho phố cổ.
Quy chế cũng đề xuất các không gian đặc trưng, giá trị cần được bảo tồn, gìn giữ như các tuyến phố chính, không gian mở, ô phố đặc trưng với loại hình kiến trúc giá trị chiếm đa số...
Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc nêu rõ ranh giới từng khu vực của phố cổ để bảo tồn và phát triển. Ảnh: Hoàng Hà.
Đối với diện tích 82 ha của phố cổ, quy chế đề xuất 2 vùng với. Trong đó, vùng một (28 ha) là khu vực bảo tồn tôn tạo, quản lý hạn chế xây dựng vùng 2 (54 ha) để phát triển, kiểm soát chức năng. Theo Sở Quy hoạch, việc phân vùng sẽ xác định rõ các khu vực cần tập trung bảo tồn và các khu vực được xem xét xây dựng nhằm ổn định hình thái chung khu vực và khắc phục tình trạng công trình xây dựng lộn xộn như hiện nay.
Vùng đệm cũng gồm không gian vùng phụ cận (10,7 ha, từ ranh giới khu phố cổ đến hết thửa đất lớp ngoài của các tuyến phố đường bao xung quanh) nhằm kiểm soát không gian hài hòa giữa phố cổ với khu vực liền kề và không gian khu vực hỗ trợ chức năng hạ tầng, bên ngoài của phố cổ (45 ha bao gồm 2 phường ngoài đê Phúc Xá, Chương Dương, không gian ngầm công viên Vạn Xuân và phố Lý Nam Đế) nhằm xác định các khu đất dự trữ cho việc hỗ trợ các chức năng còn thiếu, yếu ở phố cổ như trường học, bến bãi đỗ xe.
Quy chế cũng cập nhật và đưa ra cách ứng xử phù hợp đối với các nội dung hạ tầng kỹ thuật mới như đường sắt đô thị và hướng tới việc tổ chức đi bộ. Trên cơ sở phân loại, đánh giá các loại hình công trình kiến trúc, quy chế đề xuất không chỉ bảo tồn loại hình kiến trúc nhà truyền thống mà còn bổ sung hai loại hình kiến trúc giá trị gồm kiến trúc thuộc địa và kiến trúc trang trí với các quy định nhằm bảo tồn và phục hồi có kiểm soát các loại hình kiến trúc này thành đặc trưng kiến trúc công trình nhà ở phố cổ của thủ đô.
Theo VNE
"Giật mình" với thông tin đèn lồng Trung Quốc có chất gây ung thư Thông tin đèn lồng Trung Quốc có chứa chất độc hại gây ung thư ngay trước thêm Tết Trung thu khiến các bậc phụ huynh hoang mang khi chọn quà Trung thu con con nhiều người bắt đầu e dè trước loại đồ chơi bắt mắt này. 4 ngày trước Tết Trung thu, người đến phố cổ Hà Nội đông như trẩy hội....