Giáo sư Carl Thayer : Việt Nam cần tạo mặt trận thống nhất đáp trả chiến tranh tâm lý của Trung Quốc
Ông Carl Thayer khẳng định, Việt Nam cần tạo ra mặt trận thống nhất chống lại chiến tranh tâm lý, ngăn chặn thông tin sai lệch của Trung Quốc về Biển Đông.
Liên tục thời gian qua, xã hội rất bức xúc trước việc hàng loạt các mặt hàng, ấn phẩm từ sách, bản đồ, phim ảnh, ứng dụng điều hướng trên ô tô… bị Trung Quốc cài cắm “đường lưỡi bò”. Thủ đoạn xảo quyệt, tinh vi này được xem là một phần trong chiến dịch tổng thể nhằm cướp trọn Biển Đông của Trung Quốc.
Bên lề Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 tại Hà Nội, Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu của Học viện Quốc phòng Australia, trả lời phóng viên VTC News về quan điểm đối với chiến dịch tâm lý chiến “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông. (Ảnh: Minh Tuấn)
Giáo sư Carl Thayer cho rằng, chiến tranh tâm lý hay chiến dịch cài cắm “đường lưỡi bò” trong các sản phẩm lưu hành rộng rãi chỉ là một trong nhiều mặt trận nhằm mục đích cuối cùng, chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc.
Theo chuyên gia, hình thức tuyên truyền này không chỉ được sử dụng đối với Việt Nam, mà còn ở nhiều nước khác trong khu vực, thậm chí cả ở Australia.
“ Chúng tôi cũng thường xuyên đối mặt với những vấn đề tuyên truyền này. Ví dụ như các trang điện tử giả (fake website), luôn thể hiện quan điểm ủng hộ Trung Quốc“, Giáo sư Thayer cho biết.
“ Chiến tranh tâm lý là một hoạt động quan trọng trong chiến thuật của Trung Quốc, là cách giành chiến thắng trong cuộc chiến mà không cần đánh (không sử dụng vũ khí quân sự)“, ông Thayer giải thích.
Việt Nam cần tạo ra một mặt trận thống nhất trong cả nước, nhằm đáp trả chiến dịch trên.
Video đang HOT
Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu Học viện Quốc phòng Australia
Ông Carl Thayer cho rằng, nhiều quốc gia đang lo ngại về mối đe dọa an ninh từ chiến dịch tâm lý chiến này của Trung Quốc. Không chỉ riêng Việt Nam mà cả Australia cũng đang phải đối mặt với vấn đề trên.
Hiện nay, trên nền tảng công nghệ thông tin, cho phép thực hiện các hình thức chiến tranh mới trên không gian mạng và cả chiến tranh tâm lý nữa. Đây là một mặt trận mới và rất nguy hiểm. Trung Quốc rất biết cách phát triển các chiến thuật mới, nhằm cài đặt hình ảnh đường lưỡi bò, thể hiện những yêu sách phi lý, bất hợp pháp của họ về vấn đề Biển Đông.
Cũng theo Giáo sư Carl Thayer, để đối phó với chiến dịch tâm lý chiến “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam, cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông cần chứng minh và chỉ rõ cho nhân dân trong nước và cộng đồng thế giới biết cụ thể về chiến dịch tuyên truyền (về đường lưỡi bò) này của Trung Quốc.
“ Việt Nam cần tạo ra một mặt trận thống nhất trong cả nước, nhằm đáp trả chiến dịch trên“.
“ Cần nói rõ cho người dân và cộng đồng quốc tế biết về quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề này. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam biết cách hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Đặc biệt cần sử dùng nhiều kênh thông tin, truyền tải nội dung phản đối (hành động chiến tranh tâm lý của Trung Quốc)“, chuyên gia Carl Thayer nói.
Ngoài ra, Việt Nam, cũng như Australia và các nước trong khu vực cần phối hợp tốt hơn nữa, để đáp trả lại cuộc chiến tâm lý và đấu tranh loại bỏ các thông tin sai lệch về Biển Đông từ phía Bắc Kinh.
MINH TUẤN
Theo vtc.vn
ĐBQH: Cài cắm 'đường lưỡi bò' là chiêu bài tinh vi, xảo quyệt, gặm nhấm dần dần của Trung Quốc
Ông Dương Trung Quốc cho rằng việc cài cắm "đường lưỡi bò" ở mọi nơi là chiêu bài tinh vi, xảo quyệt của Trung Quốc trong cuộc chiến tâm lý nhằm chiếm Biển Đông
Liên tục thời gian qua, dư luận xã hội bức xúc trước việc hàng loạt các mặt hàng, ấn phẩm từ sách, bản đồ, phim ảnh, ứng dụng điều hướng trên ô tô... bị Trung Quốc cài cắm "đường lưỡi bò". Đây là thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của Trung Quốc để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc, sai trái về Biển Đông.
Liên quan tới vấn đề này, PV VTC News có cuộc phỏng vấn đại biểu Dương Trung Quốc bên hàng lang Quốc hội chiều 5/11.
- Vừa qua, Trung Quốc cài cắm đường lưỡi bò vào tất cả mọi thứ như bản đồ, phim ảnh, định vị trong xe hay trong giáo trình dành cho sinh viên... Việc này khiến người dân bức xúc trước sự lơ là, thiếu trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc kiểm duyệt, để bỏ lọt các chi tiết này, thưa ông?
Đây là vấn đề liên quan tới đối ngoại, nên trước hết chúng ta phải xử lý theo đúng luật. Luật pháp phải gắn với thực tế trong việc xử lý chứ chúng ta không thể duy ý chí.
Đối với công dân Việt Nam thì chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa thì dần dần ta mới khắc phục được.
Rõ ràng những gì đang diễn ra cho thấy chúng ta đang sơ hở rất nhiều. Những chi tiết chủ yếu là do dân phát hiện chứ không phải cơ quan chức năng. Thường thường đứng trước điều đó thì những người có liên quan luôn luôn nói rằng do chẳng may, do mất cảnh giác... Ở đây đòi hỏi ý thức của những người có trách nhiệm.
Đại biểu Dương Trung Quốc. (Ảnh: Bích Đào)
- Đây có phải là cuộc chiến tâm lý của Trung Quốc, thưa ông?
Đó là điều chắc chắn. Đây là một chiến lược lâu dài, gặm nhắm dần dần của Trung Quốc. Đây không phải là vấn đề bây giờ mà trong lịch sử đã diễn ra.
- Trước âm mưu cài cắm "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, chúng ta cần đối phó bằng cách nào?
Tôi cho rằng họ rất tinh vi, xảo quyệt. Do đó chúng ta cũng phải đáp lại bằng tinh thần cảnh giác cao. Quan trọng nhất là ý thức của mỗi người dân.
Cài cắm đường lưỡi bò là chiến lược lâu dài, gặm nhắm dần dần của Trung Quốc. Ông Dương Trung Quốc
Ta phải khiến mỗi người đều cảm thấy dị ứng khi bắt gặp các chi tiết này. Tại sao chúng ta không đặt vấn đề bất cứ cái gì liên quan tới Biển Đông, đầu tiên ta phải cảnh giác. Đây không phải là vấn đề khó vì "đường lưỡi bò" khá phổ biến chứ không phải bây giờ chúng ta mới biết, từ trên cái áo phông của họ, trên cái visa của họ. Chúng ta cũng đã đấu tranh rất quyết liệt.
Nhưng tôi cho rằng không nên bài xích Trung Quốc. Họ là quốc gia lớn và đang cạnh tranh với chúng ta. Họ có thể mang lại cho chúng ta rất nhiều nguồn lực có lợi nếu chúng ta biết cách.
Trong lịch sử chúng ta ảnh hưởng rất nhiều từ Trung Quốc, những cái tốt đẹp mang lại cho chúng ta các giá trị. Còn vấn đề chủ quyền, ông cha ta đã có cách ứng xử rất rõ ràng.
Nếu nhìn vào lịch sử, thời gian chúng ta chiến tranh với Trung Quốc ngắn, nhưng rất quyết liệt. Còn lại phần lớn là thời kỳ hòa bình, hữu nghị, hòa hiếu. Trong cái hòa hiếu, chúng ta khai thác rất nhiều nguồn lực. Nó để lại dấu ấn trong văn hóa chúng ta.
Tất cả những gì tích cực, tiến bộ, mà chúng ta học hỏi được rõ ràng trở thành nền văn hiến dân tộc. Bài học đó, mỗi thời đại mỗi khác. Bây giờ chúng ta hội nhập với thế giới, thế giới rộng lớn hơn rất nhiều, chúng ta có rất nhiều sự lựa chọn khác nhau. Nhưng sự lựa chọn đó, chúng ta đừng bao giờ chạy theo một phía nào đó, có mới nới cũ, mà yếu tố truyền thống rất quan trọng.
Để ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp doanh nghiệp, đơn vị nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam để bán, tham gia trưng bày, giới thiệu... có hình ảnh và thông tin về "Đường chín đoạn" (Đường lưỡi bò) phi pháp, vi pham chủ quyền biển đảo của Việt Nam, ngày 1/11/2019, Bộ Công Thương ban hành công văn yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cùng các Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, rà soát hoạt động thương mại trên địa bàn.
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trên địa bàn theo thẩm quyền đối với các hoạt động trong ngành Công Thương: sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp hàng hóa có hình ảnh, thông tin về "Đường lưỡi bò" và hình ảnh, thông tin khác gây ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia, vi phạm quy định pháp luật hiện hành.
SONG HY - BÍCH ĐÀO
Theo vtc.vn
Cảnh giác với "đường lưỡi bò" và bẫy pháp lý tinh vi của Trung Quốc Từng người dân, doanh nghiệp, đơn vị, địa phương cần hết sức thận trọng trước những tài liệu, những ấn phẩm của Trung Quốc. Dư luận chưa hết dậy sóng về chuyện bộ phim hoạt hình "Everest- Người tuyết bé nhỏ" bị dừng chiếu sau khi khán giả phát hiện cảnh phim có hình "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự ý vẽ...