Giáo sư Carl Thayer: Ba yếu tố quan trọng giúp ngoại giao Việt Nam “tỏa sáng”
Trên trang mạng Thayer Consultancy, Giáo sư Carl Thayer đến từ Đại học New South Wales (Australia) đã có bài đánh giá về thế mạnh ngoại giao của Việt Nam và nguyên nhân giúp ngoại giao Việt Nam gặt hái được những thành công trên trường quốc tế.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Nguồn: UN)
Chuyên môn, kinh nghiệm và tính thực tế
Giáo sư Carl Thayer đánh giá, Việt Nam đã tổ chức thành công một loạt sự kiện quốc tế như Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên năm 2019, đồng thời cố gắng duy trì quan hệ tốt với các nước láng giềng và các đối tác lớn.
Ông cho rằng, có 3 lý do đằng sau những thành công của Việt Nam, đó là chuyên môn, kinh nghiệm và tính thực tế.
Ông nói: “Việt Nam đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ ngoại giao có tính chuyên nghiệp cao, hiểu biết sâu rộng các vấn đề quốc tế cũng như chính trị trong nước. Ngoại giao luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc đấu tranh lâu dài của Việt Nam chống lại sự bành trướng của nước ngoài”.
Theo ông Carl Thayer, Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm tại các hội nghị quốc tế như Hội nghị Genève năm 1954, Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh và khôi phục Hòa bình ở Việt Nam năm 1973 và Hội nghị Quốc tế Paris về cuộc xung đột ở Campuchia năm 1991. Đặc biệt, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ năm 1997, Hội nghị cấp cao APEC năm 2006 và 2017, và Hội nghị cấp cao ASEAN năm 1998 và năm 2010.
Phát huy vị thế Việt Nam
Video đang HOT
Giáo sư Carl Thayer cho rằng, “có 3 con đường chính” giúp duy trì và phát huy uy tín cũng như vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đó là giáo dục-đào tạo, tự thẩm định, thúc đẩy độc lập và tự chủ của Việt Nam.
Thứ nhất, các nhà sử học và nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam nên tiếp tục viết về “những bài học kinh nghiệm của mình”, cung cấp nguồn tài liệu tham khảo cho các nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai.
Học viện Ngoại giao cần nỗ lực trong công tác đào tạo thế hệ cán bộ ngoại giao tiếp theo. Các nhà ngoại giao và lãnh đạo Việt Nam cũng cần được trang bị tất cả các ngoại ngữ liên quan.
Thứ hai, Việt Nam cần liên tục thẩm định hiệu quả làm việc và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ ngoại giao.
Thứ ba, Việt Nam đã được các quốc gia tại Liên hợp quốc nhất trí bầu chọn là đại diện của châu Á đảm đương vị tri Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việc hai lần được bầu nắm giữ vai trò này (nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021) với số phiếu gần như tuyệt đối cho thấy, Việt Nam được nhìn nhận là một thành viên tích cực và đáng tin cậy không chỉ của khu vực châu Á -Thái Bình Dương mà cả trong mắt cộng đồng quốc tế.
Vì sao? Vì Việt Nam được đánh giá cao về tinh thần độc lập và tự chủ trong các vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời có tiếng về chuyên môn và kinh nghiệm.
Thách thức trong vai trò kép
Về những lợi thế và thách thức đối với Việt Nam khi đảm nhận vai trò kép là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Giáo sư Carl Thayer cho rằng, vai trò của Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là khác nhau.
Chủ tịch ASEAN là vị trí luân chuyển trong một năm. Chủ tịch ASEAN phải tuân thủ “Lộ trình ASEAN”, thúc đẩy đối thoại và đồng thuận “trên cơ sở hòa bình cho tất cả mọi người”. Chủ tịch ASEAN cũng dự kiến tiếp tục thúc đẩy các chính sách của ASEAN vốn đang được xúc tiến như xây dựng cộng đồng, hội nhập và kết nối.
Việt Nam đã đề ra chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng” cùng 5 mục tiêu chính: tăng cường đoàn kết và thống nhất trong ASEAN, tăng cường tính kết nối và hội nhập kinh tế của ASEAN, thúc đẩy nhận thức và bản sắc ASEAN, tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu của ASEAN vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, cũng như nâng cao năng lực và hiệu quả thể chế ASEAN.
Cũng theo GS. Carl Thayer, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất đối với Chủ tịch ASEAN là xúc tiến đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mà Trung Quốc là một bên liên quan với tính tương thích, hiệu quả và ràng buộc đối với tất cả các bên.
Đảm đương vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Giáo sư Carl Thayer khẳng định, Việt Nam chỉ có thể tác động đến quyết sách của Hội đồng Bảo an bằng cách tham gia liên minh các thành viên trong các vấn đề cụ thể và hoạt động như một “trung gian” khi các cường quốc khai thông được một vấn đề bế tắc nào đó.
“Thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt là khi các cường quốc chia rẽ về một vấn đề quan trọng. Ví dụ, nếu Mỹ tìm cách duy trì hoặc tăng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, trong khi Trung Quốc và Nga tìm cách nới lỏng lệnh trừng phạt, Việt Nam sẽ phải quyết định ủng hộ chính sách nào”, ông Carl Thayer dẫn chứng.
Tuy nhiên, Giáo sư Carl Thayer nhấn mạnh, một lợi thế của Việt Nam là các thành viên thường trực sẽ vận động Việt Nam bỏ phiếu về nhiều vấn đề. Việc Việt Nam đồng thời là Chủ tịch ASEAN sẽ gia tăng uy tín cho Việt Nam.
Nếu Việt Nam có lập trường độc lập trong các vấn đề lớn, vai trò của Việt Nam sẽ được coi trọng và điều này sẽ giúp Việt Nam gia tăng ảnh hưởng. Nếu áp dụng lập trường chủ động đối với một số vấn đề nhất định, Việt Nam có thể xây dựng quan hệ với các thành viên không thường trực khác, nhờ đó có thể tác động đến từ ngữ trong các nghị quyết về các vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh thế giới.
Theo TG&VN
GS Carl Thayer: "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một di sản"
50 năm đã trôi qua nhưng đến nay, bản Di chúc của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị thời đại.
Giáo sư Carl Thayer là một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc Đại học New South Wales, Australia. Ông đã sang Việt Nam nhiều lần và từng học tiếng Việt. Trong các chủ đề nghiên cứu về Việt Nam, ông cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn bản mà ông cho rằng đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời đại và là một di sản đối với người dân Việt Nam.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học New South Wales, Australia.
Giáo sư Carl Thayer khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có tầm nhìn xa, "ngay từ khi viết bản Di chúc, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt, Người đã nhìn thấy được kết cục của cuộc chiến với chiến thắng thuộc về Việt Nam" và "hai miền Nam-Bắc sẽ được thống nhất". Sáu năm sau, lời tiên đoán này đã thành sự thực nhưng chỉ tiếc rằng khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi nên không được tận mắt chứng kiến thành quả này của cách mạng Việt Nam.
Một trong những yếu tố làm nên chiến thắng của cách mạng Việt Nam đó là việc kết nối và đoàn kết với phong trào cộng sản quốc tế. Giáo sư Carl Thayer cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh "đã rời Việt Nam để đến các nước Phương Tây nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước Phương Tây, từ chế độ thực dân và từ lực lượng chống thực dân tiến bộ". Giáo sư Carl Thayer nhận định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là "cá nhân xuất sắc khi đã kết hợp được kinh nghiệm quốc tế quý báu để thúc đẩy cách mạng Việt Nam".
Cho đến ngày nay, Việt Nam vẫn đang vận dụng thành công nguyên tắc này khi tiếp tục "đưa nhiều người ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm sau đó trở về xây dựng đất nước". Việt Nam cũng ứng xử tài tình khi "không để các vấn đề của thời cuộc đẩy mình vào tình thế khó khăn mà vẫn đảm bảo không bị loại ra bên ngoài". Giáo sư Carl Thayer cho rằng, "Việt Nam biết cách sử dụng sức mạnh của các diễn biến quốc tế để phục vụ lợi ích cho mình đồng thời vẫn cảnh giác trước những vấn đề có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam".
Không chỉ đoàn kết, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè quốc tế, trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và củng cố đoàn kết nội bộ. Giáo sư Carl Thayer cho rằng, "lời dặn dò" của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết nội bộ vẫn giữ nguyên giá trị thời đại trong bối cảnh Việt Nam vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nền độc lập. Bên cạnh đó, giáo sư Carl Thayer cũng nhận định, Đảng Cộng sản Việt Nam "muốn duy trì được vị trí của mình thì phải quyết tâm trong cuộc chiến chống tham nhũng và chống lại sự suy thoái của cán bộ". Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ 13, giáo sư Carl Thayer cho rằng, các vấn đề này lại càng trở nên cấp thiết.
Trong công tác chỉnh đốn đảng, giáo sư Carl Thayer cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh "với lối sống thanh đạm, không xa hoa, không tham nhũng nên được lấy làm tấm gương" cho các thế hệ sau này. Giáo sư Carl Thayer nhận định, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là thời điểm để người dân Việt Nam "nhìn lại và rút ra bài học cho tương lai". Giáo sư Carl Thayer khẳng định, "lối sống" và "cách" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh "kêu gọi sự đoàn kết trong nước, cách tiếp cận với công nhân, nông dân và các tầng lớp khác trong xã hội nên được dùng để truyền cảm hứng cho người dân Việt Nam"./.
Theo Việt Nga/VOV-Sydney
Hai dấu ấn lớn của đối ngoại Việt Nam năm 2019 Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và khó lường, chiều hướng chung là hòa bình ổn định, nhưng những vấn đề bất ổn tăng lên, thì đối ngoại Việt Nam vẫn hoạt động hết sức thành công và tích cực. Một vấn đề nổi lên trong năm 2019 là tình hình kinh tế thế giới đi vào chiều...