Giao rừng vào tay đối tượng… chuyên khai thác gỗ!
“Một trong những lý do khiến rừng đặc dụng bị lâm tặc xà xẻo là do đất rừng đã được giao cho các hộ không có nhu cầu nhận. Sau khi nhận, họ lại bàn giao lại cho 2 người lạ quản lý, sử dụng và đây là nguyên nhân dẫn đến mất rừng”.
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Bằng – Bí thư huyện Đông Giang (Quảng Nam) – nói về một phần nguyên nhân xảy ra tình trạng phá rừng tại khu vực rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa, nơi mới đây được phát hiện và thu giữ hàng chục mét khối gỗ quý.
Đến chiều tối ngày 13/11, lãnh đạo hai địa phương là TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam mới họp xong về đất rừng giáp ranh giữa hai địa phương; chính vì sự “nhập nhằng” này nên thời gian qua, khu rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa đã bị lâm tặc hoành hành.
Giao đất rừng cho 2 cá nhân trồng cao su trong lõi rừng đặc dụng
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – ông Huỳnh Khánh Toàn – đề nghị TP Đà Nẵng di dời Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (thuộc BQL rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa) ra khỏi lâm phận của huyện Đông Giang (Quảng Nam) và tuyên bố sẽ phá bỏ tuyến đường độc đạo ngang qua trạm này.
Cuộc họp giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng về rừng chồng lấn
Theo ông Nguyễn Bằng – Bí thư huyện Đông Giang – cho biết, nguyên nhân tình trạng phá rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa một phần do việc giao đất cho người dân không hợp lý. Ông Bằng thông tin hơn 6 hecta rừng thuộc khu vực chồng lấn giữa hai địa phương được Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa giao cho 4 hộ dân nguyên là cán bộ lâm nghiệp.
Trong 4 hộ này không có nhu cầu nhận khoán nên đã bàn giao cho hai người khác quản lý. Bí thư huyện Đông Giang cho hay đây là hai đối tượng có nhiều dấu hiệu tham gia phá rừng và tiếp tay lâm tặc phá rừng. Trong đó có một đối tượng quê ở Nam Định chuyên làm nghề khai thác gỗ. Ông Bằng đề nghị TP Đà Nẵng cần làm rõ trách nhiệm pháp lý việc giao đất rừng đặc dụng cho các cá nhân này.
Lãnh đạo huyện Đông Giang cho rằng trạm quản ký bảo vệ rừng Cà Nhông nằm trên tuyến đường độc đạo đi vào khu vực rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa nằm ở vùng giáp ranh giữa hai địa phương; đây cũng là con đường duy nhất để có thể đưa gỗ ra khỏi rừng. Qua vụ khai thác và cất giấu trái phép gỗ rừng tự nhiên ở khu vực rừng Cà Nhông cho thấy gỗ lậu đã được vận chuyển công khai qua trạm này chứ không hề lén lút.
Video đang HOT
Ông Đỗ Tài – Chủ tịch huyện Đông Giang – cho hay trong quy định ở khu vực rừng đặc dụng có thể trồng cây keo, tràm nhưng cấm trồng cây cao su. Huyện Đông Giang nhiều lần ra quân ngăn chặn nhưng không thể thực hiện được vì thuộc địa phận TP Đà Nẵng quản lý. Khó khăn là khi đi kiểm tra, người dân đưa ra văn bản đồng ý để họ trồng cây cao su trong rừng đặc dụng. Văn bản này có chữ ký của anh Sự (ông Phạm Ngọc Sự, Giám đốc BQL rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa Đà Nẵng – PV) nên cơ quan chức năng huyện Đông Giang không thể can thiệp.
Hai địa phương cùng tham gia giữ rừng
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch huyện Đông Giang cho rằng khu vực chồng lấn quản lý ở vùng giáp ranh giữa hai huyện Đông Giang (Quảng Nam) và Hòa Vang (Đà Nẵng) hiện đang rất nóng với tình trạng khai thác lâm sản, vàng trái phép và trồng cao su trong rừng phòng hộ. Nếu không có biện pháp quản lý và bảo vệ kịp thời thì hơn 8.000ha rừng giàu ở đây sẽ bị phá.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và huyện Đông Giang cùng đề nghị toàn bộ rừng đặc dụng đầu nguồn không giao cho cá nhân như hiện nay mà giao cho tập thể quản lý. Theo đó, khu vực rừng đặc dụng thuộc địa phận Quảng Nam sẽ bàn giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, còn thuộc địa phận Đà Nẵng sẽ giao việc quản lý cho BQL rừng phòng hộ Bà Nà -Núi Chúa. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị ngành chức năng hai địa phương cần phân chia cụ thể và có sự phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý và tái tạo diện tích rừng ở vùng giáp ranh vốn đã chồng lấn và bị lâm tặc triệt hạ gỗ quý.
Gỗ lậu từ rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa được đưa về Trạm kiểm lâm Dốc Kiền (huyện Đông Giang, Quảng Nam) để tạm giữ
Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng cho biết vụ phá rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa đã và đang xử lý nghiêm các cán bộ có trách nhiệm liên quan. Về việc này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo phải điều tra, làm rõ vụ việc. UBND TP Đà Nẵng đã đình chỉ công tác 7 cán bộ liên quan đến vụ phá rừng và sẽ tiếp tục xử lý các cán bộ liên quan.
Đối với kiến của tỉnh Quảng Nam, ông Phùng Tấn Viết cũng thống nhất chủ trương chuyển Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông về địa bàn huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), giao Sở NN&PTNT chọn địa điểm và hoàn tất việc di chuyển trước ngày 30/6/2015.
Về vấn đề rừng chồng lấn, hai bên thống nhất thực hiện rà soát cắm mốc lâm phận giữa địa phương, hoàn thành trước tháng 4/2015, để làm rõ trách nhiệm quản lý rừng trong thời gian tới. Đối với diện tích rừng trồng chồng lấn trên địa bàn địa phương nào thì bàn giao nguyên trạng lại cho địa phương đó quản lý. Hai bên cũng thống nhất chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường phối hợp quản lý tốt diện tích rừng giáp ranh, đặc biệt là diện tích rừng có gỗ quý.
Ông Viết cũng đề nghị rà soát, thu hồi lại đất giao sai quy định để xử lý. Ngoài ra, Sở NN và PTNT kiểm tra trách nhiệm những cá nhân để xảy ra tình trạng trồng cao su trong rừng đặc dụng; cán bộ có dấu hiệu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Công Bính
Theo Dantri
Lâm tặc lộng hành vì địa giới rừng bị chồng lấn
Đưa ra chứng cứ cho thấy Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa Đà Nẵng cấp phép sai quy định cho người dân trồng cây cao su ở đất rừng bị xâm lấn, đại diện huyện Đông Giang (Quảng Nam) khẳng định chính hai hộ được giao đất đang tiếp tay cho lâm tặc lộng hành.
Chiều 13/11, tại Trung tâm hành chính Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc kéo dài 2 giờ nhằm tìm tiếng nói chung cho việc di dời Trạm Quản lý và bảo vệ rừng Cà Nhông, phân định lại địa giới khu vực rừng giáp ranh giữa hai địa phương. Cuộc họp diễn ra sau sự việc kiểm lâm phát hiện hơn 40 m3 gỗ kiền kiền thuộc nhóm II trong rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa hồi đầu tháng 10 vừa qua. Đã có 7 kiểm lâm của Đà Nẵng bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
Vấn đề được hai bên đề cập trước hết là việc di dời Trạm Cà Nhông (thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, Đà Nẵng). Trạm này, nằm trên xã Tư (huyện Đông Giang, Quảng Nam) vốn được lập lên từ năm 1988 khi Đà Nẵng và Quảng Nam chưa chia tách tỉnh. Ông Trần Viết Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Đà Nẵng khẳng định 26 năm qua trạm Cà Nhông đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ rừng đặc dụng, dù cuộc sống kiểm lâm ở đây vô cùng thiếu thốn. Tuy nhiên, Quảng Nam đã đề nghị thì Đà Nẵng sẽ di dời và đang tìm vị trí phù hợp.
"Số phận" Trạm Cà Nhông đã được định đoạt di dời vào năm 2015. Ảnh: Nguyễn Đông.
Cuộc họp "nóng" khi ông Nguyễn Bằng, Bí thư huyện Đông Giang nói rằng việc Quảng Nam kiên quyết di dời Trạm Cà Nhông là bởi việc ngăn chặn lâm tặc của trạm này không hiệu quả. Có lần cơ quan chức năng Đông Giang truy quét, lâm tặc còn trú nhờ ở Trạm Cà Nhông. Gỗ được vận chuyển trên đường độc đạo qua trạm và điểm tập kết gỗ cách trạm vài trăm mét. "May mắn là chưa làm đường, chứ làm rồi thì không cách nào giữ nổi rừng", ông nói.
"Chúng tôi sẽ phá con đường này khi Trạm Cà Nhông được chuyển đi. Nếu Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa và Ban quản lý rừng sông Nam (Quảng Nam) không kiểm tra tốt thì sẽ không còn rừng đặc dụng", ông Bằng khẳng định.
Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn cho rằng Trạm Cà Nhông ở vị trí như hiện nay là "nguyên nhân của mọi nguyên nhân", dẫn đến tình trạng khai thác lậu vàng, khoáng sản, lâm sản. "Thông cảm với kiểm lâm là lực lượng quá mỏng, nhưng làm việc phải có trách nhiệm. Bây giờ vào mùa mưa rồi, lâm tặc đang chờ nước sông lên để vận chuyển gỗ về xuôi. Người dân tố cáo thì bị lâm tặc dằn mặt. Phải chấn chỉnh ngay, không để mất rừng quốc gia, mất niềm tin của dân được", ông Toàn nhấn mạnh.
Một nguyên nhân khác khiến lâm tặc lộng hành, theo Bí thư huyện Đông Giang Nguyễn Bằng là việc Đà Nẵng giao hơn 6,5 ha đất cho 4 hộ cán bộ, nhân viên của lâm trường Sông Nam vào năm 2005 sai quy định. Các hộ này lại giao đất cho hai hộ dân khác, lấn sang rừng của Quảng Nam. "Và hai hộ dân này đang tiếp tay cho việc phá rừng, cung cấp lương thực, xăng dầu cho lâm tặc. Bây giờ quy trách nhiệm Nhà nước thì ai sai phải chịu, nhưng như thế không tình nghĩa giữa hai địa phương", ông Bằng nói.
Ông Nguyễn Bằng, Bí thư huyện Đông Giang đưa bằng chứng việc Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa ký văn bản cho trồng cây cao su sai quy định trên ngay vùng đất bị xâm lấn của Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Bằng khiến chính Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng Phùng Tấn Viết bất ngờ khi đưa ra chứng cứ Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa Phạm Ngọc Sự đã ký giấy cho phép hai hộ dân trồng cao su trên rừng đầu nguồn của Quảng Nam, trong khi quy định chỉ được trồng cây keo. Khi được mời lên giải trình, ông Sự có ý đổ qua cho đại diện huyện Hòa Vang thì lập tức bị ông này phản ứng: "Ông trả lời đi chứ, có đuổi được hai hộ dân này đi hay không? Đất đã giao cho ông rồi giờ lại đổ cho tôi?". Còn ông Phùng Tấn Viết nói với ông Sự rằng: "Ông vượt quyền chủ tịch rồi đấy".
Kết thúc buổi làm việc, ông Phùng Tấn Viết giao Sở Nông nghiệp Đà Nẵng trước ngày 30/12 phải xử lý kỷ luật việc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa giao đất sai quy định. 6,5 ha khai thác trồng cao su do liên quan đến Quảng Nam, nên bàn giao nguyên trạng đất cho Quảng Nam quản lý về mặt Nhà nước, tức là bàn giao đúng ranh giới giữa hai địa phương. "Việc cắm mốc trước đây coi như là quá khứ rồi, nên bỏ qua. Bây giờ các ban ngành liên quan của Đà Nẵng có trách nhiệm phối hợp với Quảng Nam để đo đạc lại, hoàn thành việc cắm mốc trong quý I/2015", ông Viết nói.
Những đợt truy quét, cơ quan chức năng đã phải hủy lán trại trái phép trong khu vực rừng giáp ranh. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Viết nói, Trạm Cà Nhông sẽ được di dời về đất của Đà Nẵng để quản lý lâu dài, vị trí cụ thể sẽ công bố sau nhưng dứt điểm trước 30/6/2015. Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo huyện Hòa Vang giám sát các xã Hòa Khương, Hòa Phú và Hòa Bắc, kiểm tra kỹ những trường hợp người dân xâm lấn diện tích rừng, hoặc bị Quảng Nam đẩy đuổi chạy qua bên Đà Nẵng. Hai phó chủ tịch UBND Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ cùng vào rừng đi thực địa để thống nhất cách quản lý và xử lý dứt điểm những tồn đọng ở khu vực rừng giáp ranh.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Tỉnh Quảng Nam quy trách nhiệm kiểm lâm Đà Nẵng tiếp tay cho lâm tặc Số gỗ quý bị chặt hạ được phát hiện tại rừng đặc dụng Bà Nà - Nút Chúa đã lên đến hơn 45 m3. Trong khi công an đang vào cuộc điều tra, đại diện tỉnh Quảng Nam nói kiểm lâm Đà Nẵng đã tiếp tay cho lâm tặc. Ngày 24/10, số gỗ được kiểm lâm huyện Đông Giang (Quảng Nam) và kiểm...