Giao lưu Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019: Thành công từ cân bằng đam mê và ‘biết minh là ai’
Lê Anh Tiến có tuổi thơ sớm bươn chải đi làm từ trông xe, lên chùa sống làm bệ phóng cho khởi nghiệp sáng tạo; Trương Thế Diệu cân bằng giữa đam mê và năng lực bản thân đạt được niềm vui, thành quả trong lao động; Nguyễn Thị Oanh vượt qua giới hạn bản thân để thành công với điền kinh.
Đó là những câu chuyện được ba đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 chia sẻ.
Nguyễn Thị Oanh và Lê Anh Tiến tại buổi giao lưu. Ảnh; Xuân Tùng
Chiều 26/2, tại tòa soạn báo điện tử Vietnamnet, Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với ba trong số 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019, gồm: Lê Anh Tiến, Trương Thế Diệu và Nguyễn Thị Oanh.
Tuổi thơ trông xe đạp, sống ở chùa
Lê Anh Tiến từ nhỏ đã được ba mẹ tạo điều kiện hình thành nếp sống tự lập, tư duy tự chủ cũng như tài chính và có nhiều trải nghiệm ngoài xã hội. Cậu đi làm khá sớm, từ thời mẫu giáo đã lặn lội đi làm từ việc trông xe.
Học tiểu học, được ba mẹ đưa vào chùa để sống, qua đó tiếp xúc khá nhiều thành phần trong xã hội, nghe thầy giảng đạo. “Điều này làm cho tôi có thêm nhiều góc nhìn về cuộc sống, dẫn đến các sản phẩm của tôi có thiên hướng về xã hội, về cộng đồng”, cậu chia sẻ.
Tiến cho rằng, khởi nghiệp là bắt buộc phải làm mọi việc ở mọi môi trường và mọi hoàn cảnh. Không có môi trường nào hoàn hảo để dễ dàng phát huy tố chất mà bản thân mỗi người phải tự sống được trong môi trường khắc nghiệt, thì tố chất nó mới phát huy được, dẫn đến sinh tồn được.
Trong khởi nghiệp, khó khăn nhất vẫn là tìm đúng người, đúng thời điểm và đúng thị trường. Do đó, cần chấp nhận sự thất bại nhiều lần, nhưng quan trọng phải biết dừng đúng lúc tránh giảm nhiệt huyết cho các lần khởi nghiệp tiếp theo.
Lê Anh Tiến là đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam 2019 lĩnh vực kinh doanh khởi nghiệp. Ảnh: Xuân Tùng
Hiện khởi nghiệp được chia làm hai trường phái, khởi nghiệp bền vững và khởi nghiệp tức thời. Trong đó, khởi nghiệp bền vững cần ba yếu tố: Bản thân startup phải tự sinh ra được lợi nhuận từ dịch vụ/sản phẩm của mình và nuôi được nhân sự. Không nên gọi vốn thời gian đầu, sẽ phụ thuộc vào nhà đầu tư và tạo ra thói quen đốt tiền. Vòng đời của startup chỉ có 3 năm, trong 3 năm phải đưa doanh nghiệp lên 1 triệu $. Sau 3 năm mà doanh nghiệp vẫn không phát triển được thì nên từ bỏ startup đó và lập startup mới để làm lại từ đầu.
Còn khởi nghiệp tức thời thì có thể làm ngay từ lúc sinh viên, cứ làm nhỏ, sau có kinh nghiệm sẽ phát triển lớn dần, nhưng chú ý đừng bị rơi vào hiện trạng ảo tưởng về sản phẩm hay dịch vụ của mình là số 1.
Video đang HOT
Lựa chọn theo đam mê và năng lực
Trương Thế Diệu đã có nhiều chia sẻ liên quan đến những băn khoăn trong lựa chọn học trường nghề hay học đại học. Cậu cho rằng, việc lựa chọn này cần căn cứ từ đam mê sở thích và đánh giá năng lực bản thân để “biết mình là ai”.
Từ hội THPT, Diệu đã thích mày mò, lắp ráp các thiết bị đồ điện và yêu thích môn Công nghệ, từ đí nhận biết thế mạnh về tưởng tượng hình, vật thể 3D… “Khi chọn ngành nghề, tôi đã tìm hiểu trên internet xem điểm mạnh bản thân phù hợp với ngành nghề gì, cộng thêm niềm đam mê các ngành nghề kỹ thuật. Quyết định cuối cùng là học cơ khí”, Diệu nói.
Diệu cũng ước mơ vào học một trường đại học lớn mạnh về kỹ thuật. Khi có kết quả thi, số điểm hoàn toàn đủ khả năng theo học một trường đại học, nhưng trường vào được thì không mạnh trong việc đào tạo gắn với ngành nghề cậu đam mê. Cuối cùng, cậu quyết định theo học trường nghề “với mục đích sau khi ra trường bản thân có thể tìm được một công việc tốt và phù hợp với đam mê”.
Trương Thế Diệu – gương mặt đề cử trong lĩnh vực Lao động sản xuất. Ảnh: NVCC
Theo Diệu, mỗi quyết định theo đuổi ngành nghề, lĩnh vực cần gắn liền với đam mê. Chỉ có sự đam mê mới mang đến sự tập trung, đứng lên sau mỗi lần vấp ngã. Nếu cố bất chấp học theo ngành nghề mà bản thân không có hứng thú thì mỗi ngày đến trường là một ngày chán nản.
Để có được những thành quả hiện nay, Diệu đã nỗ lực rất nhiều trong quá trình học tập, rèn luyện. Riêng quá trình tập luyện Phay công nghệ cao đã diễn ra hai năm tại Công ty TNHH Denso Việt Nam. Thời gian một ngày luyện tập ở công ty là 8-10 tiếng và một tuần chỉ nghỉ một ngày Chủ nhật, nhiều lúc bản thân mệt mỏi vì nhìn màn hình máy tính hoặc đứng cả ngày gia công trên máy.
Hiện Diệu vừa học vừa làm nên mục tiêu tương lai gần là hoàn thành thật tốt chương trình học ở trường; tập trung để hỗ trợ đào tạo thí sinh khóa tiếp theo đạt kết quả tốt nhất tại kỳ thi năm 2021 ở Thượng Hải – Trung Quốc.
Phát huy thế mạnh bản thân
Nguyễn Thị Oanh cho biết theo đuổi sự nghiệp thể thao là gắn liền với sự khắc nghiệt, nhất là với vận động viên nữ. Việc luyện tập ngoài trời bất kể ngày nắng nóng hay giá lạnh, thậm chí có những lúc ngâm mưa. Bên cạnh đó là chấp nhận cuộc sống xa gia đình, ít thời gian để gặp bạn bè bởi hầu hết dành cho việc luyện tập và thi đấu.
Trong quá trình tập luyện và thi đấu đỉnh cao không chỉ riêng Oanh mà tất cả các vận động viên để có được thành công đều phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt, đôi khi phải đánh đổi bằng máu. Cô vẫn nhớ lần tập huấn tại Trung Quốc trước thềm Seagame 29, phải luyện tập hai nội dung mới tinh khiến cơ thể hoàn toàn kiệt sức. “Cơ thể bị mỏi gần như từ thần kinh đến hô hấp, cơ bắp… tôi không thể làm gì, chỉ biết khóc và nhờ các bạn dìu đi bộ để dần hồi phục”, Oanh kể.
Nguyễn Thị Oanh là gương đề cử trong lĩnh vực Thể dục Thể thao. Ảnh: Xuân Tùng
Oanh cho biết thể hình là hạn chế của cô do đó luôn cố gắng phát huy những điểm mạnh mà bản thân có, tập trung hoàn thiện kỹ thuật. “Nhờ kỹ thuật tốt nên Oanh tận dụng hết được khả năng của cơ thể. Oanh luôn tập thêm những bài tập để phát triển và hoàn thiện bản thân hơn. Có thể mình không cao nhưng không vì thế mà mình chấp nhận dẫm chân tại chỗ”.
Theo Tiền phong
Giao lưu trực tuyến với 3 đề cử Gương mặt trẻ tiêu biểu 2019
Vào lúc 15 giờ ngày 26/2, tại tòa soạn báo VietNamNet sẽ diễn ra buổi giao lưu trực tuyến với 3 đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019.
Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 do TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam tổ chức thường niên.
20 gương mặt đề cử năm nay được chọn ra từ 137 hồ sơ từ 39 đơn vị thuộc 10 lĩnh vực: Học tập; Nghiên cứu khoa học -sáng tạo; Lao động sản xuất; Kinh doanh - khởi nghiệp; Quốc phòng; An ninh trật tự; Thể dục thể thao; Văn hóa nghệ thuật; Hoạt động xã hội; Quản lý hành chính nhà nước.
Vòng bình chọn trực tuyến sẽ diễn ra từ ngày 10/2 đến 29/2/2020 tại địa chỉ www.tainangtrevietnam.vn
Sau khi có kết quả bình chọn trực tuyến, hội đồng sẽ họp phiên cuối cùng vào đầu tháng 3/2020 để chọn ra 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019.
3 khách mời tham gia giao lưu với độc giả báo VietNamNet gồm có:
Trương Thế Diệu, sinh năm 1997, lĩnh vực Lao động sản xuất
Gương mặt đề cử Trương Thế Diệu
Trải qua 4 vòng thi trong 3 năm, vượt qua hơn 100 đối thủ, tháng 4/2019, Trương Thế Diệu trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tại môn nghề Phay CNC tham dự kỳ thi Tay nghề Thế giới 2019.
Tại cuộc thi này, Diệu Giành Huy chương Bạc nghề Phay CNC của cuộc thi - thành tích tốt nhất của đoàn Việt Nam sau 7 lần tham dự Woldskills (đạt 726 điểm, chỉ kém thí sinh đạt Huy chương Vàng 4 điểm).
Với thành tích xuất sắc này, Diệu vinh dự được trao Huân chương Lao động hạng Nhì.
Lê Anh Tiến, sinh năm 1990, lĩnh vực Kinh doanh - Khởi nghiệp
Gương mặt đề cử Lê Anh Tiến
Lê Anh Tiến nhận được rất nhiều giải thưởng nhờ những phát minh, sáng chế của mình ngay từ khi còn học phổ thông. Một trong những sáng chế nổi bật nhất trong số đó là sản phẩm kính MultiGlass hỗ trợ người khuyết tật. Năm 25 tuổi, Tiến là một trong 10 người trẻ nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng nhờ những thành tích đạt được.
Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ Trường ĐH Standford (Mỹ), Tiến tiếp tục đầu quân vào lĩnh vực khởi nghiệp. Sản phẩm mà anh đưa ra thị trường là Bot Bán hàng - một phần mềm hỗ trợ các doanh nghiệp quản trị khách hàng bằng công nghệ một cách chuyên nghiệp nhất.
Cuối năm 2019, doanh nghiệp start-up của anh kêu gọi được 10 tỷ đồng vốn đầu tư.
Cũng nhờ sản phẩm này, Tiến trở thành quán quân cuộc thi "Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2019" - Techfest 2019 và trở thành đại diện Việt Nam duy nhất được lựa chọn tham gia Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo của thế giới - Startup World Cup 2020 - được tổ chức tại San Fransisco, Mỹ.
Nguyễn Thị Oanh, sinh năm 1995, lĩnh vực Thể dục thể thao
Gương mặt đề cử Nguyễn Thị Oanh
Tại Sea Games 30, Nguyễn Thị Oanh giành 3 HCV cự ly 10.000m, 5000m, 3000m vượt chướng ngại vật, đồng thời phá kỷ lục SEA Games ở cự ly 3000 vượt chướng ngại vật. Ở giải vô địch Điền kinh quốc gia năm 2019, Oanh cũng đạt 3 HVC cự ly 10.000m, 5000m và 3000 vượt chướng ngại vật....
Thành tích trong nhiều giải đấu khác đã giúp Oanh được bình chọn là vận động viên tiêu biểu Việt Nam năm 2019. Cô cũng nhận Huân chương lao động hạng 3 và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Theo vietnamnet
Giúp con tìm ra đam mê Khi trò chuyện với con về nghề nghiệp tương lai, nhiều phụ huynh chỉ nói đến tiền lương, so sánh mức lương của các nghề. Nhưng đó là sai lầm. 1. Không ép buộc Nhiều phụ huynh muốn con trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhưng đó có thể không phải là công việc các em yêu thích. Những quyết định cho rằng...