Giáo hội Phật giáo yêu cầu tăng ni cấm túc
Tăng ni cả nước được yêu cầu cấm túc tại các chùa, cơ sở tự viện và không đi ra ngoài nếu không cần thiết, đến hết ngày 15/4.
Ngày 27/3, Thượng toạ Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi công văn đến các cơ sở thờ tự Phật giáo, yêu cầu thực hiện nghiêm nội dung trên.
Trong thời gian cấm túc (ở yên trong chùa), tăng ni dành thời gian đọc tụng kinh Dược sư, kinh cầu an để cầu nguyện cho nhân dân vượt qua dịch bệnh; cầu bình an cho bác sĩ, nhân viên y tế, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại tuyến đầu chống dịch có đủ sức khoẻ, lạc quan vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh.
Với các chùa, cơ sở tự viện có đông tăng ni sinh hoạt (lớn hơn 20 người), thì chia nhỏ khi thực hành tụng niệm mỗi ngày.
Đồng thời, Giáo hội Phật giáo yêu cầu tăng ni tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện bài giảng, hướng dẫn nghi lễ; sinh hoạt Phật pháp trực tuyến để tránh tập trung đông người. Tăng ni, người phục vụ tại chùa, cơ sở tự viện phải thường xuyên mang khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng.
Giáo hội cũng đề nghị phật tử không đi ra ngoài khi không có việc cần thiết, đọc tụng kinh Dược sư, kinh cầu nguyện bình an tại tư gia, theo tinh thần “Ai ở nơi nào, yên chỗ đó”, “Tôi ở nhà cầu an cho bạn”.
Trước đó, ngày 19/3, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi tăng ni, Phật tử cả nước không tổ chức rước xe hoa và tập trung đông người dịp đại lễ Phật đản.
Ngày 20/3, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị các tổ chức tôn giáo dừng các sự kiện lớn gồm: Lễ Phục sinh trong Công giáo và Tin lành; lễ Phật đản trong Phật giáo; Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer; đại hội nhiệm kỳ của Hội thánh Cao Đài; hội nghị thường niên của Hội đồng tinh thần tôn giáo Baha’i và Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa…
Viết Tuân
Video đang HOT
Long An: Sự thật bất ngờ về 'tịnh thất Bồng Lai' - đang gây sóng gió dư luận
"Không có người gọi là Hòa thượng Thích Tâm Đức, không có tịnh thất Bồng Lai mà chỉ có tư thất Bồng Lai và những người đang sống ở đây không phải sư thầy, ni cô hay chú tiểu", Hòa thượng Thích Minh Thiện, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, khẳng định.
Ông Vân (ngồi giữa) dẫn 2 đệ tử đi thi hát Boléro - Ảnh: Thanh Anh
Dựng chuyện cha bắt cóc con gái gây náo loạn
Mới đây, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Long An, cho biết: ngày 20.12, nơi đây đã có công văn gửi Ban thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, khẳng định: "Tư thất Bồng Lai ở xã Hòa Khánh Tây (H.Đức Hòa, tỉnh Long An) không phải là tự viện hợp pháp do Ban trị sự GHPGVN tỉnh Long An quản lý.
Các vị đang sống và sinh hoạt tại tư thất Bồng Lai không phải tu sĩ Phật giáo, do đó không liên quan đến sự quản lý của GHPGVN tỉnh Long An. Sự việc trên mang tính lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo để lừa gạt lòng tin của tín đồ Phật giáo trục lợi. Chính quyền địa phương đang xác minh làm rõ các sự việc có liên quan tư thất Bồng Lai".
Tại buổi tổng kết công tác Phật sự năm 2019 trong cùng ngày 20.12, Hòa thượng Thích Minh Thiện, Trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Long An, đã khẳng định: "Không có người gọi là Hòa thượng Thích Tâm Đức, không có tịnh thất Bồng Lai mà chỉ có tư thất Bồng Lai và những người đang sống ở đây không phải sư thầy, ni cô hay chú tiểu. Những người này là giả sư nhằm thực hiện ý đồ riêng, hoạt động bất hợp pháp, Giáo hội đang nhờ chính quyền xử lý".
Hòa thượng Thích Minh Thiện - Trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Long An, khẳng định nhóm người của ông Vân ở tư thất Bồng Lai là sư giả - Ảnh: Thanh Anh
Đại đức Thích Lệ Duyên, Chánh Thư ký Ban trị sự GHPGVN tỉnh Long An, cho biết lâu nay những hoạt động của nhóm người sinh sống tại tư thất Bồng Lai đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động Phật giáo. Còn Hòa thượng Thích Thiện Phúc, Trưởng Ban trị sự GHPGVN liên huyện Đức Hòa - Đức Huệ, cho biết, tư thất Bồng Lai có nhiều hoạt động bị các Phật tử và người dân phản ứng. Tuy nhiên giáo hội không thể có ý kiến vì tư thất Bồng Lai không nằm trong sự quản lý của giáo hội, thẩm quyền xử lý thuộc chính quyền địa phương.
Sau những lần gây sóng gió dư luận từ việc 2 "nhà sư" đi thi hát Boléro, 5 "chú tiểu" giành giải thưởng game show truyền hình Thách thức danh hài và chuyện 1 gia đình ở TP.HCM đưa người đến Bồng Lai đập phá để tìm con gái là Võ Thị Diễm My (22 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM), gần đây những người ở tư thất Bồng Lai lại tiếp tục tung ra các video clip "gây bão mạng xã hội".
Trong các clip được tung lên mạng, nhóm người ở Bồng Lai cho rằng ông Võ Văn Thắng (cha ruột của Diễm My) đã phối hợp cùng Công an H.Đức Hòa tổ chức bắt cóc con gái của mình, sau đó đưa về nhà riêng ở Q.Bình Tân (TP.HCM) giam giữ và ép uống thuốc độc.
Sau khi đưa thông tin này, nhóm người ở tư thất Bồng Lai cho biết họ lo sợ những người lạ sẽ đến giết chết, nên phải kéo nhau đi trốn ngoài rừng, đồng thời kêu gọi cộng đồng mạng giải cứu cho Diễm My. Hậu quả là sau các clip của nhóm người ở Bồng Lai thì trong 2 ngày 16 và 17.12, nhiều người lạ đã kéo đến bao vây nhà của ông Thắng, buộc Công an Q.Bình Tân phải cử người túc trực bảo vệ.
Nhưng có điều lạ, dù những người ở tư thất Bồng Lai tung tin phải đi trốn vì sợ bị giết, nhưng lại quay clip đưa đầy đủ hình ảnh, thông tin về nơi họ... đang trốn cho mọi người biết. Theo thông tin chính thức từ các cơ quan hữu trách, Công an H.Đức Hòa đã mời bà Cao Thị Cúc (chủ tư thất Bồng Lai), ông Thắng và Diễm My đến làm việc xung quanh những lùm xùm trước đây giữa gia đình ông Thắng và tư thất Bồng Lai.
Trong lúc công an đang làm việc thì ông Lê Tùng Vân (người tự xưng Hòa thượng Thích Tâm Đức, trụ trì tịnh thất Bồng Lai) kéo nhiều người là đệ tử của ông ta đến trước công an huyện la ó, cáo buộc công an huyện bắt cóc Diễm My.
Do ông Thắng phát hiện tinh thần con gái không bình thường, nghi cháu bị cho uống thuốc hướng thần, nên cơ quan công an cho phép đưa My về nhà chữa bệnh theo đề nghị của ông. Từ đó những người trong tư thất Bồng Lai tung tin lên mạng xã hội nói Diễm My bị bắt cóc, ép uống thuốc độc, làm dư luận dậy sóng.
Khu nhà được ông Vân tự xưng là chùa và tịnh thất Bồng Lai - Ảnh: Thanh Anh
Theo ông Thắng, hiện nay Diễm My đang được gia đình thuê bác sĩ riêng điều trị bệnh tại nhà, sức khỏe và tinh thần của con gái ông đang ổn định, không có chuyện vợ chồng ông bắt cóc con gái đem về nhà ép uống thuốc độc như nhóm người ở tư thất Bồng Lai tung tin.
Những nghi vấn cần làm sáng tỏ
Giữa lúc những ồn ào ở nơi gọi là "tịnh thất Bồng Lai" đang được các cơ quan hữu trách làm sáng tỏ thì mới đây cộng đồng mạng lại đưa nhiều thông tin bất ngờ về Hòa thượng Thích Tâm Đức - Lê Tùng Vân.
Theo những thông tin này, trước khi mở "tịnh thất Bồng Lai" thì vào năm 2007, ông Vân cùng 1 người phụ nữ tên Nguyễn Thị Huỳnh Hoa (cựu cán bộ của Hội Dân tộc học TP.HCM) điều hành 1 trại từ thiện có tên Thánh Đức tại H.Bình Chánh (TP.HCM), dưới danh nghĩa Trung tâm Từ thiện hỗ trợ người cao tuổi.
Ngoài việc trại từ thiện này hoạt động chui không phép, sử dụng trẻ em để phục vụ mục đích riêng, ông Vân còn bị tố cáo chiếm đoạt nhiều khoản tiền đóng góp cho trại của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm. Do hoạt động chui mang nhiều tai tiếng nên trại từ thiện Thánh Đức bị các cơ quan hữu trách đóng cửa. Trong thời gian này, ông Vân còn bị tố đang sống cùng lúc với nhiều vợ và có nhiều con, đồng thời lừa đảo nhiều người.
Đến năm 2014, ông Vân lại xuất hiện ở xã Hòa Khánh Tây (H.Đức Hòa) mở cơ sở tu tại gia, nhưng tự xưng là chùa Bồng Lai. Cơ sở này do bà Cao Thị Cúc làm chủ, còn ông Vân làm trụ trì với pháp danh tự phong là Hòa thượng Thích Tâm Đức.
Sau khi tung tin hoa Ưu đàm nhà Phật 3.000 năm nở 1 lần xuất hiện tại chùa Bồng Lai rồi đến sự việc ông Vân dẫn 2 ông "thầy chùa giả" Nhất Nguyên, Hoàn Nguyên đi thi hát Boléro bị GHPGVN tỉnh Long An, các cơ quan hữu trách và dư luận chú ý, ông Vân đổi tên chùa Bồng Lai thành tịnh thất Bồng Lai và vẫn làm trụ trì.
Đến lúc ông Vân cho 5 "chú tiểu" đi thi game show Thách thức danh hài và ẳm giải, "tịnh thất Bồng Lai" thu hút nhiều quan tâm của người dân và cộng đồng mạng. Đỉnh điểm thu hút của "tịnh thất Bồng Lai" là việc cô gái Diễm My từ bỏ gia đình để đến đây tu hành, từ đó dẫn đến nhiều sự việc, thông tin dậy sóng dư luận và cộng đồng mạng.
Riêng việc 5 "chú tiểu" đi thi Thách thức danh hài và giành giải thưởng khá nhiều tiền, nhiều người cho rằng các cháu còn quá nhỏ, không thể sử dụng được số tiền thưởng từ công sức của mình. Vậy "Hòa thượng Thích Tâm Đức - Lê Tùng Vân" đã làm gì với số tiền này?
Theo nguồn tin của PV, hiện tại Công an tỉnh Long An và Công an H.Đức Hòa đang tiếp tục điều tra các hoạt động có liên quan đến nhóm người ở tư thất Bồng Lai. 1 cán bộ ở H.Đức Hòa cho biết, trong thời gian tới mọi việc sẽ sáng tỏ và sẽ được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Trong khi đó ông Năm C., 1 người tu tại gia ở Tiền Giang, bày tỏ: "Nếu ông Vân thực sự có lòng từ bi, bỏ tiền túi lập cơ sở để cưu mang, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, người già vô gia cư, lang thang cơ nhỡ, thì xã hội rất ủng hộ. Nhưng nếu ông Vân làm việc này chỉ nhằm lợi dụng những người mà mình cưu mang để kiếm lợi bất chính, thì chẳng bao lâu sẽ gặp quả báo".
Thanh Anh
Theo motthegioi.vn
Chuyện về 'tịnh thất' Bồng Lai đầy huyên náo Trên địa bàn H.Đức Hòa chỉ có 55 cơ sở Phật giáo, không có cơ sở nào mang tên chùa Bồng Lai hay tịnh thất Bồng Lai và cũng không ai có pháp danh là Hòa thượng Thích Tâm Đức. Khu nhà tịnh thất Bồng Lai - Ảnh: Thanh Anh Lục lạo, phá tài sản, hành hung người để... tìm con gái Công...