Giáo hoàng mới được bầu như thế nào?
Sau khi đức Giáo hoàng Benedict XVI chính thức rời khỏi Tòa thánh Vatican, Giáo hội Công giáo sẽ phải gấp rút nhóm họp để tìm ra người thay thế ông trước lễ Phục sinh.
Giáo hoàng Benedict XVI trong buổi lễ cầu nguyện cuối cùng trước khi thoái vị. Ảnh: AFP
Thông thường, Hồng y đoàn sẽ không chọn ra Giáo hoàng mới trong vòng 15-20 ngày sau khi Giáo hoàng trước đó qua đời hoặc thoái vị. Việc Giáo hoàng Benedict XVI từ chức là một trường hợp ngoại lệ hiếm có. Đức Giáo hoàng cuối cùng từ nhiệm khỏi vị trí đứng đầu Giáo hội Công giáo cách đây đã hơn 600 năm.
Tình thế này buộc Tòa thánh Vatican phải điều chỉnh một số quy tắc. Các đức Hồng y có thể tiến hành bầu Giáo hoàng mới trước 15/3, theo phát ngôn viên của Tòa thánh Vatican, cha Federico Lombardi, và giáo hội sẽ có hơn một tuần để chuẩn bị cho Chúa nhật Lễ Lá hôm 24/3, ngày lễ rơi vào ngày chủ nhật trước lễ Phục sinh.
Dù Giáo hoàng Benedict sẽ không trực tiếp tham gia vào việc bầu chọn người kế nhiệm mình, sức ảnh hưởng của ông là không thể chối cãi. Ông đã bổ nhiệm 67 trong ít nhất 115 đức Hồng y chịu trách nhiệm quyết định về vấn đề này.
Dưới đây là quy trình bầu Giáo hoàng mới:
- Để bầu ra người đứng đầu Tòa thánh Vatican, Hồng y đoàn sẽ nhóm họp tất cả các Hồng y có đủ điều kiện bỏ phiếu. Họ đều là những người dưới 80 tuổi. Chỉ có một số Hồng y làm việc tại Vatican, hầu hết những người khác làm việc tại các giáo phận hoặc tổng giáo phận trên khắp thế giới và họ phải đến Rome để tham dự cuộc bầu chọn này.
- Cuộc họp của các Hồng y được gọi là Cơ mật viện, thường bắt đầu bằng Thánh Lễ cầu nguyện cho cuộc bầu chọn tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Vào buổi chiều, họ đi bộ đến nhà nguyện Sistine và bắt đầu quá trình bỏ phiếu.
- Khi các lá phiếu được phát ra, các Hồng y sẽ viết tên của người họ lựa chọn vào đó và gấp nó lại, sau đó từng người một, theo thứ tự thâm niên, sẽ bước đến một bàn thờ và trang trọng đặt lá phiếu vào một cái cốc.
Video quy trình bầu Giáo hoàng mới
Video đang HOT
- Các Hồng y không được rời khỏi Cơ mật viện và không trò chuyện với bất kỳ ai bên ngoài cho đến khi quá trình bầu chọn kết thúc. Quá trình này diễn ra hoàn toàn bí mật với bên ngoài.
Tất cả các thiết bị truyền thông, máy ghi âm, camera đều bị cấm. Từng người vi phạm sẽ phải chịu những hình phạt do Giáo hoàng tương lai đưa ra.
- Việc bỏ phiếu diễn ra bí mật nhưng việc kiểm phiếu diễn ra công khai. Một Hồng y cần đạt được hai phần ba số phiếu để trở thành tân Giáo hoàng.
- Các lá phiếu sau khi được kiểm đều sẽ được đưa vào lò đốt. Nếu không có ai chiến thắng, một hóa chất sẽ được đưa vào lò để tạo ra khói đen. Dựa vào đó, những người đang chờ đợi ở quảng trường St. Peter biết rằng Cơ mật viện chưa tìm được Giáo hoàng mới.
Các hồng y đi vào bên trong nhà nguyện Sistine để bắt đầu một hội nghị kín. Ảnh: AP
Nếu một giáo hoàng được bầu ra, hóa chất trên sẽ không được thêm vào lò và khói trong lò vẫn giữ nguyên màu trắng, ra hiệu cho thế giới bên ngoài biết rằng Cơ mật viện đã nhất trí bầu ra một Giáo hoàng mới.
- Nếu không có người chiến thắng, cuộc bỏ phiếu sẽ được tổ chức lại một lần vào ngày đó. Các đức Hồng y có thể bỏ phiếu 4 lần vào ngày thứ hai và thứ ba.
Đến cuối ngày thứ ba, nếu vẫn không tìm ra được Giáo hoàng mới, họ sẽ nghỉ một ngày để cầu nguyện, thảo luận và lắng nghe những lời nhắc nhở từ một đức Hồng y cấp cao.
Cuộc bỏ phiếu có thể tiếp diễn thêm 7 vòng nữa.
- Khi một hồng y được chọn, ông sẽ được hỏi ý kiến xem có đồng ý trở thành Giáo hoàng hay không và muốn được gọi tên là gì. Người đứng đầu Hồng y đoàn khi đó sẽ bước ra ban công chính của Tòa thánh Vatican và tuyên bố với thế giới: “Habemus Papam!” – “Chúng ta có Giáo hoàng mới”. Sau đó tân Giáo hoàng sẽ xuất hiện trên ban công và gửi lời chào và cầu nguyện đến các con chiên của mình.
Theo VNE
Khói đen, khói trắng và Giáo hoàng
Gần chính ngọ ngày 26/10/1958, bầu trời trên toà thánh Vatican trong vắt. Bỗng nhiên một vệt khói bốc lên từ ống khói nhà nguyện Sistine khiến đám đông tại quảng trường St Peter nhảy cẫng lên và reo vang: "Màu trắng! Màu trắng". Nhưng một lúc sau khói chuyển thành màu đen.
Vào mỗi kỳ bầu giáo hoàng, ống khói nhà nguyện Sistine tại Vatican luôn là trung tâm chú ý của các tín đồ Thiên chúa giáo. Những người có mặt tại quảng trường St Peter không khỏi ngước nhìn về đây vì làn khói mang màu gì là họ biết ngay các hồng y đã bầu được giáo hoàng mới hay chưa. Nhưng chính vì màu khói tại nhà nguyện Sistine mang thông điệp đặc biệt nên một số rắc rối đã xảy ra.
Ống khói trên nhà nguyện Sistine, "sứ giả" thông báo với thế giới về kết quả Mật nghị hồng y bầu chọn tân giáo hoàng Công giáo. Ảnh: AP
Trở lại buổi trưa cách đây 55 năm, không gian yên lặng chờ đợi chợt vỡ oà khiến đàn chim bồ câu trên sân quảng trường giật mình bay loạn xạ. Các tín đồ vui mừng vì làn khói trắng trên ống khói nhà nguyện Sistine chính là tín hiệu cho biết các hồng y đã bầu được tân giáo hoàng. Ngay sau đó, một linh mục công bố trên làn sóng radio của Vatican: "Chúng ta đã có giáo hoàng". Lập tức các phóng viên túc trực tại toà thánh lao đến chỗ đặt điện thoại vì ai cũng muốn báo tin về toà soạn nhanh nhất.
Làn khói màu trắng trên nhà nguyện Sistine dường như đã làm thay đổi mọi thứ tại Vatican. Lực lượng bảo vệ toà thánh được tập trung cấp thời. Có một đám cưới đang diễn ra trong thánh đường St Peter lúc đó, nhưng khi nghe tin có khói trắng các quan khách không ai bảo ai đều chạy ào cả ra ngoài để mặc cô dâu chú rể và vị linh mục đứng bên án thờ.
Tuy nhiên, chỉ trong vài phút làn khói phun ra từ ống khói nhà nguyện Sistine lại chuyển từ màu trắng sang màu đen. Rõ ràng đã có sự nhầm lẫn trong việc thông báo và điều này nghĩa là một giáo hoàng mới vẫn chưa được bầu ra. Mọi người chưng hửng và lại kiên nhẫn chờ đợi.
Nhà nguyện Sistine là nơi diễn ra một trong những sự kiện đặc biệt và linh thiêng nhất của Giáo hội Thiên chúa giáo. Đây là địa điểm các hồng y tổ chức bầu giáo hoàng mới sau khi một Đức thánh cha qua đời. Họ ngồi họp và bỏ phiếu giữa bốn bề là những kiệt tác hội hoạ của Michelangelo. Các hồng y phải cách ly hoàn toàn với thế giới và họ sử dụng một bếp lò bằng sắt có ống khói nhỏ phía trên để thông báo ra bên ngoài tình hình bầu chọn.
Theo quy ước được sử dụng tại Vatican suốt nhiều thế kỷ qua, nếu khói bốc lên từ nhà nguyện Sistine mang màu đen nghĩa là các hồng y chưa bầu được giáo hoàng, còn nếu màu trắng thì ngược lại và cuộc mật họp đã kết thúc. Do đó, khi nào xảy ra tình trạng khói trắng pha đen thành màu xám như từng xảy ra ngày 26/10/1958 sẽ gây ra tình trạng hiểu nhầm.
Các hồng y tiến vào nhà nguyện Sistine hôm 18/4/2005 để dự mật nghị bầu Giáo hoàng. Ảnh: AFP
Hiện không biết chính xác quy ước về màu khói tại nhà nguyện Sistine được sử dụng từ khi nào, nhưng tín hiệu này từng được áp dụng liên tục ít nhất từ năm 1878 đến nay. Trong những thế kỷ qua, đôi khi các hồng y dự mật họp còn dùng cách rung chuông để thông báo việc bầu được giáo hoàng mới.
Việc lựa chọn tín hiệu bằng mầu khói được coi là hợp lý vì quy định của giáo hội yêu cầu các hồng y phải đốt bỏ những lá phiếu sau mỗi lần bầu, nhằm duy trì sự bí mật của các hội nghị bầu giáo hoàng. Tác giả John Allen viết trong cuốn Conclave(Mật hội) in năm 2002 rằng, Giáo hoàng Julius III, một người yêu thích nghệ thuật hội hoạ trị vì từ năm 1550 đến 1555 là người đầu tiên ra lệnh thiết lập một bếp lò trong nhà nguyện Sistine để đốt phiếu bầu, vì ngài lo ngại khói bay lung tung có thể gây hư hại các bức bích hoạ.
Trước năm 1958 thường có rất ít trường hợp xảy ra rắc rối về màu khói trên nhà nguyện Sistine. Để tránh những hiểu lầm tai hại, năm 1963 các hồng y chuyển sang sử dụng các sản phẩm pháo sáng của quân đội Italy để tạo ra màu khói trắng và đen. Trong lần mật họp đầu tiên năm 1978, họ còn thử nghiệm việc cho thêm hoá chất vào lá phiếu để đốt, nhưng khói tạo ra lại là màu xám chứ không phải trắng hoàn toàn mặc dù Giáo hoàng John Paul I đã được bầu ra.
Khi Giáo hoàng John Paul I qua đời chỉ hai tháng sau, cuộc mật họp lần thứ hai trong năm 1978 được triệu tập trong nhà nguyện Sistine và các hồng y quyết định quay lại sử dụng pháo sáng của quân đội. Nhưng khói đen tuôn ra từ ống khói trong dịp này vẫn nhanh chóng chuyển sang màu xám. Điều này khiến các phóng viên bối rối không xác định được chính xác là đã có giáo hoàng mới hay chưa. Cuối cùng, đài phát thanh Vatican phải tuyên bố đó là khói đen và cuộc bầu chọn tiếp tục.
Có một số nguồn tin cho rằng, sở dĩ đài phát thanh của toà thánh có thể biết được chính xác màu gì vì có một chiếc nút đặc biệt được gắn trong nhà nguyện Sistine kể từ sau vụ rắc rối năm 1958 để thông báo cho họ tin tức chính xác. Nhưng các chức sắc Vatican không bao giờ bình luận về thông tin này.
Từ hôm nay, các hồng y của giáo hội Công giáo La Mã bắt đầu một tiến trình dài và có lẽ là bí mật nhất thế giới, để chọn ra tân giáo hoàng. Trong số các hồng y, có 115 vị đủ điều kiện về tuổi tác để tham gia hội nghị kín - không quá 80 tuổi. Tuy nhiên một số vị có thể không tham gia được hội nghị ở Vatican do vấn đề sức khỏe.
Để đảm bảo sự bí mật của hội nghị hồng y, các vị tham gia không được liên hệ với thế giới bên ngoài. Hiện chưa rõ họ có được mang theo điện thoại di động hay máy tính hay không.
Một hội nghị trù bị sẽ bắt đầu hôm nay, trước khi hội nghị bàn tròn và các cuộc tư vấn diễn ra từ thứ hai tới. Tiếp đó là đến mật nghị. Theo truyền thống, hội nghị của các hồng y chỉ diễn ra sau ít nhất là 15 ngày kể từ khi ghế giáo chủ bị bỏ trống, được ngầm hiểu đó là thời gian cần thiết cho tang lễ khi giáo chủ qua đời. Tuy nhiên lần này Benedict XVI tuyên bố nghỉ hưu và yêu cầu khởi động tiến trình bầu giáo hoàng sớm bất thường. Hồng y đoàn cũng như các giáo dân hy vọng có thể có tân giáo hoàng trước lễ Phục sinh.
Theo VNE
Giáo hoàng Benedict XVI từ chức vì bê bối đồng tính ở Vatican? Ngày 11-2, người đứng đầu Tòa thánh Vatican Giáo hoàng Benedict XVI đã tuyên bố quyết định từ chức. Quyết định này làm cả Vatican ngỡ ngàng. Lần cuối cùng một giáo hoàng xin từ chức xảy ra vào năm 1415 khi giáo hoàng Gregory XII từ nhiệm để không làm giáo hội bị chia rẽ. Theo nhiều nguồn tin xác nhận, người...