Giáo hoàng Francis hội kiến Nhật Hoàng Naruhito
Ngày 25/11, Giáo hoàng Francis đang ở thăm Nhật Bản đã hội kiến với Nhật Hoàng Naruhito tại Hoàng cung với thời gian diễn ra khoảng 20 phút.
Đây là lần đầu tiên Thiên hoàng Naruhito gặp Giáo hoàng Francis mặc dù ngài đã từng gặp cố Giáo hoàng John Paul đệ Nhị tại Vatican hồi năm 1984 khi đang du học ở Anh. Giáo hoàng Francis là giáo hoàng đầu tiên thăm Hoàng cung kể từ năm 1981 – năm mà Giáo hoàng John Paul đệ Nhị hội kiến Thiên hoàng Showa khi đó.
Giáo hoàng Francis hội kiến với Nhật Hoàng Naruhito tại Hoàng cung Nhật Bản. Ảnh: Vatican Media
Giáo hoàng đến Nhật Bản từ ngày 22/11. Ngày 23/11, Giáo hoàng Francis cầu nguyện cho hòa bình và kêu gọi xóa bỏ vũ khí hạt nhân tại Nagasaki và Hiroshima.
Tại Hiroshima, thành phố đầu tiên trên thế giới bị ném bom nguyên tử, Giáo hoàng phát biểu rằng sử dụng vũ khí hạt nhân là tội ác và vô đạo đức.
Giáo hoàng nói: “Tôi thấy có trách nhiệm phải đến đây như một người hành hương của hòa bình, để đứng đây cầu nguyện trong yên lặng, tưởng nhớ những nạn nhân vô tội của bạo lực này, và cũng mang trong tim những lời cầu nguyện và khao khát của tất cả mọi người trong thời đại chúng ta.
Với niềm tin sâu sắc, tôi muốn một lần nữa tuyên bố rằng việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích chiến tranh, ngày nay và hơn bao giờ hết, là tội ác không chỉ chống lại phẩm giá của con người, mà còn chống lại mọi khả năng tương lai cho ngôi nhà chung của chúng ta. Việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích chiến tranh là vô đạo đức, tương tự, việc sở hữu hạt nhân cũng là vô đạo đức, như tôi đã từng nói 2 năm trước. Chúng ta sẽ bị phán xử về điều này.
Làm thế nào chúng ta có thể đề xuất hòa bình nếu chúng ta liên tục sử dụng mối đe dọa chiến tranh hạt nhân như một cách đòi hỏi hợp pháp để giải quyết các cuộc xung đột? Có thể vực thẳm nỗi đau mà nơi này đã phải chịu đựng nhắc nhở chúng ta về những ranh giới không bao giờ được vượt qua. Một nền hòa bình thực sự chỉ có thể là một nền hòa bình không vũ trang”.
Tại Nagasaki, Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng xóa bỏ vũ khí hạt nhân là một việc khả thi và cần thiết./.
Theo PV/VOV-Tokyo
Không gian 18 triệu USD nơi Nhật hoàng qua đêm với nữ thần mặt trời
Chỉ riêng việc xây dựng khu nhà để thực hiện nghi lễ đã tiêu tốn 2 tỷ yen (18 triệu USD) ngân sách chính phủ, trong khi chi phí cho toàn bộ nghi lễ là 2,9 tỷ yen (27 triệu USD).
Ngôi đền gỗ nơi Nhật hoàng qua đêm cùng nữ thần mặt trời
Trong Daijosai, nghi lễ cuối cùng của lễ đăng cơ, Nhật hoàng Naruhito sẽ cùng ăn tối với "nữ thần mặt trời" và cầu xin hòa bình cho người dân Nhật Bản.
Tối 14/11, Nhật hoàng Naruhito sẽ thực hiện nghi lễ cuối cùng để đánh dấu quá trình lên ngôi, "Daijosai", trong một không gian mang đậm màu sắc Thần đạo trị giá 18 triệu USD, được dựng lên và chỉ sử dụng một lần duy nhất bên trong khuôn viên hoàng cung ở Tokyo.
"Daijosai", tức "đại thường tế", có thể hiểu nôm na là "đại lễ dâng cúng thức ăn". Đây là nghi lễ cuối cùng trong ba nghi lễ kế vị chính của Nhật hoàng, sau "Kenji-to-Shokei-no-gi" (lễ dâng ba báu vật) hồi tháng 5 và "Sokuirei-Seiden-no-gi" (lễ lên ngôi ở chính điện) vào tháng trước.
"Daijosai" đánh dấu sự kết nối đầu tiên giữa một Nhật hoàng với nữ thần mặt trời Amaterasu cũng như với các thần khác trong Thần đạo, tôn giáo của hoàng tộc Nhật Bản. Theo thần thoại, nữ thần Amaterasu là tổ tiên của các vị vua nước này.
Nghi lễ được xem là nặng tính tôn giáo nhất và cũng bí ẩn nhất sẽ diễn ra trong một khu nhà mới được xây dựng trên diện tích 6.500 m2 trong hoàng cung, gọi là "Daijokyo" (đại thường cung). Daijokyo bao gồm 30 kiến trúc lớn nhỏ khác nhau, trong đó quan trọng nhất là Điện Yuki và Điện Suki, nơi diễn ra phần chính của nghi lễ.
Hôm 13/11, một ngày trước nghi thức, khu đền đã được mở cửa cho giới truyền thông tham quan.
"Daijokyo" được dựng lên trong hoàng cung Tokyo. Ảnh: Kyodo.
Theo AP, chỉ riêng việc xây dựng khu nhà này đã tiêu tốn 2 tỷ yen (18 triệu USD) ngân sách chính phủ, trong khi chi phí cho toàn bộ nghi lễ là 2,9 tỷ yen (27 triệu USD). Điều này, cùng với tính chất tôn giáo của nghi lễ, đã gây ra tranh cãi gay gắt.
Mainichi cho biết gỗ để nguyên vỏ được sử dụng để dựng Điện Yuki và Điện Suki, nơi Nhật hoàng Naruhito tiến hành nghi thức cúng cơm mới cho các thần cũng như cầu nguyện cho đất nước yên bình và thịnh vượng. Chỉ duy nhất Nhật hoàng được phép vào gian phòng trong cùng để dâng cơm, rượu sake, rau củ, hải sản và sản vật địa phương trên cả nước cho nữ thần Amaterasu và các thần khác.
Sau đó, Nhật hoàng sẽ ăn những món này, hành động được xem là tượng trưng cho sự hợp nhất giữa ông và nữ thần mặt trời, biến ông thành trung gian giữa nữ thần và người dân Nhật theo quan niệm truyền thống.
Hàng rào gỗ cao một mét được dựng lên quanh hai điện chính, cũng như nơi Hoàng hậu Masako bái tế và nơi để các món thức ăn, đồ uống.
Công ty Shimizu đã bắt đầu việc xây dựng "Daijokyo" từ cuối tháng 7 và hoàn thành việc xây dựng trong khoảng 3 tháng với sự trợ giúp của các thợ mộc lành nghề trên cả nước. Sau nghi lễ, khu nhà sẽ được mở cửa cho công chúng tham quan trước khi bị tháo dỡ.
Kích thước của khu nhà và khoảng cách giữa các tòa nhà đã được giảm bớt so với lần trước khi cha của Nhật hoàng Naruhito, người giờ đây là Thái thượng hoàng Akihito, đăng cơ và thực hiện nghi lễ vào năm 1990. Phần mái của hai điện chính cũng được đơn giản hóa, sử dụng ván mỏng thay vì lợp tranh.
Nghi lễ bắt đầu từ 17h ngày 14/11, kéo dài đến 3h ngày 15/11.
Theo news.zing.vn
Người phụ nữ được Nhật hoàng hứa 'bảo vệ bằng mọi giá' Khi Masako Owada kết hôn với Thái tử Naruhito năm 1993, nhiều người lo ngại rằng bà có thể phá vỡ truyền thống 2.600 năm của hoàng gia. Thái tử Naruhito (trái) và công nương Masako (phải) trong lễ cưới tháng 6/1993 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo. Ngược lại, những truyền thống bó buộc và kỳ vọng quá lớn của hoàng gia...