Giáo hoàng được bầu chọn như thế nào?
Trong tuần lễ thứ nhất đầu tháng 3 này, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, 79 tuổi, tổng giám mục Giáo phận TP.HCM, sẽ lên đường sang Roma để tham dự Mật nghị Hồng y. Năm 2005, Đức Hồng y Mẫn từng tham gia bỏ phiếu để bầu ra Giáo hoàng Benedict XVI vừa từ nhiệm.
Theo thông tin chính thức cho đến hôm nay, Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn sẽ là một trong 115 Hồng y bước vào Mật nghị. Lá phiếu của các vị này sẽ bầu lên vị Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo. Trên lý thuyết, tất cả những người Công giáo là nam giới, còn độc thân và không bị ngăn trở bởi Giáo luật đều có thể được bầu chọn làm Giáo hoàng, nhưng trong thực tế chỉ các Hồng y mới có cơ hội để trở thành Giáo hoàng.
Cuộc bầu chọn kín
Từ Cardinalis trong tiếng Latin có nghĩa là “yếu tố then chốt, thuộc bản chất” được dịch ra tiếng Việt thành Hồng y (người mặc áo đỏ, vì phẩm phục của các Hồng y có màu đỏ) để chỉ những vị giáo sĩ cao cấp nhất trong Giáo hội Công giáo, “trội vượt về đạo lý, tác phong, đạo đức và khôn ngoan”, chỉ đứng sau Đức Giáo hoàng, được chính Đức Giáo hoàng vinh thăng và là cố vấn thân cận của Ngài. Các Hồng y còn được gọi là hoàng tử của Giáo hội, vì theo truyền thống La Mã, chính các hoàng tử sẽ bầu chọn vị thủ lĩnh của mình là Hoàng đế La Mã.
Tổng số các Hồng y hiện nay là 183 vị thuộc 66 quốc gia trên thế giới, có 117 vị dưới 80 tuổi nhưng chỉ có 115 vị sẽ tham dự Mật nghị để bầu Giáo hoàng, chia ra như sau: 57 vị ở châu Âu, 21 vị ở châu Mỹ Latin, 14 vị ở Bắc Mỹ, 11 vị ở châu Phi, 10 vị ở châu Á và 2 vị ở châu Úc.
Các cuộc bầu chọn Giáo hoàng chỉ được gọi là Mật nghị (conclave, nguyên ngữ Latin có nghĩa là “với chìa khóa”) bắt đầu từ năm 1274, thời Đức Giáo hoàng Gregory X. Nguyên nhân là trước đó, vào năm 1268 tại thành Viterbo, đã diễn ra cuộc bầu Giáo hoàng kéo dài gần ba năm.
Trước khi chính thức khai mạc Mật nghị, tất cả các Hồng y, kể cả những vị trên 80 tuổi, sẽ có một số ngày gặp gỡ, hội họp trước để nói về tương lai của Giáo hội, bàn bạc với nhau về các ứng viên có tiềm năng cũng như những thách thức mà Giáo hội đang phải đối mặt và ai sẽ là người phù hợp nhất để giải quyết những thách thức đó. Có thể coi những cuộc hội họp này là một cách thức để các Hồng y tìm hiểu kỹ hơn về nhau để có sự lựa chọn tốt nhất.
Giới truyền thông đeo bám hằng ngày ở trước cổng vào Vatican ở Roma. Đức hồng y Manuel Monteiro de Castro của Bồ Đào Nha bị “vây” ngày 4-3 khi về đây dự Mật nghị – Ảnh: Reuters
Các sử gia kể lại, mất khoảng 2 năm 9 tháng mà các Hồng y vẫn chưa thể bầu được Giáo hoàng mới, chính quyền Roma và dân chúng đã khóa kín nơi hội họp của các Hồng y, gỡ bỏ mái tôn của các phòng họp. Sau đó một thời gian nữa vẫn không có kết quả, thế là họ tiếp tục giảm phần ăn, chỉ cung cấp bánh mì và nước lã cho các vị mà thôi. Cuối cùng thì vào tháng 9/1271, Đức Giáo hoàng Gregory X mới được bầu lên.
Rút kinh nghiệm từ sự việc này, sau khi lên ngôi Giáo hoàng, Ngài đã thiết lập Mật nghị, quy định nơi hội họp của các Hồng y phải được đóng kín, theo truyền thống diễn ra tại nhà nguyện Sixtine, và Ngài nhấn mạnh đến việc giữ kín tất cả những gì đã xảy ra cho tới khi bầu được Giáo hoàng mới. Việc đóng kín của Mật nghị còn có một ý nghĩa nữa là tránh được sự can thiệp mang tính chính trị từ bên ngoài, vì thông thường các cường quốc thường hay gây áp lực cách này cách khác để đưa lên vị Giáo hoàng mà họ thích.
Ba thể thức bầu chọn
Lịch sử cho biết trong các cuộc bầu chọn Giáo hoàng, có ba thể thức từng được áp dụng: Thứ nhất là “Tung hô”, một vị có thế giá nào đó xướng tên người mà mình muốn chọn, rồi nếu đa số cùng đồng thuận tung hô, coi như vị đó được bầu. Thứ hai là “ủy quyền”, các Hồng y ủy quyền cho một ủy ban khoảng 9-15 Hồng y và hứa sẽ tuân phục kết quả do ủy ban này chọn ra. Nhưng cả hai cách này đã không còn được áp dụng kể từ cuối thế kỷ 14.
Thể thức thứ ba, cũng là thể thức duy nhất hiện nay, chính là bỏ phiếu kín. Các vị Hồng y sẽ viết tên người mình muốn bầu vào trong một lá phiếu có in hàng chữ Latin “Eligo in summo Pontifice” (Tôi xin bầu lên chức vị Giáo hoàng), gấp lá phiếu lại làm bốn, giơ cao lên và từng vị đặt trên chén Thánh lớn trên bàn thờ.
Mật nghị sẽ diễn ra giống như tên gọi của nó, tức là đóng kín với bên ngoài. Có hai nơi chính sẽ được niêm phong và canh giữ hết sức nghiêm ngặt, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Đó là nhà nghỉ Sainte Marthe, nơi cư trú của các Hồng y tham dự Mật nghị và nhà nguyện Sixtine. Sở dĩ nhà nguyện Sixtine được chọn là nơi diễn ra Mật nghị vì nơi đây được gọi là nơi “ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa”; đồng thời trên bức tường phía sau của bàn thờ là bức bích họa nổi tiếng Sự phán xét cuối cùng của danh họa vĩ đại người Ý Michelangelo. Bức họa miêu tả ngày Chúa Giêsu đến lần thứ hai để phán xét nhân loại, các thánh được vui hưởng thiên đàng, còn những người làm việc ác sẽ phải bị kết án.
Video đang HOT
Trong những ngày diễn ra Mật nghị, các Hồng y đều bị cấm ngặt tất cả các phương tiện truyền thông: tivi, radio, Internet, báo chí, điện thoại, các thiết bị thu âm, truyền thanh truyền hình… nhằm bảo đảm tính bí mật tuyệt đối.
Cuộc hội nghị đầu tiên diễn ra vào lúc 9h30 ngày 4/3, các Hồng y sẽ đặt tay trên quyển Kinh Thánh và thề rằng sẽ tuân thủ các điều quy định về việc bầu cử ghi trong Tông Hiến Universi Dominici Gregis, và khi các Hồng y đã có mặt đông đủ thì Hồng y đoàn sẽ quyết định ngày nào bắt đầu Mật nghị.
Khi đến ngày ấn định, Mật nghị sẽ khai mạc bằng một Thánh lễ cầu nguyện cuộc bầu chọn vào buổi sáng tại đền thờ Thánh Phêrô. Buổi chiều các Hồng y sẽ tụ tập trong nhà nguyện Pauline của Điện Giáo hoàng rồi rước trọng thể vào nhà nguyện Sixtine, sau đó cửa nhà nguyện sẽ bị khóa lại. Và nơi đây một lần nữa các ngài đặt tay lên quyển Kinh Thánh long trọng tuyên thệ tuân theo đúng các chỉ thị của Tông Hiến, tôn trọng kết quả bầu cử, bênh vực và bảo vệ quyền lợi Giáo hội, và đặc biệt “tuyệt đối giữ bí mật về tất cả mọi sự việc liên quan đến cuộc bầu cử Đức Giáo hoàng”.
Vòng bỏ phiếu đầu tiên sẽ bắt đầu ngay buổi chiều này. Các Hồng y sẽ viết tên người mà mình muốn bầu lên giấy, rồi lần lượt từng vị tiến lên đọc to lời thề như sau: “Tôi xin Chúa Kitô, Đấng sẽ phán xét tôi, làm chứng là tôi bầu cho người mà, trước mặt Chúa, tôi xét là đáng được bầu”. Sau đó đặt phiếu bầu của mình vào chén Thánh đặt trên bàn thờ.
Sau khi tất cả đã bỏ phiếu, một vị giám sát sẽ lắc chén Thánh để trộn lẫn phiếu. Rồi sau đó một vị khác sẽ kiểm từng phiếu một. Từng phiếu bầu được lần lượt mở ra và đọc lớn tên người được ghi trên phiếu bầu để các Hồng y cùng theo dõi kết quả.
Nếu tên vị nào được 2/3 tổng số phiếu bầu thì vị Hồng y niên trưởng sẽ hỏi xem vị đó có chấp thuận làm Giáo hoàng không, nếu vị đó đồng ý thì kể từ giây phút đó Ngài trở thành Giáo hoàng. Rồi vị niên trưởng tiếp tục hỏi tông hiệu mà vị đó chọn (ví dụ vào năm 2005, Đức Hồng y Ratzinger đã chọn tông hiệu cho mình là Benedict XVI). Nếu không đạt được kết quả này thì ngày hôm sau lại tiếp tục bầu lại như thế, sáng hai lần, chiều hai lần.
Khi đã bầu xong tân Giáo hoàng, thì Ngài sẽ vào một căn phòng có tên là “nước mắt” để mặc phẩm phục. Sở dĩ có tên gọi này là vì các vị Giáo hoàng luôn có nhiều xúc động trước biến cố vô cùng lớn lao này. Rồi lần lượt các Hồng y sẽ đến bày tỏ sự tôn kính và vâng phục đối với tân Giáo hoàng
Theo 24h
6 điều về Mật nghị Hồng y bầu tân giáo hoàng
Việc thoái vị của Giáo hoàng Benedict XVI đặt Giáo hội Công giáo gồm 1,2 tỉ người vào tình trạng không có người đứng đầu.
Một lần tụ hội của các hồng y tại Nhà nguyện Sistine.
Dưới đây là 6 điều về những gì xảy ra trong thời gian chuyển tiếp.
1. Trống tòa
Khi Giáo hoàng danh dự Benedict rời thành Vatican để đến biệt điện mùa hè ở thị trấn Castel Gandolfo và trở thành giáo hoàng đầu tiên từ chức trong 600 năm, các thủ tục bầu chọn người kế vị sẽ được bắt đầu. Với việc ngai tòa thánh Peter được tuyên bố bỏ trống, thời kỳ "trống tòa" (sede vacante) sẽ chính thức mở ra. Có đến 208 hồng y, những người được mệnh danh "các hoàng tử của Giáo hội" có thể tụ hội tại Vatican để giúp điều hành Giáo hội trong khoảng thời gian này.
2. Hồng y đoàn
Mặc dù toàn thể các thành viên Hồng y đoàn được quyền có tiếng nói trong các hội nghị, chỉ có 117 vị hồng y cử tri, là những người dưới 80 tuổi, được quyền bỏ phiếu trong Mật nghị Hồng y bầu tân giáo hoàng.
Năm nay, chỉ có 115 hồng y dự kiến tham dự mật nghị bởi Hồng y người Anh Keith O'Brien đã từ chức giám mục xứ St. Andrews và Edingburgh sau các cáo buộc cư xử không đúng mực và rút lui khỏi mật nghị, trong khi Hồng y người Indonesia Julius Darmaatmadja cho biết ông không thể đến Rome vì thị lực quá kém.
3. Mật nghị Hồng y
Trong những ngày tại vị cuối cùng, Giáo hoàng Benedict đã ban hành một tự sắc (motu proprio) cho phép các hồng y khai mạc sớm Mật nghị Hồng y - "conclave", bắt nguồn từ cụm từ tiếng Latin "cum clave", có nghĩa là "với chìa khóa" và liên hệ đến thực tế là các hồng y sẽ bị khóa kín cửa cho đến khi họ có được sự chọn lựa. Do vậy, mật nghị có thể diễn ra ngay vào tuần tới.
Trước khi tự sắc được ban hành, các hồng y phải chờ 15 ngày sau khi kết thúc triều đại giáo hoàng mới có thể khai mạc mật nghị.
4. Tiến trình
Theo như tên gọi, mật nghị sẽ diễn ra trong vòng bí mật, các hồng y cử tri bị giữ lại trong nhà khách ở Vatican khi không thương nghị tại Nhà nguyện Sistine, và bất kỳ ai vi phạm lời thề giữ bí mật sẽ bị vạ tuyệt thông ngay tức khắc. Đây cũng là một sửa đổi khác của Giáo hoàng Benedict trong tự sắc ngày 25/2. Trước đó, vị giáo hoàng tương lai sẽ là người ra hình phạt với những người vi phạm.
5. Khói trắng, khói đen
Khói đen bốc lên từ Nhà nguyện Sistine năm 2004.
Chỉ có một vòng bỏ phiếu diễn ra trong ngày khai mạc mật nghị. Các ngày tiếp theo sẽ có hai vòng bỏ phiếu. Các cuộc bỏ phiếu được lặp lại trong buổi sáng và buổi chiều cho đến khi giáo hoàng mới được bầu ra với đa số phiếu là 2/3. Các lá phiếu bầu sẽ được đốt trong một bếp lò đặt tại góc tường nhà nguyện sau mỗi vòng.
Khói đen bốc lên từ ống khói nhà nguyện biểu thị một vòng bỏ phiếu chưa thu được kết quả (theo truyền thống rơm ẩm được cho thêm vào để tạo khói đen, song ngày nay hóa chất được sử dụng để thay thế). Khói trắng bốc lên, kèm theo chuông đổ từ Đại thánh đường Thánh Peter (để tránh nhầm lẫn về màu sắc của khói) sẽ báo hiệu tân giáo hoàng đã được bầu ra.
6. Tân giáo hoàng
Người được chọn lựa khi đó sẽ được hỏi có chấp nhận vai trò hay không và được đề nghị chọn tông hiệu. Ông sẽ được thay phẩm phục áo choàng trắng trước khi quay trở lại Nhà nguyện Sistine, nơi các hồng y sẽ tuyên thệ vâng phục.
Sau đó, tân giáo hoàng sẽ bước ra ban công trên cửa chính của Đại thánh đường Thánh Peter và được giới thiệu với thế giới trước khi ban phước cho đám đông chờ đợi tại quảng trường.
Tông hiệu của Giáo hoàng qua các thời kỳ
Một trong những hành động đầu tiên của một vị tân giáo hoàng là chọn tông hiệu mới. Sự chọn lựa này phụ thuộc hoàn toàn vào tân giáo hoàng song thường kèm theo tính biểu tượng.
Hồng y Joseph Ratzinger đã chọn tên Benedict XVI vào năm 2004 nhằm tôn vinh Giáo hoàng Benedict XV, người nỗ lực làm trung gian dàn xếp hòa bình thời Thế chiến thứ nhất, và Thánh Benedict, vị thánh bảo trợ của người Thiên Chúa giáo ở châu Âu.
Hồng y Karol Wojtyla đã trở thành John Paul II vào năm 1978 nhằm tôn vinh người tiền nhiệm có thời gian trị vì ngắn ngủi, John Paul I. Vị Giáo hoàng chỉ tại vị trong 33 ngày trước khi qua đời đã chọn cho mình tông hiệu bằng cách ghép tên của hai người tiền nhiệm liền kề John XXIII và Paul VI.
Tông hiệu mà các giáo hoàng không được phép chọn là Peter, nhằm bày tỏ sự tôn kính với vị giáo hoàng đầu tiên, Thánh Peter, theo hãng tin Religion News Service.
Dưới đây là danh sách những tông hiệu thường gặp nhất qua các đời giáo hoàng. Nếu tân giáo hoàng chọn tông hiệu phổ biến nhất và trở thành John XXIV, sẽ có nhiều điều để giới quan sát bàn tán bởi Giáo hoàng John XXIII (1958-1963) là người đã tạo ra cuộc cách mạng trong Giáo hội Công giáo với việc triệu tập Công đồng Vatican đệ nhị.
1. John (23)
2. Benedict (16)
3. Gregory (16)
4. Clement (14)
5. Leo (13)
6. Innocent (13)
7. Pius (12)
8. Stephen (9, một số cho là 10)
9. Boniface (9)
10. Alexander và Urban (đều có 8 người)
Theo xahoi
6 ứng viên cho ghế Giáo hoàng Giáo hoàng Benedict XVI đã xuất hiện lần cuối trước đám đông tín đồ và du khách trên quảng trường Thánh Peter, ngày 28/2 giờ Việt Nam. Nhân vật kế nhiệm đang được bàn tán rộng rãi. Giáo hoàng Benedict XVI lên trực thăng rời Vatican hôm 28/2 sau khi chính thức từ nhiệm Sáng 11-2-2013 , đúng vào dịp kỷ niệm 155...