Giáo hoàng Benedict XVI chia tay công chúng trước khi thoái vị
Giáo hoàng Benedict XVI thừa nhận rằng ông đã phải đối mặt với “những sóng gió” trong nhiệm kỳ 8 năm, nhưng cảm ơn công chúng trong bài thuyết giảng cuối cùng trước khi từ nhiệm.
Giáo hoàng từ biệt công chúng trong buổi thuyết giảng hôm 27/2.
Giáo hoàng, 85 tuổi, chính thức thôi chức người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã vào hôm nay, trở thành người đầu tiên từ chức kể từ khi Giáo hoàng Gregory XII thoái vị năm 1415.
Khoảng 150.000 người đã tụ tập tại quảng trường St Peter tại Vatican để lắng nghe bài thuyết giảng cuối cùng của Giáo hoàng.
Trong bài phát biểu chia tay đầy xúc động, Giáo hoàng đã nhớ lại những thời khắc vui, buồn trong nhiệm kỳ. Giáo hoàng nói với đám đông rằng nhiệm kỳ của ông là một “gánh nặng”, nhưng đã ông chấp nhận điều đó vì tin rằng có Chúa dẫn đường.
“Trong 8 năm làm Giáo hoàng, tôi đã có những giây phút hạnh phúc và lạc quan, nhưng cũng có những khoảnh khắc không dễ dàng… Những khoảnh khắc sóng to, gió lớn…”, Giáo hoàng nói.
Nhưng Giáo hoàng cũng nhấn mạnh thêm rằng ông vững tin vào tương lai của Giáo hội Công giáo La Mã.
Trong lần xuất hiện cuối cùng trước công chúng, Giáo hoàng đã cảm ơn các giáo dân vì tôn trọng quyết định từ chức của ông và nói thêm rằng ông thoái vị là vì lợi ích của Giáo hội Công giáo.
“Tôi quyết định từ chức với sự nhận thức rõ về tính nghiêm trọng và bất thường, nhưng với tinh thần hoàn toàn thanh thản”, ông nói.
Hôm 11/2, Giáo hoàng Benedict XVI đã tuyên bố sẽ từ nhiệm vào ngày 28/2. Đây là lần đầu tiên một giáo hoàng tự nguyện thoái vị trong vòng gần 600 năm qua.
Mặc dù Giáo hoàng đã đưa ra lý do thoái vị là vì vấn đề sức khoẻ, nhưng nhiều đồn đoán đã rộ lên quanh quyết định từ chức của ngài.
Video đang HOT
Giáo hội Công giáo La Mã gần đây đã gặp phiền toái do các vụ bê bối liên quan tới lạm dụng tình dục của các linh mục và các tài liệu mật bị rò rỉ tiết lộ sự tham nhũng và đấu đá nội bộ trong Vatican.
Dự kiến, người kế nhiệm của Giáo hoàng Benedict XVI sẽ được chọn trong một hội nghị hồng y vào tháng 3 tới.
Ảnh “biển” người chia tay Giáo hoàng Benedict XVI:
Giáo hoàng Benedict XVI tại Quảng trường St Peters.
Ông từ biệt các giáo dân trước khi thoái vị.
Quảng trường St Peters chật kín người trong buổi thuyết giảng cuối cùng của Giáo hoàng Benedict XVI.
Xem video:
Theo Dantri
Vatican bác tin đồn về nhân sự
Vaticanđã phủ nhận tin đồn vào hôm 22.2 rằng quyết định cử một giáo chức cấp cao đến công tác ở Nam Mỹ có liên hệ đến một báo cáo bí mật trong vụ Vatileaks.
Kể từ khi Giáo hoàng Benedict XVI thông báo quyết định thoái vị vào ngày 11.2, báo chí Ý đã lan truyền nhiều đồn đoán về các âm mưu, báo cáo bí mật và đấu đá tại Vatican được họ xem như là một trong những nguyên nhân khiến Giáo hoàng thoái vị, theo Reuters.
Một số tường thuật gợi ý về các động cơ sâu xa đằng sau quyết định bổ nhiệm ông Ettore Balestrero, một giáo sĩ người Ý giữ chức vụ tương đương với Thứ trưởng Ngoại giao của Vatican, làm sứ thần tòa thánh tại Colombia.
Trụ sở Ngân hàng Vatican - Ảnh: AFP
Theo Reuters, người phát ngôn của Vatican, linh mục Federico Lombardi cho rằng các gợi ý về việc Giáo hoàng đẩy ông Balestrero đi xa khỏi Vatican là "lố bịch và hoàn toàn vô căn cứ".
Ông Lombardi nói việc bổ nhiệm đã được quyết định cách đây nhiều tuần và Vatican đã đợi cho đến khi nhận được sự đồng thuận của chính phủ Colombia trước khi đưa ra thông báo.
Giáo hoàng đã thông báo ông sẽ thoái vị vào ngày 28.2, trở thành vị chủ chăn đầu tiên của Giáo hội Công giáo thoái vị trong 600 năm qua.
Giáo hoàng 85 tuổi nói sức khỏe của ông không cho phép ông tiếp tục lãnh đạo Giáo hội.
Tuy nhiên, tờ báo Ý La Repubblica mới đây đã đăng tải một loạt các câu chuyện không nêu rõ nguồn về những nội dung chấn động trong báo cáo bí mật được trình lên Giáo hoàng bởi một ủy ban gồm ba hồng y điều tra vụ bê bối Vatileaks vào năm ngoái.
Trong vụ bê bối, người quản gia của Giáo hoàng, Paolo Gabriele, đã bị kết án đánh cắp thư từ cá nhân của Giáo hoàng và tuồn ra cho báo giới.
Các thư từ đã gợi ý về nạn tham nhũng và đấu đá nội bộ xung quanh việc điều hành ngân hàng của Vatican, trung tâm của một loạt các vụ bê bối trong nhiều thập kỷ qua.
Các câu chuyện của truyền thông Ý ám chỉ rằng danh tính của ông Balestrero đã được nhắc đến trong báo cáo của các hồng y, vốn nằm trong vòng bí mật sau khi được trình lên cho Giáo hoàng.
Ông Balestrero từng là trưởng đoàn đại biểu của Vatican tại Moneyval, ủy ban của Hội đồng châu Âu vốn đánh giá và xác nhận các tiêu chuẩn minh bạch tài chính quốc tế.
Vatican vốn là đối tượng trong các cuộc điều tra của Moneyval nhằm đạt được chứng nhận minh bạch tài chính toàn diện.
Báo cáo của Moneyval vào tháng 7 năm ngoái nhận xét Vatican nhìn chung đủ điểm số về minh bạch song cho biết họ đã khuyến cáo Vatican cần phải cải thiện ở một số lĩnh vực, bao gồm việc quản lý tại Viện Giáo vụ (Institute for Works of Religion), tức Ngân hàng Vatican.
Vatican cho biết họ sẵn lòng tuân theo mọi khuyến cáo của Moneyval.
Quyết định cử ông Balestrero làm sứ thần tòa thánh tại Colombia được báo chí Ý xem như một sự giáng cấp. Tuy nhiên, theo Reuters, sứ thần tòa thánh tại Bogota là một trong những vị trí ngoại giao danh giá của Vatican ở châu Mỹ Latin bởi thủ đô của Colombia là nơi đặt trụ sở của CELAM, tức Liên Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latin.
Theo TNO
Giáo hoàng Benedict XVI từ chức vì bê bối đồng tính ở Vatican? Ngày 11-2, người đứng đầu Tòa thánh Vatican Giáo hoàng Benedict XVI đã tuyên bố quyết định từ chức. Quyết định này làm cả Vatican ngỡ ngàng. Lần cuối cùng một giáo hoàng xin từ chức xảy ra vào năm 1415 khi giáo hoàng Gregory XII từ nhiệm để không làm giáo hội bị chia rẽ. Theo nhiều nguồn tin xác nhận, người...