Giáo dục không phải… nắm bông gòn
Kiến nghị của chuyên gia cho thấy quanh đi quẩn lại, sau mấy chục năm sáp nhập, chia tách, Bộ Giáo dục lại vẫn là … Bộ Giáo dục!
Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo, góp ý cho “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026″ của Bộ này vào ngày 10/02/2020.
Đề xuất của Bộ Nội vụ nhằm “Cắt giảm số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ xuống mức phù hợp thông qua việc tái cơ cấu lại các bộ, cơ quan ngang bộ, sáp nhập các bộ có nhiệm vụ, chức năng gần nhau để vừa giảm số lượng, vừa khắc phục tình trạng trùng, lấn nhiệm vụ, chức năng giữa một số bộ, đúng theo nguyên tắc: bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực”.
Một trong những đề xuất của chuyên gia là tái lập Bộ Giáo dục, thành lập Bộ Khoa học – Công nghệ và Đào tạo và đưa mảng đào tạo nghề từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học – Công nghệ và Đào tạo.
Về Giáo dục, người viết trong nhiều bài đăng đã không đồng tình chuyện đưa mảng đào tạo trình độ cao đẳng (và đào tạo nghề) từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về Bộ Lao động – Thương binh và xã hội (trừ khối Cao đẳng Sư phạm).
Tuy nhiên việc “chia phần” vẫn được thực hiện từ ngày 09/11/2016, cho đến nay chỉ mới được hơn 03 năm thì lại có đề xuất thay đổi.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu. (Ảnh minh họa: Tuyengiao.vn)
Tính từ năm 2013 đến nay, người viết đã đề cập sự luẩn quẩn trong chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước ngành Giáo dục trong vài chục bài báo, ví dụ:
“Giáo dục và quy luật … “Tít mù”; [1]
“Giáo dục: “Quyền rơm vạ đá” “; [2], [3], [4], [5], [6]
“Hoa thơm mỗi bộ ngành hưởng một tý” [7];
“Hoa thơm, mỗi bộ ngành hưởng một tí và chuyện “bờ vùng, bờ thửa”; [8]
“Đổi mới hay chấn hưng giáo dục” (phần 1, 2). [9, 10]
Người viết từng đề cập trong bài “Đổi mới hay chấn hưng giáo dục” phần 2:
“Sau thời kỳ chia ruộng cho nông dân nay đến thời kỳ “cánh đồng mẫu lớn”, thời kỳ tích tụ ruộng đất, vậy Giáo dục còn chia năm xẻ bảy đến bao giờ?
Nếu không sớm thống nhất bộ máy quản lý, đừng nói đến chấn hưng giáo dục”. [10]
Những người tâm huyết với giáo dục nhưng không “nằm” trong hệ thống luôn biết rằng dẫu có viết nhiều hơn nữa, viết đúng thực trạng đến mấy thì cũng chỉ như thân phận dã tràng cặm cụi xe cát.
Tuy phải chấp nhận “xe cát Biển Đông” song vẫn phải viết với hy vọng có người tình cờ đọc được sẽ biết rằng thế hệ hôm nay vẫn có không ít người cam tâm làm dã tràng để cầu may cho con cháu mai sau.
Video đang HOT
Có thể với chức năng “Viện Khoa học tổ chức nhà nước” thì các quan chức nơi đây phải dành hết thời gian cho nghiên cứu những vấn đề mang tầm “nhà nước” nên việc ít biết (hoặc không biết?) báo chí viết gì về riêng giáo dục cũng là điều không quá khó hiểu.
Vấn đề là những gì đội ngũ hoạch định chiến lược, cụ thể là Viện Khoa học tổ chức nhà nước đang tư vấn cho Chính phủ về tổ chức bộ máy có phải đã hội tụ đầy đủ tính khoa học, hợp lý và là chiến lược lâu dài hay mang nặng tư duy nhiệm kỳ?
Phải nêu câu hỏi này bởi dòng tiêu đề “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026″ cho thấy rất rõ đặc trưng nhiệm kỳ của báo cáo.
Vì sao chỉ có thể dự kiến cơ cấu bộ máy tổ chức của Chính phủ đến năm 2026 mà không phải là đến năm 2045, khi đất nước kỷ niệm 100 năm ngày tuyên ngôn độc lập?
Sau năm 2026, liệu có tiếp tục xuất hiện “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2027-2032″?
Kiểu “ tư duy ngắn” theo nhiệm kỳ này đã bị phê phán quá nhiều nhưng vì sao đến năm 2020 này vẫn còn tồn tại trong khi Thủ tướng Chính phủ mong muốn xây dựng một “Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”?
Có một thực trạng đáng buồn là rất khó đóng góp ý kiến cho những người đang được giao trách nhiệm hoạch định chiến lược.
Phải chăng họ bị trói buộc bởi tư tưởng bảo thủ hay bởi những quyết sách ở tầm cao mà họ buộc phải tuân thủ?
Kiến nghị của chuyên gia cho thấy quanh đi quẩn lại, sau mấy chục năm sáp nhập, chia tách, Bộ Giáo dục lại vẫn là … Bộ Giáo dục!
Có điều không ai ngạc nhiên trước đề xuất của bộ này bởi nếu giáo dục không còn “tít mù” trong chiến lược giáo dục quốc gia thì đây mới là chuyện giật mình, đáng cho mọi người đàm luận.
Nếu đề xuất của chuyên gia thành hiện thực thì giáo dục Việt Nam chẳng khác gì nắm bông gòn, có thể tùy ý vo tròn, bóp méo hoặc cấu thành từng nhúm vứt mỗi nơi một ít.
Liệu chuyên gia của Bộ Nội vụ có đang mâu thuẫn với chính đề xuất của mình, hay một số người có trách nhiệm tại bộ này chưa biết dự thảo Bộ viết: “Khắc phục tình trạng trùng, lấn nhiệm vụ, chức năng giữa một số bộ, đúng theo nguyên tắc: bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực”.
Nếu Bộ Giáo dục (nếu nó được tái lập) là bộ “quản lý đa ngành, đa lĩnh vực” thì vì sao bộ này lại không thể quản mảng đào tạo nghề?
Vậy “nhiệm vụ, chức năng” của giáo dục Việt Nam là gì?
Là đào tạo nhân lực và nhân tài cho đất nước.
Việc chia phần đào tạo nhân lực (nghề) cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (hoặc Bộ Khoa học – Công nghệ và Đào tạo), mảng đào tạo đại học và trên đại học (tạm gọi là đào tạo nhân tài) lại được được chia tiếp cho các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương cho thấy tư duy “mấy chấm” của những người hoạch định?
Xin khẳng định ngay, nếu Bộ Giáo dục được tái lập theo dự thảo, ý kiến chuyên gia của Bộ Nội vụ hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ nguyên như hiện nay đều không phù hợp với tiêu chí “Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực”?
Mong rằng những người/cơ quan “hoạch định chiến lược” hiểu được một nguyên tắc cơ bản thế này, nếu thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thì hãy đối xử với giáo dục như công an và quân đội.
Cụ thể là những gì liên quan đến giáo dục, đào tạo công dân (từ cấp mầm non đến sau đại học) phải do một bộ duy nhất quản lý.
Và sự quản lý đó không chỉ là về nội dung, chương trình mà còn phải cả các nguồn lực liên quan như nhà giáo, kinh phí, cơ sở vật chất,… giống như Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quản lý cán bộ, chiến sĩ và trang thiết bị hiện nay.
Còn một điều xin nói thêm, đó là trong dự thảo Bộ Nội vụ đưa ra, không đề cập đến thay đổi với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Sau bốn cuộc chiến tranh chống xâm lược mà chính quyền Pháp, Mỹ, Khmer đỏ và Trung Quốc gây ra với Việt Nam, đến năm 2013 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra con số thống kê như sau:
“Đến nay, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công trong đó, có 1.146.250 liệt sĩ; trên 3.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống; 781.021 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; Khoảng hơn 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc,…
Hiện còn trên 1,47 triệu đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước”. [11]
Như vậy số lượng thương binh (năm 2013) chỉ bằng khoảng 50% so với số người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi.
Vậy có nên duy trì tên “Bộ Lao động – Thương binh và xã hội”?
Có nên đổi tên thành “Bộ Các vấn đề xã hội” với chức năng bao quát cả thương binh, người có công, thanh niên, phụ nữ, trẻ em, việc làm, hôn nhân và gia đình,…?
Giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng chiến lược giáo dục lại theo nhiệm kỳ và đội ngũ nhà giáo lai luôn luôn xếp ở hàng cuối, phải chăng đó chỉ là tư duy của đội ngũ được giao nhiệm vụ hoạch định chiến lược?
Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/goc-nhin/giao-duc-va-quy-luat–tit-mu-post179054.gd
[2] //giaoduc.net.vn/goc-nhin/giao-duc-quyen-rom-va-da-post195114.gd
[3] //giaoduc.net.vn/GDVN/Giao-duc-Quyen-rom-va-da-2-post195116.gd
[4] //giaoduc.net.vn/GDVN/Giao-duc-Quyen-rom-va-da-3-post195118.gd
[5] //giaoduc.net.vn/GDVN/Giao-duc-Quyen-rom-va-da-4-post195121.gd
[6] //giaoduc.net.vn/goc-nhin/giao-duc-quyen-rom-va-da-cuoi-post195122.gd
[7] //tuanvietnam.net/2013-05-20-hoa-thom-moi-bo-nganh-huong-mot-ty-
[8]//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoa-thom-moi-bo-nganh-huong-mot-ti-va-chuyen-bo-vung-bo-thua-post175388.gd
[9] //giaoduc.net.vn/goc-nhin/doi-moi-hay-chan-hung-giao-duc-post188386.gd
[10]//giaoduc.net.vn/goc-nhin/doi-moi-hay-chan-hung-giao-duc-2-post188387.gd
[11] //www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=548
Xuân Dương
Theo giaoduc.net
Rất nên lập lại Bộ Giáo dục
Lập lại Bộ Giáo dục, chuyển nhiệm vụ đào tạo của Bộ GD&ĐT về Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN); chuyển hoạt động đào tạo nghề từ Bộ LĐTB&XH sang Bộ KH Bộ KH&CN sẽ đổi tên thành Bộ KH-CN&ĐT là đề xuất của Bộ Nội vụ với Chính phủ đang được các chuyên gia và dư luận xã hội hết sức quan tâm.
Giờ thực hành của sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Cần có đề án, nghiên cứu cặn kẽ
Trao đổi về những đề xuất trên, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết: Phương án nào cũng có ưu và nhược điểm. Việc kết hợp khối khoa học công nghệ với trường đại học (ĐH) đã có nhiều quốc gia thực hiện và ở nước ta cũng đã không ít lần được đưa ra bàn tại các kỳ họp Quốc hội nhưng chưa thuyết phục được đại biểu. Vì thế, vấn đề mô hình như hiện nay, đó là Bộ GD&ĐT quản lý phổ thông và gắn với ĐH. "Tôi thấy, đề xuất của Bộ Nội vụ chuyển mảng đào tạo từ Bộ GD&ĐT sang Bộ KH&CN là có lý bởi giáo dục ĐH là trình độ cao, gắn với nghiên cứu khoa học sẽ phù hợp. Còn ghép đào tạo nghề ở Bộ LĐTB&XH vào Bộ KH&CN là đề xuất kỳ lạ" - ông Trọng Thi nói. Và cũng lưu ý, cần có đề án và điều quan trọng phải được trình bày một cách cặn kẽ, phù hợp với điều kiện thực tế. Nhiều nước, như Nhật Bản thực hiện một bộ quản lý đa ngành vì phù hợp với năng lực bộ máy của họ. Nhưng nước ta mà bắt chước Nhật Bản thì hỏng, bởi năng lực không được như họ. Tóm lại, năng lực đến đâu, xây dựng bộ máy đến đó cho phù hợp.
Trước những ý kiến băn khoăn về việc mảng đào tạo nghề do Bộ LĐTB&XH quản lý chuyển sang Bộ KH&CN là không phù hợp, ông Trần Xuân Nhĩ đã có những phản hồi: Có cậu học sinh lớp 3 đã chế tạo được máy. Không chỉ từ những người có trình độ cao nghiên cứu những máy móc cao siêu, mà từ những cái đơn giản nhất. Đào tạo nghề và giáo dục ĐH là hệ thống liên thông với nhau, có sự thống nhất.
Cũng bàn về câu chuyện điều chuyển nhiệm vụ, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm đề nghị: Mảng đào tạo ĐH ở Bộ GD&ĐT nên chuyển về Bộ KH&CN để các trường có điều kiện thúc đẩy nghiên cứu khoa học, gắn khoa học với sản xuất. Hơn nữa, hiện đang là thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, rất cần các trường ĐH ưu tiên nghiên cứu khoa học. Nhiệm vụ đào tạo nghề do Bộ LĐTB&XH đang quản lý chuyển về Bộ GD&ĐT để có sự quản lý giáo dục theo hệ thống từ mầm non, phổ thông, trường nghề. Khi đó, Bộ LĐTB&XH làm chính sách, đánh giá kết quả đào tạo giáo dục phổ thông, nghề nghiệp, ĐH một cách khách quan. Đồng thời, Bộ LĐTB&XH đưa ra kế hoạch nguồn nhân lực chung cho xã hội.
Tuy nhiên, thực tế nhiều năm làm quản lý và nghiên cứu về giáo dục, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Lê Viết Khuyến đề nghị khoa học phải gắn với trường ĐH. Dù phương án nào đưa ra cũng phải mang tính hệ thống. Kinh nghiệm ở nhiều nước, giáo dục gồm cả đào tạo và giáo dục. Vì thế, ông Lê Viết Khuyến không tán thành với đề xuất của Bộ Nội vụ. Ông cho rằng, chuyển mảng ĐH sang Bộ KH&CN chỉ tiện quản lý nhưng cơ cấu đào tạo nhân lực không đồng bộ, bị chia tách. Theo ông Khuyến, để có tầm nhìn hệ thống, phương án quản lý tốt nhất là thực hiện mô hình như Thái Lan, giáo dục gồm 3 mảng: phổ thông, ĐH và dạy nghề. Như thế đúng nghĩa với phạm trù của giáo dục. Mảng đào tạo nghề do Bộ LĐTB&XH đang quản lý nên chuyển về Bộ GD&ĐT.
Cân nhắc để có phương án hợp lý
Nhiều năm trước, giáo dục nước nhà thuộc 4 bộ và cơ quan khác nhau: Bộ GD, Bộ ĐH và trung học chuyên nghiệp (THCN), Ủy ban bảo vệ bà mẹ và chăm sóc trẻ em, Tổng Cục dạy nghề. Đến năm 1985, Nhà nước sáp nhập thành 2 bộ: Bộ Giáo dục nhận Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và chăm sóc trẻ em, để tên là Bộ GD; Bộ ĐH và THCN nhận Tổng cục dạy nghề, vẫn giữ tên Bộ ĐH và THCN. Đến năm 1990, Bộ Giáo dục và Bộ ĐH và THCN sáp nhập thành một mang tên Bộ GD&ĐT. Từ đó đến nay 30 năm có nhiều ý kiến đề xuất khác nhau, nhưng mô hình Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên. Vì thế, khi biết thông tin Bộ Nội vụ đề xuất với Chính phủ lập lại Bộ GD, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc thấy rất hợp lý. "Bộ GD được lập lại sẽ đảm nhiệm giáo dục mầm non và phổ thông; giáo dục ĐH có thể chuyển về Bộ KH&CN... Nếu cứ để như hiện nay, Bộ GD&ĐT phụ trách giáo dục ĐH, Bộ LĐTB&XH quản lý đào tạo nghề rất bất hợp lý" - ông Phạm Minh Hạc nhận định. Nguyên Bộ trưởng Phạm Minh Hạc còn chỉ ra sự bất cập, Bộ GD&ĐT quản lý giáo dục mầm non, phổ thông và cao đẳng, ĐH là hai hướng phát triển. Hai đối tượng này có chính sách quản lý khác nhau, việc học ở phổ thông và ĐH không giống nhau, thi cử cũng khác. Thời kỳ chúng tôi làm quản lý Bộ GD&ĐT cũng có đề xuất nhưng không được chấp nhận. Bây giờ đặt ra việc lập lại Bộ Giáo dục là hoàn toàn là hợp lý.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cũng hoàn toàn tán thành với đề xuất của Bộ Nội vụ. Bởi từ 30 năm câu chuyện lập lại Bộ Giáo dục đã được đề cập đến nhưng chưa có kết quả. "Giáo dục phổ thông là nền tảng và hiện nay cả nước có gần 15 triệu học sinh bậc học mầm non và phổ thông. Nên lập lại Bộ Giáo dục để quản lý 1/6 dân số cả nước, có nhiều tính thống nhất. Trong khi đào tạo thì đa dạng, gắn với nghề và công nghệ, cuộc sống nhiều hơn. Vì thế, mảng đào tạo ĐH và đào tạo nghề nên chuyển về Bộ KH&CN quản lý là hợp lý nhất. "Nếu tách được mảng ĐH sang Bộ KH&CN, hy vọng Bộ Giáo dục làm tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình.
Thực ra, hiện nay, Bộ GD&ĐT chưa quản lý tốt giáo dục phổ thông. Vì thế chỉ khi quản lý mỗi giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục sẽ tuyển chọn những người chuyên nghiên cứu và quản lý ở bậc này (như trong giai đoạn nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và ông Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) sẽ làm rất tốt" - ông Nhĩ phân tích. Đồng thời cũng đồng ý chuyển mảng đào tạo nghề từ Bộ LĐTB&XH sang Bộ KH&CN vì cho rằng, nếu giao giáo dục ĐH và đào tạo nghề cho 2 bộ quản lý như hiện nay là sự chia tách có nhiều mâu thuẫn.
Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình việc chuyển các trường ĐH về Bộ KH&CN quản lý để tạo điều kiện cho Bộ GD&ĐT làm tốt hơn chức năng quản lý của mình. Bộ GD&ĐT sẽ sát sao với công việc quản lý và có những chính sách kịp thời, hợp lý với thực tế cuộc sống. Về phía các trường ĐH có cơ hội được nghiên cứu khoa học nhiều hơn, phục vụ vào sự phát triển của đất nước
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Hữu Dũng: Nên để đào tạo nghề cho Bộ LĐTB&XH quản lý
Giáo dục, đào tạo và dạy nghề là 3 lĩnh vực khác nhau về đối tượng nhưng có mối quan hệ với nhau. Xét về chuyên môn, đào tạo gần với KH&CN hơn vì đều là lao động chất xám, trình độ tri thức cao và sản phẩm đầu ra là cho toàn xã hội. Vì thế, nếu chuyển mảng đào tạo ĐH về Bộ KH&CN cũng có thể được để giảm tải cho Bộ GD&ĐT khi đang phải đảm nhiệm công việc quá nặng hiện nay. Riêng về giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động và việc làm, không nên đưa về Bộ KH&CN mà vẫn để Bộ LĐTB&XH quản lý sẽ tốt hơn. Vì để phát triển kỹ năng nghề không chỉ ở trường mà còn tại DN nữa, tức là đầu ra gắn với năng suất lao động. Vì thế, tôi đề nghị đưa mảng đào tạo ở Bộ GD&ĐT về Bộ KH&CN, còn hệ thống trường sư phạm vẫn nên để Bộ Giáo dục quản lý.
Theo kinhtedothi
Nghiêm cấm học sinh khạc, nhổ bừa bãi để phòng dịch Covid-19 Hôm nay (13/12), Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi học sinh, sinh viên đi học trở lại. Sinh viên trong ngày nhập học. Ảnh: Minh Thúy Theo Bộ GD&ĐT, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho...