Giành lại vỉa hè Sài Gòn: Hô hào chứ không quản lý theo luật
“Lâu nay cách quản lý của chúng ta vẫn theo phong trào, cứ hô hào thôi chứ không quản lý theo pháp luật”, TS Võ Kim Cương giải thích vì sao việc dọn dẹp vỉa hè không hiệu quả.
“Cuộc chiến vỉa hè” đang tạo nhiều tranh luận xung quanh cách làm quyết liệt của của quận 1 (TP.HCM). Trao đổi với Zing.vn, TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, đưa ra những kiến giải, cũng như giải pháp căn cơ cho bài toán khó vỉa hè Sài Gòn.
Vỉa hè cho người đi bộ và cả người bán rong- Quận 1 TP.HCM tuyên bố sẽ nỗ lực giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng vỉa hè không chỉ của người đi bộ mà còn có những chức năng khác. Sài Gòn có rất nhiều người buôn thúng bán bưng, sống nhờ vào vỉa hè. Theo ông, nên sắp xếp vỉa hè như thế nào cho vừa hợp lý, vừa hợp tình?
- Thực ra, TP.HCM đã bàn đến điều này từ rất lâu rồi. TP đã xác định rất rõ vỉa hè trước tiên dành cho người đi bộ, phục vụ chức năng giao thông. Ngoài ra, nó còn nhiều chức năng khác nữa, trong đó có để xe, nghỉ ngơi giải trí, buôn bán. Phải tuỳ theo vị trí của vỉa hè để sắp xếp cho thích hợp.
Lực lượng trật tự đô thị tịch thu những phương tiện bán hàng rong. Ảnh: Tùng Tin.
Việc giải tỏa vỉa hè cũng phải có sự chuẩn bị chu đáo. Trong đó, việc đầu tiên là phải bố trí những nơi để người dân đang sống nhờ vào vỉa hè sử dụng. Muốn giải tỏa thì phải có chỗ cho họ đi. Bởi vì họ vẫn phải tiếp tục sống. Chú ý đến điều đó thôi chứ không phải vì thế mà mình không giải tỏavỉa hè, nhất là những nơi gây tắc nghẽn giao thông.
Để giải tỏa vỉa hè, có người nói rằng TP.HCM không phải là TP của bán hàng rong. Tôi cho rằng không phải thế. Có những khu vực cần thiết thì phải cấm hàng rong. Nhưng TP này là nơi người ta đến làm ăn, lập nghiệp. Vì vậy, dứt khoát phải có chỗ cho người dân không làm việc cho công ty, nhà máy, có điều kiện để bươn chải, mưu sinh. TP.HCM từ xưa đến nay đã có chuyện đó rồi.
Sau này khi đời sống văn minh lên, người buôn thúng bán mẹt sẽ ít dần đi. Những nơi cấm là những khu trung tâm, yêu cầu về cảnh quan văn hoá cao, cần giao thông thông thoáng. Phải có quy định từng vị trí một, chứ không nói chung chung được.
- Một mặt, nhiều người dân TP.HCM sống nhờ vào vỉa hè. Mặt khác, chính quyền TP muốn hướng tới hình ảnh văn minh hơn, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Vậy theo ý kiến của ông, TP.HCM nên có biện pháp gì để hài hoà giữa hai lợi ích này?
- Trước hết phải xác định rõ mục tiêu của TP là gì? Tôi cho rằng, mục tiêu trước hết là phải đảm bảo giao thông. Nhiều người có nhà bên trong nhưng vẫn cố tình lấn chiếm vỉa hè để buôn bán dễ dàng hơn. Người mua thì có thói quen ngồi trên xe chứ không gửi xe rồi vào cửa hàng mua cho đàng hoàng. Thói quen như thế thì dứt khoát phải thay đổi.
Tuy nhiên, cần phải quản lý căn cơ từ gốc, nắm thật chắc những người nào đang sử dụng vỉa hè để xử lý. Sau đó, phải theo dõi để người ta không tái phạm, nếu tái phạm thì xử phạt nghiêm minh. Nếu không thì sẽ như “bắt cóc bỏ dĩa”, làm theo phong trào. Khi đội trật tự đến thì người ta dẹp vào, đội trật tự đi qua thì lại bày ra.
Vỉa hè trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1) có nhiều vật dụng, công trình bị tháo dỡ trong chiều 27/2. Ảnh: Tùng Tin
- Theo dõi thông tin mấy ngày hôm nay, đánh giá của ông về những nỗ lực của quận 1 trong việc giành lại vỉa hè và tác động của nó đối với đời sống người dân, trật tự đô thị như thế nào?
Video đang HOT
- Tôi không đi qua trực tiếp mà chỉ nắm tình hình trên báo chí. Tôi thấy quận 1 đang kiên quyết làm, còn hiệu quả lâu dài như thế nào thì vẫn chưa biết. Hơn nữa, việc này cũng chỉ mới bắt đầu ở quận 1, Bình Tân, Tân Phú thôi. Theo tôi, nếu làm phải có trọng tâm, trọng điểm, chỗ nào tắc nghẽn thì phải tập trung làm dứt điểm.
Ví dụ, tôi hay đi qua đường Bình Hưng (quận 8), người ta bày cả gà sống ra bán trên đường luôn chứ không phải vỉa hè nữa. Nhưng mà chẳng có ai ra dẹp cả. Vậy muốn lập lại trật tự trên vỉa hè thì toàn TP phải ra quân, làm đồng đều, tập trung.
Bệnh phong trào nặng lắm!- Ông có nói rằng TP.HCM đã bàn đến việc sắp xếp lại và trả vỉa hè cho người đi bộ từ rất lâu rồi. Vậy tại sao cho tới giờ, TP vẫn băn khoăn với bài toán giải quyết vỉa hè như thế nào?
- Bởi vì, lâu nay cách quản lý của chúng ta vẫn theo phong trào, cứ hô hào thôi. Bệnh phong trào đó cũng nặng lắm. Chứ không phải theo kiểu kỹ trị, quản lý theo pháp luật.
Theo tôi, phải xác định rõ trách nhiệm. Thậm chí bây giờ mình đang làm căn cước công dân, mỗi người có một số thẻ rồi. Nếu có vi phạm thì sẽ bị ghi vào hồ sơ liền. Phải quản lý theo pháp luật thì người dân mới tuân thủ được. Nếu cứ hô hào, phong trào thì không giải quyết được.
- Quận 1 có lắp barie để ngăn phương tiện như xe máy chạy trên vỉa hè. Quan điểm của ông về biện pháp này như thế nào?
- Cái đó là không phù hợp. Tại vì người ta đi trên vỉa hè chỉ trong trường hợp kẹt xe thôi, chứ không ai tự nhiên mà đi trên vỉa hè cả. Anh lắp như thế vừa mất mỹ quan lại còn dễ gây tai nạn cho người đi bộ.
Phó chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải tiếp tục chỉ đạo lực lượng Đội quản lý đô thị tháo dỡ các công trình chiếm vỉa hè trên nhiều tuyến đường Sài Gòn. Ảnh: Tùng Tin.
Để xử lý thì phải theo pháp luật. Nếu anh vẫn cố tình đi xe trên vỉa hè sau khi đã có quy định cấm thì phải chịu phạt. Theo tôi, đội ngũ xử phạt cũng phải đi ra ngoài đường nhiều hơn. Hiện giờ, có lẽ công an chỉ tập trung ở một số điểm để xử phạt giấy tờ, còn chuyện chống những vi phạm kiểu này cũng hơi vắng.
- Quận 1 gây tiếng vang bằng hàng loạt hành động quyết liệt như phá dỡ tường rào lấn chiếm, dỡ vọng gác của Ngân hàng Nhà nước, thu giữ phương tiện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Có ý kiến đồng tình, có người phản đối. Quan điểm của ông như thế nào?
- Quan điểm của tôi là phải kiên quyết. Vì chuyện vỉa hè chúng ta đã nói nhiều lần rồi. Theo tôi, quận 1 chỉ làm như vậy sau khi đã nói nhiều lần nhưng người ta không chấp hành chứ đó không phải là lần đầu tiên. Vi phạm lặp lại nhiều lần thì mới bị thu giữ.
Nếu không nghiêm minh thì người dân sẽ thoải mái lấn ra, thậm chí xảy ra tiêu cực khác. Nói chung, phải nghiêm minh thì người ta mới sợ.
- Ở khía cạnh người dân, họ bị xử phạt khi vi phạm. Tuy nhiên, nên có chế tài như thế nào đối với những người trong bộ máy chính quyền, những người không thể nào quản lý nổi vỉa hè?
- Tất nhiên trong quy định có kỷ luật cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Đối với lãnh đạo nặng nhất là cách chức, công chức thì cho thôi việc.
Tuy nhiên, nếu đặt cao trách nhiệm thì cũng phải có chế độ đãi ngộ tương xứng. Nếu không dồn hết trách nhiệm cho họ rồi khi có chuyện gì lại kỷ luật. Tôi thấy dân công chức hay gọi là “quyền rơm vạ đá”. Cho nên phải xác định rõ trách nhiệm, lâu nay cứ chung chung. Thậm chí, có địa phương còn cho thuê vỉa hè để thu tiền.
Theo Hà Hương (Thực hiện) (Zing)
"Vỉa hè bị lấn chiếm nghiêm trọng, có thể cách chức Chủ tịch, Trưởng CA phường"
Trao đổi với PV Dân trí dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ Dương Thanh Biểu - nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng, quận 1 TPHCM nên công khai số điện thoại để người dân phản ánh về tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Nếu để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè nghiêm trọng thì có thể xem xét kỷ luật tới mức cách chức Chủ tịch UBND phường và Trưởng Công an phường.
Việc UBND quận 1 TPHCM ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, trả lại không gian cho người đi bộ đã khiến người dân cả nước quan tâm theo dõi với nhiều cảm xúc, hào hứng và đương nhiên đa số ủng hộ. Tuy vậy cũng có những ý kiến cho rằng việc xử lý phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành. Xin ông cho biết tính hợp pháp trong những công việc mà quận 1 đang làm?
Tinh thần làm việc quyết liệt của Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải được phần lớn người dân ủng hộ nhưng cũng không ít người cho rằng ông đã làm sai quy trình và "hơi quá đà". (Ảnh: Đình Thảo)
- Tiến sĩ Dương Thanh Biểu: Vấn đề hè phố được các nước trên thế dưới cho rằng đó là "công thổ quốc gia". Nghĩa là vỉa hè do Nhà nước quản lý và chỉ dành cho người đi bộ. Ở nước cũng có các đạo luật quy định về vấn đề này. Ở Việt Nam có Luật Giao thông đường bộ, Luật xử phạt vi phạm hành chính. Chính phủ đã có nhiều nghị định mà gần đây nhất là Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 về hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đường sắt. Như vậy, việc UBND quận 1 TPHCM tiến hành "chiến dịch giành vỉa hè cho người đi bộ" là đúng thẩm quyền và trách nhiệm.
Nhưng từ trước tới nay, chính quyền nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện nhiệm vụ này nhưng sau đó đâu lại vào đấy?
- Như chúng ta đã biết, TPHCM và Hà Nội từ trước đến nay đã có nhiều cuộc ra quân rầm rộ để lập lại kỷ cương về sử dụng vỉa hè theo đúng quy định của pháp luật nhưng rất tiếc là sau các đợt ra quân rầm rộ đó, việc lấn chiếm vỉa hè lại tái diễn như cũ, có trường hợp còn nghiêm trọng hơn, để lại những ấn tượng không đẹp đối với người dân và bạn bè quốc tế.
Nguyên nhân của tình hình trên đây có nhiều nhưng tôi cho rằng có 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, công tác tuyên truyền chấp hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, giao thông vận tải chưa được thường xuyên liên tục. Nhiều người dân, thậm chí có cơ quan Nhà nước ở một số nơi chưa thấy được trách nhiệm của mình trong viêc chấp hành pháp luật về lính vực này.
Thứ hai, trách nhiệm của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, giao thông vận tải chưa cao. Việc ra quân sắp xếp trật tự về quản lý hè phố thường hình thức, theo kiểu "đánh trống bỏ dùi" vẫn còn phổ biến. Đây là trình trạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng dường như chưa thấy cán bộ nào bị phê bình, kỷ luật về tình trạng này.
Thứ ba là lợi ích nhóm đang là sức cản rất lớn trong việc lập lại trật tự về quản lý vỉa hè. Dư luận cho rằng, nếu không có sự dung túng của một số cán bộ có chức quyền thì không thể có tình trạng lấn chiếm vỉa hè ngày càng nghiêm trọng như thời gian vừa qua.
Có phải chính điều đó đã làm nảy sinh nhiều ý kiến lo ngại cho sự quyết liệt của chính quyền quận 1 TPHCM trong việc quyết liệt tiến hành cuộc chiến "giành lại vỉa hè" cho người đi bộ?
Tiến sĩ Dương Thanh Biểu (Ảnh: NVCC)
- Trước hết phải khẳng định, các cấp chính quyền TPHCM đang thực hiện những quy định của pháp luật. Việc làm của họ là xuất phát từ mong muốn đất nước ta, nhất là các đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, hoàn toàn phù hợp với pháp luật, được đại bộ phận nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đồng thời, Đảng bộ và chính quyền TPHCM hoàn toàn ủng hộ việc làm này.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây đã lên tiếng đánh giá, hoan nghênh rất cao tinh thần lãnh đạo quyết liệt của lãnh đạo TPHCM trong cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ.
Thiết nghĩ, mỗi người chúng ta, nhất là các công dân thành phố hãy ủng hộ, động viên việc làm đầy chính nghĩa, bản lĩnh, công tâm của lãnh đạo UBND TPHCM nói chung và UBND quận 1 nói riêng.
Để "cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ" thắng lợi, bền vững, theo ông cần phải thực hiện những giải pháp như thế nào?
- Tôi có 4 kiến nghị với các chính quyền các cấp ở quận 1 TPHCM. Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý hè phố như: Luật giao thông đường bộ, Luật xử phạt vi phạm hành chính và các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện các quy định này. Thông qua đó, vận động từng người, từng gia đình, các cơ quan, tổ chức ký kết giao ước thi đua không lấn chiếm vỉa hè, giành vỉa hè cho người đi bộ.
Thứ hai, phát động phong trào nêu gương chấp hành pháp luật về quản lý vỉa hè. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là cơ quan Nhà nước phải nêu gương chấp hành pháp luật, không lấn chiếm vỉa hè, giữ gìn vệ sinh, trật tự đường phố.
Thứ 3, cần có phân cấp nhiệm vụ quản lý vỉa hè, đường phố cho rõ ràng, hợp lý. Ví dụ, đối với cấp thành phố, làm tốt trách nhiệm chỉ đạo, điều hành, xây dựng các văn bản pháp quy để hướng dẫn thực hiện. Lãnh đạo thành phố nên có số điện thoại công khai để nhân dân phản ảnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Đây là cơ sở để làm tốt công tác chỉ đạo điều hành.
Cấp quận huyện chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Đối với cấp này cũng cần có số điện thoại công khai để nhân dân phản ảnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Trên cơ sở đó có biện pháp đôn đốc cấp dưới thực hiện.
Cấp phường, xã là cấp thực hiện. Hành ngày phải nắm được tình trạng lấn chiếm vỉa hè như thế nào để huy động lực lượng giải tỏa. Nơi nào làm tốt thì biểu dương, nơi nào chưa làm tốt thì nhắc nhở, phê bình. Đặc biệt, nơi nào để tình trạng lần chiếm vỉa hè tái diễn thì phải có hình thức kỷ luật, nếu để xảy ra tình trạng lấn chiếm nghiêm trọng thì phải cách chức. Trong đó chú ý hai chức danh quan trọng là Chủ tịch UBND phường và Trưởng Công an phường.
Thứ tư, phải đưa nội dung quản lý vỉa hè theo pháp luật là tiêu chí để đánh giá phẩm chất và năng lực của cán bộ. Trên cơ sở này, hàng năm coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ có liên quan.
Thứ năm là phương pháp tiến hành. Tôi cho rằng chính quyền thành phố cần rà soát lại nơi nào cho hoặc không cho phép đỗ xe ô tô thì cần khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thiện về biển báo, vạch kẻ đường để người dân thực hiện. Trước khi tiến hành giải tỏa việc lấn chiếm cần có tuyên truyền, thông báo để người dân tự giác chấp hành. Qua thời gian đó mà không thực hiện thì kiên quyết giải tỏa, với tinh thần quyết liệt, bình đẳng, không ai được đứng trên pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Theo Thế Kha (Dân Trí)
Cán bộ phường mang kìm, búa tạ để dọn vỉa hè Hà Nội Sáng nay, lực lượng chức năng tiếp tục cưỡng chế những công trình lấn chiếm vỉa hè ở phố trung tâm. Người dân nào phủ nhận vi phạm, cảnh sát kiểm tra sổ đỏ tại chỗ để đối chiếu. Ngày 3/3, Công an phường Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) tiến hành cưỡng chế các hạng mục lấn chiếm vỉa hè sau...