“Giành lại vỉa hè cho người đi bộ là cuộc đấu tranh không đơn giản”
Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đánh giá cao những quyết tâm của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong việc xử lý lấn chiếm vỉa hè, đặc biệt là phát ngôn chấn động về lực lượng công an đứng sau những quán bia, nhưng cũng bày tỏ lo lắng: “Lần này không thành công hoặc để dở dang thì sẽ phản tác dụng”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc (Ảnh: Việt Hưng)
- Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về những phát biểu mới đây của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc việc quản lý, sử dụng vỉa hè ở Thủ đô, đặc biệt là thông tin “trên 180 quán bia chiếm vỉa hè thì có trên 150 quán có bóng dáng của lực lượng công an đứng sau”?
- Nhà sử học Dương Trung Quốc: Những phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung thể hiện quyết tâm thực hiện một mục tiêu đã nhiều lần đặt ra nhưng Hà Nội vẫn chưa thực hiện được đến nơi đến chốn.
Đây cũng là dịp để Hà Nội nhìn nhận lại những hạn chế, yếu kém của nhiệm kỳ trước trong công tác quản lý lòng đường, vỉa hè. Nhưng có thể thấy rằng lấy lại vỉa hè cho người đi bộ có thể coi là cuộc đấu tranh không đơn giản.
Mỗi người có thể bình luận khác nhau, nhưng cá nhân tôi cho rằng phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung là dũng cảm, dám chỉ rõ tiêu cực trong bộ phận của ngành công an – lĩnh vực mà chính ông từng lãnh đạo.
Tôi cũng thấy rõ trong phát biểu đó là quyết tâm trong việc giải quyết câu chuyện vỉa hè ở Hà Nội, chỉ rõ đâu là nguyên nhân, hạn chế. Đó chính là việc thực thi trách nhiệm của các cấp thẩm quyền và cơ quan chức năng.
Tuy nhiên để có thể đạt được mục tiêu bền vững thì giải pháp mạnh là cần thiết nhưng phải tạo ra được hiệu ứng lâu dài, vì nó liên quan đến một hiện tượng diễn ra đến mức độ không thể kéo dài được nữa, đòi hỏi nhiều yếu tố cần quan tâm tới.
- Đó là những vấn đề gì, thưa ông?
- Trước hết tôi cho rằng đó là câu chuyện về pháp lý. Lâu nay chúng ta ít quan tâm tới vỉa hè trong cơ cấu vận động, phát triển của đô thị. Luật Giao thông đường bộ hay các nghị định hướng dẫn đề cập với vỉa hè không rõ ràng, ít thông tin hoặc không đầy đủ nên cần bổ sung đầy đủ, bổ sung ngay.
Đồng thời phải làm thay đổi nhận thức của người dân và cả cấp chính quyền trong việc quản lý, sử dụng vỉa hè. Khi người Pháp quản lý ở Hà Nội ngày xưa, người ta đánh thuế mái hiên, ban công không phải để tận thu ngân sách đâu mà để thể hiện quyền của Nhà nước với không gian kiến trúc. Người dân chỉ có quyền với diện tích trong phần đất của nhà mình mà thôi. Còn bây giờ thì nhiều người ngộ nhận vỉa hè phía trước nhà mình là của mình.
Lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm xử lí vi phạm trên vỉa hè, lòng đường
Vỉa hè có công năng của mình, chính quyền địa phương không phải muốn làm gì cũng được. Chính vì thế nên dẫn tới nhiều tiêu cực của chính quyền địa phương trong việc sử dụng, quản lý vỉa hè.
Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng liên quan đến hạ tầng, giao thông tĩnh. Phải khẳng định rằng nhu cầu có chỗ để xe ở đô thị đang rất bức thiết, cần thiết phải tổ chức lại vỉa hè thông thoáng nhưng cũng phải định rõ những khu vực đỗ xe; gia đình sống ở mặt đường cũng phải đưa xe vào trong nhà của mình. Kể cả người đi vãng lai cũng vậy, phải để xe đúng chỗ mới đi trên vỉa hè được. Phải tổ chức dịch vụ hạ tầng cho giao thông tĩnh thật tốt, tạo thói quen đi bộ trong người dân – một thói quen đang bị đánh mất trên đời sống hiện nay.
Rồi chuyện cải tạo vỉa hè cũng phải có quy củ, chứ như hiện nay làm không đúng. Đơn cử như việc làm vỉa hè cứ phải vát thấp xuống mặt đường để xe máy dễ đi lên là không đúng đâu. Muốn lên xuống phải có những khu vực, lối cụ thể chứ không thể tuỳ tiện được. Tôi nói như vậy để thấy giải quyết làm chuyện này phải đồng bộ nhiều vấn đề.
Video đang HOT
- Trong phát biểu của mình, ông Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh, nếu như người đứng đầu UBND các quận, phường, trưởng công an đều thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình thì hoàn toàn có thể xử lý được tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Theo ông, phải chăng lâu nay Hà Nội không có chế tài mạnh xử lý những người này khi địa bàn họ quản lý bị lấn chiếm vỉa hè nghiêm trọng, gây bức xúc?
- Quy trách nhiệm là chuyện rõ rồi nhưng phải có giải pháp thực tiễn, có những cái cưỡng bức, có những cái vận động. Vỉa hè là của chung, của xã hội, sử dụng để đi lại. Nếu đặt ra nhận thức như thế thì người dân sẽ phải tính toán khi mua xe ô tô thì sẽ để ở đâu, phải có chỗ để xe ở đâu thì mới mua; rồi chuyện xây dựng hạ tầng cũng phải tiên đoán trước quá trình phát triển…
Chúng ta không thể lấy vỉa hè nhưng nhà cao tầng vẫn phê duyệt xây dựng, nơi đỗ xe không có, không chịu đầu tư xây dựng. Đây là cả quá trình tích tụ nhiều sai lầm, phải gỡ ra chứ không bằng ý chí duy nhất.
Điều tôi lo lắng nhất là quyết tâm, nhưng lần này không thành công hoặc để dở dang thì sẽ phản tác dụng. Chúng ta phải xây dựng một hệ thống văn bản pháp luật quản lý sâu sát về chuyện này để thực thi nhưng nếu không thực thi được thì nhờn luật. Mà câu chuyện nhờn luật bây giờ thấy nhiều quá, như việc vượt đèn đỏ ngay giữa Thủ đô vậy, nguy hại về lâu dài, không coi luật ra gì.
- Khi ông Nguyễn Đức Chung đã chỉ rõ một số “địa chỉ” chống lưng lấn chiếm như vậy ở Thủ đô, theo ông, cơ quan chức năng phải tiếp tục xác định rõ trách nhiệm của những cá nhân liên quan cũng như làm rõ vấn đề “tham nhũng vỉa hè” nếu có?
Khi nói ra những thông tin đó, ông Nguyễn Đức Chung ở cương vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nắm rất chắc vấn đề vì trước đây ông từng làm Giám đốc Công an Hà Nội. Nói ra vậy là dũng cảm và chắc chắn phải có giải pháp khắc phục triệt để. Tôi cho rằng sự “chống lưng” không chỉ của lực lượng công an, cảnh sát đâu, mà cả chính quyền địa phương nữa.
Tôi nghĩ người có trách nhiệm của Hà Nội đã nói ra những thông tin cho thấy dấu hiệu tích cực để khắc phục những tồn tại.
- Ông có thấy việc thay đổi suy nghĩ của người dân có nhà mặt phố cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc giữ được vỉa hè thông thoáng?
- Vỉa hè không phải của những gia đình có mặt tiền lấn chiếm kinh doanh. Tôi nghĩ rằng bên cạnh việc xác lập những nếp sống mới, khắc phục cả những cái cũ do quản lý không tốt, phải giải quyết đồng bộ chứ nếu chỉ tính đối phó với nhau thì bao giờ nhà nước cũng thua dân.
Tôi lấy câu chuyện Hội An rõ nhất, họ giải quyết tốt vì người dân nhận ra rằng vỉa hè thông thoáng thì mình có lợi, đô thị phát tiển, kinh doanh mở mang thu lợi nên người dân cùng làm, cùng giữ gìn.
Ta nên học người xưa, nhất là quản lý của người Pháp khi xây dựng đô thị buổi đầu ở đây. Luật lệ, lối sống đô thị được xác lập từ rất sớm, không lộn xộn như thế này. Bây giờ phải lồng ghép tất cả những yếu tố, tránh chuyện tư duy nhiệm kỳ để không xảy ra chuyện cái dễ thì làm, khó để đấy cho nhiệm kỳ sau.
- Xin cảm ơn ông!
Công an Hà Nội phải làm rõ “tố giác” tham nhũng vỉa hè
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM cho rằng phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội chính là một thông tin tố giác về tham nhũng vỉa hè, đòi hỏi Công an TP Hà Nội phải tiến hành rà soát, thanh lọc ngay những cán bộ bảo kê, kiếm chác từ việc “đứng sau” các quán bia.
“Đó là những thông tin hoàn toàn có cơ sở thực tiễn vì bản thân ông Nguyễn Đức Chung cũng đã từng làm trong ngành công an Thủ đô. Công an Hà Nội phải kiểm tra, giám sát để chống bằng được chuyện lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân mà bấy lâu nay còn nẻ nang né tránh, ngại va chạm. Câu chuyện vỉa hè ở TPHCM hay Hà Nội luôn có bóng dáng của lực lượng chức năng bảo kê, tảng lờ vi phạm, hạn chế chuyên môn kiến thức pháp luật. Điều đó cho thấy bộ máy giám sát của các đoàn thể thực sự có vấn đề, nếu lãnh đạo hai thành phố không có những chế tài, quy định xử lý thật nghiêm, không bao che thì sẽ rất khó đạt hiệu quả bền vững, lâu dài”- ông Hậu nói.
Thế Kha (thực hiện)
TheoDantri
Nguyên Bí thư Hội An: "Tôi từng bị dọa đốt nhà vì dẹp vỉa hè"
Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Hội An (Quảng Nam) chia sẻ áp lực dẹp vấn nạn chiếm vỉa hè ở Hội An cách đây hơn 20 năm.
Năm 1995, khi nhậm chức Chủ tịch TP Hội An, ông Nguyễn Sự bắt tay ngay vào việc chỉnh trang đô thị, dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè. Ông mô tả thời ấy tất cả phố phường Hội An như cái chợ. Vỉa hè bị lấn chiếm, xe cộ tràn xuống hết lòng đường.
Không chỉ đơn giản ra quần ầm rộ để dẹp vấn nạn lấn chiếm, nguyên Bí thư Hội An chia sẻ phải có sự chuẩn bị bài bản, chiến lược.
Nguyên Bí thư Hội An Nguyễn Sự.
Ông đã làm thế nào?
- Mình phân loại các hành vi lấn chiếm. Với số có mặt tiền chiếm vỉa hè, dứt khoát phải giải tỏa. Chiếm vỉa hè làm hàng quán, để đồ đạc thâu đêm suốt sáng buôn bán chiếm toàn bộ vỉa hè thì số này dứt khoát phải sắp xếp.Ngoài ra có những người nghèo mưu sinh trên vỉa hè. Những người ở nông thôn hay ở kiệt trong hẻm tranh thủ ra vỉa hè buôn bán phải có cách giải quyết căn cơ, hợp tình hợp lý bởi đằng sau còn hoàn cảnh gia đình của họ.Trường hợp này, mình bố trí cho họ một nơi buôn bán ổn định nhưng không chiếm vỉa hè.
Nếu buộc phải ở vỉa hè thì chọn nơi nào có thể sắp xếp được, cho phép buôn bán trong khung giờ quy định.
Vỉa hè Hội An cũng là nơi dừng chân của những gánh hàng rong, như gánh cao lầu, mì Quảng, đậu hũ... Đó đã là những hình ảnh quen thuộc tạo ra hồn cách của đường phố Hội An.
Tôi suy nghĩ nếu để mất những gánh hàng rong vỉa hè thì coi như mất đi một cái gì đó của văn hóa đô thị Hội An.
Do đó cần phải khuyến khích họ giữ gìn, nhưng bài toán đặt ra là phải đảm bảo về mặt trang phục, trang bị, để họ vừa kiếm được tiền vừa tạo ra hồn cách cho đô thị.
Vỉa hè ở TP.Hội An đã được chỉnh trang, sắp xếp trật tự từ 20 năm trước.
Sau khi phân loại và có phương án thì bắt tay vào làm. TP giao cho các phường họp dân quán triệt, phổ biến chủ trương cho dân. Mình yêu cầu các hộ có mặt tiền cam kết không đưa hàng hóa ra vỉa hè; đồng thời giao vỉa hè cho họ quản lý, cam kết không để ai đến kinh doanh lấn chiếm.
Sau 1 tuần, các địa phương sẽ xử lý những trường hợp không tuân thủ quy định đã phổ biến.
Với xe cộ, tôi cho chọn đường Nguyễn Huệ thí điểm trong một tuần. Vỉa hè ở đây được kẻ vạch đỏ ngăn đôi, phía trong được phép đậu xe, bên ngoài giành cho người đi bộ. Thấy hiệu quả mình áp dụng toàn thành phố.
Cứ thế việc sắp xếp vỉa hè ở Hội An diễn ra ròng rã suốt 1 năm trời.
"Tôi bị chửi nhiều lắm..."
Hẳn ông đã nhận được những phản ứng khi triển khai siết kỷ luật vỉa hè như vậy?
- Ngày đó tôi bị chửi nhiều lắm. Có người nói ông này vẽ ra trò lố bịch. Thậm chí có người còn dọa đến đốt nhà. Vợ tôi đi ra đường, đi chợ cũng bị chỉ trỏ.
Hội An này nhỏ nên hầu như ai cũng biết mặt. Vợ tôi lại là giáo viên, những ngày đầu vợ tôi bị sốc ghê lắm.
Tôi động viên, bảo: Mình làm gì cũng vì dân hết, cho thành phố tốt hơn, phải đủ bản lĩnh nghe người ta chửi và vượt qua. Sau đó vợ yên tâm và luôn ủng hộ, mỗi ngày đều chờ tôi về mới ăn. Chính những người chửi nhiều nhất lúc đó sau này lại rất quý mến tôi.
Có gì có thể tham khảo từ câu chuyện của Hội An hơn 20 năm trước cho Hà Nội và TP.HCM khi cũng đang bắt tay quyết liệt giành lại vỉa hè, theo ông?
- Với mình thì chỉ dùng từ sắp xếp lại vỉa hè chứ không có giành giật gì. Lấn chiếm vỉa hè hiện như một vấn nạn, nhất là ở các đô thị lớn.
Chiến dịch dẹp vỉa hè của cả nước đã ra quân rất nhiều, nhưng trước giờ cứ ra quân làm độ 10 ngày nửa tháng như phong trào.
Sau đó lại đâu vào đấy, tình trạng trở nên nhờn thuốc.
TP.HCM và Hà Nội đang làm quyết liệt nhưng người ta vẫn bán tin bán nghi, bởi vì thực tế nhiều nơi đã từng ra quân làm như vậy nên có người còn không tin.
Từ kinh nghiệm của Hội An, giải quyết vấn đề vỉa hè phải làm kiên trì, thường xuyên và có phân loại, quán triệt dân như tôi chia sẻ.
Chỉ cần chểnh mảng, không theo dõi là đâu lại vào đấy. Thời đó mỗi ngày trước giờ vào làm việc, sau giờ nghỉ trưa và buổi chiều tôi đều chạy một vòng quanh các khu phố xem tình hình.
Thậm chí mùng 1 Tết tôi đi phát hiện đống rác ngổn ngang ở vỉa hè, kêu lãnh đạo phường đến xử lý, nếu không được thì phải tự hốt đi.
Hội An làm suốt cả năm trời. Mình có thể điều chỉnh phương pháp nhưng mục tiêu phải đạt cho được.
Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ 180 quán bia vỉa hè Hà Nội thì có đến hơn 150 quán có công an đứng sau. Thời Hội An sắp xếp vỉa hè, ông có bắt gặp nạn bảo kê, chống lưng, nếu có thì xử lý thế nào?
- Vỉa hè không chỉ là nơi mưu sinh mà còn là chỗ để kiếm chác, bảo kê tay trong tay ngoài. Điều này không lạ.
Ở Hội An lúc ấy không có bảo kê, vì anh em biết có bảo kê cũng không được.
Trường hợp nào cậy thế người thân cán bộ mà ương bướng tôi yêu cầu làm thật nghiêm, có thế mới tạo niềm tin cho nhân dân.
Theo P.V (Vietnamnet)
Hà Nội: Chủ tịch quận Thanh Xuân gửi thư ngỏ kêu gọi không chiếm dụng vỉa hè Ông Nguyễn Xuân Lưu - Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân vừa gửi thư ngỏ đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn đề nghị không chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện không đúng quy định. Thông qua thư ngỏ, ông Nguyễn Xuân Lưu cho rằng, để...