Gianh giới giữa ’sếp’ và ‘lính mới’
Nếu bạn là một nhân viên mới được tuyển dụng, bạn sẽ sợ sếp của mình. Bạn luôn phải để ý xem thái độ của sếp đối với mình ra sao, phải làm cho hết công việc sếp giao và không được phép sai sót.
Ngoài giờ làm việc bạn sẽ không được từ chối những việc sếp nhờ… nói chung bạn phải cố gắng làm hài lòng sếp để công việc của bạn được trôi chảy, hay nói cách khác là bạn được sếp quý, hoặc ít nhất không đưa vào “tầm ngắm” để “trù dập”. Và người ta ví nhân viên mới như là “dâu mới”.
Tôi đã qua cái thời làm nhân viên mới lâu rồi, và bắt đầu một trải nghiệm tương tự đó là làm dâu mới. Nghe những cô bạn “đi trước” tư vấn lại, thì làm dâu mới còn căng thẳng hơn làm nhân viên mới nhiều, bởi nếu sơ suất khi làm nhân viên mới, bạn có thể bị mất việc nhưng bạn vẫn có cơ hội tìm việc khác, còn nếu dâu mới sơ suất, không những không thể “thay” được mẹ chồng mới mà còn phải chịu cảnh “trù dập” dài hạn.
Vì thế cho nên việc chuẩn bị làm dâu mới của tôi quả là một áp lực nặng nề, khi đám cưới của chúng tôi diễn ra giáp tết và tôi phải thể hiện bản lĩnh dâu mới trong thử thách là cái tết đầu tiên ở nhà chồng.
“Mẹ chồng cậu nhìn mặt là đã thấy ghê gớm rồi”. Cô bạn thân lo lắng cái hôm tháp tùng đưa dâu. Nó nắm chặt tay tôi cứ như thể tiễn tôi đi lính. Mà ai cũng nói thế thật, mẹ chồng tôi trông khá sắc sảo, ăn diện, trang điểm hiện đại, lại có trình độ thạc sỹ, là giảng viên một trường đại học. So với mẹ chồng thì tôi không là “cái đinh gì” về cả trình độ lẫn gia cảnh. Chính vì thế, tôi nắm chắc phần bị mẹ chồng át vía. Chồng tôi thì lúc nào cũng bảo “Mẹ anh hiền lắm, mẹ chồng Hàn Quốc đấy”. Anh ví mẹ như mấy bà mẹ chồng trong phim Hàn, đa phần là chiều con dâu, nhưng tôi không tin lắm.
Sau đám cưới hai vợ chồng đi trăng mật được mấy hôm rồi trở về nhà vào những ngày giáp tết. Cũng như những cô dâu khác, tôi bắt đầu thể hiện bản thân bằng việc bếp núc. Chồng thì đi giải quyết nốt mấy công việc, bố mẹ chồng thì dắt nhau đi chợ hoa, tôi dường như không có cứu cánh, đơn thương độc mã trong cái bếp rộng mà lòng hoang mang. 5 giờ chiều, bố mẹ chồng tôi về nhà, thấy tôi loay hoay trong bếp, mẹ chồng tôi bảo: “Con làm cái gì trong đó, ra đây cắm hoa cho mẹ”. Tôi lật đật chạy ra, nghĩ lại cái hồi làm nhân viên mới, sếp gọi một cái là giật mình chạy tới như phản xạ vô điều kiện. Mẹ chồng tôi đưa cho tôi mấy mớ hoa: “Lọ ở dưới gầm tủ bếp, con thích cắm thế nào thì cắm, ở phòng khách một lọ, phòng bếp một lọ, ban thờ một lọ”, rồi bà gọi bố chồng tôi: “Ông xem cơm nước thế nào, tôi nghỉ một tí nhé”. Nói xong mẹ tôi đi lên phòng.
Video đang HOT
Tôi cắm hoa, bố chồng nấu cơm, chẳng mấy chốc đã thấy mùi thơm bốc lên thơm nức mũi. Bố chồng tôi vừa bày thức ăn ra đĩa vừa bảo: “Mẹ con thích ăn những món bố nấu nhất đấy. Ngày xưa bố tán mẹ bằng cách nấu cho bà ấy ăn vài món sở trường”. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì tài nấu nướng của bố chồng, bởi ông ấy là giám đốc một công ty lớn. Ông vừa trò chuyện vừa dạy tôi cách làm món cá kho theo cách cổ truyền. Chồng tôi về cũng lăn ngay vào bếp dọn chén đĩa.
Ăn cơm xong, như những cô dâu mới khác là làm công việc dọn dẹp rửa bát, nhưng mẹ chồng tôi lại bảo: “Con ra ngoài kia gọt hoa quả ăn đi, để mẹ rửa”. Bố chồng tôi thêm vào: “Nhà có máy rửa bát nhưng mẹ mày cứ thích rửa, chắc là ấy chuộc lỗi vì không tham gia nấu cơm ấy mà”. Cả nhà cười vui. Tôi không ngờ, ngày đầu tiên làm dâu mới lại dễ chịu đến thế.
Tết đến, mẹ chồng giao cho tôi mấy việc cỗ bàn rồi bảo: “Con cứ làm theo ý con, như thể con là bà chủ gia đình ấy”. Được phép chủ động, tôi tha hồ thể hiện bàn tay khéo léo của mình cộng thêm việc tra cách nấu ăn trên mạng nữa. Việc làm cơm cúng gia tiên cái gì không biết thì mẹ chồng tôi chỉ bảo, đặc biệt là bà không bao giờ để ý hay có ý kiến gì về việc tôi đã làm. Đến bữa ăn, mọi người đều khen đồ tôi nấu rất ngon, mới lạ và bày biện trông đẹp mắt. Khoảng cách với “sếp” không còn nữa, bất cứ điều gì về “chuyên môn” mà tôi cần học hỏi tôi đều có thể hỏi “sếp”. Sếp không những chỉ dẫn rất tận tình mà còn kèm theo lời động viên: “Dễ thôi mà, con làm được tốt”. Cái tết trôi qua nhanh chóng và thật dễ chịu.
Có lần tôi tâm sự với mẹ chồng: “Ai cũng bảo mẹ khó tính nên hồi đầu con rất sợ”. Mẹ cười bảo tôi: “Mẹ là giảng viên khó tính nhất trường đấy, nhưng con là con trong nhà, cho nên cha mẹ nào cũng lấy sự bao dung để đối xử. Mọi sự khắt khe chỉ được đáp lại bằng thái độ sợ sệt, không bao gồm sự tôn trọng và yêu thương”.
Qua cái tết, giữa tôi và mẹ không còn khoảng cách “lính mới” và “sếp” nữa. Bà đã cho tôi một ngôi nhà mới ấm áp khi tôi rời ngôi nhà quen thuộc của mình, và cả một mùa xuân với những khởi đầu mới ngập tràn hạnh phúc.
Theo Phununews
Mưu đồ vượt qua cái Tết của gã bạn trai 'bắt cá hai tay'
Nàng đâu có biết trong lòng gã bạn trai bắt cá hai tay đang nở nụ cười đắc thắng: "Vậy là kế hoạch nhằm vượt qua cái Tết mà không bị em nào nghi ngờ đã thành công mỹ mãn..."
Tối 27 tháng Chạp, nàng và mấy người bạn tổ chức tiệc tất niên chia tay nhau trước khi về quê ăn Tết. Cả nam cả nữ cũng gần chục người. Nàng đã thông báo với bạn trai từ hôm trước, lúc ấy chàng ậm ừ không nói gì. Thế mà tối hôm sau, lúc nàng đang tưng bừng nâng ly với hội bạn thì chàng gọi hối liên tục, mới có 9 giờ tối mà một mực bắt nàng phải về ngay lập tức.
"Con gái con đứa mà rượu chè nhậu nhẹt, lại còn đi uống với đàn ông thế hả? Tôi biết thừa rồi, cô còn định đi tăng hai với chúng nó, xong vào quán karaoke ôm ấp, hôn hít trêu ghẹo nhau chứ gì? Rồi sáng tỉnh dậy lại phát hiện mình đang ở trong khách sạn với trai lạ thì vui nhỉ!", chàng bỗng dưng nổi cơn lôi đình. Nàng nóng mặt, nói lại vài câu rồi cúp máy. Trước nay chàng đâu có vô lí như vậy, không hiểu sao hôm nay ăn phải cái gì nữa.
Nàng nghĩ bụng, kệ chàng, khi nào về sẽ nói chuyện lại sau, chứ chẳng có lí gì nàng lại bỏ về giữa chừng cả.
Thế nhưng hôm ấy, tàn cuộc về tới nhà, muốn gọi cho chàng mà điện thoại của chàng đã ở chế độ không liên lạc được. Chiều hôm sau, 28 Tết, dự định của hai người là chàng đưa nàng ra bến xe để bắt xe về quê, nhưng khi nàng thu dọn xong xuôi hành lí mà vẫn không gọi được cho chàng. Nàng phóng qua nhà trọ của chàng thì được tin, chàng đã về quê từ trưa rồi. Chán nản, nàng tự một mình đón xe về.
Về quê, nàng vẫn không tài nào gọi được cho chàng. Đến lúc này nàng thấy lo lo, lẽ nào chàng định cứ thế im lặng mãi sao? Nàng thở dài chán nản, giá kể hôm đấy nàng mềm mỏng với chàng hơn thì có lẽ chàng cũng không giận tới mức ấy. Hơn nữa, chàng có yêu thì chàng mới ghen chứ, không phải sao?
Đúng chiều 30 Tết, nàng bỗng nhận được tin nhắn của chàng: "Đừng có gọi cho anh làm gì, cũng đừng nhắn tin nữa. Anh muốn yên tĩnh mấy ngày Tết để suy nghĩ lại về chuyện của chúng ta. Em nói em yêu anh nhưng em không hề để ý đến cảm nhận của anh, em muốn làm gì vẫn khăng khăng làm bằng được khiến anh rất buồn, thấy mình chẳng là gì đối với em cả, còn không bằng một cuộc vui bên ngoài của em. Lúc nào lên lại thành phố anh sẽ gọi cho em sau, khi ấy mình sẽ nói chuyện lại".
Nàng vội gọi lại cho chàng thì nghe một câu thoại không mấy vui vẻ: "Thuê bao quý khách gọi tạm thời không liên lạc được...". Vậy là chàng định "chiến tranh lạnh" với nàng cả Tết này ư? Đã ở xa nhau mỗi đứa 1 quê rồi, giờ lại còn không được nói chuyện với nhau nữa thì nàng sẽ phải làm sao với nỗi nhớ chàng bây giờ?
Cả Tết nàng làm gì cũng chẳng thấy vui. Nàng nhớ chàng quay quắt, không biết giờ này chàng đang làm gì, có nhớ nàng hay không, chỉ muốn phi thật nhanh vượt qua 200km để đến bên chàng mà thôi. Nàng đếm từng ngày từng ngày trôi qua dài thườn thượt, mong tới lúc đi làm lại để lên thành phố gặp chàng. Nàng sẽ xin lỗi chàng vì đã để chàng phải lo lắng, nếu chàng không thích nàng đi tiệc tùng với bạn bè thì nàng sẽ tiết chế, chỉ tham gia khi thật cần thiết mà thôi.
Ngóng trông mãi cũng tới ngày đi làm lại, nàng hồi hộp và háo hức xách vali lên thành phố. Chàng đã vừa nhắn tin cho nàng rồi, hẹn tối gặp nhau ở quán café quen của 2 người. Nàng vui lắm, vậy là có tín hiệu tốt phải không? Chàng đã nguôi giận và nhất định là không để bụng chuyện cũ nữa đâu!
Nhìn thấy chàng, nàng cứ ngỡ như là cả thế kỉ rồi chưa gặp nhau vậy. Bao nhớ nhung dồn nén, nàng lao vào ôm chàng một cái thật chặt mà nước mắt tuôn rơi lã chã. Chàng cười dịu dàng, vỗ nhẹ vai nàng dỗ dành cho nàng nín khóc. Nhưng nàng lại càng khóc to hơn: "Sao anh nỡ đối xử với em như thế? Có chuyện gì thì cũng phải nói cho rõ ràng chứ. Mọi chuyện đều có thể bàn bạc thương lượng và em sẽ sửa đổi mà!".
Chàng siết chặt vòng ôm, trìu mến vuốt tóc nàng: "Được rồi, là anh sai, lần sau có giận cũng sẽ không làm như thế nữa. Vì anh cảm thấy bị coi thường, lại nghĩ tới cảnh em đi ăn uống, hát hò với mấy gã đàn ông khác nên nổi cơn ghen mà thôi. Đừng khóc nữa, nín đi, anh cũng có chỗ sai, anh sẽ sửa...". Nàng vừa ngạc nhiên vừa vui sướng, hóa ra chàng bao dung và hiểu chuyện thế này, báo hại nàng cứ lo lắng rồi suy nghĩ nhiều. Vậy là tốt rồi, nàng có thể yên tâm rồi. Nàng dụi đầu vào ngực chàng, hít hà mùi hương yêu dấu quen thuộc, trong lòng ngập tràn yêu thương, ngọt ngào.
Nàng đâu có biết trong lòng gã bạn trai bắt cá hai tay đang nở nụ cười đắc thắng: "Vậy là kế hoạch nhằm vượt qua cái Tết mà không bị em nào nghi ngờ đã thành công mỹ mãn. Khổ lắm, có một người yêu ở quê, thêm một người yêu trên thành phố, mỗi lần về bên em này lại cứ phải "tính kế" em kia như thế đấy! May mà mình thông minh nhanh trí...".
Theo Phununews
Bí mật sau tấm bình phong của chồng và cô đồng nghiệp, khiến tôi đau đớn vô cùng Lòng chị ngổn ngang lắm, chị muốn đi đâu đó một thời gian để bình tĩnh suy nghĩ. Nhưng cuộc sống bộn bề, đâu mới là nơi chị có thể tìm thấy bình an. Chị Xuân quanh năm chỉ làm việc, chăm lo gia đình. Anh Hoàng, chồng chị cũng thuộc dạng hiểu chuyện, biết trước sau, là người đàn ông tốt. Hai...