Giang Trang lánh mình khỏi showbiz để hát nhạc Trịnh
Giang Trang từng từ chối lời hát trong các đêm nhạc Trịnh Công Sơn vì không muốn xuất hiện với vai trò ca sĩ. Cô chỉ tự nhận mình là một người yêu nhạc Trịnh.
Giang Trang có thể là một cái tên khá xa lạ trong showbiz Việt nhưng lại được nhiều khán giả yêu nhạc Trịnh biết tới. Cô từng cho ra album Lênh đênh nhớ phố, Hạ huyền và mới đây nhất là Hạ huyền 2 gồm những sáng tác của cố nhạc sĩ tài hoa gốc Huế.
Từng có thời gian theo học guitar cổ điển nhưng Giang Trang lại rẽ sang một bước ngoặt khác khi thi đỗ vào trường Đại học Ngoại thương. Trong những năm tháng sinh viên, cô thường hát nhạc Trịnh Công Sơn. Giọng hát của cô có cái thản nhiên và u hoài nên tìm thấy sự đồng vọng với ca từ và âm nhạc của cố nhạc sĩ.
Rời giảng đường, cuộc sống mưu sinh cuốn Giang Trang rời xa âm nhạc. Sau khi lấy chồng sinh con, Giang Trang rơi vào trạng thái trầm cảm. Cô một lần nữa tìm tới nhạc Trịnh để giải tỏa những chất chứa trong lòng. Với Giang Trang, nhạc Trịnh giống như điểm tựa tinh thần. Chính vì thế, khi nghe album Hạ huyền đầu tiên, người nghe thấy nó mang nặng tự sự cá nhân.
Tới Hạ huyền 2, giọng hát của Giang Trang vẫn có nét u hoài nhưng đã nhẹ nhõm hơn. Giang Trang hát các ca khúc nhạc Trịnh với tinh thần của một người dường như đã tìm được sự yên tĩnh trong lòng và nhìn ra thế giới.
Video đang HOT
Giang Trang chia sẻ mình hát với tâm thế của một khán giả yêu nhạc Trịnh, thế nhưng giọng ca này lại có dịp cộng tác với những tay guitar nổi tiếng nhất Hà Nội như Anh Hoàng, Thanh Phương.
Giang Trang có mối quan hệ khá thân thiết với gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bà Trịnh Vĩnh Trinh – em ruột cố nhạc sĩ – từng nhiều lần mời cô tham gia các đêm nhạc tưởng nhớ anh trai nhưng cô đều từ chối. Giang Trang không muốn xuất hiện với vai trò ca sĩ. Cô cũng không muốn kể về tình thân với gia đình cố nhạc sĩ vì cho rằng, đó là chuyện riêng tư, chưa tới lúc chia sẻ với công chúng.
Sau khi giới thiệu Hạ huyền 2 tới công chúng Hà Nội vào tháng 3, Giang Trang mang sản phẩm âm nhạc mới nhất của mình tới Paris (Pháp) và Munich (Đức) trong đầu tháng 4.
Theo Zing
Đặt dấu chấm lặng vào quá khứ
Có những ca khúc mang một đời sống kỳ lạ, đi vào tâm thức của lịch sử, gắn với một giai đoạn và người hát trở thành biểu tượng của thời khắc ấy.
Những ca khúc thời chiến cũng không là ngoại lệ, cho dù đứng ở phía nào, nó cũng nói lên cuộc chiến tương tàn, nỗi đau thương mất mát và hơn thế - khát vọng hòa bình, hay chỉ đơn thuần là mong ước được trở về cuộc sống bình thường nhất. Nhiều năm qua, cũng vì lịch sử mà có những bài hát không được mang trở lại đời sống, vì nó chứa đựng cả những vết thương chia cắt. Đến hôm nay, sự trở lại của những ca sĩ một thời gắn bó với những ca khúc ấy đã trở thành cầu nối để con người bước qua thế kỷ thù hận, đi đến hòa giải dân tộc.
Một tình yêu thương vô điều kiện
Nhiều người cho rằng, sự trở về của "người cuối cùng" - ca sĩ Khánh Ly có thể xem là một cách hóa giải quá khứ. Thế nhưng, sau lần trì hoãn đầu tiên, đến lần thứ hai, công chúng trong nước mới được diện kiến giọng hát tri âm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cuộc trở về dồn nén, nhiều trở ngại, đến mức nhiều khán giả ở trong tâm trạng "nín thở" chờ ngày bà trở về, cuối cùng cũng được thỏa mãn, chỉ vướng víu đôi chút chuyện bản quyền nhạc Trịnh.
Nhưng bỏ qua tất cả những tiểu tiết đó, sự trở về để cống hiến những phút thăng hoa của nghệ sĩ là chuyện đáng bàn hơn cả. Bản thân Khánh Ly cũng ngạc nhiên trước sự yêu mến nồng hậu của công chúng đối với bà. Một tình yêu thương vô điều kiện, chỉ vì vẻ đẹp trong giọng hát của bà, mang lại cho họ hoài niệm của một thời dĩ vãng, thời sinh viên lên đường "nối vòng tay lớn". Và bà, một lần nữa, đã làm sống lại những giây phút ấy, giây phút mà chỉ âm nhạc Trịnh Công Sơn mới đủ sức chạm đến những trái tim yêu hòa bình từng rớm máu, và phải qua giọng hát Khánh Ly mới đủ sức thổi bùng lời ca hy vọng.
Bà chia sẻ nỗi khát khao được hát trên quê hương: "Tôi ước ao được hát tới tắc tiếng rồi chết luôn cũng được. Với người nghệ sĩ, đôi khi hát không phải vì tiền, không phải vì danh mà là được hát. Họ hát vì chính họ. Đó là lý do vì sao ca sĩ đã vướng vào nghiệp này thì không bỏ được".
Trong buổi biểu diễn đầu tiên, bà nhiều khi không cầm được nước mắt: "Tôi yêu những tình khúc Da Vàng, bởi ở đó có những thân phận, mảnh đời, có quê hương. Chúng ta luôn hãnh diện được là người Việt Nam. Tôi luôn mong quê hương được bình an".
Một vết thương đã mờ sẹo
Trước cuộc trở về của Khánh Ly, có một sự kiện quan trọng đáng chú ý khác, là sau 12 năm chờ đợi, 14 ca khúc phản chiến, hay còn gọi là ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn được lưu hành trở lại. Lần đầu tiên, sau năm 1975, vào tháng 3/2014, các ca khúc Da Vàng của ông được cất lên ở Phú Mỹ Hưng (TPHCM) trong một đêm nhạc kỷ niệm 12 năm ngày mất của nhạc sĩ. Vậy là cách nhìn nhận của những người quản lý văn hóa đã thông thoáng, cởi mở, khi không còn đánh đồng những bài hát phản chiến thành những bài "nhạy cảm".
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh kể, Trịnh Công Sơn rất yêu ca khúc phản chiến của mình. "Sống trong cảnh đất nước bị chia cắt, chiến tranh, anh ấy mong muốn người Việt Nam với nhau phải sống trong tình yêu thương, sự đoàn kết. Ước mơ lớn nhất của anh tôi là đất nước được hòa bình, Nam Bắc một nhà. Giờ đây các ca khúc của anh ấy được đến với công chúng hôm nay, sẽ giúp người thế hệ hôm nay hiểu anh hơn và hiểu hơn giá trị của hòa bình, thống nhất". Đây cũng là tiền lệ mở màn cho cuộc trở về của Khánh Ly bằng xương bằng thịt, chứ không phải là sự trở về trên thị trường băng đĩa hải ngoại.
Câu chuyện trở về của Khánh Ly phức tạp, tốn nhiều thời gian, nhiều công sức cũng như giấy mực bao nhiêu, thì sự trở về của các nghệ sĩ hải ngoại trước đó cũng mang tính chất hy hữu không kém. Đầu tiên là sự trở về của nhạc sĩ Phạm Duy, bởi ông nhận ra đây là nơi ông muốn được sống cuối đời.
Tiếp đến là cuộc trở về đầy trắc trở của Thanh Tuyền, sau đó là Chế Linh. Mặc dù thế, cả hai đều có những giây phút bùng nổ nhớ mãi với khán giả Hà Nội. Mặc dù sau live show ở Hà Nội, Chế Linh gặp sự cố phải hủy diễn ở TPHCM, phải nhập viện vì bị sốc, thì một thời gian sau, người nghệ sĩ 70 tuổi vẫn trở lại sung sức để hát ở Bình Dương, sau đó đến Tiền Giang, Cần Thơ, và sang năm hát ở Đắk Lắk, Hà Nội.
Sự trở về của những nhân chứng lịch sử ấy tiếp theo sau cuộc đổ bộ ồ ạt của làn sóng ca sĩ hải ngoại - từ Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Giao Linh, Tuấn Vũ, Elvis Phương..., cho thấy xu thế không cưỡng lại được của trào lưu nghệ sĩ hội ngộ trên quê hương. Vì sao khán giả trong nước yêu thương họ đến thế? Âm nhạc có thể làm được điều mà không ai có thể ngờ được- xóa đi những vách ngăn, những vết sẹo trong một cơ thể, một gia đình, một xã hội, một đất nước. Chỉ có âm nhạc mới giúp con người đặt được dấu chấm lặng vào quá khứ, hướng về một thế giới tốt đẹp hơn.
"Tôi yêu những tình khúc Da Vàng, bởi ở đó có những thân phận, mảnh đời, có quê hương. Chúng ta luôn hãnh diện được là người Việt Nam. Tôi luôn mong quê hương được bình an" - Khánh Ly.
Theo Báo Lao Động
Khánh Ly công bố giấy cho phép tác quyền của Trịnh Công Sơn Từ Mỹ, danh ca Khánh Ly gửi về bài tùy bút chia sẻ kỷ niệm của bà với Trịnh, kèm tài liệu cho thấy Trịnh nhận tác quyền và cho phép bà sử dụng tác phẩm của ông ở mọi thời điểm. Bài tùy bút được bà đặt tựa "Chữ ký cuối cùng của một người dành riêng cho một người", chia sẻ...