Giáng Son: ‘Truyền hình thực tế là tất yếu nhưng có hệ lụy’
Tác giả của “Bóng tối Jazz” cho rằng, quá nhiều truyền hình thực tế khiến không ít thí sinh ảo tưởng về tài năng và nhanh chóng “chết chìm” trong biển người khi ra khỏi cuộc thi.
Giáng Son là một trong những nữ nhạc sĩ hàng đầu của nhạc nhẹ Việt Nam hiện nay. Âm nhạc của chị được đánh giá là nữ tính, giàu tính tự sự và không ngừng tìm tòi. Ngoài vai trò sáng tác nhạc, Giáng Son còn được biết đến là một giảng viên đại học và thành viên hội động nghệ thuật của nhiều chương trình âm nhạc trên truyền hình. Nữ nhạc sĩ đã có những chia sẻ chân thành với Zing.vn trước sự biến mất của Bài hát Việt, Bài hát yêu thích, Sao mai điểm hẹn và sự bùng nổ của truyền hình thực tế.
Nhạc sĩ Giáng Son. Ảnh: Lê Quang Đức
- Nhiều ý kiến cho rằng sự biến mất của Bài hát yêu thích, Bài hát Việt hay Sao mai điểm hẹn xuất phát từ sự bùng nổ của truyền hình thực tế. Chị nghĩ sao?
- Tôi nghĩ một phần do các chương trình đó cũng có tuổi đời quá lâu rồi. Khán giả đã quá quen thuộc với format của chương trình nên không có gì mới lạ nữa. Và một điều nữa là các chương trình đó đều nghiêm túc và rất chuyên môn nên có thể khiến một số khán giả khó hiểu. Sự bùng nổ của truyền hình thực tế thoả mãn nhu cầu cả thèm chóng chán, thích cái mới lạ, thay đổi liên tục, mang tính giải trí là chính của các khán giả bây giờ.
Sự phát triển này là tất yếu nhưng cũng có hệ luỵ của nó. Quá nhiều chương trình thực tế và liên tục khiến cho người xem không nhớ nổi được ai là quán quân mùa trước và có những quán quân mất hút không để lại dấu vết gì! Truyền hình thực tế còn làm cho các thí sinh quá ảo tưởng về tài năng và bản thân mình do sự tung hô trong cuộc thi nhưng khi ra khỏi cuộc thi thì “chết chìm” trong biển người cũng như mình.
- Là thành viên hội đồng nghệ thuật của nhiều chương trình âm nhạc, theo chị, đối tượng nào chịu nhiều thiệt thòi nhất khi những chương trình nghệ thuật kể trên không còn tồn tại?
- Đối với Bài hát Việt thì sự thiệt thòi đó đầu tiên là các bạn sinh viên đang học chuyên ngành sáng tác tại các trường nghệ thuật. Sau đó là các bạn trẻ tự do nhưng lại yêu thích sáng tác. Suốt 10 năm qua Bài hát Việt đã nâng đỡ rất nhiều những tên tuổi trẻ từ vô danh thành nổi tiếng như bây giờ. Đó là một chương trình tuyệt vời cho các bạn trẻ sáng tác.
- Trước sự chấm dứt của Bài hát Việt, chị có nghĩ rằng các tác giả trẻ đang thiếu những sân chơi chuyên nghiệp để hoàn thiện kỹ năng sáng tác của mình?
- Ngày nay với sự bùng nổ của internet thì việc tự học cũng được dễ dàng hơn. Việc hoàn thiện kỹ năng sáng tác cũng có thể học theo nhiều cách khác nhau. Nhưng cái quan trọng là Bài hát Việt là một bệ phóng rất tốt cho các giả trẻ đưa các tác phẩm của mình đến với các khán giả nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn.
- Các ca khúc nhạc nhẹ theo phong cách dân gian đương đại thường được giới thiệu thành công ở Bài hát Việt hay Sao mai điểm hẹn. Liệu thể loại âm nhạc này có trở nên khó khăn trong hành trình đến với công chúng trước sự dừng lại của hai chương trình trên?
- Mỗi một thời điểm thì các dòng âm nhạc lại được yêu thích khác nhau. Có những năm dân gian đương đại lên ngôi mạnh mẽ, còn bây giờ chúng ta đang thấy dòng nhạc điện tử thời trang đang tràn ngập khắp nơi. Xu hướng tất yếu của thời đại chúng ta phải chấp nhận. Nhưng khán giả yêu thích cái gì thì vẫn cứ tìm nghe cái đó mà thôi.
- Năm vừa qua, làng nhạc Việt có nhiều thay đổi về xu hướng âm nhạc, các nhạc sĩ không còn mặn mà với việc làm đĩa nhạc. Theo chị, đâu là lý do?
- Cũng là vì sự thay đổi thói quen nghe nhạc của khán giả. Họ thích tìm nhạc trên internet nhiều hơn, dễ dàng hơn. CD kiểu truyền thống làm ra rất ít người mua, chỉ có những fan ruột của nghệ sĩ mới mua ủng hộ mà thôi. Điều đó cũng làm cho các nghệ sĩ cân nhắc rất nhiều khi quyết định có ra sản phẩm bằng CD nữa hay không.
Video đang HOT
Tác giả của “Giấc mơ trưa” chia sẻ rằng, CD truyền thống làm ra rất ít người mua nên các nghệ sĩ cũng phải cân nhắc. Ảnh: Lê Quang Đức
- Ca sĩ Hà Trần mới đây cũng chọn một cách hoàn toàn mới ở Việt Nam là phát hành album online có thu phí thay vì album truyền thống. Chị nghĩ sao về xu hướng này?
- Đó là sự lựa chọn thông minh trong thời buổi này. Hầu hết các ca sĩ bây giờ lựa chọn phát hành online, vừa nhanh chóng đến với các khán giả vừa đỡ tốn công in ấn CD, mất rất nhiều công sức.
- Khi thực hiện đĩa “Bóng tối Jazz”, chị có từng nghĩ đến một hình thức phát hành tương tự như Hà Trần?
- Quả thật tôi cũng suy nghĩ rất nhiều khi lựa chọn hình thức phát hành online hay CD truyền thống. Và cuối cùng tôi chọn phát hành CD truyền thống vì tôi tin vẫn có một số khán giả thích cầm sản phẩm bằng CD trên tay để lưu giữ làm kỷ niệm. Sau đó, tôi cũng có phát hành online trên một trang chia sẻ nhạc có thu phí.
Theo Zing
Dấu ấn các cuộc thi ca nhạc truyền hình với Vpop
Dù đã khai tử nhưng các chương trình như Bài hát Việt, Bài hát yêu thích hay VTV Bài hát tôi yêu có tác động không hề nhỏ đến đời sống âm nhạc Việt Nam trong hơn 2 thập niên qua.
Ở mỗi giai đoạn, các chương trình về âm nhạc trên truyền hình đều tác động không nhỏ đến đời sống Vpop. Cách đây hơn 10 năm, VTV - Bài hát tôi yêu là cú hích với thị trường video ca nhạc. Cùng với đó, chương trình Bài hát Việt ra đời như một sân chơi mới và cần thiết cho những nhạc sĩ trẻ.
Cách đây 8 năm các cuộc thi Vietnam Idol, The Voice sản sinh lứa ca sĩ đáp ứng được thị hiếu khán giả. Gần hơn một chút là Bài hát yêu thích với nỗ lực xây dựng một bảng xếp hạng âm nhạc uy tín.
Bài hát Việt: Nơi sản sinh ra nhiều nhạc sĩ tài năng
Chương trình Bài hát Việt vừa nói lời chia tay khán giả sau 11 năm phát sóng. Đây là "sân chơi" gần như duy nhất cho nghệ sĩ sáng tác tại Việt Nam. Bài hát Việt đã sản sinh ra nhiều nhạc sĩ tài năng cho nền âm nhạc đại chúng của Việt Nam; đồng thời là nơi đưa khái niệm nhạc sĩ hòa âm phối khí đến gần hơn với công chúng.
Hơn 1 thập kỷ tồn tại, Bài hát Việt từng có lúc cực thịnh, là nơi để các nhạc sĩ thể nghiệm các sáng tạo nghệ thuật của mình. Điển hình, dòng nhạc dân gian đương đại với những tên tuổi như Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Đức Nghĩa phát triển thành xu hướng và thể loại mới chính là từ đây.
Chương trình Bài hát Việt là sân chơi chuyên nghiệp cho các nhạc sĩ.
Bên cạnh đó, nhiều nhạc sĩ nổi tiếng hiện tại như Lưu Thiên Hương, Giáng Son, Nguyễn Đức Cường, Phạm Hải Âu, Thanh Tâm... hay trẻ hơn với Phạm Toàn Thắng, Kai Đinh, Lê Đức Hùng (Mew Amazing) đều trưởng thành từ cái nôi này.
Cùng với việc hình thành nên lớp nhạc sĩ sáng tác mới, nhiều tác phẩm âm nhạc cũng dần đi sâu vào công chúng với những sáng tạo độc đáo. Không chỉ những ca khúc đạt bài hát của năm như À í a, Chuông gió, Con cò, Chênh vênh... mà những bài hát xuất hiện trong chương trình cũng đã tạo thành hit, được khán giả yêu thích.
Bài hát yêu thích: Tham vọng tạo nên BXH uy tín
Bài hát yêu thích là sự kiện âm nhạc hàng tháng được khán giả yêu nhạc trong nước quan tâm. Không chỉ lựa chọn những tác giả, tác phẩm đang nổi bật trên thị trường, chương trình cũng đề cao các tiêu chí trình diễn, chất lượng âm thanh...
Qua 4 năm, chương trình đã tổ chức 48 live show với 540 ca khúc được biểu diễn; phần nào tạo nên một BXH phản ánh thị hiếu của khán giả cũng như sân chơi cho những tác giả, tác phẩm chất lượng của Vpop.
Hoài Lâm nhận giải Bài hát yêu thích của năm 2015, khép lại chương trình này sau 4 năm phát sóng.
Chương trình đã tìm ra những bài hát yêu thích của năm do khán giả bình chọn như Chiếc khăn Piêu (Tùng Dương, 2012), Chiếc vòng cầu hôn(Đàm Vĩnh Hưng, 2013), Quê em mùa nước lũ (Phương Mỹ Chi, 2014) vàCó khi (Hoài Lâm, 2015).
Dù đề cao việc đưa ra BXH những ca khúc thịnh hành nhưng chương trình vẫn có độ vênh nhất định với thị hiếu nghe nhạc của công chúng hiện nay. Cũng chính vì điều này, ban tổ chức đã quyết định ngừng sản xuất để đổi mới.
Sao Mai điểm hẹn - Cuộc thi ca nhạc truyền hình đầu tiên của Vpop
Năm 2004, Sao Mai điểm hẹn lần đầu tiên lên sóng VTV3. Đây là phép thử cho thị hiếu khán giả về các cuộc thi ca nhạc trên truyền hình trước khi một loạt chương trình mua bản quyền nước ngoài "chiếm sóng" nhà đài.
Sao Mai điểm hẹn đã cống hiến một lứa ca sĩ mới của nhạc Việt như Hà Anh Tuấn.
Sao Mai điểm hẹn chính là nơi phát hiện và cống hiến lứa ca sĩ mà đến hôm nay đã là trụ cột của Vpop. Đó là Tùng Dương, Phương Anh, Ngọc Anh, Hà Anh Tuấn, Anh Khoa, Ngọc Khuê, Lưu Hương Giang... Tiếc rằng trong những năm gần đây, chương trình không tạo được sức hút mạnh như những mùa đầu lên sóng và các ca sĩ được vinh danh chưa định danh được rõ ràng trong làng nhạc. Nhưng không thể phủ nhận Sao Mai điểm hẹn vẫn là dấu ấn quan trọng, có ảnh hưởng nhất định tới đời sống nhạc Việt thời gian qua.
Vietnam Idol, Giọng hát Việt: Cuộc thi tìm kiếm tài năng
Format mới lạ và văn minh là yếu tố đầu tiên thu hút khán giả khi những cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc bắt đầu xuất hiện trên truyền hình.
Uyên Linh từ hiện tượng của Vietnam Idol đến ngôi sao ca nhạc được đông đảo khán giả yêu thích.
Tỷ suất người xem của những chương trình này đã phần nào tác động đến thói quen và sự quan tâm của khán giả nghe nhạc nội địa. Sự thịnh hành của những chương trình này cũng khiến cho nền âm nhạc Việt Nam có sự thay đổi nhất định.
Từ các cuộc thi này, Vpop có một lứa ca sĩ mới đáp ứng được nhu cầu cũng như thị hiếu khán giả như Phương Vy, Thảo Trang, Uyên Linh, Văn Mai Hương, Hương Tràm, Hoàng Tôn, Vũ Cát Tường... Trong những năm vừa qua, họ không ngừng khẳng định tên tuổi, trở thành những ngôi sao ca nhạc được khán giả yêu thích.
Tuy nhiên, mặt trái của truyền hình thực tế chính là scandal cũng như sự lăng-xê quá mức đối với nhiều tên tuổi chưa đủ thực tài. Nhiều giọng ca bước ra từ các cuộc thi này lần lượt "chết yểu" vì không thể trụ lại với sự đào thải khắc nghiệt của showbiz.
VTV Bài hát tôi yêu: Đẩy mạnh làn sóng video ca nhạc
MTV trở thành "đế chế" về âm nhạc trong những thập niên 1990 và 2000. So với những nền âm nhạc phát triển trên thế giới, đây là thời kỳ Vpop còn khá khan hiếm các video ca nhạc (MV). Chương trình VTV - Bài hát tôi yêu có thể được xem là sự "đi tắt đón đầu", có nét giống với MTV.
Dù vẫn còn nhiều bàn tán chưa thỏa đáng về nhưng phải thẳng thắn công nhận rằng, đây là chương trình đẩy mạnh làn sóng làm video ca nhạc của nghệ sĩ. Từ sân chơi này, nhiều video ca nhạc với ý tưởng độc đáo đã đến được với khán giả.
Chương trình VTV - Bài hát tôi yêu từng đẩy mạnh làn sóng làm video ca nhạc thời kỳ đầu những năm 2000.
Bên cạnh đó, chương trình cũng được các ca sĩ đánh giá là dấu hiệu khởi sắc của Vpop. Mỹ Tâm, một trong những ca sĩ đầu tiên tham gia chương trình chia sẻ: "Qua VTV - Bài hát tôi yêu, âm nhạc Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển".
Trong khi đó, nữ ca sĩ Mỹ Lệ lại có niềm tin vào việc thúc đẩy sự phát triển âm nhạc đương thời. "Chương trình này sẽ giúp ca sĩ tăng tính chuyên nghiệp. Những bài hát hay sẽ góp thêm cho sự phát triển của ca khúc Việt Nam và biết đâu, từ đây sẽ đưa âm nhạc của nước nhà tiến vào thị trường MTV châu Á" - Nữ ca sĩ Và cơn mưa tới từng chia sẻ trên báo chí.
Theo Zing
Sau Bài hát Việt, sân chơi nào dành cho nhạc sĩ trẻ? Sự chấm dứt của Bài hát Việt sau 11 năm lên sóng đặt ra câu hỏi lớn với giới chuyên môn cũng như công chúng về một sân chơi mới và cần thiết cho những người sáng tác trẻ. Đêm Gala Bài hát Việt diễn ra ngày 22/1 tại Nhà hát Bến Thành, TP HCM để lại nhiều suy ngẫm cho giới làm...